Chị bạn thân của tôi kể, hơn 10 năm trước chị học chuyên toán ở trường chuyên của một tỉnh miền tây. Tiếng Anh là môn chị kém nhất, nên mẹ chị gửi gắm cho cô giáo dạy chuyên Anh cùng trường để nhờ cô kèm cặp. Tuy sau đó điểm thi tiếng Anh vẫn không cải thiện được mấy, bạn tôi vẫn biết ơn cô đã dạy dỗ và yêu thương chị suốt mấy năm trời.
Sau này, chị có dịp lên Sài Gòn học ngoại ngữ rồi du học. Tốt nghiệp xong, chị về Việt Nam làm việc, gặp và kết hôn cùng anh chồng người nước ngoài. Ngày dẫn anh về quê ra mắt, chị tình cờ gặp lại cô và khá bất ngờ khi nhận ra cô giáo chuyên Anh ngày xưa giờ đây lại mắc lỗi phát âm sai, nói chuyện kém lưu loát cũng như không nghe hiểu được khi giao tiếp cùng chàng rể tây.
Phát hiện này không làm chị giảm lòng kính trọng với cô, nhưng khiến chị cũng như những ai nghe qua câu chuyện này phải suy ngẫm về cách người Việt Nam học ngoại ngữ từ xưa đến nay.
Bản thân tôi may mắn được học chuyên Anh ở một trường cấp 3 có tiếng tại Sài Gòn. Thời gian du học tại Phần Lan, tôi ngưỡng mộ khi thấy các bạn bản xứ đa phần đều giỏi tiếng Anh và còn thông thạo thêm một ngoại ngữ thứ hai nữa. Khi du lịch bụi qua nhiều nước châu Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, tôi cũng ít khi gặp khó khăn về giao tiếp vì đa phần người dân đều có thể nói tiếng Anh, ít nhất là trong những giao tiếp cơ bản hằng ngày. Ngược lại, Việt Nam hiện chỉ đang xếp thứ 65 về kĩ năng tiếng Anh trong tổng số 100 nước được tổ chức EF khảo sát vào năm 2020. Vì sao ở đất nước mà học tiếng Anh luôn là cơn sốt trong nhiều năm qua, khả năng giao tiếp tiếng Anh vẫn còn kém như vậy?
Câu hỏi đó khiến tôi tìm đọc chia sẻ của các polyglot (những người biết nhiều hơn 3 ngoại ngữ) trên khắp thế giới và nhận ra có 5 cách học ngoại ngữ lỗi thời nhưng hiện vẫn đang khá phổ biến tại Việt Nam. Nếu bạn cũng đang gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ, hãy kiểm tra xem có phải mình vẫn đang sử dụng 5 phương pháp kém hiệu quả này không nhé.
1 Chỉ học ngoại ngữ mà không tìm hiểu văn hóa
Trong cuốn ‘Language, Mind, and Culture: A Practical Introduction’, giáo sư ngôn ngữ học Zoltán Kövecses đã chỉ ra rằng việc tách văn hóa ra khỏi quy trình học ngoại ngữ sẽ dẫn đến nhiều khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ đó trong thực tế đời sống. Khi nhìn lại Việt Nam, nhiều người hiện nay vẫn chỉ học tiếng Anh qua sách giáo khoa hay đề cương ôn thi và nghĩ rằng vậy là đủ. Điều này chẳng khác nào tập lái xe vòng quanh sân nhà và nghĩ chỉ cần biết điều khiển cho xe chạy là có thể ra đường làm vài chuyến phượt được ngay.
Ngôn ngữ và văn hóa là những yếu tố không thể tách rời. Người phương Tây nếu không tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc sẽ khó lòng nhớ được tại sao chữ “an” trong tiếng Hoa lại được viết từ các nét của chữ “mái nhà” bên trên chữ “phụ nữ” (bật mí: vì quan niệm Á Đông “đàn bà xây tổ ấm”, nhà có phụ nữ sẽ mang đến bình an, hoặc có thể giải thích bởi quan điểm phong kiến xưa là đàn bà chỉ nên ở trong nhà thì mới an toàn). Do vậy, những người học ngoại ngữ trong bối cảnh văn hóa của chính ngôn ngữ đó thường tiến bộ nhanh hơn, nhớ lâu hơn và giao tiếp chính xác ý mình muốn truyền đạt hơn.
