Nghệ thuật đương đại khơi nguồn sự đồng cảm về hiện trạng xã hội | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Nghệ thuật đương đại khơi nguồn sự đồng cảm về hiện trạng xã hội

Một buổi trò chuyện cùng Jun Tirtadji và Zoe Butt đã phá vỡ những lầm tưởng và định kiến mà trước giờ tôi vẫn có về nghệ thuật đương đại.

Nghệ thuật đương đại khơi nguồn sự đồng cảm về hiện trạng xã hội

Nguồn: Luong Trinh, Nguyen Phuong Linh, Mai Nguyen Anh, Tuan Mami, Vu Ngoc Duc, Huy An, Tuan Then, Thanh Mai

Chính trong giai đoạn khó khăn này, tiếng nói của nghệ thuật đương đại lại càng cần thiết để xoa dịu những trăn trở trường tồn của con người về cuộc đời, cũng như tỏ rõ vị trí của mình trong thế giới này.

Nghệ thuật đương đại không chỉ là những tác phẩm đẹp và thuần duy mỹ, trong quyết định sáng tạo của những nghệ sĩ đều hàm chứa cảm xúc và quan điểm về những vấn đề của xã hội liên quan đến danh tính, môi trường, sự ngược đãi, kỳ thị,...

Nghệ thuật đương đại thường bị gắn mác “phi thực tế”. Điều này không đúng. Nghệ sĩ đương đại bóc tách câu chuyện thời sự, nhìn chúng qua lăng kính cảm xúc và truyền tải ý tưởng bằng mọi phương pháp có thể. Chúng ta đều là những sinh vật của cảm xúc, vậy thì để thực sự hiểu đủ sâu về một vấn đề, còn có cách nào hiệu quả hơn tạo sự đồng cảm rất “con người” để chạm đến những tầng sâu nhất của nhận thức?

Khối u
Trần Tuấn. Tác phẩm “Mây biến thể", hồ Tịnh Tâm, Huế (2013).

David Lynch, một đạo diễn danh tiếng, đã từng nói: “Trực giác là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến thức và cảm xúc”. Thưởng thức nghệ thuật đương đại, thực chất là quá trình chúng ta dùng trực giác để nhìn nhận thực tế. 

Nếu sách vở, truyền thông là những cách để trình bày hiện thực, thì nghệ thuật có thể khơi lên những thắc mắc thẳm sâu trong mỗi người. Nó thúc giục chúng ta trò chuyện với trực giác của mình. Trong không gian nghệ thuật, trực giác trở thành chiếc la bàn để định vị quan điểm, mối quan tâm, niềm tin, sự yêu thương, hờn ghét mà mình có về những vấn đề xã hội. Trong không gian này, không có khái niệm “đúng”, “sai”, chỉ có những sự thật rất riêng tư của mỗi người. 

Tinh thần thời đại của Việt Nam thường được truyền tải bởi những nghệ sĩ Việt Nam. Họ là những người có hiểu biết về hiện thực xã hội, thấu hiểu sự trừu tượng của cảm xúc, và có khả năng hình tượng hóa sự trừu tượng đó đủ để chia sẻ với người khác. Họ thể hiện điều này bằng mọi phương pháp, trên mọi phương tiện, với mọi chất liệu có thể.

Artist Excellence Award
Lương Trịnh. Tác phẩm “Hậu cung", nằm trong chuỗi tác phẩm “Chuyển Mây”, 2019.  

Hiểu được vai trò người nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở làm đẹp, mà còn là phản ánh cuộc sống, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, cùng với sự đồng tài trợ của ROH Project, Chu Foundation và sự hỗ trợ từ Nguyễn Art Foundation, đã tổ chức Artist Excellence Award - AEA (Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc). AEA không chỉ tôn vinh kỹ năng nghệ thuật, mà còn tôn vinh  cách nghệ sĩ thể hiện quan điểm với những vấn đề chung của xã hội.

