Ocean Vuong: "Tôi không muốn phải phục vụ sự kỳ vọng của nước Mỹ" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Ocean Vuong: "Tôi không muốn phải phục vụ sự kỳ vọng của nước Mỹ"

“Cả việc đọc và viết đều cần tránh những công thức. Gốc của thơ văn là gì, nếu không phải là dùng ngôn ngữ tạo nên niềm hân hoan trong việc sáng tác, lẫn hưởng thụ nó?”
Ocean Vuong: "Tôi không muốn phải phục vụ sự kỳ vọng của nước Mỹ"

Tác giả Ocean Vuong

“Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách sẽ được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về “nhà”, thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui.” Ocean Vuong chia sẻ với Nhã Nam nhân dịp tiểu thuyết đầu tay của anh, "On Earth We’re Briefly Gorgeous", chính thức ra mắt tại Việt Nam với tựa đề ‘Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian’.

Nhưng không chỉ riêng anh, độc giả Việt cũng tự hào và phấn khích không kém. Sau hơn 30 thứ tiếng, một tác phẩm văn học đã tạo được tiếng vang lớn, đang được chuyển thể thành phim điện ảnh bởi A24, cuối cùng đã đến tay chúng ta bằng tiếng Việt.

Với tất cả sự mong chờ ấy, mới đây Ocean Vuong và độc giả Việt đã có buổi giao lưu đầu tiên. Dùng tiếng Anh và cả tiếng Việt, anh không chỉ giải đáp những câu hỏi xung quanh “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, mà từ góc độ của một nhà văn - nhà giáo, còn gợi mở nhiều điều về nghề viết và sáng tạo.

Anh thường tiếp cận việc viết với tâm thế ra sao?

Hãy tiếp cận với sự tò mò, ngạc nhiên, và trên hết là dũng khí. Xuất thân từ một gia đình lao động, Ocean biết rằng sự buồn bã hay khó chịu của mình trước bàn bút, chỉ là một cái giá rất nhỏ cần phải trả so với việc người thân anh đang hy sinh cơ thể họ để làm việc. Nghề viết vì vậy là một đặc quyền, một sự xa xỉ mà anh biết mình phải trân quý và theo đuổi một cách nghiêm túc.

Theo Ocean, việc sáng tác cũng giống việc mang thai. Một đứa trẻ muốn ra đời phải được nuôi dưỡng trong bụng mẹ, tác phẩm cũng vậy. Với tác phẩm, quá trình mang thai sẽ là thời gian lên ý tưởng, tạo nên những tình huống, sau đó là bồi dưỡng, chờ đợi chúng lớn dần. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục bằng sự ghi chép (notebooking), mà với cá nhân Ocean là trong khoảng 2 năm.

Nhà văn Ocean Vuong

Sau khoảng 2 năm, tác phẩm sẽ bắt đầu có đời sống riêng của nó. Nên anh sẽ cất bút trước một dàn ý rất sơ bộ, và chừa rất nhiều khoảng không cho trí tưởng tượng trên đường đi. Chúng ta sẽ muốn vừa đi vừa khám phá tiếp những điều mới. Một kế hoạch quá chi tiết, một cấu trúc quá cụ thể, rất dễ hút hết sự sáng tạo của tác giả trên hành trình “mang thai”.

Sau cùng, hãy cảnh giác trước những mô hình (model of climax), khuôn mẫu (pattern) quen thuộc trong sáng tác. Sự phổ biến của chúng đã và đang giết chết sự bất ngờ của độc giả. Giá trị của nghệ thuật kể chuyện nằm ở chỗ, nó tạo nên bất ngờ và điều khiển sự mong chờ của người thưởng thức.

Vì vậy lời khuyên của anh cho các tác giả là hãy tìm ra những cách kể mới, ít người biết. Hãy tránh những mẫu hình có sẵn, có mở đầu, phát triển, cao trào, kết thúc. Hãy tìm cách kể một câu chuyện theo cách riêng của mình, có “dấu vân tay" của riêng mình.

Quan trọng không phải kể cái gì, mà là kể như thế nào. Khi đọc cũng vậy, một tác phẩm níu chân được người đọc là một tác phẩm có thể mang đến sự bất ngờ. Tất cả những gì chúng ta viết đều là về tình yêu, sự sống và cái chết. Nếu vậy, ý nghĩa của việc viết là gì nếu không phải tìm ra một cách kể của riêng ta, khiến chính ta ngỡ ngàng?

