Mạng xã hội: Hành lý "quá khổ" khi đi du lịch? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
02 Thg 07, 2019
Chất Lượng Sống

Mạng xã hội: Hành lý "quá khổ" khi đi du lịch?

Mạng xã hội lấy đi những gì từ chuyến du lịch của bạn.

Mạng xã hội: Hành lý "quá khổ" khi đi du lịch?

Mạng xã hội lấy đi những gì từ chuyến du lịch của bạn.

“Với một blogger du lịch, mạng xã hội là nền tảng để tôi thực hiện nghĩa vụ quảng bá. Tuy nhiên, ‘xê dịch’ luôn mang một nét đẹp riêng dù bạn có đăng tải nó hay không,” blogger Lý Thành Cơ chia sẻ với Vietcetera.

Quả thật, ngày nay mạng xã hội đã trở thành ‘người bạn đồng hành’ thân thiết nhất của người trẻ, với hơn 90% người tham gia khảo sát thừa nhận mình cập nhật Facebook liên tục suốt trong suốt chuyến đi.

Phát hiện này không hề gây bất ngờ bởi chúng ta vốn dĩ đã cho phép các trang mạng xã hội len lỏi vào cuộc sống mình từ lâu.

Mạng xã hội trong vali: Không miễn phí

Không như những blogger, hầu hết chúng ta không mang sứ mệnh truyền cảm hứng xê dịch, hay quảng bá cho một địa điểm. Nhưng khi post liên tục trên mạng xã hội, động cơ của ta cũng tương tự một blogger du lịch: thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Mỗi kiểu ảnh là một cơ hội khẳng định bản thân trước loạt hình ảnh lung linh ngập tràn mạng xã hội.

Mạng xã hội Hành lý quá khổ khi đi du lịch0
Mỗi phút bạn bỏ ra nhìn màn hình điện thoại là một phút bạn không ngắm nhìn thế giới ngoài kia.

Vẻ đẹp của sự xê dịch từ bao giờ được chúng ta định nghĩa qua lượt thích của những bức ảnh sau nhiều lần chỉnh sửa công phu. Chúng ta sẵn sàng hy sinh một bữa ‘ngon miệng’ để cho ra một bức ảnh ‘ngon mắt’ nhằm nhận lại sự trầm trồ của người xem. Từng dòng bình luận của “bạn bè” – những người chúng ta không đi cùng – luôn buộc ta phải bận tâm.

Những diễn biến ảo làm nhiễu mạch trải nghiệm, ngăn ta tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của chuyến đi. Nếu chuyến đi của bạn xuất phát từ nhu cầu khám phá của bản thân, việc liên tục cập nhật hành trình của bạn trên trang mạng xã hội trở nên dư thừa. Mỗi phút bạn bỏ ra nhìn màn hình điện thoại là một phút bạn không ngắm nhìn thế giới ngoài kia.

Dùng mạng xã hội khi đi du lịch, bạn vừa mất thời gian, trí lực, vừa mất tiền.

Từ góc độ kinh tế, sử dụng mạng xã hội khi du lịch là một sự lãng phí. Một chuyến du lịch châu Âu trong hai tuần tốn của bạn 3000$, tức trung bình mỗi giờ trôi qua trên châu lục này tốn $9. Nếu bạn vẫn dùng mạng xã hội ở mức trung bình (2,32 giờ/ngày), mỗi ngày bạn tốn 21$ cho việc mà ngày nào mình cũng làm ở nhà!

Vậy nếu để mạng xã hội ở nhà, bạn sẽ có một chuyến đi thế nào?

Để mạng xã hội ở nhà, kỉ niệm quý giá được ghi nhớ sâu sắc hơn

Khả năng làm nhiều việc một lúc (multitasking) thường được xem là một năng khiếu, thậm chí một kỹ năng mà người trẻ ngày nay cần phải trau dồi nhằm ‘sống sót’ dưới sức ép của các công việc hiện nay.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khoa học, não bộ chúng ta chỉ có thể tập trung và xử lý tốt từng yêu cầu một. Càng muốn não bộ hoàn thành càng nhiều việc trong một lúc, chất lượng của những công việc đó càng khó được đảm bảo.

Mạng xã hội Hành lý quá khổ khi đi du lịch1
Nhìn thấy một khung cảnh ấn tượng, thay vì cùng nhau thưởng thức chúng, ‘phản xạ’ đầu tiên của mọi người là chụp lại và tranh thủ đăng tải chúng.

Thay vì dành sự tập trung của mình để thưởng thức và ghi nhớ trọn vẹn vẻ đẹp hiếm hoi của cuộc sống xứ lạ, bạn tự phân tán sự chú ý của mình bằng hàng loạt công việc từ chụp, quay, chỉnh sửa cho đến đăng tải. Như một lẽ dĩ nhiên, những gì đọng lại sau chuyến đi là một album ảnh rõ nét, tuyệt đẹp, kèm theo đó là mớ ký ức mơ hồ, hỗn độn của bản thân.

Tuy bộ nhớ của con người yếu ớt và kém chính xác hơn rất nhiều so với các thiết bị điện tử, nó tài tình hơn ở chỗ nó cho phép ‘người dùng’ lưu trữ cảm xúc.