Để hiểu hơn về nghệ thuật đương đại, quang cảnh chung về nền nghệ thuật này tại Việt Nam, Vietcetera đã có dịp trò chuyện cùng chị Zoe Butt, Giám đốc Nghệ thuật tại The Factory và anh Jun Tirtadji, nhà sáng lập của ROH Projects, một trong những nhà tài trợ chính của AEA. Anh cũng sẽ chia sẻ với chúng ta về những hỗ trợ của anh cho nền nghệ thuật ở Indonesia cũng như Đông Nam Á.

Zoe and Jun
Zoe Butt và Jun Tirtadji. | Nguồn: Lê Thành Tiến/Davy Linggar

Với tư cách là một khán giả, mới chập chững làm quen với khái niệm “nghệ thuật đương đại”, buổi trò chuyện cùng anh chị đã thực sự khai sáng tôi về sức mạnh của nghệ thuật trong khả năng đồng cảm, cũng như phá vỡ những lầm tưởng và định kiến mà trước giờ tôi vẫn có về nó.

Phần 1: Nghệ thuật đương đại có thể làm được gì, và thực sự là gì?

Nghệ thuật có phải là phương tiện để ta đồng cảm với người khác? Sự đồng cảm phi biên giới, xuyên những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, chính trị,...

Jun: Đồng cảm là một cách rất hay để nhìn nghệ thuật, thông qua nghệ thuật, chúng ta có thể tìm thấy được sự kết nối và hiểu được những trải nghiệm mà người khác đang trải qua, và cố gắng giúp đỡ nhau.

Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch này, việc gặp gỡ trực tiếp không còn dễ dàng như trước. Nhưng mặc cho những hạn chế mà chúng ta có, qua những nền tảng kỹ thuật số, chúng ta vẫn có thể hỗ trợ cho những cộng đồng khác nhau. 

Rất nhiều người trẻ ở VN chưa được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật. Có lẽ vì chúng ta chưa thể thoải mái tâm trí để chiêm nghiệm nghệ thuật, vì chúng ta còn bận lòng nhiều về sự ổn định cũng như nỗi lo cơm áo gạo tiền,...

Việc thúc đẩy sự hiện diện của nghệ thuật đương đại là một công việc rất khó khăn, ít nhất là trong thời điểm này. Vậy thì điều gì đã tiếp lửa cho anh chị để làm công việc này?

Jun: Tôi nghĩ điều tuyệt vời của nghệ thuật đó là nó không hẳn nhìn nhận và đánh giá tính thích đáng của một sự việc. Với tôi những tác phẩm xuất sắc thì sẽ luôn thích đáng, dù cho có ở thời đại nào. Và niềm hy vọng mà nhiều người làm nghệ thuật mong mỏi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn và nhiều thử thách nhất, đó là nghệ thuật có thể soi sáng những khía cạnh mà những hình thức truyền tải khác không thể làm được. Và hy vọng rằng nghệ thuật sẽ giúp chúng ta vượt qua những biến cố, khó khăn này.

Zoe: Tôi thì chỉ nghĩ về một tối thứ Sáu. Hãy tưởng tượng sau một tuần dài, bạn dành tối thứ Sáu để thoát ly khỏi thực tại thông qua nghệ thuật: bạn có thể làm việc đó thông qua việc xem một vở múa, một vở kịch, hay một triển lãm nghệ thuật – tất cả những trải nghiệm nghệ thuật này đều giúp tôi hiểu rõ hơn thời đại mà tôi đang sống.

Âm nhạc, văn học, nghệ thuật thị giác... đều cho chúng ta những trải nghiệm nội tâm quý giá, những kiến thức uyên thâm về cuộc sống, không thể đong đếm được bằng giá trị đồng tiền. Đứng trước những tác phẩm phản ánh thực tại, chúng ta cũng có cơ hội hiểu hơn về bản thân cũng như về thế giới xung quanh. 

