Chúng ta có rất nhiều bài học về cách khen con như thế nào cho đúng, nhưng đôi khi vẫn chưa áp dụng được vào thực tiễn. Bên cạnh đó, hầu như chưa ai quan tâm đến việc chê con như thế nào, bởi chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm điều đó. Trên thực tế, lời chê bai hoặc so sánh với “con nhà người ta” vẫn thỉnh thoảng diễn ra một cách bản năng mà chúng ta không nhận ra, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực hình thành trong tâm hồn con trẻ.
"Con giỏi lắm" hoặc “Con hư quá” là những lời khen/chê cho thấy chúng ta đang đánh giá công việc của con thay vì trao quyền cho trẻ suy ngẫm về hành vi của chính mình. Dưới đây là những công thức gợi ý mà bố mẹ và người lớn có thể tham khảo để giúp con tự đánh giá chính mình một cách tốt hơn.
1. Khen hành động
Con đã + Hành động tốt + Kết quả + Cảm xúc
Để khen con, bạn hãy miêu tả hành vi của con, nói về kết quả kèm theo cảm nhận của những người liên quan đến hành vi này.
- Con đã ngồi yên để mẹ chải răng giúp, nên răng con rất sạch đẹp và không bị sâu. Mẹ thấy rất yên tâm.
- Con đã dọn đồ chơi rất nhanh, nhờ vậy mình có thêm thời gian đọc 2 quyển sách, vui ghê ha!
- Sáng nay con dậy sớm và ăn sáng rất nhanh. Nhờ vậy bố mẹ đã đi làm đúng giờ và làm việc rất hiệu quả.
- Khi lên xe, con đã chào chú tài xế rất lễ phép. Mẹ nghĩ là chú rất vui và có động lực lái xe suốt một ngày dài.
2. Khen thái độ
Con đã + Quá trình/thái độ hành động + Kết quả + Cảm xúc
Đối với một đứa trẻ, quá trình con nỗ lực để hoàn thành một việc gì đó quan trọng hơn nhiều so với kết quả mà con đạt được. Vì lẽ đó, để khen ngợi con khi thành công hoặc an ủi khi con chưa đạt được kết quả như ý, bố mẹ hãy đề cập đến quá trình cố gắng hoặc thái độ trong công việc của trẻ. Điều này giúp trẻ hiểu rằng chúng luôn được bố mẹ tin tưởng, dõi theo và cổ vũ bằng tất cả tình yêu thương.
- Gần đây con luôn ngồi vào bàn học đúng giờ và học rất tập trung, còn thường xuyên đọc sách để tìm hiểu thêm, nên đạt được kết quả thi tốt. Bố rất tự hào về sự chăm chỉ của con.
- Con đã nỗ lực tập luyện môn thể thao này thường xuyên nên rèn luyện được sức khoẻ tốt. (Dù chiến thắng hay không khi thi đấu) Bố mẹ rất hài lòng về nỗ lực này.
3. Khen ngoại hình
Ngoại hình của con + Tính từ + Đã giúp cho… + Cảm xúc
Có rất nhiều đứa trẻ dễ thương khiến chúng ta lập tức muốn buông lời khen ngợi như "Con xinh quá", “Đẹp trai ghê”,... Một số bạn chia sẻ, với quá khứ được khen về ngoại hình quá nhiều, họ bị áp lực khi lớn lên bởi suy nghĩ rằng mình lúc nào cũng phải xinh đẹp mới được yêu quý.
Khi muốn khen ngợi bề ngoài của trẻ, bố mẹ và những người lớn khác có thể chọn ra một đặc điểm nào đó của ngoại hình và cho biết nó đã đem đến lợi ích gì cho đứa trẻ và người xung quanh. Điều này khuyến khích con sống tốt hơn thay vì chỉ chú trọng đến vẻ đẹp bề ngoài.
