Mona Evie: Mượn laptop, dùng điện thoại thu âm nhạc thể nghiệm | Vietcetera
Billboard banner

Mona Evie: Mượn laptop, dùng điện thoại thu âm nhạc thể nghiệm

Mona Evie thiếu nhiều thứ nhưng không thiếu tình yêu khi sáng tạo âm nhạc.
Mona Evie: Mượn laptop, dùng điện thoại thu âm nhạc thể nghiệm

Nguồn: Mona Evie Collective

Tập hợp những nghệ sĩ trẻ sinh sau 2000, Mona Evie Collective hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, và có một tình yêu rất lớn với experimental Music (nhạc thể nghiệm). Từ Ô Mai đến Chó Ngồi Đáy Giếng, Mona Evie khẳng định họ là thanh âm khác biệt trong âm nhạc đương đại Việt Nam.

Mới đây, Mona Evie Collective đã cho ra mắt album đầu tay Chó ngồi đáy giếng.

Album là sự pha trộn các thể loại từ R&B, Rap/Hip-hop, Dream-pop cho đến các nhánh của alternative… Dù không hẳn là một concept album hoàn chỉnh, Chó ngồi đáy giếng vẫn mang tới câu chuyện riêng khác của những người trẻ giữa thời đại xô bồ.

Nhân dịp này Vietcetera cũng đã có cơ hội trò chuyện cùng Long Trần - thành viên sáng lập, người định hướng cũng như producer, và Hà Anh (Aprxel) - vocal, senior graphic designer của dự án.

Tại sao các bạn lại lấy tên nhóm của mình là Mona Evie và album đầu tay là Chó ngồi đáy giếng?

Mona Evie thật ra chỉ là cái tên ngẫu nhiên mà bọn mình chọn để đại diện cho định hướng âm nhạc tại thời điểm này. Dần dần, cái tên này biến đổi và có thêm các lớp nghĩa khác.

Còn tên album Chó ngồi đáy giếng gợi nhớ tới một câu thành ngữ quen thuộc của người Việt mình là “Ếch ngồi đáy giếng.” Trong những buổi tối làm nhạc, khi chúng mình chia sẻ những câu chuyện phiếm với nhau thì Phước (thành viên của Mona Evie) bỗng nhiên thốt ra cụm từ này. Dần dần, Chó ngồi đáy giếng bắt đầu được định hình trong quá trình làm nhạc.

Thật ra bọn mình có khá là nhiều thứ muốn làm trong dự án nay. Do đó từ “underdog” (những người yếu thế) cũng có phần nào tương đồng và phù hợp với album đầu tay này.

Từ những cá nhân riêng biệt và còn rất trẻ hợp thành một cỗ máy thống nhất, Mona Evie làm việc với nhau như thế nào?

Phần lớn bọn mình đều là bạn bè có chung sở thích âm nhạc từ thời trung học. Vì thế, “khẩu vị” âm nhạc gần như giống nhau. Từ yêu thích, bọn mình chuyển sang mày mò và làm nhạc cùng nhau. Do đã quen thân nên việc giao tiếp cũng như thấu hiểu giữa các thành viên khá dễ dàng.

Tuy nhiên, Mona Evie có nhiều thành viên và đa phần là cá tính mạnh nên có xung đột là khó tránh khỏi khi làm việc. Nhưng vì thấu hiểu nên những việc này cũng được giải quyết nhanh chóng và ổn thỏa.

Nếu dùng một câu ngắn gọn để miêu tả nhạc thể nghiệm của Mona Evie, các bạn sẽ nói gì?

Đó là nhạc thể nghiệm pha lẫn với nhạc đại chúng. Chúng mình mong muốn giới thiệu nhiều hơn nữa những âm thanh mới đến với người nghe Việt Nam.

Với việc lựa chọn nhạc thể nghiệm, qua những bài hát của mình các bạn muốn kể câu chuyện gì?

Mình nghĩ câu chuyện của Chó ngồi đáy giếng thể hiện rõ nhất là thông qua các âm thanh. Tuy là nhóm bạn có chung gout âm nhạc, thế nhưng mỗi cá tính là mỗi âm thanh; và bọn mình cố gắng dung hòa nhất có thể.

Chó ngồi đáy giếng ban đầu cũng định là một mixtape thôi, thế nhưng sau đó bọn mình vẫn muốn kết nối nó thành một album. Tuy chưa là một concept thống nhất nhưng chúng mình nghĩ rằng, nó chứa rất nhiều tính cách trong này. Và thử thách nhất vẫn là dung hòa mọi thứ trong cùng một album.

Các bạn có nghe những phản hồi của công chúng sau khi thưởng thức album?

