Làm đẹp, tân trang nhan sắc luôn là mối quan tâm và sở thích của phái đẹp. Để thay thế cho việc makeup mi mỗi ngày, chuốt mascara và bấm cong - một việc nếu làm thường xuyên sẽ khiến lông mi dễ gãy và rụng, nối mi trở thành lựa chọn mới của các chị em.
Tiêu chí chuẩn cho một bộ mi nối là:
- Có độ cong và dài hợp với gương mặt bạn. (Đẹp tự nhiên nhưng không tự nhiên mà đẹp là đây)
- 3 KHÔNG: không cộm - không nặng mắt - không ngứa rát
Làm thế nào để đi nối mi lần đầu mà không bỡ ngỡ? Hãy tham khảo bộ cẩm nang ngắn gọn này trước khi bạn đưa ra quyết định "độ mi".
Mi giả đến từ đâu?
3 chất liệu phổ biến nhất dùng cho nối mi gồm: sợi tổng hợp, lụa và lông chồn. Mỗi loại có độ dài, độ cong khác nhau. Thông thường lông chồn sẽ mắc hơn, song có độ mềm tự nhiên. Sợi tổng hợp là lựa chọn phổ biến nhất vì có giá hợp lý.
Mi thường của chúng ta có độ dài từ 8-15mm. Nếu không muốn nhanh rụng mi, hãy chọn loại mi có độ dài chênh lệch không quá lớn so với mi thật.
Độ dài phổ biến cho mi nối thường từ 7-15mm. Dài hơn mức này, hàng mi bạn trông sẽ giống 1 lớp rèm, lồng lộn và chặt chém hơn. Nhưng đẹp hay không thì còn tuỳ thuộc vào đôi mắt người nhìn nhé.
Quy trình nối mi và những kỹ thuật nối được ưa chuộng nhất
Nối mi tiêu chuẩn gồm 5 bước như sau
- Đánh giá: bạn được tư vấn và chọn dáng mi phù hợp với gương mặt nhất.
- Làm sạch: tẩy bỏ lớp trang điểm, dầu và bụi bẩn.
- Nối mi: Sau khi cố định chân mi, thợ nối sẽ dùng nhíp nối từng sợi vào mi thật. Bạn nằm nhắm mắt khoảng 1-2h.
- Sấy khô keo dán mi để tránh bị cay mắt do hơi keo sau khi hoàn thiện tác phẩm.
- Tỉnh dậy với đôi mắt long lanh: lông mi đã khô hoàn toàn, thợ nối sẽ gỡ băng dán cố định.
3 kiểu nối thịnh hành nhất
Thông thường, để không làm ảnh hưởng tới mi tự nhiên của bạn, kỹ thuật viên sẽ nối "cách mi", nghĩa là sợi mi giả không nối sát vào chân sợi mi thật. Để chắc chắn, bạn hãy hỏi nhân viên tư vấn trước khi "lên-thớt". Ai có mi mỏng, yếu rất nên lưu ý điều này.
- Nối mi cổ điển (classic): Loại tự nhiên nhất, mỗi sợi mi thật sẽ gắn thêm một sợi mi giả.
- Nối mi hỗn hợp (hybrid): không nhẹ nhàng như kiểu cổ điển, nhưng chưa chạm ngưỡng lồng lộn như volume. Lựa chọn thích hợp để ăn diện dịp Tết.
- Nối mi volume: đây là hình thức nối mi hard-core nhất, cho ra hàng mi dạng cánh quạt. Các chùm mi với nhiều hơn 2 sợi/chùm được nối lên từng sợi mi của bạn.
Gần đây có thêm nhiều kỹ thuật mới khác như mắt ướt, đuôi cá, thiên thần… hay mi màu 7 sắc cầu vồng.
Nối mi có hạn sử dụng bao lâu? Có gây rụng mi như lời đồn?
Nối mi thường duy trì từ 4-6 tuần, phụ thuộc vào tốc độ phát triển lông mi của mỗi người. Giống như tóc, lông mi cũng có chu trình phát triển gồm: mọc mới, chân mi dần thoái hoá, ngừng phát triển và rụng.
Khi hàng mi của bạn dài ra, sợi mi nối sẽ dài ra theo và trở nên yếu hơn, dẫn tới việc bị rụng mi giả. Thời điểm này, bạn có thể đi dặm lại để bảo trì cặp mi xinh.
Dẫu vậy, mắt vẫn là vùng nhạy cảm, hãy tìm hiểu kỹ các nguồn đáng tin cậy trước khi tiến hành làm đẹp nhé.
Chăm sóc mắt hậu nối mi
Mi nối rất mong manh, chỉ cần bạn dụi mắt hay khóc một chập là chúng ra đi. Dưới đây là một vài lưu ý:
- Tránh tiếp xúc với nước và hơi ấm trong vòng 8-12h kể từ sau khi nối.
- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm gốc dầu trên mắt như dầu/sáp tẩy trang, dầu dưỡng da... vì keo dán sẽ bị hoà tan trong dầu.
- Không dụi mắt, bứt mi.
- Sau khi tắm/rửa mặt nên dùng đầu chuốt mi sạch để chải để giúp mi không bị rối và nhanh khô hơn sau khi ngấm nước.
- Hạn chế nằm nghiêng, úp vì lông mi sẽ cọ xát vào gối nệm khiến mi dễ rối và rụng.
- Nếu bạn lái xe máy, hãy chắc chắn mũ bảo hiểm có thêm kính bảo hộ để ngăn gió và bụi nhé.
- Cuối cùng, không xem phim cảm động hay cãi nhau với người thương sau khi nối mi. Nước mắt của bạn sẽ cuốn trôi những sợi mi giả.