Vì sao từ “ma” dịch sang tiếng Việt là “mẹ”, mà không phải “má”?

Vì về bản chất, “On Earth We’re Briefly Gorgeous” là một tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Nghịch lý của nó là ở chỗ, đây là một quyển sách dưới dạng một lá thư tiếng Anh của đứa con trai gửi cho mẹ mình, người chỉ có thể nói tiếng Việt.

Trong tiếng Anh, ‘ma’ là viết tắt của ‘momma’, cách gọi mẹ của những người sống ở miền Nam nước Mỹ. Hơn thế, với anh từ ‘ma’ cũng “nhà quê” hơn, đúng theo hoàn cảnh sống của nhân vật hơn. Đó là lý do Little Dog (Chó Con) gọi mẹ mình là ‘ma’ chứ không phải ‘mother’ hay ‘mom’.

Tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" | Nguồn: Nguyễn Việt Hà

Về cá nhân Ocean, sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên trong một gia đình người miền Nam, thực chất ở nhà anh gọi mẹ mình là mẹ, còn mẹ anh sẽ gọi bà ngoại anh là má. Đó là sự phân biệt cần thiết ở nơi có nhiều thế hệ chung sống như gia đình anh.

Chữ "gorgeous" trong tên tác phẩm có ngụ ý gì?

Ocean hiểu rằng, tựa đề của quyển sách này luôn là một thách thức với các dịch giả, nhất là khi họ muốn chuyển ngữ từ “gorgeous”. Nếu là tiếng Pháp, từ này sẽ đồng nghĩa với “splendeur”. Còn ở tiếng Anh, anh dùng “gorgeous” vì đây là một cách chơi chữ gợi nhắc đến cộng đồng queer/LGBTQ+ ở Mỹ.

Những năm 90 khi đại dịch AIDS hoành hành, truyền thông luôn gán ghép cộng đồng này với sự chết chóc. Thời đó, “queerness” trong mắt người ngoài lúc nào cũng gần với cái chết hơn là cái đẹp.

Với cơ hội là quyển sách này, anh muốn thay đổi, khẳng định lại vẻ đẹp và giá trị của cộng đồng mình. Từ “gorgeous” hay “rực rỡ”, về mặt ngôn ngữ - là bằng chứng đầy tự hào cho thấy những người xung quanh anh đã sống sót ra sao qua thời cuộc.

Tại sao quyển sách được viết ở dạng một lá thư?

Vì khi viết thư, chúng ta có quyền hồi tưởng và lang thang. Ta sẽ không phải tuân theo một dòng thời gian tuyến tính cụ thể nào, mà có toàn quyền sáng tạo với mạch truyện.

Một lý do nữa, viết quyển sách dưới hình thức một lá thư giữa hai mẹ con người Việt nhập cư, anh muốn độc giả phương Tây phải trở thành những người ngoài cuộc. Lá thư này sẽ là cuộc đối thoại riêng tư giữa hai người da vàng mà độc giả da trắng phải nhìn từ ngoài vào, phải chú tâm mà áp tai vào cửa để nghe.

Nhà văn Ocean Vuong

Hay nói cách khác, nếu ví những gì diễn ra trong quyển sách là trên một sân khấu, thì anh muốn tạo nên một “bức tường thứ tư”, nơi cánh cửa vừa đóng mà cũng vừa mở.

Nếu trang giấy trắng là một cơ hội để tự do sáng tác, thì với cơ hội hiếm hoi này, anh không còn muốn phục vụ kỳ vọng của nước Mỹ. Người Việt ở Mỹ thế hệ trước, đa số họ làm công việc phục vụ: làm trong tiệm nail, trong quán ăn, trong tiệm giặt ủi… Đến lượt anh, với tư cách một nhà văn, anh muốn thôi phục vụ.

“Nếu mình đã đến được với nó rồi, mà mình vẫn còn phục vụ bao nhiêu người cho nước Mỹ như cha mẹ mình, thì mình mất cái cơ hội đó rồi. Với bao nhiêu tự do, mình phải nắm cái cơ hội đó để làm chuyện khác.” - Ocean Vuong chia sẻ bằng tiếng Việt.

Vì sao quyển sách là tiểu thuyết mà không phải tự truyện?

Anh biết rằng nhiều độc giả sau khi đọc "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian", ít nhiều sẽ nghĩ đây là câu chuyện thật của anh. Nhưng Ocean không bao giờ muốn viết tự truyện, vì anh không muốn biến chuyện cá nhân thành hàng hóa. Và sẽ là quá dễ dàng, nếu ta chỉ thuần túy kể lại câu chuyện về bản thân và gia đình mình.

