Tư duy nào đang kìm hãm sự phát triển của bạn? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
10 Thg 06, 2020
Thăng Tiến

Tư duy nào đang kìm hãm sự phát triển của bạn?

Tư duy nào quyết định thành công của bạn?
Tư duy nào đang kìm hãm sự phát triển của bạn?

Nguồn: Shutterstock

Tư duy quyết định hành vi và các mối quan hệ của chúng ta, cũng như gắn bó mật thiết tới sự thành công lẫn thất bại ở mỗi cá nhân.

Để tìm hiểu bạn đang sở hữu loại tư duy nào, hãy trả lời "đồng ý" hoặc "không đồng ý" cho các suy nghĩ sau:

  1. Tài năng là yếu tố then chốt quyết định thành công
  2. Thái độ và nỗ lực quyết định sự thành công
  3. Tôi học tập từ thất bại của chính mình
  4. Tôi không thích đối mặt với thử thách
  5. Các phản hồi đóng góp giúp tôi tiến bộ
  6. Tôi chú trọng vào quá trình hơn là kết quả
  7. Tôi thấy rất khó khăn để chấp nhận thất bại

1,4,7 Thể hiện tư duy cố định. 2,3,5,6 Thể hiện tư duy phát triển.

Vậy tư duy cố định và tư duy phát triển là gì?

Tư duy cố định

Trong cuốn sách nổi tiếng “Mindset: The New Psychology of Success", nhà tâm lý học Carol S. Deck đã mô tả hai loại tư duy cơ bản quyết định cuộc sống của chúng ta, đó chính là: Tư duy phát triển (Growth mindset) và tư duy cố định (Fixed mindset).

Tư duy cố định là sự nhận thức rằng trí thông minh, tài năng hay cá tính là có sẵn từ lúc sinh ra và không thể thay đổi theo thời gian. Khi gặp trở ngại, người có tư duy cố định tin rằng năng lực của bản thân là cố định và dù tiếp tục cố gắng họ cũng không thể làm tốt hơn.

Tư duy phát triển là sự nhận thức rằng trí thông minh, tài năng hoặc cá tính có thể được rèn luyện và phát triển theo thời gian nếu họ thật sự nỗ lực cải thiện. Khi gặp trở ngại, người có tư duy phát triển xem đó là một thử thách và cố gắng vượt qua để phát triển bản thân.

Một người có thể có tư duy phát triển trong một số lĩnh vực của cuộc sống nhưng trong các lĩnh vực khác thì không. Hoặc đôi khi, tư duy cố định được kích hoạt vô thức trong một số trường hợp nhất định.

Cách nhận định một người có tư duy cố định hay phát triển

Sự khác biệt trong tư duy sẽ dẫn đến sự khác biệt trong hành vi. Nhìn chung, dưới đây là những điểm khác biệt chính trong hành vi giữa người có tư duy cố định và phát triển.

Tư duy nagraveo đang kigravem hatildem sự phaacutet triển của bạn1

Nỗ lực

Với niềm tin hiệu quả sẽ được gặt hái từ nỗ lực, người có tư duy phát triển sẵn sàng đón nhận những thách thức và không nản chí dù gặp trở ngại. Ngược lại, người có tư duy cố định tin rằng kết quả có được phụ thuộc vào tài năng. Dù có nỗ lực, họ cũng không thay đổi được kết quả, dẫn đến nhiều sự thụ động trong công việc và cuộc sống.

Vì thế khá thường xuyên, tư duy phát triển giúp một người bước ra khỏi vòng an toàn và đạt được nhiều thành tựu hơn. Ngược lại, tư duy cố định khiến người sở hữu nó rơi vào trạng thái bình ổn và đạt được ít thành công hơn so với tiềm lực bản thân.

Lỗi lầm và phản hồi đóng góp

Những người có tư duy cố định tin rằng trí thông minh và tài năng là tài nguyên tự có từ lúc sinh ra. Vì tin rằng mình không thể làm cách nào cải thiện việc này, họ thường không sẵn sàng đón nhận hoặc khó chấp nhận chỉ trích hay góp ý, bởi nó đồng nghĩa họ không đủ giỏi.