Đó là lý do mà tôi đeo đuổi những gì mình làm, tôi muốn đem đến những trải nghiệm này cho những người xung quanh. Vì tôi nghĩ nếu không có những thứ này, chúng ta sẽ trở thành những con rô bốt chỉ vận hành xoay quanh tiền và lợi nhuận. Điều đó với tôi, thật sự rất đáng buồn.

Vậy thì sức mạnh của nghệ thuật đương đại nằm ở đâu?

Zoe: Với tôi, nghệ thuật đương đại phải phản ánh thời đại. Không thì chúng chỉ là đồ trang trí.

Ví dụ, vào những năm 1960 tại Mỹ, Basquiat là một trong những nghệ sĩ đương đại lớn. Lúc này phong trào phản văn hóa lên ngôi, dưới ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra còn có cuộc Chiến tranh Lạnh, khiến lịch sử và trật tự quyền lực thế giới biến chuyển. 

Cùng lúc đó, trong thế giới nghệ thuật cũng có một bước chuyển lớn hướng về nghệ thuật trừu tượng: Làm sao để hiểu những bức chân dung không rõ hình dạng con người? Vai trò của nghệ sĩ trong những bảo tàng là gì? Đây cũng là giai đoạn mà giới nghệ thuật bị phê phán là quá “tinh hoa”: bảo tàng bấy giờ dường như là những định chế thiên vị cho những nghệ sĩ có tác phẩm dễ bán, trong khi bỏ quên nhiều nghệ sĩ khác.

Và Basquiat là một kẻ nổi loạn trong giai đoạn đó. Ông ấy là người đem đường phố vào nghệ thuật, và nói rằng nghệ thuật cần phản ánh cuộc sống của những người bình thường. Trớ trêu thay, ông ấy lại được tưởng thưởng bởi chính giới tinh hoa và trở thành một trong những nghệ sĩ tiên phong đả kích sự bất công và kỳ thị. Là một người da đen, lại lên tiếng chống lại phân biệt giai cấp, Basquiat và nghệ thuật của ông trở thành một biểu tượng lớn tới mức tác phẩm của ông, nghịch lý thay, lại trở thành một trong những tác phẩm đắt nhất thế giới. 

Sự mãnh liệt của Basquiat và tác phẩm của ông ấy, tới từ việc ông ấy là một nghệ sĩ đương đại, phản ánh rõ nét giai đoạn mà ông ấy sinh sống.

basquiat
Jean Michel Basquiat. Untitled, 1982. | Nguồn: AP.

Jun: Liên quan đến chức năng của nghệ thuật đương đại, có một cụm từ mà người ta thường dùng là Zeitgeist. Zeitgeist nghĩa là thời đại của chúng ta, hay tinh thần của thời đại.

Nhưng những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong thì hiện tại, lại chỉ có thể thực sự thấu thị khi mọi chuyện đã qua đi, và chúng ta có cơ hội nhìn lại, chiêm nghiệm và học hỏi. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự nhận thức được những nghệ sĩ đã thành công như thế nào trong việc truyền tải tinh thần của thời đại.

Vậy thì đâu là thứ khiến những hiểu biết từ nghệ thuật, khác với những hiểu biết qua sách vở, truyền thông?

Jun: Có lẽ là do yếu tố mỹ thuật của nó. Nó không hoàn toàn là một trải nghiệm của lý trí, nhận thức. Mà cách lan truyền hiểu biết của nghệ thuật đi vào rất nhiều lớp lang của tâm trí chúng ta.

Zoe: Nghệ thuật là thứ gì đó chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, chạm vào, ngửi thấy. Đây là những trải nghiệm thuộc về giác quan.

Nghệ thuật có thể hỏi người xem: “Bạn nghĩ gì về thông điệp này?” mà không mong đợi một câu trả lời đúng. Vì trong nghệ thuật chẳng có sai hoặc đúng, nó chính hiện thân của câu nói: “Văn hóa là không gian rộng lớn duy nhất còn lại, để con người có thể tương tác, hay đối diện với những thứ họ không hiểu, hoặc không thích.”