Sẽ là một chuyến đi vô nghĩa nếu bạn chỉ cố gắng ghi lại hình ảnh sao cho thật lung linh mà không lưu lại cho mình bất kỳ trải nghiệm tâm hồn nào. Vì điều làm nên giá trị của của mỗi chuyến đi là những luồng cảm nhận cá nhân.

Cùng một địa điểm, cùng một tấm ảnh nhưng mỗi người sẽ ghi nhớ chúng theo một cách riêng biệt. Ký ức đó độc nhất vô nhị, quý giá hơn nhiều so với một tấm ảnh du lịch mà nếu không phải bạn, ai đứng tại nơi đó cũng chụp được.

Các mối quan hệ được gắn kết chặt chẽ hơn

Những yếu tố mới lạ khi du lịch luôn khơi gợi sự hào hứng, tò mò trong ta. Vì vậy chúng ta có xu hướng mở lòng nhiều hơn với những người bạn trong chuyến đi. Trò chuyện trực tiếp là một trải nghiệm toàn diện cho phép mọi người kết nối với nhau qua nhiều giác quan.

Các nền tảng mạng xã hội dù có trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng công nghệ vẫn sẽ không bao giờ sở hữu được ‘tính năng’ kết nối tuyệt vời này cho người dùng.

Thực tế, mạng xã hội là bức tường vô hình ngăn cách mọi người. Nhìn thấy một khung cảnh ấn tượng, một món ăn được trình bày đẹp mắt, thay vì cùng nhau thưởng thức chúng, ‘phản xạ’ đầu tiên của mọi người là chụp lại và tranh thủ đăng tải chúng.

Mạng xã hội có khả năng gây nghiện cao. Nó luôn biết cách cuốn người dùng vào những diễn biến xung quanh nội dung mình trưng bày. Những bình luận từ ‘bạn bè ảo’ khi ấy bỗng trở nên quan trọng hơn nhiều so với sự hiện diện của những người bạn ‘thực’.

Vì vậy khi đặt điện thoại xuống và lấp đầy sự rảnh rỗi của bản thân bằng cách trò chuyện, bạn sẽ thấy kể cả những cuộc đối thoại tuỳ hứng cũng có thể giúp bạn mở mang đầu óc.

Đặt điện thoại xuống, ngẫu hứng chuyện trò cùng người bạn đi chung, bạn sẽ thấy được sự khác lạ, tươi mới của họ khi đặt chân đến một vùng đất mới.

Đặt điện thoại xuống, trò chuyện với anh chủ nhà trọ, bạn sẽ được giới thiệu hàng loạt điểm đến thú vị mà hiếm khách du lịch nào được biết.

Đặt điện thoại xuống, mở lời với một người bản xứ, hay với một khách du lịch đứng cạnh, bạn sẽ được gợi ý những mẹo du lịch hữu ích mà các nguồn tham khảo đã “quên” nhắc đến.

Mạng xã hội Hành lý quá khổ khi đi du lịch2
Những gì đọng lại sau chuyến đi là một album ảnh rõ nét, tuyệt đẹp, kèm theo mớ ký ức mơ hồ, hỗn độn của bản thân.

Để mạng xã hội ở nhà, ta lắng nghe bản thân rõ ràng hơn

Khi quyết định kéo hành lý để bắt đầu một chuyến xa nhà, ta đang tạm gác lại những sự việc và con người ở nơi cũ để tập trung tận hưởng những trải nghiệm mới.

Du lịch không chỉ là dịp để ta khám phá những điều mới mẻ, mà còn là cơ hội để ta lắng nghe bản thân – một điều tương đối xa xỉ trong guồng quay vội vã đến ngột ngạt của cuộc sống.

Đến Mỹ, bạn sẽ thấy việc một mình dùng bữa hay thưởng thức một tách cà phê cuối tuần trong quán vốn không hề khác thường. Với văn hoá sống tập thể của Việt Nam, dù hiện tại bạn theo đuổi lối sống độc lập nhưng liệu bạn có đủ tự tin để thực hiện được những việc làm thuộc về chủ nghĩa cá nhân này?

Hoặc khi cùng hội bạn đặt chân đến vùng đất mới, bạn bỗng nhận ra năng khiếu lãnh đạo của mình qua cách sắp xếp lịch trình, giải quyết những phát sinh, duy trì hòa khí giữa các thành viên… Những việc làm bạn tưởng chừng như nhỏ nhặt đó, thực thế lại ‘lèo lái’ chuyến đi tập thể một cách trơn tru hơn.

Những phát hiện này chỉ thực sự được tìm thấy với điều kiện bạn chấp nhận gác lại những ồn ã của mạng xã hội, dành thời gian để trải nghiệm và khám phá. Liên tục sử dụng mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn đang tự mình tước đi cơ hội lắng nghe bản thân.

Nếu du lịch không mạng xã hội là việc mà bạn chưa từng thực hiện, thậm chí không thể tưởng tượng được, vậy sao không thử trải nghiệm nó cùng bạn bè? Bạn có thể xem nó như một thử thách thú vị cho chuyến du lịch sắp tới. Tôi dám cá đó sẽ là một thử thách vô cùng thú vị, hứa hẹn bạn sẽ thu hoạch được những kỷ niệm hoàn toàn ‘độc quyền’.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:

[Bài viết] Từ bỏ mạng xã hội không giải quyết được vấn đề của người trẻ

[Bài viết] 2 Thập kỷ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?