Là bố mẹ của nhiều hơn một em bé, bên cạnh những lúc hạnh phúc rộn rã khi các con yêu thương nhau, có đôi lúc mình rơi vào bế tắc. Không phải lúc nào các con cũng hòa thuận, và hiển nhiên bố mẹ bỗng trở thành vị thẩm phán bất đắc dĩ. Nhưng mà chúng ta nào có được học qua trường luật, và đôi khi còn chưa biết giải quyết mâu thuẫn chính mình một cách hài hòa và hợp lý.
Như sáng hôm qua, khi đang làm việc, mẹ nghe tiếng hét thất thanh:
"Em, anh đang chơi mà, sao dừng xích đu của anh?”
Vèo vèo! Chiếc xích đu đang tung cao thì phải dừng lại bất ngờ.
Cô em 2 tuổi hồn nhiên chụp xích đu:
- Cho em chơi với!
- Anh chơi trước mà, anh chưa đồng ý đâu.
Bốp! Anh hai nhận ngay một cái tát.
Bốp! Bốp! Anh đánh lại vào vai em!
“Anh, không đánh em!,” ba vội hét lớn. Anh bỏ vào phòng. Đóng sầm cửa lại!
Mẹ dừng việc, bước vào phòng nơi anh đang đùng đùng nổi giận, em gái thì khóc vật vã. Mà kể cũng lạ, cả ngày có khi không ai ngó ngàng, cứ lúc anh hai chơi món nào, là em muốn chơi cùng món ấy. Nhớ lại lúc bé, có lần ấm ức khi bị “ép” nhường xe. Mẹ tự hỏi, các con đang cảm thấy điều gì?
Nếu như là anh hai lúc này, chắc là sẽ rất giận, và thấy thật thiếu công bằng khi phải nhường xích đu cho em. Chưa kể còn bị đánh nữa chứ! Vừa đau, vừa giận… muốn khóc, muốn ai đó chú ý rằng con đang khổ lắm đây!
Nếu như là em lúc này, chắc là thất vọng vì đã mượn rồi mà. Đã khóc rồi sao chưa ai chú ý đến nhu cầu của mình, con đang buồn lắm thay.
Đây không phải lần đầu hai con tranh giành nhau, và đây chắc chắn không phải lần cuối. Vậy thì sau khi đồng cảm và đặt mình vào vị trí của con, mẹ có thể làm gì?
Hiểu
Dù trong phương pháp nào, mâu thuẫn giữa mọi người là không thể tránh khỏi, đặc biệt là anh em trong một gia đình. Trừ phi gia đình được ban tặng những đứa trẻ ôn hòa sẵn có, thì việc tranh chấp anh em vốn dĩ bình thường như hơi thở.
Bố mẹ ở đây không phải thẩm phán để quyết định ai đúng ai sai. Bố mẹ hiện diện và cùng con giải quyết mâu thuẫn trong ôn hòa và tìm ra giải pháp.
Nếu thành công, đây là cơ hội để con nhận diện cảm xúc, học được kỹ năng giải quyết mâu thuẫn với người xung quanh. Và ở cương vị của bố mẹ, một cơ hội tuyệt vời để học cách đồng cảm và làm gương cho con về một tình yêu vô điều kiện.
Thương
Yêu thương vô điều kiện trong tình huống này có thể không? Làm thế nào để yêu thương cả bé bắt nạt, và bé bị bắt nạt.
Trước mặt bạn là em bé nhỏ chưa hiểu nhiều. Con thật bé bỏng và bạn muốn bảo vệ con. Còn bé lớn, sao nhiều lần làm gương về chia sẻ, sao con vẫn không muốn chia sẻ cho em? Hoặc cứ như lúc nhỏ “bảo anh nhường em” thì mọi việc sẽ được giải quyết. Mình có thể nhanh chóng quay lại công việc còn đang dang dở.
Nhưng nếu không phải lúc này thì sẽ là lúc nào, ta có thể đồng hành cùng con. Yêu thương vô điều kiện là bài học suốt đời mà đôi khi ta quên mất khi gặp điều bất như ý.
Làm gương
Vì là người bên ngoài sự việc, nên lúc này mẹ người thích hợp nhất để kết nối với con. Việc tách hai bé khỏi nơi tranh cãi, hay món đồ chơi tranh chấp là bước đầu tiên để giúp trẻ ổn định cảm xúc. Mỗi trẻ đều sẽ có không gian riêng, và khoảng thời gian cho chính mình. Thời gian hợp lý thường kéo dài từ 3 đến 5 phút.