Với nghệ thuật, người xem có thể nhìn một tác phẩm, và được quyền nói rằng: “Chẳng sao cả. Tôi không cần hiểu, tôi không cần thích. Nó có thể ở đó, nhưng tôi không cần phải tham gia vào nó”. Nghệ thuật cho chúng ta cơ hội có những cuộc hội thoại đó, kiểu hội thoại mà chúng ta rất cần trong thời điểm này.

tuấn mami
Tuấn Mami. Ảnh tác phẩm thuộc dự án “Trong từng hơi thở - Không gì đứng yên".

Phần 2: Điều gì thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam và Đông Nam Á?  

Theo anh (Jun), Việt Nam giữ vị trí như thế nào  trên bản đồ nghệ thuật thế giới?

Jun: Dưới góc nhìn địa chính trị, Việt Nam đã luôn rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Đó là do lịch sử chính trị - xã hội đặc biệt của Việt Nam, hay việc nơi đây là giao lộ giữa những nền văn hóa,... Thêm vào đó, các bạn vẫn luôn có những nghệ sĩ rất thú vị, cả ở giai đoạn hiện đại và đương đại. Và cũng có những phong trào nghệ thuật và những nghệ sĩ rất thú vị từ nơi đây. Tôi thật sự mong có cơ hội tìm hiểu thêm về nền nghệ thuật của các bạn. 

Theo những gì tôi thấy được lúc này, thì giới nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đã được định hình bởi những người như Zoe, những người đã cố gắng, và tiên phong chia sẻ những gì đang xảy ra tại Việt Nam với thế giới. Cũng qua những tổ chức như The Factory và những nỗ lực của họ mà những người như tôi có thể phần nào thấy được bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật Việt Nam.

Vậy anh có thấy được tiềm năng của nghệ thuật Việt Nam trong việc lan truyền cảm hứng tới thế giới không?

Jun: Chuyện này đã và đang xảy ra rồi đấy, và hy vọng là mọi thứ sẽ ngày càng phát triển.

Cũng như những cộng đồng nghệ thuật khác, giới nghệ thuật đương đại tại Việt Nam cũng rất đa dạng. Các bạn có những nghệ sĩ rất điêu luyện, hiểu rất nhiều dạng thức để truyền tải thông điệp một cách khác nhau. Họ rất “cao tay” trong việc hình thành cầu nối giữa ý tưởng - thực tế và truyền tải chúng một cách đẹp đẽ. 

Có điều gì khác biệt hay tương đồng giữa cộng đồng  nghệ thuật Indonesia và Việt Nam?

Jun: Tại Indonesia, chúng tôi có một nền tảng hỗ trợ lâu đời hơn, vững chắc hơn. Việc sưu tầm nghệ thuật đã bắt đầu trở nên mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 20 hay thậm chí là trước đó nữa. 

Vì thế nên về khía cạnh kinh tế, thì nhà sưu tầm và nghệ sĩ đã có một mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau từ lâu. Và điều này làm cho rất nhiều việc trở nên khả thi hơn, vì ít nhất đã có một nền tảng kinh tế ổn định.

Từ góc nhìn  hạn chế của tôi, thì tình hình nghệ thuật Việt Nam còn ở trong giai đoạn sơ khai về mặt kinh tế. Và đó là một trong những lý do mà chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia thông qua sáng kiến AEA này, nhằm tạo những mạng lưới, những dòng luân chuyển về sự sáng tạo, kinh tế, và những vấn đề liên quan.

id art
Arin Dwihartanto Sunaryo. Cucumis Musa Elaeis, 2020. | Nguồn: Nghệ sĩ/ROH Projects.

Zoe: Một điều mà tôi ấn tượng là Indonesia luôn đặt trọng tâm vào văn hóa. Vì thế nên những môn nghệ thuật truyền thống đã luôn được những nghệ sĩ đương đại Indonesia gìn giữ và phát huy từ rất sớm. 

