Từ bộ phim kinh điển The Housemaid (1960), đến phiên bản làm lại cùng tên (2010) và đặc biệt là The Handmaiden (2016) của Park Chan Wook với những cái bẫy "lộn nhào". Đây là ba bộ phim điện ảnh khai thác mối quan hệ nguy hiểm giữa chủ nhân và người hầu gái, thể hiện những cái nhìn “lệch chuẩn” của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại.
Và không chỉ thế, chúng còn thách thức những giá trị truyền thống, phá vỡ các khuôn mẫu đạo đức và thăm dò thế giới nội tâm tăm tối của con người.
Cơn ác mộng của cô hầu gái
The Housemaid (1960) của Kim Ki Young có thể coi là bộ phim điện ảnh đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc thể hiện cái nhìn “lệch chuẩn” và dự báo (hoặc ảnh hưởng) cho những tác phẩm điện ảnh đầy cực đoan của thế hệ đạo diễn làn sóng mới sau này. Bong Joon Ho không ngần ngại thừa nhận sự tác động và ảnh hưởng của bộ phim này đến Parasite, một mốc son chói lọi của điện ảnh Hàn Quốc đương đại.
The Housemaid ra đời vào giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Hàn Quốc sau chiến tranh Triều Tiên, khi chưa bị cái kéo kiểm duyệt của chế độ chính trị độc tài sau đó cản trở tự do sáng tạo. Khác với những bộ phim chủ yếu khai thác các đề tài truyền thống, dân gian, lịch sử… The Housemaid của Kim Ki Young không ngần ngại đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội Hàn Quốc những năm 60, khi tầng lớp trung lưu bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều ở thị thành.
Một gia đình bốn thành viên chuyển đến một ngôi nhà hai tầng khang trang ở Seoul. Người chồng là giảng viên piano cho một lớp học toàn nữ ở một nhà máy, người vợ làm nghề thợ may để trang trải thêm cho cuộc sống của gia đình.
Do mang thai đứa con thứ ba và áp lực vì làm việc quá sức, họ tìm thuê một người hầu gái để đỡ đần việc nhà. Nhưng ngay từ đầu, sự xuất hiện của cô hầu gái đã dự báo những điềm chẳng lành khi cô ta có những hành động kỳ lạ, thích theo dõi và soi mói người chồng.
Chuyện gì đến cũng phải đến. Trong một đêm mưa gió, khi vợ và con về nhà ngoại, cô hầu gái tìm cách tiếp cận người chồng. Sự việc vở lỡ khi cô hầu gái mang thai. Và khi cái thai bị sẩy do sự tác động của người vợ, cô hầu gái lên một kế hoạch báo thù khủng khiếp, dần dần thao túng, hủy hoại toàn bộ gia đình chủ nhân…
Với một câu chuyện đầy thách đố và khai thác một góc nhìn méo mó về xã hội và con người đương thời, The Housemaid của Kim Ki Young không ngần ngại thăm dò bản chất của con người ở những tầng sâu tăm tối nhất. Ánh nhìn của đố kỵ, thù hằn và ám ảnh nhục dục lan tỏa xuyên suốt bộ phim.
Sự táo bạo của đạo diễn thể hiện ở góc nhìn khác lạ về người hầu gái. Nhân vật này từ đầu đến cuối chưa bao giờ là nạn nhân và hiếm khi ở thế thụ động. Ngay cả ở trong mối quan hệ sai trái với ông chủ, cô ta cũng đốt mồi lửa tình dục lên với sự thèm khát không giấu diếm.
Diễn xuất của nữ diễn viên trẻ Lee Eun Shim trong vai người hầu gái Myung Sook thực sự gây ám ảnh và đáng sợ. Lối hành xử kỳ quái, ánh mắt sắc lẻm và cách biểu lộ những ham muốn khiến nhân vật này trở thành một “femme fatale” hiếm hoi trong điện ảnh Hàn thập niên 60.
Báo chí Hàn thuật lại rằng, trong nhiều suất chiếu, khán giả la hét, chửi bới trong rạp và thậm chí đòi “giết chết con chó cái”. Vai diễn này đã phủ bóng và chấm dứt sự nghiệp điện ảnh của Lee Eun Shim, do không có nhà sản xuất hay đạo diễn nào dám mời cô đóng phim tiếp theo.
