Những người phụ nữ đáng sợ trong 5 tựa phim kinh dị - tâm lý | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 10, 2020
Sáng TạoĐiện Ảnh

Những người phụ nữ đáng sợ trong 5 tựa phim kinh dị - tâm lý

Tôi không chắc bạn biết được chuyện gì sắp đến đâu...

Những người phụ nữ đáng sợ trong 5 tựa phim kinh dị - tâm lý

Một trong hai người phụ nữ này sẽ khiến bạn sợ đến mất ngủ. | Nguồn: Phim Bedevilled - Sponge ENT

Phụ nữ, những nàng thơ, họ là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Họ hiện diện trong văn thơ, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, kiến trúc (phải đấy, là kiến trúc!) và điện ảnh.

Họ luôn đẹp, đôi lúc dịu dàng, đôi lúc tinh nghịch đến đáng yêu, nhưng cũng có khi rất đáng sợ. Nếu may mắn, bạn sẽ có một khoảng thời gian cực kỳ vui vẻ và thoải mái bên những người phụ nữ trong cuộc đời mình...

Tuy vậy, nếu lỡ làm điều gì đó và bỗng dưng thấy chột dạ, ngay lập tức ngừng tin những gì mình thấy, và ngừng tin những gì mình tin. Tôi không chắc bạn biết được chuyện gì sắp xảy ra đâu.

Để phần nào hình dung những thứ có thể xảy ra, hãy thử tìm xem 5 tựa phim sau.

Misery (1990)

Misery là bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của ông hoàng truyện kinh dị Stephen King. Cũng như nhiều tác phẩm được chuyển thể khác của ông, Misery khai thác yếu tố kinh dị từ những sự việc thật gần gũi, khiến nội dung trở nên đáng sợ từ khả năng xảy ra rất cao của các tình huống.

Nhân vật chính trong phim là Paul Sheldon, một nhà văn được yêu mến với loạt tiểu thuyết tình cảm “mì ăn liền” mang tên ‘Misery’, kể về chuyện tình của cô gái Misery. Khi đã quá chán nản với nhân vật cũ mèm nhưng hái ra tiền này, Paul quyết định chấm dứt cuộc đời của cô gái giả tưởng trong tập truyện cuối cùng và bắt đầu một tiểu thuyết thực thụ.

Đoạn, Paul Sheldon lái xe trong cơn bão tuyết trở về từ giai đoạn thoát ly để hoàn thành tác phẩm tâm huyết và gặp tai nạn. May mắn thay, ông được một phụ nữ tên Annie Wilkes cứu sống. Annie tình cờ là fan cuồng của ‘Misery’ và đã kéo ông ra khỏi chiếc xe lật nhào, đem về nhà cứu thương và hồi sức.

Tại nông trang giữa vùng quê hẻo lánh, Paul sẽ nhanh chóng nhận ra mình đã bước vào một cơn ác mộng, ngụy trang dưới sự săn sóc tận tình của Annie, người phụ nữ không hề nhân ái như ông tưởng…

Bedevilled (2010)

Nỗi buồn và sự tàn khốc của bản năng con người được pha trộn hoàn hảo trong bộ phim Hàn Quốc đẫm máu và nước mắt này. Phim bắt đầu với sự xuất hiện của Hae-won, một nữ nhân viên ngân hàng bị cho thôi việc tại thành phố Seoul và được đi một “kỳ nghỉ” dài hạn tại hòn đảo xinh đẹp và hoang sơ, nơi cô sinh ra.

Tại đây, cô gặp lại người bạn ấu thơ Bok-nam. Bok-nam là một cô gái ấm áp và giàu tình cảm, sống cả đời cùng chồng và con gái trên hòn đảo này. Trọng tâm bộ phim chuyển dần từ Hae-won sang Bok-nam khi Hae-won bắt đầu nhận ra những tàn bạo đang diễn ra hàng ngày trên quê hương mình.

Thì ra đây là một nơi hoang sơ về kinh tế lẫn văn hóa xã hội. Với chế độ phụ hệ nặng nề, đây là một hòn đảo được thống trị bởi những người đàn ông, còn phụ nữ thì bị đối xử như cỏ rác. Họ bị bóc lột, lạm dụng, và hành hạ mỗi ngày mà không dám hé nửa lời. Bok-nam và cô con gái nhỏ là những nạn nhân đáng thương nhất của cộng đồng nhỏ này.

Từ nỗi đau đớn của cô gái quê ngây thơ, chúng ta dần cảm thấy một thứ gì đó bất ổn đang sùng sục, âm ỉ lớn dần qua từng cảnh phim và diễn biến tâm lý của Bok-nam.

Chồng cô sẽ đánh đập cô tới bao giờ? Mẹ chồng sẽ vắt kiệt sức cô tới bao giờ? Tới bao giờ thì mọi thứ vượt tầm kiểm soát và Bok-nam đánh mất nhân tính treo bằng sợi tóc trong cơn say máu?

