Một mối quan hệ lành mạnh sẽ bắt đầu từ đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
17 Thg 01, 2022
Chất Lượng Sống

Một mối quan hệ lành mạnh sẽ bắt đầu từ đâu?

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Phi Yên nhận định: Trí thông minh cảm xúc có ba bậc bao gồm: Nhận biết, Điều hoà và Chuyển hoá.
Một mối quan hệ lành mạnh sẽ bắt đầu từ đâu?

Vũ Phi Yên

Con người chỉ có 0.1% cấu tạo di truyền là khác nhau, nhưng lại quyết định sự đa dạng về: Màu da, màu mắt, sức khỏe tinh thần và cả sự phát triển tâm hồn.

Chúng ta thường được dạy bảo nhiều về kiến thức bên ngoài và thiên nhiên. Nhưng một trong những việc cần thiết và quan trọng là câu chuyện tương tác giữa người với người thì không thường xuyên được đề cập.

Con người không có tờ giấy hướng dẫn sử dụng về việc này. Hệ quả là, đa số các trường hợp gặp trục trặc trong các mối quan hệ dễ trở nên bế tắc và không biết cách cân bằng cảm xúc.

Xung đột trong các mối quan hệ tới từ đâu?

Đầu tiên, từ việc không có kiến thức để hiểu rằng hiện thực của mỗi người là khác nhau, nên người ta có xu hướng áp đặt thế giới quan của mình lên người khác. Nó thể hiện bằng những hành động, hoặc một lời nói vô tình nhưng để lại vết thương lòng rất sâu như: Có thế mà cũng buồn,...

Ngoài ra, do thiếu hụt kiến thức, như một hiệu ứng domino, chúng ta bắt đầu kìm nén cảm xúc, suy nghĩ. Đó là những thứ khi bộc lộ ra không được chấp nhận bởi gia đình, xã hội. Tâm lý học gọi đó là bóng tối hay mặt tối, để chúng chìm dần rồi tích tụ vào vùng vô thức của não bộ.

Chia sẻ trong chương trình Trạm Giáo Dục (EduStation) Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Phi Yên – chuyên gia tâm lý học lâm sàng - nhận định: Có ba việc chính cần làm để giải quyết giai đoạn trúc trắc này trong diễn biến tâm lý của con người.

Thứ nhất là phải có kiến thức. Nếu không biết sự tồn tại của một hiện thức khác với hiện thực của chúng ta, thì có nhìn, có chạm vào sự việc đó, chúng ta cũng không thấy, không biết sự tồn tại đó.

Thứ hai, cần phải có một sức khỏe thể chất tốt. Cơ thể và tâm hồn có một sự kết nối. Khi cơ thể mệt, trí lực cũng sẽ giảm sút theo, từ đó ảnh hưởng tới góc nhìn hiện thực của bản thân,

Thứ ba, con người cũng cần học cách phát triển khả năng quan sát hiện thực. Có kiến thức về việc này là chuẩn bị một cơ thể lành mạnh. Mục tiêu tiếp theo là hướng tới thấy được nhiều hơn chi tiết trong hiện thực mà mình đối mặt.

Hiểu về hiện thực của bản thân, chúng ta sẽ tôn trọng sự khác biệt giữa những cá thể. Đây là một trong những điểm cốt lõi trong việc giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn trong các mối quan hệ.

Làm sao để phát triển khả năng quan sát hiện thực?

Nền tảng kiến thức là thứ quan trọng trong nhiều triết lý giáo dục, để phát triển khả năng quan sát hiện thực của một người. Chúng ta phải muốn nhìn thì mình mới thấy. Một đứa trẻ khi còn nhỏ thường có nhiều tò mò và nhu cầu khám phá cuộc sống.

Đây là động lực khiến chúng ta tìm hiểu về thế giới đẹp đẽ ngoài kia. Và trong vai trò của cha mẹ, hay những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, việc cần làm là làm sao để nuôi dưỡng, phát huy, tránh làm thui chột đi khả năng này của trẻ.

Đức tính tiếp theo đó là sự kiên nhẫn và khả năng tập trung. Có những điều phải nhìn đủ lâu ta mới hiểu tường tận tới chân tơ kẽ tóc. Bởi vậy nếu không có khả năng tập trung, tâm trí rất dễ bị xao nhãng bởi vô vàn thứ ngoài kia, mà nhiều khả năng là bạn đầu tư thời gian, công sức vào một việc vô ích.

"Hiểu về hiện thực của bản thân, chúng ta sẽ tôn trọng sự khác biệt giữa những cá thể."

Ngoài ra, hãy nên biết cách học hỏi, quan sát từ những người xung quanh. Con người hiện đại (Homo Sapiens) đã tồn tại cách đây khoảng 200.000 năm. Đừng chỉ tự đi, mò mẫm lại những gì mà người khác khám phá ra rồi. Nó dễ dẫn đến việc đi vào lối mòn và lãng phí tài nguyên.

Chính vì vậy, cần mở mắt, mở tai, mở lòng để học hỏi từ kinh nghiệm kiến thức của thế hệ trước. Tuy nhiên, một việc cần lưu ý là những kiến thức được đúc kết lại chỉ có tính tương đối. Nó phù hợp với thời đại của người đó, trong bối cảnh đó nhưng chưa chắc phù hợp với hiện tại của mình.

Do vậy, khi học hỏi kiến thức của người đi trước, phải luôn nhớ, cần liên tục đối chiếu để điều chỉnh cho phù hợp hiện thực bạn đang sống.

Nhưng khi cảm xúc tiêu cực trồi lên, chúng ta cần làm gì?

Gọi đúng tên cảm xúc. Đi những bước đi chính xác ngay từ lần đầu tiên.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Phi Yên nhận định: Trí thông minh cảm xúc có ba bậc bao gồm: Nhận biết, Điều hoà và Chuyển hoá.

Nếu bậc đầu tiên chúng ta không hoàn thành tốt, sẽ gây ra lỗi sai hệ thống, điều này trở nên càng khó sửa khi chúng ta lên những bậc cao hơn. Các bài tập của bậc đầu tiên thường rất đơn giản, đó là gọi đúng tên cảm xúc mà mình đang có.

"Đừng tránh né bóng tối, bởi vì nó là một phần của bản thân bạn lúc này."

Nhiều người có cảm xúc tiêu cực nhưng họ không dám thừa nhận, không dám nói ra, lâu dần tất cả các khối đó không được đưa ra ngoài sẽ bị tích tụ mà không hề biến mất. Nó chỉ được đè xuống, và ở đó chờ cơ hội để cất lên tiếng nói của mình.

Nếu tiếp tục không được lắng nghe, thấu hiểu hay giải quyết, mặt tối đó sẽ gõ cửa cuộc đời chúng ta như một bóng ma vậy.

Kết

Một mối quan hệ được lành mạnh cần bắt đầu bằng việc thấu hiểu bản thân, học cách tôn trọng thế giới bên trong, hiện thực của chính mình. Chính quá trình đào sâu khám phá đó, chúng ta cũng sẽ hiểu được quy luật vận hành của cuộc sống, để tôn trọng sự khác biệt giữa các cá thể.

Ngoài ra một điểm quan trọng trong việc có một sức khỏe tinh thần tốt, đó là biết cách để thể hiện chúng ta bên ngoài một cách lành mạnh. Đừng tránh né bóng tối bên trong bản thân, bởi đó cũng là một phần quan trọng làm nên hiện thực của bạn lúc này.

Như Bolk từng nói: "Con người không cảm nhận được bóng tối, sẽ không bao giờ tìm thấy ánh sáng”.