Chắc hẳn các bạn đã nghe nhiều câu chuyện bỏ học khởi nghiệp thành công, nhưng mấy ai bỏ lại sự nghiệp trên đà phát triển để trở lại chiếc ghế học đường? Đó chính là điều mà Giám đốc Nghệ thuật Nguyễn Sơn Tùng đã làm. Giờ đây, độc giả Việt Nam biết đến anh dưới cái tên Lạc, một trang blog ảnh mang vẻ đẹp miền quê Nhật.
Năm 2015, Tùng tạm dừng hoạt động sáng tạo với các nhãn hàng ở Việt Nam và Úc để bắt đầu chuyến du học Nhật của mình ở Khoa Mỹ Thuật, Đại học Nghệ thuật Thiết Kế Niigata. Và chàng trai 26 tuổi này nhanh chóng bị những con phố Nhật Bản mê hoặc. Lúc bấy giờ, sẵn có chiếc máy ảnh, Tùng tranh thủ ghi lại những giây phút thường nhật ở nơi đây.
Thế rồi blog Lạc nhanh chóng thu hút được sự chú ý với những khoảnh khắc bình dị chân thực, hồi ký dịu dàng và thẩm mỹ tinh giản trong từng bức hình. Đằng sau ống kính, Tùng cho người đối diện một cảm giác rất an yên với giọng nói trầm ấm như thể anh bước ra từ một tác phẩm của chính mình. Những lúc rảnh rỗi, Tùng quên đi thời gian bằng cách du lịch chậm, một hoạt động được gọi tên theo chiến dịch thực phẩm chậm nổi tiếng.
Hôm nay, chúng tôi trò chuyện với Tùng về trào lưu mới này và mối liên hệ giữa những chuyến đi và những bức hình của anh.
Điều gì đã đưa bạn tới Nhật Bản?
Hồi ở Việt Nam, mọi người thường khen những thiết kế của mình “tây” quá. Lời khen này khiến mình không khỏi tự vấn. Là người Việt, thừa hưởng một nền văn hóa giàu bản sắc trải dài 4000 năm, tại sao sản phẩm của mình lại “tây”?
Cùng trong thời buổi toàn cầu hóa, Nhật Bản là mảnh đất hiếm hoi đạt được sự cân bằng lý tưởng giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại trong thiết kế. Từ ý tưởng, bố cục, đến cách phối màu, gọi tên các mặt hàng sản phẩm, người Nhật rất khéo léo đan xen nét đẹp văn hóa với nét cách tân, đổi mới đến từ bên ngoài và biến chúng thành của mình.
Thế là mình quyết định đến Tokyo – điểm giao thoa của lịch sử và hiện đại. Mình không muốn trở thành một nhà thiết kế kiểu Nhật, mình tới đây để học bí quyết cân bằng đằng sau thành công của họ và mang nó về Việt Nam.
Bạn đã bén duyên với nhiếp ảnh như nào?
7 năm trước khi đang làm công việc thiết kế, mình nhận ra việc mua bản quyền ảnh có thể trở nên khá phức tạp và tốn kém. Vậy nên mình bắt đầu tập chụp và xây dựng một kho ảnh để thoải mái sử dụng trong thiết kế mà không phải lo nghĩ về vấn đề này. Mình không đào sâu về kỹ thuật hay nghiên cứu những lối đi mới, cũng không sống bằng nghề, nên không dám tự nhận là nhiếp ảnh gia. Đến bây giờ, mình vẫn chỉ là một người làm sáng tạo thích ảnh.
Bạn thường bắt gặp các nhân vật trong những tấm ảnh của mình ở đâu?
Mình không đi tìm họ. Mình thường cầm máy ảnh lang thang khắp nơi và nán lại khi thấy cảnh đẹp. Đứng trước một khung cảnh tiềm năng, mình nhanh chóng khóa bố cục và tưởng tượng ra bức ảnh. Vì mọi thứ rất ngẫu nhiên, không được sắp đặt trước nên những khung hình này thường thiếu một chuyển động nào đó khiến chúng trọn vẹn, như một bóng người, chiếc xe đạp, hay một đoàn tàu. Mình tiếp tục đứng đó chờ họ xuất hiện, đôi khi mất đến vài giờ đồng hồ.
Nếu phải gói gọn những tác phẩm của mình trong ba từ, bạn sẽ chọn những từ nào?
Khoảnh khắc và cảm xúc – đây là hai yếu tố tiên quyết tạo nên những bức hình của mình. Mình chụp ảnh cho bản thân chứ không để phục vụ một đối tượng nhất định nên kết nối tâm hồn với chủ thể của bức hình rất quan trọng. Tiếp đến là tinh giản – một nét đặc trưng xuyên suốt các sản phẩm sáng tạo của mình. Mình hay để ý tiểu tiết và cố gắng lược bỏ những rườm rà. Tuy nhiên, ngoài đời mọi người thường nói tính mình khá thoải mái. Phòng mình còn hơi bừa bộn là đằng khác (cười).