Từ đầu những năm 70, họ đã có những nghệ sĩ bắt đầu đặt chân vào khái niệm “nghệ thuật đương đại”. Họ kết hợp những thực hành truyền thống, như múa rối, điêu khắc, và không thể không kể đến họa tiết batik,... Những nét truyền thống này ngay lập tức trở thành một phần của làn sóng đương đại, kế thừa và thúc đẩy tiến trình của nghệ thuật. 

Đây là một hành trình được hỗ trợ bởi những nhà sưu tầm, và điều này đã làm cho ngôn ngữ nghệ thuật dễ phát triển hơn. Nghĩa là có sự hình thành của nhiều triển lãm, nhà buôn, hội chợ nghệ thuật, lễ hội; và có thêm những thư viện nghệ thuật, những bộ lưu trữ lịch sử về văn hóa - nghệ thuật được lập ra. 

Nhưng hành trình đó chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam. Một phần lý do, là vì hiểu biết về nghệ thuật của người Việt đã gần như bị người Pháp đóng khuôn thông qua những ngôi trường nghệ thuật mà người Pháp xây dựng nên. 

Tất nhiên Indonesia cũng có những vấn đề riêng của họ. Và như Jun đã nói, anh ấy và tôi đều muốn xây dựng một cầu nối lớn và vững bền giữa nền nghệ thuật hai nước.

Vì sao ROH lại muốn tài trợ cho AEA?

Chúng tôi rất thích những gì Zoe và The Factory đang làm và thấy rằng cần phải hỗ trợ nhau nếu có cơ hội. Khi Zoe khơi mào ý tưởng về AEA, chúng tôi cảm thấy điều này rất phù hợp với những gì mà chúng tôi cố gắng đạt được ở Indonesia. Và chúng tôi chỉ muốn hỗ trợ chương trình này bằng tất cả những gì trong khả năng mình. 

Nguyen thanh mai
Nguyễn Thị Thanh Mai. Một tác phẩm trong loạt tranh "Thế hệ của chiến thắng #3", 2020 (đang tiếp diễn).

Anh có mong đợi gì từ những nghệ sĩ mà mình hỗ trợ không?

Jun: Cũng không hẳn, tôi quyết định hỗ trợ chủ yếu là do trực giác và sự tin tưởng vào những người nghệ sĩ này.

Zoe: Ngoài xây dựng cộng đồng nghệ thuật tại Indonesia, Jun và ROH còn hỗ trợ những quốc gia khác tại Đông Nam Á (ĐNA) nữa. ĐNA là một khu vực phức tạp, và dù phân chia ra thành nhiều nền văn hóa, chúng ta đều có những tương đồng về những hạn chế trong giới nghệ thuật. 

Lạc Chốn
Bùi Công Khánh. Lạc Chốn, 2016.

Điều này chủ yếu là do ĐNA không thực sự có vị thế vững chắc trên trường quốc tế, như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc… ĐNA có những thực hành nghệ thuật truyền thống cực kỳ độc đáo, nhưng lại chưa thực sự được hiểu và đón nhận bởi cộng đồng nghệ thuật quốc tế. 

Và tôi tin rằng Jun và tôi đồng quan điểm: chúng tôi xem công việc của mình như một cách để thách thức cách mà phương Tây hiểu về ĐNA.

Việt Nam cần một hệ sinh thái nghệ thuật tương tự như Indonesia. Giải thưởng AEA, mục đích là để nhận thức rằng nghệ sĩ cần một cộng đồng để hỗ trợ họ trong nhiều mặt, và rằng cả xã hội đều có thể hỗ trợ để làm sao cả hai phía đều được lợi. 

Jun: Đúng vậy, nghệ sĩ không chỉ cần sự hỗ trợ về tiền bạc, mà còn là sự hỗ trợ về tinh thần qua giao tiếp, trò chuyện và an ủi khi họ nghi ngờ bản thân nhất.