Mình thấy Chó ngồi đáy giếng đã được đón nhận khá tốt sau khi ra mắt, theo kiểu âm nhạc tự mình tìm đến người nghe. Vì thế, dự án này đã vượt ngưỡng trông đợi khi bọn mình thực hiện album.

alt
Nguồn: Mona Evie Collective

Các bạn nghĩ nhạc thể nghiệm sẽ đi đến đâu tại Việt Nam?

Nhạc Việt nói chung và nhạc thể nghiệm nói riêng dường như phát triển đang còn khá chậm. Đầu những năm 2000, nhạc thể nghiệm tại Việt Nam được biết đến nhiều với nhóm nghệ sĩ Đại - Lâm - Linh. Tuy nhiên, về sau này lại không có tên tuổi nào tiếp tục trội lên.

Tụi mình nghĩ, có thể một phần của điều này đến từ cách tiếp cận đại chúng. Với riêng Mona Evie, tụi mình tham vọng giúp âm nhạc Việt Nam có nhiều điều mới, không đi theo lối mòn, nhưng phải thực sự có kết quả.

Tụi mình kỳ vọng mang đến được nhiều hơn nữa những âm thanh dung hòa giữa nhạc thể nghiệm và tính đại chúng. Hơn nữa, nhiều nghệ sĩ trẻ giờ đây không còn thỏa mãn với những chất liệu có sẵn, họ bứt phá hơn, tìm tòi hơn và mạo hiểm hơn để ra khỏi vùng an toàn. Đây cũng là thứ mà Mona Evie đang cố gắng làm.

Nhạc thể nghiệm thì phải khó nghe, các bạn có nghĩ như thế khi sáng tạo âm nhạc?

Điều này chắc hẳn là có tồn tại trong hầu hết các ngành nghề. Riêng bọn mình thì thể nghiệm là biến ý tưởng thành thứ vật chất sờ được, nghe được, cảm được và dùng được. Không phải cứ nhạc khó nghe thì sẽ là nhạc thể nghiệm và không phải nhạc thể nghiệm là phải khó nghe.

Những dòng nhạc khác như Pop, R&B… dễ nghe chẳng qua là do giai điệu bắt tai hoặc cũng kế thừa những yếu tố khác đã được dùng rồi. Thế nhưng khi biến chuyển những thứ quen thuộc trong khẩu sản xuất hay thổi hồn vào nó với các ý tưởng mới, thì nó lại trở thành thể nghiệm.

Do đó quan trọng nhất vẫn là đến gần được với người nghe.

Phối trộn đa thể loại bắt nguồn từ việc đập tan định kiến cố hữu ‘thể nghiệm là khó nghe,’ hay đơn thuần là các bạn thích điều đó?

Bọn mình không hẳn muốn xóa bỏ định kiến đó, vì nó không phải là cách bọn mình tiếp nhận âm nhạc. Với album đầu này, bọn mình chỉ muốn chứng tỏ bạn không cần có quá nhiều kinh phí, sự hậu thuẫn hay tài trợ… để làm ra một dự án hay.

Phần lớn Chó ngồi đáy giếng được làm tại nhà, với các thiết bị cần thiết nhất được tự trang bị; từ đó cũng mang một sự động viên những nghệ sĩ khác, khi tận dụng những thứ mình có để tạo ra âm nhạc hay.

Trong quá trình thực hiện, Long Trần còn phải đi mượn máy tính của em họ tranh thủ sau giờ học, còn Phước rapper tại Sài Gòn thì thu âm vào di động do không có máy tính… Nhưng quan trọng là có ý tưởng và dám làm.

Nếu phải lựa chọn giữa ‘thể nghiệm thuần túy’ và ‘pha lẫn với thị hiếu số đông,’ các bạn sẽ nghiêng về phần nào?

Mình nghiêng về hướng thứ hai nhiều hơn. Thật ra điều này còn tùy vào thời điểm chúng mình nghe hay làm nhạc gì. Nếu thể nghiệm thuần túy thì cũng chỉ là một hay hai dự án, nhưng sẽ không bao giờ ở lại lâu.

Mona Evie cũng không muốn định hình bản thân vào bất cứ một dòng nhạc nào. Thuần túy cũng không đồng nghĩa với khó nghe, và khi giao thoa với các thể loại khác thì cũng khó mà nói nó có thuần túy hay không, nên ranh giới này nhiều khi cũng rất mỏng manh.

Đâu là khó khăn cũng như thách thức khi sáng tạo nên Chó ngồi đáy giếng?