Suspiria (2018)

Suspiria đưa bạn vào không gian xám xịt và lạnh lẽo của bầu trời Berlin, Đức vào năm 1977. Tại đây, trong học viện của một đoàn nữ vũ công ballet danh giá, nhân vật chính Suzy đam mê múa tìm thấy nơi lý tưởng để dung dưỡng tài năng của mình.

Và rồi học viện múa này dần lộ rõ là bình phong cho một hội phù thủy, với các nghi lễ hiến tế, thờ phượng một thế lực bí ẩn với danh xưng “Người Mẹ”. Đây là một bộ phim của những biểu tượng tối tăm và thần bí, mang ẩn ý về nữ quyền.

Dù nội dung cơ bản chỉ có thế, nhưng dưới bàn tay của đạo diễn Luca Guadagnino, Suspiria trở thành một sản phẩm nghệ thuật truyền tải không khí rờn rợn chỉ có thể cảm nhận rõ qua trực giác.

Bộ phim gửi một nỗi sợ mơ hồ dọc sống lưng người xem bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác (màu phim lạnh lẽo do hạn chế các màu cơ bản), vũ đạo xuất sắc (và cũng rất quái dị, trưng bày hình thể con người trong những trạng thái phi tự nhiên) và âm nhạc khi thì da diết, khi lại méo mó đến chuẩn xác của nhạc sĩ đại tài Thom Yorke từ ban nhạc Radiohead.

Orphan (2009)

Orphan là một bộ phim kinh dị đặc biệt khi chọn một cô bé làm nhân vật phản diện. Sau khi mất đứa con chưa kịp lọt lòng, vợ chồng Coleman gặp cô bé Esther tại một trại mồ côi. Họ nhanh chóng bị thu hút bởi cô bé với vẻ ngoài xinh xắn như thiên thần, tài năng và trí tuệ vượt trội cũng như sự chín chắn bất ngờ. Và họ quyết định nhận nuôi Esther, đem cô bé về sống chung với hai đứa con ruột của mình.

Đây là khi chuỗi những sự kiện không may, những tai nạn bất ngờ và kỳ lạ bắt đầu xảy đến với các thành viên gia đình Coleman. Họ dần nhận ra có điều gì đó không ổn với Esther. Có điều gì đó khá đáng sợ trong thái độ luôn điềm tĩnh và chừng mực, hay sự hiểu biết sâu sắc đến xuyên thấu tâm can của cô bé này.

Sự hoàn hảo của Esther bắt đầu lộ rõ sự phi tự nhiên qua những diễn biến phim. Cô bé chơi đùa và thao túng vợ chồng Coleman và cả người xem dưới vẻ ngây thơ của một đứa trẻ thông minh và ngoan ngoãn.

Hình hài Esther dường như quá bé để chứa đựng hết sự tăm tối ẩn bên trong. Nhưng suy cho cùng, một đứa trẻ 9 tuổi thì có thể làm được gì ghê gớm phải không nào?

Khoan, coi chừng bạn đã sai ngay từ lần đầu nhìn thấy Esther.

Gone Girl (2014)

Gone Girl là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Gillian Flynn. Đây là tác phẩm điện ảnh với những tình tiết khi thì rõ ràng, khi thì lắt léo, đánh lừa người xem trong khoảnh khắc họ nghĩ mình biết chuyện gì đang xảy ra.

Trong Gone Girl, nhà văn Nick Dunne và người vợ Amy Dunne xinh đẹp của mình xuất hiện hoàn hảo với mối quan hệ đẹp như một bức tranh. Họ tìm thấy nhau trong một bữa tiệc, ngay lập tức tìm thấy sự liên kết đặc biệt rồi thành hôn không lâu sau đó.

Và Amy bỗng dưng mất tích.

Nghi ngờ về một vụ mưu sát ngày càng dâng cao với mũi dùi dư luận hướng về nghi phạm duy nhất, Nick Dunne. Bộ phim liên tục chuyển từ thì hiện tại khi Amy mất tích, đến quá khứ về cặp đôi được dẫn dắt bởi những dòng nhật ký của Amy.

Đó là khi mặt tối của cuộc hôn nhân hoàn hảo dần được bóc tách qua từng dòng lưu bút. Rạn nứt, dối lừa len lỏi từ từ giữa Amy và Nick sau nhiều năm kết hôn. Và chuyện gì đến đã đến, Nick ngoại tình. Quyển nhật ký của Amy thì kết thúc bởi dòng chữ “This man may kill me.” - “Người đàn ông này có thể sẽ giết tôi.”

Amy đang ở đâu, còn sống hay đã chết, vì sao cô lại biến mất? Tất cả những câu hỏi này chỉ có thể trả lời bởi những người trong cuộc, bởi họ đã thề dành trọn đời bên nhau, và có những lý do hoàn hảo để tàn phá cuộc đời người còn lại.