Đạo diễn Kim Ki Young có tài năng xây dựng tâm lý nhân vật phức tạp và khả năng chỉ đạo diễn xuất (cho dù vẫn hơi nặng tính ước lệ và lối diễn khoa trương kiểu sân khấu). Ngôn ngữ điện ảnh của ông gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ phong cách dàn dựng nhất quán để tạo được chiều sâu cho từng khuôn hình.
Bối cảnh phim phần lớn diễn ra trong ngôi nhà hai tầng với chiếc cầu thang được xây dựng như một biểu tượng của phân hóa giai cấp và sự tranh giành quyền lực. Đạo diễn cũng có nhiều sáng tạo trong sự di chuyển máy quay, cách đặt góc máy, hay việc sử dụng âm nhạc ám ảnh để mang lại không khí kinh dị khi những cái chết bắt đầu xuất hiện.
Là một hiện tượng phòng vé vào năm 1960 nhưng The Housemaid ít được nhắc đến sau đó. Cho đến năm 1997 khi nó được trình chiếu trở lại tại LHP Busan và được giới phê bình và khán giả đón nhận nồng nhiệt. The Housemaid cũng được giới thiệu và quảng bá tại nhiều LHP quốc tế và được xem là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hàn Quốc. Nhiều nhà phê bình coi nó là một trong ba kiệt tác hay nhất của Hàn Quốc.
Đạo diễn tên tuổi của Mỹ là Martin Scrosese cũng dành nhiều ưu ái cho bộ phim. Ông nói đây là bộ phim không giống với bất cứ bộ phim nào mà ông từng xem trước đây, “bộ phim mang lại cảm giác khó chịu với cách thể hiện táo bạo, gợi cảm giác nguy hiểm tiềm tàng ở nội tâm của con người.”
Martin cũng nói rằng, thật dễ dàng để hiểu sâu sắc ảnh hưởng của bộ phim này đối với rất nhiều nhà làm phim ở Hàn Quốc đương đại bao gồm Park Chan Wook, Im Sang Soo và Bong Joon Ho.
Cô hầu gái thời hiện đại và cuộc báo thù cực đoan
Năm 2010, tức 50 năm sau khi The Housemaid gốc ra đời, một đạo diễn khá tiêu biểu của “Làn sóng mới” Hàn Quốc là Im Sang Soo quyết định remake (làm lại) tác phẩm kinh điển này. Cho dù lọt vào vòng tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 2010, bộ phim lại gây chia rẽ giới phê bình và khán giả. Một số đánh giá cao sự phá cách trong thay đổi cốt truyện, yếu tố thẩm mỹ trong dàn cảnh và thông điệp xã hội. Nhưng một số khác lại cho rằng bộ phim hơi khiên cưỡng về tình huống, tình tiết và khó thuyết phục về mặt phát triển tâm lý nhân vật.
Một điểm đáng khen là Im Sang Soo quyết liệt thay đổi cốt truyện và bối cảnh xã hội, khiến bộ phim hợp thời đại hơn. Chỉ giữ nguyên nhan đề phim và bản chất mối quan hệ vụng trộm, biên kịch của bộ phim hầu như xây dựng lại toàn bộ, từ cấu trúc đến diễn tiến của câu chuyện. Điều này khiến tôi cảm giác đây là một bộ phim nguyên bản và chỉ chịu ảnh hưởng từ tác phẩm gốc về chủ đề.
Sự thay đổi rõ rệt nhất là bối cảnh xã hội của bộ phim. Khác với những năm 60 khi nền kinh tế vẫn còn bấp bênh với nhân vật trung lưu, lần này The Housemaid kể câu chuyện của giới thượng lưu mới trong xã hội hiện đại, nơi đồng tiền có thể chi phối mọi chuyện.
Thể loại phim cũng có sự dịch chuyển đáng kể, từ bộ phim gốc mang hơi hướng kinh dị/hình sự (horror/thriller) sang phiên bản làm lại là erotic thriller với nhiều cảnh tình dục táo bạo. Vốn là một đạo diễn chuyên trị dòng phim erotic (khiêu dâm nghệ thuật), Im Sang Soo làm chủ được những cảnh nóng bỏng để đạt mục đích nghệ thuật.