Khi anh em gặp mâu thuẫn, việc bố mẹ chọn đứng về bất kỳ phía nào đều dễ dẫn đến tâm lý nạn nhân và tăng thêm mâu thuẫn. Hãy đảm bảo rằng đưa trẻ về cùng một chiến tuyến.
“Tạm thời chúng ta sẽ ngừng chơi xích đu đến khi cả hai con bình tĩnh trở lại.”
Đồng hành
Vai trò đồng hành thể hiện rõ ở việc ghi nhận cảm xúc của trẻ. Việc này cần phải được hỗ trợ liên tục, mỗi ngày và dài lâu đến khi con hiểu biết và chấp nhận. Khi con còn nhỏ dưới 5 tuổi, bạn có thể đưa ra gợi ý. Nhưng ở độ tuổi lớn hơn, hãy trao lại trẻ quyền trao đổi để tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi.
Đồng thời, chúng ta cần có những quy định công bằng áp dụng không phân biệt thứ tự trong gia đình. Trẻ nào sử dụng trước sẽ được chơi tiếp. Trẻ đến sau cần được hướng dẫn xin phép trẻ đang dùng và học cách chấp nhận khi bị từ chối. Nếu một món đồ chơi được chọn vào cùng thời điểm, hai trẻ cùng tìm ra cách để có thể cùng chơi hoặc chơi theo lượt.
Và đây là những điều mình đã đồng hành cùng hai con trong tình huống thử thách “xích đu của ai?”
Đối với bé lớn, mình chọn ôm, lắng nghe, ghi nhận cảm xúc, khơi gợi đồng cảm và đưa ra giải pháp khi con đã bình tĩnh trở lại.
- Con giận em đánh con đúng không?
- Em đánh con trước, xích đu con đang chơi trước mà, ba lại la con.
- Ừ, mẹ có thấy con giận vì con chưa đồng ý mà em lại đánh con.
- Con giận em luôn, không thèm chơi với em nữa đâu.
- Con có muốn mẹ ôm không? Con buồn ba lớn tiếng đúng không?
- Ừ, giận ba luôn rồi, nghỉ chơi với ba luôn!
- Thế mẹ ôm con cái nè
Ảnh chạy ào qua ôm, khóc tấm tức:
- Mà mẹ nhớ, thường em vẫn nhớ hỏi xin con phải không?
- Hôm nay em không thèm nhớ gì hết!
- Chắc là nhìn con chơi thích quá nên quên, hoặc tưởng là xin rồi nè! Thế lúc nãy, con có đánh lại em không?
Anh: Im lặng ….
- Con thấy trong lòng thế nào? Bình thường mẹ thấy Anh rất bình tĩnh, 10 lần thì con có thể nhớ đến 8 lần không làm đau cơ thể em, chắc hôm nay con giận quá, phải không?
Anh: Im lặng…
- Con nhìn nè, em chưa hiểu gì cả, thấy con khóc em không chơi nữa mà ngồi chờ ngoài kia!. Giờ con đã bình tĩnh chưa? Đã thấy hết giận và không muốn đánh em nữa đúng không?
Anh: im lặng… suy nghĩ.
- Giờ con bình tĩnh rồi, mẹ sẽ trò chuyện với em. Khi nào con muốn chơi tiếp thì hai anh em chơi cùng theo lượt nhé!
Đối với bé nhỏ, mẹ chọn bế em, đồng cảm và dành thêm thời gian hướng dẫn.
- Em ơi, nãy con đánh anh hai, anh hai đánh Em, hai anh em bị đau và khóc phải không?
- Anh đánh đau!
- Mẹ biết rồi, mẹ yêu thương mẹ thổi cho Em nha. Phù.. phù.. Con bình tĩnh chưa?
- Con bình tĩnh rồi!
- Em đừng đánh anh đau nhe, Em muốn chơi thì mình chờ anh đồng ý nha! Giờ mình vào gặp anh hai nè
Cô bé lon ton chạy vào.
Em: - Anh ơi, bình tĩnh chưa?
Anh: - Em nhớ không đánh hai nữa nha!
Sau ấy nào có bé nào chơi tiếp xích đu mà chuyển sang trò mới. Quan trọng là hai con dù giận nhau cỡ nào, vẫn kết nối cùng nhau. Em luôn dành phần ngon cho anh, còn anh thì dần học cách hướng dẫn một em bé khác.
Việc được có anh em là một điều tuyệt vời của cuộc sống và như câu nói bố mẹ luôn thủ thỉ với nhau mỗi ngày cùng hai con: “Trên đời này chỉ có một anh hai là Anh, và một em gái là Em! Và trong 8 tỷ người trên trái đất, duy nhất hai con ở chung trong bụng mẹ.
“Mẹ cảm ơn anh và em đã chọn là con của mẹ, và chọn là anh em của nhau”