Nến thơm có khiến làn da trở nên xấu đi? | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 12, 2021
Beauty

Nến thơm có khiến làn da trở nên xấu đi?

Nến thơm đã nhiều lần bị “mổ xẻ” trong các nghiên cứu về khả năng gây hại cho làn da. Liệu chúng ta có phải bỏ đi những ánh nến tỏa hương này hay không?
Nến thơm có khiến làn da trở nên xấu đi?

Nến thơm tác động thế nào đến làn da của bạn? | Nguồn: RollingStone

Được trở về với căn phòng thân yêu và đốt nến thơm để thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng chắc hẳn là hoạt động ưa thích của nhiều người. Không chỉ góp phần tạo nên không gian ấm cúng và “chill chill”, hương thơm từ nến cũng giúp tâm trạng bạn trở nên tốt hơn.

Nến thơm ngày càng phổ biến trong không gian sóng | Nguồn: LifestyleAsia

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kể trên, nhiều người cho rằng nó cũng có thể gây ra những tác hại nhất định đến sức khỏe, cũng như là làn da. Liệu nến thơm có thật sự là “thủ phạm” khiến tình trạng da xuống cấp hay không?

Làn da hấp thụ các chất bay hơi rất mạnh

Nến thơm tỏa ra mùi hương nồng nàn khi được đốt lên, và đốt càng lâu thì mùi hương lại càng mạnh mẽ hơn. Cơ chế hoạt động của nến thơm là khi bạn đốt bấc nến, nhiệt từ lửa sẽ làm chảy sáp, giải phóng các phân tử mùi hương ra ngoài không khí.

Trong khi đó, làn da vốn là cơ quan lớn nhất trên cơ thể người, đóng vai trò như một miếng bọt biển thấm hút các chất hoá học ngoài không khí.

Charles J.Weschler, một nhà nghiên cứu về chất lượng không khí trong nhà đã thực hiện thí nghiệm về sự hấp thụ hợp chất bay hơi của làn da. Kết quả ước tính cho thấy, làn da có thể hấp thụ một lượng chất tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn cả đường hô hấp.

Làn da có khả năng hấp thụ các chất bay hơi nhiều hơn cả đường hô hấp | Nguồn: CurrentBody

Một nghiên cứu khác của Weschler về sự thẩm thấu phthalate - chất hoá học tạo mùi cho nến - từ không khí vào da cũng cho ra kết quả tương tự. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết liều lượng hấp thụ các chất hoá học trên da còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong đó phải kể đến tình trạng lành lặn của da, nhiệt độ da, tính vật lý và hoá học của các thành phần trong hoá chất gây hại, nồng độ hóa chất trên bề mặt da, thời gian tiếp xúc, vị trí của phần da tiếp xúc với chất độc hại.

Liệu nến thơm có gây hại cho da?

Một tin mừng là theo Nikaeta Sadekar, một nhà nghiên cứu chất độc liên quan đến hô hấp, liều lượng các chất gây hại trong nến thơm không nhiều đến mức đủ để gây nguy hiểm đến sức khỏe nói chung, cũng như làn da nói riêng.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tờ Regulatory Toxicology and Pharmacology vào năm 2014 đã cho thấy trong điều kiện sử dụng bình thường, nến thơm không gây ra các vấn đề sức khỏe rõ rệt để người dùng có thể nhận biết được.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã thử đốt nến thơm liên tục trong 4 giờ để thử nghiệm tính độc hại của các chất vốn được xem là có khả năng gây ung thư như benzene hay formaldehyde.

Nến thơm khi sử dụng đúng cách sẽ không gây hại cho da và sức khỏe | Nguồn: Goodhousekeeping

Kết quả cho thấy, mật độ hóa chất cao nhất ghi nhận được sau thời gian này không đủ khả năng để gây ung thư cũng như ô nhiễm không khí trong nhà, dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Pamela Dalton, một nhà nghiên cứu về tình trạng kích ứng, ví von các phân tử tạo mùi với tổng thành phần trong nến như việc đổ một muỗng nhỏ hóa chất vào trong bể bơi có kích thước chuẩn Olympic. Vậy nên, bạn không cần quá lo lắng nếu sử dụng nến thơm thường xuyên.

