Mondaze: Khi Thứ Hai biến thành một trò đùa nhiều buồn hơn cười | Vietcetera
Billboard banner

Mondaze: Khi Thứ Hai biến thành một trò đùa nhiều buồn hơn cười

Thứ hai là ngày đầu tuần, bé... không hứa gì có được không?
Mondaze: Khi Thứ Hai biến thành một trò đùa nhiều buồn hơn cười

Nguồn: Ben Blakesley - Twitter

1. Mondaze là gì?

Mondaze được ghép giữa Monday (Thứ Hai) và daze (ngơ ngác, choáng váng). Theo từ điển Urban Dictionary, khái niệm này ám chỉ một cách hài hước trạng thái lơ ngơ bạn có khi đi làm vào sáng Thứ Hai đầu tuần.

Cảm giác về mondaze càng hợp lý khi chúng ta đã có những ngày cuối tuần thật thư giãn và khi tỉnh dậy vào sáng Thứ Hai, cảm xúc dường như đối nghịch (theo Community Dictionary).

Mondaze cũng là một cách đọc sai có chủ đích, hay nói trại âm, nhằm tạo ra không khí gây cười hoặc nhấn mạnh cảm giác choáng của mình vào đầu tuần.

2. Nguồn gốc của mondaze

Từ mondaze được sử dụng lần đầu vào năm 1993 trên diễn đàn Usenet. Người dùng Michael B. Blatz đã đăng tải một bài thơ ngắn/lời bài hát trong đó liên tục sử dụng các cụm "Monday s*cks" (Thứ Hai tệ hại).

Cảm giác tiêu cực về ngày Thứ Hai này sau đó được kết luận là mondaze, theo hoá luận tốt nghiệp của Niken Latifa, cử nhân ngành Ngôn Ngữ Anh thuộc khoa Nhân văn, đại học Maulana Malik Ibrahim Malang, Malaysia.

Theo khoá luận này, hiện tượng nói trại đã xảy ra trong suốt lịch sử. Khi một khái niệm xuất hiện và được chuyển ngữ, chuyển âm qua các vùng miền và dân tộc, nó sẽ biến thành các khái niệm khác với nét nghĩa có phần biến đổi.

Bản thân "monday" cũng là sản phẩm của quá trình dịch chuyển âm trong quá khứ (mōnandæg, mānatag, v.v.). Quá trình này tiếp tục xảy ra trên môi trường internet hiện đại.

3. Vì sao mondaze lại phổ biến?

Mondaze diễn tả một hiện tượng tâm lý phổ biến trong thời hiện đại, khi dân số thuộc tầng lớp trung lưu của thế giới đã chủ yếu sắp xếp công việc của mình theo công thức ngày cuối tuần (weekend) và ngày trong tuần (weekdays).

Ngày cuối tuần thì thường gắn liền với sự nghỉ ngơi, còn ngày trong tuần là ngày làm việc, với mở đầu là Thứ Hai và kết thúc là Thứ Sáu. Đây là quan niệm phổ biến trong các truyền thống Thiên Chúa Giáo.

Khi chủ nghĩa tư bản lên ngôi ở các nước châu Âu, quan niệm này được "công nghiệp hoá": Người lao động làm việc vào tất cả các ngày trong tuần và nghỉ ngơi vào cuối tuần để phục hồi sức lao động và tiêu thụ chính những sản phẩm họ làm ra.

Có được ngày nghỉ cuối tuần là thành quả của rất nhiều phong trào công nhân. Sự thoả hiệp của các chủ nhà máy và giới làm chính sách đó là coi mua sắm, tiêu thụ, và hưởng thụ cuối tuần cũng là một dạng lao động.

Mondaze là trạng thái không còn khó hiểu khi ta ghi nhận lịch sử của chức năng các ngày trong 1 tuần. Đó là khi người lao động phải vượt qua sự tương phản về tinh thần giữa hai trạng thái làm việc-nghỉ ngơi. Dù về bản chất, họ chỉ bước từ trạng thái làm việc này sang trạng thái làm việc khác.

Vậy làm gì để vượt qua cảm giác mondaze? "Chơi mà làm, làm như chơi" không phải giải pháp quá tốt vì nguy cơ công việc chiếm hữu các khoảng thời gian thảnh thơi cuối cùng của bạn. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu như người đi làm giành được nhiều lợi ích về phía họ hơn chỉ là duy trì một dạng lao động được trả lương. Khi ấy, Thứ Hai sẽ không còn gây ra cảm giác cầm tù về mặt thời gian như bây giờ nữa.

4. Dùng mondaze như thế nào?

Tiếng Anh

A: I forgot to dress up before going to work...

B: You were in a total mondaze!

Tiếng Việt

A: Tớ quên thay đồ khi đến cơ quan mất rồi...

B: Cậu bị ngáo ngơ ngày Thứ Hai đúng không?