Ngược lại, vì nhìn nhận những phản hồi là cơ hội để cải thiện bản thân, những người có tư duy phát triển luôn tích cực tìm kiếm góp ý và cảm thấy tự hào khi được công nhận sự tiến bộ trong năng lực học tập.

Quá trình và kết quả

Người tư duy cố định thường rất chú trọng đến kết quả và cần ngay sự chứng nhận cho tài năng và trí tuệ của mình. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ không đánh giá cao quá trình hay chú trọng vào cải thiện yếu tố này để thay đổi kết quả.

Với tư duy phát triển, một người thường hứng thú với từng thay đổi trong quá trình và tận hưởng con đường thực hiện mục tiêu thay vì kết quả.

Tư duy nào cần thiết để thành công trong hiện tại?

Chúng ta thường được bảo rằng những người thành công trong xã hội vì họ sinh ra đã tài năng và thông minh. Thế nhưng, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Carol Dweck, những người sở hữu tư duy phát triển có khả năng thành công trong tương lai cao hơn.

Ngoài ra, môi trường xã hội và kinh tế hiện nay với những đặc tính sau càng đòi hỏi bạn phải có tư duy phát triển để linh hoạt biến đổi nhằm thích nghi và tạo dựng thành công.

  • Thị trường lao động Việt Nam đối mặt với nhiều biến động và thách thức thời hậu COVID-19. Cụ thể là sự cắt giảm nhân sự, siết chặt trong tuyển dụng và tối ưu hóa bộ máy doanh nghiệp để uyển chuyển hơn trước những biến động bất ngờ.
  • Sự gia tăng ứng dụng công nghệ vào công việc, đời sống, cũng như sự giao thoa mạnh mẽ giữa nhiều lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…) đòi hỏi người lao động không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng và kiến thức để linh hoạt chuyển đổi, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong tổ chức. Cụ thể, nắm bắt những công việc đòi hỏi trí tưởng tượng cao, phân tích sáng tạo và tư duy chiến lược sẽ là ưu thế giúp người lao động khó bị thay thế bởi dù xu hướng tự động hóa tăng cao.

Làm thế nào để rèn luyện tư duy phát triển?

Một tin vui là chúng ta có thể rèn luyện để chuyển đổi từ tư duy cố định sang phát triển. Trong bài nói chuyện TED Talks bên dưới, Tiến Sĩ Carol S. Dweck chỉ ra rằng bước ra khỏi vùng an toàn và chủ ý rèn luyện thường xuyên là chìa khóa để thay đổi tư duy.

Dưới đây là những thói quen tốt bạn có thể thực hiện để chuyển đổi sang tư duy phát triển:

Chấp nhận điểm yếu của bản thân và nhận thức các lĩnh vực hay khía cạnh mà bạn vẫn còn giữ tư duy cố định. Đây chính là bước nền tảng trong hành trình chuyển đổi sang tư duy phát triển.

Ghi nhận phản hồi, lắng nghe chủ động và đưa ra ý kiến. Thay vì lo sợ các đánh giá phản hồi hay chỉ trích từ người khác, hãy xem đó là “món quà” để bạn phát hiện ra điểm yếu và cải thiện chúng. Lắng nghe và đưa ra các phản hồi cho người khác cũng là cách bạn và đội nhóm học tập lẫn nhau.

Xem thách thức là một cơ hội. Hãy dũng cảm đối mặt với các thử thách mới và từng bước xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực khi bạn ở ngoài vùng an toàn. Hãy xem đây là cơ hội để bạn khám phá một lĩnh vực mới mà mình có triển vọng phát triển.

Ngừng tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác. Hãy học cách tin tưởng và thành thật với chính mình. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng tìm được cách hữu hiệu đạt đến mục tiêu thật sự của mình hơn.

Chú trọng đến quá trình hơn là kết quả. Hãy tham gia đầy đủ và nỗ lực vào quá trình, bất kể mất bao lâu. Việc tập trung vào quá trình giúp bạn nhận ra những cải thiện trong hành trình làm việc sẽ đem đến những ảnh hưởng tích cực ở kết quả. Và từ đó dần hình thành niềm tin rằng năng lực, cá tính của bạn có thể phát triển nếu bạn phấn đấu.

Successful man