Việc (buộc phải) phô bày bộ phận nhạy cảm của diễn viên nữ đơn thuần là để thể hiện bản năng tình dục của nữ giới; và, để tương đồng với bản gốc, thể hiện sự chủ động trong ham muốn của cô hầu gái Li Eun Yi do nữ diễn viên tài năng Jeon Do Yeon thủ vai.
Thế nhưng ở phần cuối, cách hành xử của Li Eun Yi trong phiên bản làm lại gây khó hiểu và khó chấp nhận. Cuộc báo thù cực đoan của cô hầu gái Eun Yi khó thuyết phục về mặt logic tâm lý và khá vô nghĩa. Hoặc cũng có thể, đó là một cái nhìn mang tính châm biếm về xã hội Hàn Quốc hiện đại. Một xã hội phân hóa giai cấp, nơi đồng tiền có thể tẩy trắng mọi thứ, dù đó là những thứ xấu xa nhất.
The Handmaiden và tình tiết lật kèo ngoạn mục
Là một trong những đạo diễn tiêu biểu nhất của Làn sóng mới Hàn Quốc với không ít bộ phim cực đoan (extreme), đặc biệt là chủ đề bạo lực và báo thù, năm 2016, Park Chan Wook tung ra bộ phim The Handmaiden (Cô hầu gái), tiếp tục khai thác đề tài nhạy cảm này với không ít cảnh làm tình nóng bỏng.
Điểm khác biệt lớn nhất, mối quan hệ giữa chủ nhân và hầu gái ở đây là đồng tính nữ. Nhưng The Handmaiden không đơn thuần là một bộ phim mối quan hệ nhạy cảm về gia nhân và chủ như hai bộ phim ở trên. Phim còn là một tác phẩm táo bạo đề cao giá trị nữ quyền: những nhân vật nữ thông minh, mãnh liệt, tham vọng với những ham muốn được thể hiện rõ ràng.
Park Chan Wook mượn chất liệu và ảnh hưởng ít nhiều từ cuốn tiểu thuyết Fingersmith của nữ nhà văn Sarah Waters và thay đổi bối cảnh lịch sử từ thời Victoria nước Anh sang thời Hàn Quốc đang là thuộc địa của Nhật Bản đầu thế kỷ 20. Giá trị thẩm mỹ, tính giải trí cao cùng sự táo bạo trong việc khai phá đề tài tình dục và sự giải phóng tình dục ở nữ giới khiến bộ phim được giới phê bình phương Tây đặc biệt tưởng thưởng.
Thuộc thể loại erotic psychological thriller (hình sự tâm lý khiêu dâm), The Handmaiden kéo thẳng khán giả vào những mưu đồ, những cái bẫy tinh vi của các nhân vật; những thú vui tình dục của tầng lớp thượng lưu và khát khao bị kìm nén của người phụ nữ bị áp bức. Nhưng sự xuất hiện của cô hầu gái Sook He (Kim Tae Ri), vốn xuất thân là một kẻ móc túi dẫn đến một cái kết “lật kèo" đến giật mình.
Được cấu trúc thành ba phần khác nhau với góc nhìn thay đổi qua giọng kể của hai nhân vật nữ chính, The Handmaiden dẫn dắt người xem khám phá những bí mật và bi kịch của những con rối của dục vọng. Ở phần giữa, vì lặp lại quá nhiều chi tiết, cách kể chuyện của Park Chan Wook tạo cảm giác rối rắm không cần thiết. Tuy nhiên, tài năng đã được khẳng định trong việc thiết kế bối cảnh, chỉ đạo nghệ thuật, quay phim và âm nhạc, cùng với diễn xuất tinh tế của 4 diễn viên chính. Đó là những lý do khiến The Handmaiden trở thành một tác phẩm cực kỳ hấp dẫn và lôi cuốn.
Từ The Housemaid của Kim Ki Young đến bộ phim làm lại của Im Sang Soo và đặc biệt là The Handmaiden của Park Chan Wook, ta có thể thấy được sự kế thừa của điện ảnh Hàn Quốc đương đại với các di sản quá khứ. Đó là những tác phẩm được kể dưới góc nhìn của nữ giới, khai phá bản năng và trải nghiệm tình dục của nữ giới. Đó cũng là cách những đạo diễn điện ảnh nước này dám phá vỡ những khuôn mẫu đã định sẵn về giới, thách thức các khuôn mẫu về xã hội và sẵn sàng đào bới tận cùng nội tâm sâu thẳm của con người.