Nostophobia - Nhà không phải lúc nào cũng là tổ ấm | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
08 Thg 03, 2023
Gia Đình Bóc Term

Nostophobia - Nhà không phải lúc nào cũng là tổ ấm

Nhiều người chọn theo lối sống du mục, chuyển nơi ở mới trước khi sự gắn bó lớn dần. Đây là nỗ lực để họ loại bỏ những ý niệm về “nhà”, thậm chí phải tuyệt giao với gia đình. 
Nostophobia - Nhà không phải lúc nào cũng là tổ ấm

Nguồn: Unsplash

1. Nostophobia là gì?

Nostophobia, hay nỗi sợ về nhà, là trạng thái lo lắng bất thường với những trải nghiệm và hồi ức liên quan đến ngôi nhà đã gắn bó.

Người mắc nostophobia cảm thấy an toàn hơn khi sống độc lập hoặc ở với người xa lạ. Nhiều người chọn theo lối sống du mục, chuyển nơi ở mới trước khi sự gắn bó lớn dần. Đây là nỗ lực để họ loại bỏ những ý niệm về “nhà”, thậm chí phải tuyệt giao với gia đình.

Ở mức độ nghiêm trọng, nỗi sợ sẽ phát tán thành cơn hoảng loạn toàn diện. Những triệu chứng như tim đập nhanh, thở gấp, huyết áp cao, căng cơ, run rẩy và đổ mồ hôi có thể khiến một người phải nhập viện.

Nostophobia có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Về lâu dài, nó có khả năng phát triển thành chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và trầm cảm.

2. Nguồn gốc nostophobia

Xuất phát từ chữ “phobos” trong tiếng Hy Lạp, “phobia” có nghĩa là nỗi sợ quá mức, phi lý về một đối tượng và tình huống cụ thể.

Tiền tố “nosto” giúp xác định nỗi sợ đó là về việc trở về nhà hoặc những ý nghĩ liên quan. Cả hai thành tố này đều đã được sử dụng từ thời Hy Lạp cổ đại trong những tác phẩm văn học.

Kết hợp lại, nostophobia mang ý nghĩa ngược với từ “nostalgia” - nỗi nhớ nhà hoặc những cảm xúc tích cực khi hoài niệm.

3. Vì sao nostophobia phổ biến?

Nostophobia thường được phát hiện ở những người lính bị thương sau khi xuất ngũ. Nghĩ đến phản ứng đau buồn, thiếu cảm thông của người nhà khiến họ lo sợ.

Một nghiên cứu ở Hà Lan cũng nhận thấy, hạch hạnh nhân trong não người lính có xu hướng nhạy cảm hơn khi từ chiến trường trở về. Họ thường nhìn nhận những điều bình thường trong cuộc sống trước kia như mối đe dọa.

Trường hợp này cũng xảy ra với những người xa xứ (expat). Để tái hòa nhập và thu hẹp khoảng cách về văn hóa, cơ hội nghề nghiệp khi trở về không phải là điều dễ dàng.

Đặc biệt với những người Việt di cư do tác động của chiến tranh, việc trở về quê hương như ghé thăm lại những ký ức đau thương, mất mát lần nữa.

Tương tự, những trải nghiệm bị bạo lực, bị trộm cắp, gặp tai nạn trong chính căn nhà cũng có thể dẫn đến chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Nỗ lực bỏ nhà ra đi được coi là cơ chế thoát ly (escapism) khỏi những kích thích thuộc môi trường. Người có nỗi sợ này cũng thường né tránh các mối quan hệ gắn bó lâu dài, chuyện an cư và lập gia đình.

Theo mô hình sinh học, một nỗi sợ cụ thể thường bắt nguồn từ gen di truyền. Người có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lo âu mang nguy cơ mắc nostophobia cao hơn người bình thường.

Tổng quát hơn, nhiều nhà nghiên cứu giải thích nostophobia theo mô hình quan hệ diathesis-stress. Cụ thể, hội chứng là kết quả của sự tương tác giữa gen bẩm sinh, cơ địa và các căng thẳng trong cuộc sống.

Ngoài ra, người mắc chứng ecophobia (nỗi sợ về môi trường trong nhà) hoặc domatophobia (nỗi sợ ở trong nhà) cũng có nhiều khả năng sẽ mắc nostophobia.

Hiện nay, chưa có những phương pháp đặc trị hội chứng này mà phần nhiều sẽ tập trung vào việc giảm bớt lo âu. Dưới đây là một số phương pháp có thể đem lại hiệu quả tương đối nếu bạn mắc chứng nostophobia:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy): giúp bạn phân tích, tìm hiểu nguyên do và cung cấp những bài tập điều chỉnh lối suy nghĩ tiêu cực.
  • Liệu pháp tiếp xúc (Exposure therapy): giúp bạn làm quen dần với nỗi sợ trong môi trường an toàn, để nhận ra nó không như mình nghĩ.
  • Yoga/Thiền: giúp bạn thư giãn, chuyển hướng tâm trí khỏi những tác nhân kích thích nỗi sợ.

4. Cách dùng nostophobia

Tiếng Anh

A: Why didn't you go home last summer vacation?

B: I have nostophobia. It's just that I find the dorms safer and more comfortable than at home.

Tiếng Việt

A: Sao bà không về nhà vào kỳ nghỉ hè vừa rồi?

B: Tôi mắc chứng “sợ về nhà”. Chỉ là tôi thấy ở ký túc xá an toàn và thoải mái hơn ở nhà.