- Miệng con cười rất xinh, làm cho cả khuôn mặt con trở nên tươi tắn và lan toả niềm vui đến mọi người xung quanh.
- Đôi mắt con rất đẹp và luôn nhìn mọi người rất trìu mến, làm cho ai cũng cảm thấy được yêu thương.
4. Chê
Con chưa + Hành động tốt + Kết quả + Cảm xúc + Giải pháp
Thay vì nói rằng một hành vi nào đó xấu, chúng ta nên nói rằng nó chưa tốt mà thôi. Những ngôn từ mang tính tích cực sẽ khắc sâu vào tâm trí con. Thêm vào đó, giải pháp gợi ý sẽ giúp con biết cách làm thế nào để nỗ lực trở nên tốt hơn.
- Hôm nay con chưa dọn đồ chơi nhanh nên mình không còn thời gian đọc sách trước khi ngủ, tiếc ghê! Ngày mai mình tranh thủ dọn nhanh hơn nữa nhé!
- Hôm nay con dậy chưa đúng giờ lắm, nên đưa con đi học xong bố mẹ phải vội vã đi làm cho kịp, để còn xong việc sớm về đón con. Con biết không, lúc bố mẹ chạy xe mà lo lắng như vậy sẽ dễ gây ra tai nạn, nguy hiểm lắm. Ngày mai mình hẹn báo thức dậy đúng giờ nha!
- Lúc nãy con không kiểm soát được cảm xúc (con đã đánh mẹ và quăng ném đồ chơi) làm mẹ đau và các bạn đồ chơi cũng buồn nữa. Mẹ rất thương con. Lần sau khi tức giận điều gì, con có thể nói cho mẹ biết, mẹ sẽ tìm cách giải quyết cùng con nhé!
5. So sánh
Con (ở thời điểm này) + Hành động tốt hơn + Con (con ở thời điểm kia) + Động viên
Không đứa trẻ nào muốn mình bị so sánh với ai khác. Nhưng nếu được so sánh với chính mình ở thời điểm nào đó, trẻ sẽ nhận ra sự thay đổi của bản thân và hiểu mình cần làm thế nào để phát triển tốt hơn. Thay vì so sánh con với một ai đó (kể cả khen con tốt hơn người khác), chúng ta có thể khen ngợi khi trẻ đã làm việc gì đó tốt hơn so với quá khứ. Đó là một trong những cách công nhận tốt nhất cho sự tiến bộ của trẻ.
- Lần này con đã làm bài tập cẩn thận hơn, học bài kỹ hơn nên đạt kết quả cao hơn lần trước. Giữ vững phong độ nhé!
- Hôm qua con đã quét nhà rất sạch. Hôm nay cũng cố gắng như thế nhé!
6. Công thức cần tránh
Con + tính từ + quá/lắm!
Dù tính từ trong công thức này có tốt hay xấu thì chúng ta cũng không nên sử dụng. Giống như thuốc uống để chữa bệnh nhưng nếu dùng bừa bãi không theo chỉ định có thể gây hậu quả khó lường, một lời khen hay chê khi buông ra một cách dễ dãi đều không mang lại sự tự tin và động lực phấn đấu cho con. Chúng ta hãy cố gắng hạn chế hết mức có thể những lời như:
- Con hư lắm. Con lì ghê. Con ở dơ quá. Con chỉ giỏi cãi bố mẹ,…
- Con giỏi lắm. Con rất thông minh. Con ngoan quá. Con rất xinh đẹp,…
Từ hôm nay, khi một đứa trẻ lễ phép chào hỏi bạn: “Con chào cô!”, thay vì khen: “Con ngoan quá!”, bạn có thể nói với bé rằng: “Cô chào con! Được con chào khiến cô cảm thấy được tôn trọng, nên cô tự tin hơn hẳn!” Đảm bảo với bạn rằng, cả bạn và đứa trẻ đều được động viên tinh thần một cách sâu sắc đấy!