Tuy nhiên, nến thơm chỉ an toàn khi chúng được sản xuất bởi nguyên liệu không hóa chất gây hại. Những nến thơm không rõ nguồn gốc, chất lượng vẫn có khả năng khiến làn da của bạn bị kích ứng bởi các thành phần như sáp paraffin hay tinh dầu hóa chất (bao gồm các mùi hương nhân tạo hay màu công nghiệp).

Hãy đảm bảo bạn chọn loại nến thơm có nguồn gốc rõ ràng | Nguồn: Instyle

Nến thơm, tương tự như các sản phẩm khác có chứa chất tạo mùi, đôi khi sẽ gây ra phản ứng bất lợi cho những người có làn da nhạy cảm với các chất hoá học. Vì vậy, bạn cần nói lời tạm biệt chúng khi thấy các triệu chứng như châm chích, đau ngứa, sưng đỏ… vốn thường gặp khi da bị kích ứng vì tiếp xúc với hóa chất.

Những người có vấn đề về da cũng nên hạn chế dùng nến thơm. Theo Tiến sĩ Yu từ ĐH Y Khoa Harvard cho biết: “Hương thơm trong nến thơm thường là tác nhân gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da dị ứng. Những vết này có xu hướng biểu hiện ở những vùng tiếp xúc như mặt, cổ và tay.”

Chọn nến thơm an toàn cho da và sức khỏe

Nến thơm có thể trở nên độc hại nếu chứa thành phần nguyên liệu kém chất lượng. Vậy nên bắt đầu từ bây giờ, bạn có thể nhận diện loại nến thơm “rởm” thông qua các yếu tố sau đây:

Sáp nến

Trên thị trường hiện nay, hầu hết các loại nến thơm đều được làm từ các loại sáp từ thiên nhiên như sáp ong, sáp cọ, sáp dừa. Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn thận với những loại nến thơm được làm từ sáp paraffin (thường có giá khá rẻ mà size lại to). Sáp paraffin được cho là giải phóng các chất có hại cho cơ thể khi đốt.

Bạn có thể nhận biết sáp paraffin qua màu sắc. Nếu sáp thiên nhiên có màu trắng sữa, hơi ngả vàng một chút thì sáp paraffin có màu trắng, hơi trong suốt, sờ vào có độ cứng hơn so với các loại sáp thiên nhiên.

Bấc nến

Hiện nay, phổ biến nhất trên thị trường là các loại bấc làm từ gỗ và cotton. Đây là 2 nguyên liệu an toàn cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên bạn cần phải cẩn thận với bấc nến làm từ chì, bởi khói sinh ra từ loại bấc này sẽ gây ngộ độc nếu hít phải.

Thế nhưng một tin tốt chính là bấc nến làm từ chì đã bị cấm từ năm 2003, vậy nên bạn không cần phải quá lo về nó nữa.

Mùi hương

Hiện nay, nến thơm thường có hai dòng mùi chính: mùi thiên nhiên, nghiêng về aromatherapy và mùi tổng hợp (hay còn gọi là nến nước hoa). Sự thật, dù phân loại là nhóm mùi nào cũng không quan trọng bằng chất lượng nguồn tinh dầu.

Đừng chọn những loại nến thơm quá rẻ tiền vì có thể nguyên liệu sản xuất không tốt cho sức khỏe | Nguồn: CandlesLoveToKnow

Vậy nên, để đảm bảo chọn được hương tốt, bạn hãy tập ngửi nến. Nếu hũ nến bạn cầm lên có mùi quá mạnh, quá hắt thì nên cân nhắc. Nến thơm chất lượng thường có cảm giác dễ chịu, thoải mái. Nếu vẫn lo lắng, bạn có thể tự mình mua các nguyên liệu làm nến về và tạo ra hũ nến thơm của riêng mình.

Nhà sản xuất/thương hiệu

Nếu bạn vẫn không thể hoặc không muốn tốn nhiều thời gian phân biệt các thành nguyên liệu khi mua, vậy cách nhanh nhất chính là tìm đến các thương hiệu nến thơm uy tín.

Nếu có điều kiện, bạn hay mua từ các nhà sản xuất nước hoa như Bath & Body Works, Maison Margiela Replica hay Diptyque,... Hoặc bạn có thể ủng hộ sản phẩm nước nhà với các thương hiệu nến thơm nội địa uy tín với mức giá phải chăng hơn mà vẫn vô cùng chất lượng.