Mỗi bài hát Mona Evie cho ra mắt đều là những sản phẩm mới, và nếu dùng lại những thứ đã có thì rất chán, phần nào cũng là lý do chúng mình làm nhạc thể nghiệm.

Trước Omen 300 thì mình cũng viết về những thứ về cuộc sống; thế nhưng chưa có đủ dũng cảm để nói về những vấn đề có phần nặng nề hơn. Với chuỗi 6 bài cá nhân trong nửa cuối Chó ngồi đáy giếng, đây có thể là lúc để viết những gì khác đi mà mình chưa mang đến được. Điều này cũng khá thách thức với chính mình, nhiều khi mình cũng không dám nghe lại.

Nghệ sĩ làm nhạc thể nghiệm là vì chính họ, vì cộng đồng nghệ thuật, hay vì khán giả?

Nghệ sĩ thể nghiệm thường hướng về cộng đồng hơn, họ thường gạt bỏ ranh giới, rào cản trong việc bị định danh thể loại. Nhưng họ cũng có phần hướng về bản thân, với những gì họ thích làm, muốn làm và không muốn bị gò bó.

Bọn mình làm nhạc cho cá nhân mình, nhưng cũng đồng thời đặt mình vào người nghe. Khi một sản phẩm đã ra mắt rồi thì nó sẽ thuộc hoàn toàn về khán giả.

Làm nhạc thông qua các nền tảng trực tuyến và Internet là cảm giác như thế nào?

Internet giúp bọn mình kết nối, nó cũng giúp bọn mình mở mang, tìm tòi các nguồn cảm hứng khác. Bọn mình cũng học hỏi từ Soundcloud, với các platform hoàn toàn miễn phí và nhiều nghệ sĩ indie.

Hiện tại thì bandcamp là nền tảng giúp bọn mình “khai quật” ra những điều “kỳ dị” khác, nên các forum, group chat… Ngoài ra đó còn là youtube, rateyourmusic cũng như các group chia sẻ âm nhạc mà mỗi người thích.

Các bạn nghĩ thế nào về cộng đồng làm nhạc thể nghiệm trẻ ở Việt Nam? Liệu kết nối giữa các nhóm ra sao?

Rắn Cạp Đuôi và Zach Schreier cũng đã hỗ trợ chúng mình rất nhiều trong quá trình thực hiện đĩa nhạc. Rắn Cạp Đuôi tư vấn nên làm thế nào, trong khi Zach hỗ trợ kết nối chúng mình với báo chí quốc tế. Cá nhân chúng mình luôn muốn tìm đến những nghệ sĩ có tài năng, ý tưởng hay mới cũng như đầu óc mở để cùng tiệm cận đến sự sáng tạo.

Bọn mình cũng đã kết nối với nhiều nghệ sĩ trong các dự án thể nghiệm trước đó. Hà Anh và Lý Trang cũng từng là thành viên của Rắn Cạp Đuôi, ngoài ra bọn mình cũng có kết nối với Trần Uy Đức và các nghệ sĩ ở Sài Gòn.

Các bạn nghĩ gì về việc trình diễn Chó ngồi đáy giếng trên sân khấu? Nó sẽ là cảm giác như thế nào?

Bọn mình thật sự làm nhạc nghiêm túc cũng mới gần đây, trong tình hình dịch bệnh, nên việc trình diễn vẫn chưa được xem xét. Hiện nay tình hình đã khả quan hơn, và Mona Evie cũng đang tập tành trình diễn.

Chủ nhật tuần này (24/4/2022) bọn mình sẽ có một buổi trình diễn tại La Bodega Long Biên. Trong tương lai bọn mình hy vọng cũng sẽ có nhiều buổi trình diễn hơn nữa.

Sắp tới mọi người có ý định xây dựng dự án mới thành một concept album hay có yếu tố nào đó mới không?

Chó ngồi đáy giếng như dự án đầu tiên đặt nền móng cho việc khám phá âm thanh, nên có phần hỗn loạn. Với album thứ hai đang được thực hiện, thì Mona Evie sẽ cố gắng có hệ thống hơn về âm thanh cũng như cách kể chuyện.

Việc kết hợp nhạc truyền thống vào thể nghiệm cũng là thứ bọn mình đang mong muốn làm. Ở phương Tây, những người làm nhạc rất hay cho thấy sức ảnh hưởng của các yếu tố truyền thống.

Bọn mình cũng muốn thêm màu sắc này, và hơn nữa bọn mình cũng muốn mở rộng âm thanh, tiệm cận với nhiều hơn nữa các yếu tố đặc sắc. Gần đây bọn mình cũng rất thích cải lương, với cách hát và đánh guitar. Thách thức sắp tới chắc hẳn là việc kết hợp điều này.