*Mẹo: Ngoài việc xem phim, nghe nhạc và đọc sách bằng ngoại ngữ, hãy theo dõi và cập nhật tin tức cũng như những trào lưu mới nhất ở đất nước có ngôn ngữ mà bạn đang học. Điều đó sẽ giúp bạn nắm được những khái niệm (concepts) và từ vựng để có thể đáp lời ngay khi người bản xứ nhắc đến một tin tức nổi bật trên báo hay một trào lưu đang thịnh hành.
2. Cố giải thích bằng tiếng Việt
Trong lớp học tiếng Đức 6 năm trước của tôi, cô giáo bản xứ luôn bắt đám học sinh chúng tôi sử dụng chính tiếng Đức để tự giải thích những từ vựng mới.
Cô sẽ thường hỏi những câu như: “Politik có nghĩa là gì?”. Câu trả lời của chúng tôi chực sẵn ngay đầu lưỡi: “Có nghĩa là ‘politics’ (chính trị)!”, nhưng cô đời nào chấp nhận. Với vốn từ vựng và ngữ pháp hạn hẹp ở trình độ sơ cấp, chúng tôi phải xoắn não nghĩ ra đủ mọi cách có thể giải thích từ vựng đó bằng tiếng Đức. “Clinton, Bush và Obama làm việc trong Politik” - một bạn thử phát biểu. “Khi một nhóm người già ngồi họp trong căn phòng rộng lớn có treo cờ, đó là chính trị” – bạn khác nhanh nhảu tiếp lời. Chúng tôi phì cười trước sự sáng tạo của nhau nhưng cô giáo lại rất hài lòng, không quên dặn phải tự thực hành như vậy đối với tất cả những từ vựng mới.
Phương pháp khác lạ này trái ngược hoàn toàn với kiểu học “dịch nghĩa” của người Việt Nam. Khi học từ “chair”, bạn lập tức viết vào sổ là “cái ghế”. Thậm chí với những từ trừu tượng hơn, chúng ta vẫn hay có thói quen cố tìm một từ tiếng Việt đồng nghĩa hoặc gần nghĩa. Cách học này tuy giúp nhớ từ mới nhanh hơn nhưng về lâu dài lại khiến ta không thể suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới, cản trở khả năng giao tiếp lưu loát do não luôn phải dịch từng từ hoặc cụm từ ra tiếng Việt khi nói hoặc nghe.
Ngoài ra, không phải từ vựng tiếng nước ngoài nào cũng có khái niệm tương đương trong tiếng Việt. Bạn thử tìm một từ tiếng Việt tương đương với “Kummerspeck” trong tiếng Đức xem (bật mí: có nghĩa là số cân tăng lên sau khi bạn ăn nhiều quá mức bình thường để mong vơi bớt nỗi buồn)? Do vậy, cố giải thích ngoại ngữ bằng tiếng Việt sẽ dẫn đến việc hiểu không sát nghĩa, khi áp dụng từ vựng vào câu hoặc đoạn văn thì không nêu lên được đúng ý mà chúng ta muốn nói.
Mẹo: Hãy thử tra từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cách sử dụng, đồng thời hằn sâu định nghĩa của từ vựng đó trong não để có thể giao tiếp lưu loát hơn mà không phải mất thời gian dịch qua tiếng Việt.
3. Học thuộc từ vựng theo danh sách
Nếu bạn thuộc thế hệ đầu 9x như tôi, chắc hẳn bạn đã quen thuộc với hình ảnh các nhóm học sinh ngồi trước cửa lớp, miệng lẩm nhẩm cố thuộc lòng một danh sách từ vựng tiếng Anh dài dằng dặc đã được chép ra vở trước khi giáo viên gọi lên khảo bài.