Du lịch chậm có điểm gì khác biệt với du lịch thông thường khiến bạn thấy hứng thú?
Mình định nghĩa du lịch chậm không chỉ là một hoạt động mà còn là một lối tư duy. Khi bạn kiếm tìm một mối tâm giao với điểm đến, trên cả mục đích hưởng thụ đơn thuần, bạn đang du lịch chậm. Du lịch chậm là để trải nghiệm sâu lắng hơn.
Cá nhân mình luôn tìm kiếm nét đẹp văn hóa, sự thấu hiểu và tình người nên không thể đi hối hả. Mình yêu cảm giác hứng khởi khi nói chuyện với người lạ. Mình thường hùa vào với đám trẻ nhỏ khi thấy chúng chơi đùa hay lắng nghe ông cụ kể tích sử quê ông. Nhờ cuộc trò chuyện này, những người bạn qua đường khi vào khung ảnh tĩnh trở nên chân thực và sống động hơn trong mắt mình và cả người xem.
Mình rất “ghiền” đi bộ, có ngày đi tới hai ba chục cây số. Không khẩn trương như tàu xe nhưng đôi chân là phương tiện lý tưởng cho những bạn muốn chụp ảnh đường phố. Đi bộ cho phép mình quan sát vạn vật từ tốn và dừng chân ở bất cứ điểm nào mình muốn để ghi lại khoảnh khắc.
Đôi khi mình cố ý đi lạc, rẽ vào những lối ít người mong tìm thấy những góc lạ của thành phố. Tuy nhiên, nói cho cùng chẳng mấy ai chịu đi bộ nhiều đến vậy. Chắc vì thế nên mình luôn chỉ đi một mình.
Những chuyến đi đã tạo cảm hứng sáng tạo cho bạn như thế nào?
Mình phải bước chân ra đường thì mới gặp ý tưởng. Ngồi trước màn hình máy tính lâu khiến mình cảm thấy như đang đi vào ngõ cụt. Mỗi cuộc rong ruổi là một cuộc khai phá nội thông. Mình tin những ý tưởng có giá trị nhất đến từ kinh nghiệm sống, nên mình đi để trau dồi bản thân, đong đầy trái tim và khối óc. Bên cạnh đó, mỗi người làm sáng tạo đều cần tìm cho mình một cách riêng để vực dậy sau những lao lực và làm mới bản thân. Đối với Tùng, những chuyến tản bộ bắt đầu từ sở thích đã dần trở thành một phần thiết yếu trong công việc.
Bạn đã có cơ hội đặt chân tới khắp mọi miền Nhật Bản. Vậy đâu là chuyến đi đáng nhớ nhất?
Tháng thứ tư ở Nhật, mình lần đầu leo núi Phú Sĩ cùng một nhóm bạn người Pháp mới quen. Tụi mình khởi hành trong mùa thấp điểm, không hàng quán nào mở, không một bóng người. Tuyết vẫn rơi trên đỉnh núi, mình lạnh tưởng sắp ngất. Các bạn nhóm lửa trại, thay phiên nhau ủ ấm và hỏi han mình. Dưới bầu trời đầy sao, mơ màng nghe tiếng lửa lách tách, tiếng Pháp rì rầm bên tai, mình tưởng như đang ở trong một bộ phim. Cảm giác lâng lâng phi thực.
Mình trở về toàn vẹn là nhờ có các bạn hỗ trợ suốt chuyến đi. Sau lần đó, mình có quay lại núi Phú Sĩ nhưng cảm giác không như ban đầu nữa. Trước giờ mình vẫn thích đi một mình, nhưng lúc đó mới nhận ra quan trọng không chỉ là mình đi đâu, mà còn là đi với ai. Mình đã có những người đồng hành thật sự tuyệt vời.
Bạn có lời khuyên gì cho những người mới bắt đầu chụp ảnh đường phố?
Xem thật nhiều ảnh đẹp. Instagram là công cụ hữu ích để nạp cảm hứng từ những nhiếp ảnh gia khác, nhưng hãy biết sàng lọc. Mình không theo dõi (follow) bạn bè và người quen trên Instagram, bạn có thể làm điều đó với Facebook. Đối với mình, trang mạng xã hội này là một không gian học tập. Mình chỉ theo dõi những nhiếp ảnh gia yêu thích nhất, buộc đôi mắt làm quen với những tấm ảnh đẹp hàng ngày cho đến khi chúng tự tổng hợp các tiêu chuẩn về bố cục, màu sắc, thần thái thành một phản xạ.
Khi nhìn qua ống kính, đôi mắt được rèn dũa cẩn thận có thể ngay lập tức phát giác khung hình tương ứng với những tiêu chuẩn đã được “lập trình” sẵn. Đối với mình, đó là một cách hiệu quả để định hình phong cách ảnh.
