5 mẫu câu sai phổ biến khi trò chuyện cùng con | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 07, 2021
Gia Đình

5 mẫu câu sai phổ biến khi trò chuyện cùng con

Hãy bắt đầu thay đổi cách chúng ta trò chuyện với con ngày hôm nay ngay khi chúng ta còn cơ hội và thời gian, bạn nhé!

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Ngôn từ có thể thay đổi tư duy của trẻ. Hãy học cách dùng đúng." _Theo Tiến sỹ tâm lý Melanie Greenberg.


Khi con trẻ ngày một lớn, và thể hiện chính kiến của bản thân trẻ, chúng ta có lúc đánh mất sự bình tĩnh để trò chuyện cùng con.

Lúc này chúng ta bắt đầu áp dụng những câu nói mà ta đã nghe suốt cả tuổi ấu thơ của mình, hoặc nếu không thì khi bạn bất lực và bế tắc , bạn sẽ sớm thốt ra những lời này:

1. “Con ngoan đi rồi mẹ thương, con nín khóc đi rồi mẹ thương!”

Rõ ràng dù khi con có không ngoan thì chúng ta cũng không ngừng yêu thương trẻ. Hãy nhớ lại những lúc con ốm sốt, lúc ấy ta chỉ mong con khỏe mạnh bất luận con thế nào. 

Việc truyền đạt sai dẫn tới thông điệp về một tình yêu có điều kiện, đó là phải ngoan mới có được tình yêu của bố mẹ, phải làm đúng thì mới được đón nhận. 

Hãy tưởng tượng khi con lớn lên, để có được tình yêu của người khác, con sẽ phải chấp nhận im lặng dù bị tổn thương có thể là thể xác hoặc tâm hồn vì “em ngoan đi thì anh thương” thay vì tìm người tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của con, yêu thương con thật sự. 

2. “Con phải dọn ngay cho ba / mẹ” thay vì “Con hãy dọn vỏ chuối để tránh làm người khác té ngã”

Hãy giải thích cho con lý do cho mỗi yêu cầu thay vì chỉ đưa mệnh lệnh “hãy đi tắm nhanh cho mẹ,” “hãy dọn dẹp mọi thứ ngay bây giờ.”

Việc con làm không phải cho ba mẹ mà việc đó là cho con. Viêc đi tắm là để con sạch sẽ, việc ăn là để cung cấp năng lượng, việc đi học là để có kiến thức , khơi gợi tò mò và những điều chưa biết. Việc con làm còn là để không ảnh hưởng đến người xung quanh thay vì con làm chỉ vì mẹ bảo phải làm thế.

Như vậy chúng ta mới có thể mong đợi khi trưởng thành, con sẽ học được cách quyết định dựa trên năng lực phân tích đúng sai thay vì mù quáng làm theo người khác. 

3. Ngừng nói “ba mẹ phải đi làm”, “ba mẹ phải cực khổ để nuôi con, có biết không?”

Bất cứ khi nào bạn dùng từ “phải”, đều hàm ý bạn bị ép buộc chứ bạn không hề mong muốn. Con có thể nghĩ rằng, con là gánh nặng, là nguyên nhân khiến ba mẹ vất vả sớm chiều. Hãy cho con hiểu rằng, mọi việc bạn làm đều do chính bản thân bạn lựa chọn. 

Có thể bạn quá mệt để đi làm, nhưng bạn đi làm không phải vì “phải làm” mà vì bạn chọn làm việc để chăm sóc gia đình, hay đơn giản hơn bạn có trách nhiệm hoàn thành công việc còn đang dang dở. 

Việc này sẽ giúp con hiểu được, quyền quyết định này thuộc về bản thân, về những giá trị sống mà bạn chọn lựa thực hiện như là: chia sẻ , yêu thương hay tinh thần trách nhiệm. 

4. “Con có thấy ai làm như con không?”

Hầu hết chúng ta chúng ta đều nói câu này trong vô thức, khi mong muốn con cư xử sao cho đàng hoàng tử tế như “người bên cạnh”. Đặc biệt, ngay khi con đang đi ngược với mong cầu của bố mẹ. 

Hãy thử hướng dẫn con đi từ cái gốc của vấn đề thay vì mong muốn nhanh chóng chỉnh sửa hành vi cho hoàn tất. Như cô Lê Nhất Phương Hồng, chuyên gia sữa mẹ betibuti đã nói: “ hãy đảm bảo rằng bạn cho con bú mẹ vì bạn hiểu rằng sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” thay vì cho con dùng sữa công thức vì xung quanh ai cũng thế. 

Điều đó có nghĩa là, chúng ta sẽ làm đúng dù mọi người không làm, và chúng ta sẽ không làm sai dù tất cả mọi người đều làm. Hãy cho con tư duy đúng thay vì hướng con làm theo số đông và mong muốn của người khác.

5. “Có gì đâu mà khóc?”

Bạn có thấy mẫu câu này quen thuộc khi chúng ta một lúc nào đó đã chọn để đối phó với cơn ăn vạ dường như không bao giờ dứt của con. Nhưng đằng sau những giọt nước mắt ấy là nhu cầu con trẻ mà nếu vội vã bỏ qua, bạn sẽ đánh mất cơ hội kết nối với con khi còn nhỏ, thậm chí là khi con trưởng thành.

Hãy tưởng tượng thế này, bạn bị hỏng món đồ yêu thích, than thở với người bạn đời, rồi bạn nhận được câu nói thế này: 

  • “Có gì đâu mà buồn, dành tiền mua mới thôi.” 
  • “Ồ, vậy à! Giờ nghĩ cách sửa hay mang ra tiệm nha.”
  • “Thôi để tặng món khác, đừng buồn nữa.”

Nhưng bạn có thấy, chúng ta đều mải mê đi giải quyết vấn đề mà quên mất điều mà mọi người cần nhất: sự đồng cảm. Khi một ai đó buồn, hay khóc là vì họ cần chúng ta thay vì lời khuyên giáo huấn và thậm chí bác bỏ cảm xúc. 

Khi con bạn còn khóc vì buồn thất vọng, bạn hãy cảm thấy vui mừng vì con vẫn còn biết thể hiện cảm xúc, bạn vẫn còn cơ hội được ở cạnh con khi con cần. Hãy bắt đầu thay đổi cách chúng ta trò chuyện với con ngày hôm nay ngay khi chúng ta còn cơ hội và thời gian, bạn nhé!

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.