Đến bây giờ, bạn có lẽ cũng nhận ra cách học này chẳng có hiệu quả gì đáng kể ngoài việc giúp bạn vớt vát được thêm vài điểm trong bài kiểm tra (nhưng sau đó thì quên sạch). Thay vào đó, với sự phát triển của công nghệ cũng như các công cụ học ngoại ngữ hiện đại những năm gần đây, việc học từ vựng qua sách báo, phim ảnh và qua chính những cuộc hội thoại hàng ngày là những phương pháp hiệu quả hơn rất nhiều.
Mẹo: Khi học từ mới, hãy thử gõ vào Google để tìm đọc những bài viết có liên quan đến từ đấy và hiểu thêm cách dùng từ. Bạn cũng có thể dùng Google Image để học những từ vựng về đồ vật, con vật, màu sắc v.v., giúp não ghi nhớ lâu hơn và phản ứng nhanh hơn khi cần sử dụng các từ này.
4. Nghe đọc chậm
Nghe với tốc độ chậm sẽ tạo cảm giác an toàn và hỗ trợ ta học phát âm chuẩn hơn. Tuy nhiên, các bài đọc chậm thường được cố ý điều chỉnh cho tròn vành rõ chữ, trong khi trên thực tế người bản xứ khi nói thường nối âm, thay đổi thanh điệu cũng như lược bỏ khá nhiều âm tiết.
Người đã quen nghe với tốc độ chậm sẽ lập tức mất phương hướng khi chuyển qua nghe những đoạn hội thoại ở tốc độ tự nhiên. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn và càng làm mất thời gian luyện nghe hơn.
Mẹo: Ngay cả khi chỉ mới bắt đầu học một ngoại ngữ, bạn nên luyện tập với những cuộc nói chuyện có bối cảnh thực tế trong đời sống. Một số chương trình hữu ích bao gồm kênh Easy Languages trên Youtube, các game show và những podcast về các chủ đề thường ngày.
5. Chỉ học ngoại ngữ từ một nguồn
Duolingo, một trong những ứng dụng học ngoại ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và hiện có đến 2.2 triệu người dùng tại Việt Nam (2020), cam kết rằng chỉ cần tham gia 5 bài học trên nền tảng của họ mà không cần sử dụng tài liệu nào khác là sẽ đạt được trình độ cao hơn 4 học kì tại trường đại học. Tuyên bố này đã làm dấy lên nhiều tranh luận. Trong số đó, đáng chú ý là ý kiến cho rằng Duolingo chỉ bổ trợ hai kĩ năng thụ động là nghe và đọc, do vậy không thể nào so sánh với những tiết học tại trường vốn có sự tương tác và phản hồi trực tiếp từ giáo viên đối với các kĩ năng chủ động là nói và viết.
Chỉ học ngoại ngữ từ một nguồn dễ khiến người học mắc những thiếu sót mà bản thân thường ít khi nhận ra trong giai đoạn đầu. Nhiều người bận rộn chọn học ngoại ngữ online cùng gia sư bản xứ cũng gặp trường hợp tương tự như người dùng Duolingo. Vốn chỉ quen nghe từ một giọng (accent) nhất định, họ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải giao tiếp trong môi trường thực tế, đặc biệt là khi chuyển tới nước ngoài sinh sống.
Mẹo: Cố gắng đa dạng hóa các nguồn học ngoại ngữ của bạn càng nhiều càng tốt. Nếu đang chủ yếu học ngoại ngữ từ một ứng dụng hay đầu sách, hãy tham gia thêm các buổi trao đổi ngôn ngữ (language exchange) tại thành phố bạn sinh sống. Nếu bạn học tiếng Anh bằng cách xem show "Master Chef" của Mỹ, đừng quên xem cả phiên bản "Master Chef" của Úc cũng như chương trình "The Great British Bake Off" nổi tiếng của Anh nữa nhé.