Quan trọng hơn cả, bạn hãy cứ thỏa sức nuôi dưỡng cảm xúc của riêng mình. Nhiếp ảnh đường phố luôn nhắc mình sống trong khoảnh khắc và trân trọng vẻ đẹp tức thời. Thật đáng tiếc nếu bạn bận bịu xem ảnh người khác mà quên không cầm máy lên tự mình trải nghiệm đúng không nào?
Bạn thường mang đồ nghề gì trong túi?
Mình ngại mang nặng nên vẫn trung thành với chiếc Fujifilm X100T ống kính gắn liền 23mm f/2. Mình hay gọi thân mật là Cậu Bạn. Tuy không lung linh như những chiếc máy khác, Cậu Bạn là đồng đội đã cùng mình rong ruổi qua mọi nẻo đường.
Bạn từng chạy nhiều dự án nghệ thuật về Việt Nam như Lạc Giữa Tokyo (Lạc), Dép Tổ Ong Phiêu Lưu Ký, và Đói Bụng, Sài Gòn Ơi! Dự án nào được bạn “cưng” nhất?
Với mình, mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần và đều được “cưng”, song Lạc vẫn là dự án nổi bật nhất và để lại nhiều kỷ niệm. Những năm tháng đầu ở Nhật của Tùng được đánh dấu bởi cảm giác lạc lõng trong môi trường mới và niềm hoang hoải thường trực về những điều quen thuộc thân thương. Ký ức trở về dưới hình bóng một bác trưởng thôn mang dép lào, đội mũ cối, xách chiếc vali cũ mèm lang thang giữa Tokyo hối hả và hào nhoáng. Quần áo có sẵn trong phòng ký túc của mình, mũ cối được gửi từ Việt Nam qua. Chiếc vali có lẽ là món đồ thú vị nhất trong bộ trang phục này – chúng mình tìm thấy nó tại một hàng đồ cũ kỳ dị trong chợ trời ở Nhật. Ông chủ cửa hàng hét giá nhưng đã đầu hàng trước chiêu mặc cả tài tình của bạn mình. Và tiếp theo như nào thì chắc bạn cũng biết rồi.
Lạc khép lại với một tiếng vang, nhưng nỗi nhớ nhà trong mình vẫn âm ỉ. Những mảnh ghép quyến luyến bình dị về Việt Nam như bát cơm rang của bà, tô hủ tiếu đầu ngõ, đôi dép tổ ong sờn rách chuyển hóa thành một nguồn cảm hứng song song với những chuyến đi không điểm đến. Mình thử tìm cách đặt chúng vào những khung cảnh mới lạ. Mình mừng vì mọi người thích những cặp đối lập này.
Bạn lớn lên tại Sài Gòn, thủ phủ của sự hối hả chóng mặt. Nếu muốn du lịch chậm, bạn sẽ gợi ý địa điểm nào?
Đối với những người làm sáng tạo, Sài Gòn đang là một mảnh đất màu mỡ với nhiều cơ hội mới. Đối với tất cả mọi người, Sài Gòn lại rất bao dung. Bạn hoàn toàn có thể bước đi theo nhịp của mình. Tùng thuộc tuýp người thẩn thơ nên ít khi nào thấy bản thân sống vội nơi đây. Ban ngày đi học, đi làm như bao người, tối đến mình vẫn vi vu hóng gió trên chiếc xe cúp qua Quận 2, Quận 7. Nếu chịu khó tìm tòi và để ý, bạn sẽ tìm được những góc rất dễ thương cho riêng mình.
Theo Tùng, Vietcetera nên trò chuyện với ai tiếp theo?
Phạm Mạnh Hiệp – một nhà làm phim kiêm khởi nghiệp trẻ. Trở về sau chuyến du học, cậu bạn nhanh chóng có phim ngắn được sản xuất bởi Charlie Nguyễn, lọt vào chung kết hạng mục Kịch Bản Xuất Sắc Nhất của Liên Hoan Phim 7FF, và thành lập một xưởng quảng cáo của riêng mình.
Đoàn Phương Anh, tay máy đằng sau @imvietnam, phiên bản Việt của nàng thơ Jonna Jinton. Cô bạn bỏ việc lương cao và sự nghiệp đang trên đà phát triển để đi tình nguyện. Giờ cô đang ở Đà Lạt vận hành một quán cà phê và nông trại cùng một nhóm bạn khiếm thính.
aNcari, một vlogger về Việt Nam là câu trả lời từ Nhật Bản cho blog của mình. Tiếng Việt của cô ấy còn sõi hơn cả tiếng Nhật của mình nữa!
Xem thêm:
[Bài viết] Nghề lạ – Food photographer và food stylist: Học lỏm từ Deto Concept
[Bài viết] Nhiếp ảnh gia Tuấn Fr: Mỗi bức hình như một cuộc vong thân