Để làm nghệ thuật, anh muốn được tưởng tượng ra mọi thứ. Giống như cách tạo ra một vũ trụ song song, nhiều chất liệu trong quyển sách này được lấy từ cuộc sống thật của anh. Nhưng câu chuyện vận hành ra sao, nhân vật hành xử thế nào, thì luôn xuất phát từ trí tưởng tượng, từ sự tò mò của chính nhà văn về nhân vật của họ.

Ocean ví von tiểu thuyết là một loại công nghệ tối tân, vì những nhân vật trong đó luôn vượt trội hơn con người thật. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, còn nhân vật thì có vô số cơ hội để làm lại. Nên Little Dog thì luôn giỏi hơn, tử tế hơn, kiên nhẫn hơn, thi vị hơn Ocean Vuong.

Còn Ocean Vuong thì chỉ sống có một lần, nên sẽ luôn mắc lỗi. Tiểu thuyết, vì lẽ đó, cho ta bao nhiêu bản nháp tùy thích để vẽ cuộc đời.

Khi sáng tạo, chúng ta nên biết nghi ngờ điều gì?

Quyển tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại, truyện Genji, là sáng tác của một phụ nữ Nhật Bản hơn 1.000 năm trước. Nhưng điều này ít khi được nhắc tới trong các lớp học ở phương Tây. Do đó khi sáng tác, ta hãy biết nghi ngờ những khuôn mẫu trong văn học Mỹ hay châu Âu. Sự phổ biến của chúng không đồng nghĩa với việc chúng là tối ưu nhất, là nên đi theo.

Là giáo sư ngành Viết Sáng tạo tại Đại học Massachusetts ở Amherst, Ocean cho rằng người học lẫn người viết hãy nên biết nghi ngờ những luật lệ. Luật lệ trong cách kiểm tra đánh giá, trong cách “chấm điểm” những con chữ bằng con số. Đó là điều oái oăm của nhiều hệ thống giáo dục, điển hình là ở Mỹ.

Nhà văn Ocean Vuong

Thơ văn đã ra đời rất lâu trước trường học, bằng cấp hay điểm số. Những tác phẩm cổ xưa nhất thậm chí còn xuất hiện trước sự văn minh hóa. Gốc của thơ văn là gì, nếu không phải là dùng ngôn ngữ để tạo nên niềm hân hoan trong cả việc sáng tác, lẫn hưởng thụ nó?

Hãy đến những vùng quê, nơi thơ văn vẫn sống hằng ngày trong lời ăn tiếng nói, ta sẽ nhận ra nó có tác dụng thế nào trong đời sống. Mỗi buổi tối mọi người tụ tập để kể chuyện, lắng nghe, vui sướng, bất ngờ, truyền cho nhau kiến thức.

Từ “narrative” trong tiếng Latin có nghĩa là kiến thức, nên tất cả loại hình nghệ thuật kể chuyện (narrative arts) trước tiên là sự gửi gắm những bài học về cuộc sống, qua niềm vui của việc thưởng thức.

Nhiều mùa tuyển sinh qua, Ocean thấy rằng những đơn xin học yếu nhất về mặt sáng tạo, đa phần đến từ những học sinh trường Ivy League như Harvard, Princeton, Cornell… Dành cả tuổi trẻ để thành thục các “luật” trong việc học, để có thật nhiều điểm A, họ xuất sắc trong việc học và lặp lại những gì được dạy. Nhưng rồi đến lúc phải tự thân sáng tạo, thì những gì họ viết ra khô cứng, vô hồn như hòn đá.

Khái niệm nhà văn, nghệ sĩ bước ra từ đại học, được đào tạo chính quy, vẫn còn rất mới - chỉ trong vòng 70 năm trở lại đây. Trước đó hàng trăm năm, viết lách luôn bắt đầu bởi sự tự học. Vì vậy nếu bạn e sợ, hãy vào thư viện. Hãy cầm lên một quyển sách và tìm kiếm trong đó sự bất ngờ, như bao thế hệ trước. Đó cũng là cách Ocean Vuong đã làm.

Bài viết được thuật lại từ buổi giao lưu giữa Ocean Vuong và độc giả Nhã Nam. Bạn có thể xem lại đầy đủ cuộc trò chuyện tại đây.