Chuẩn bị cho con trai đi tiêm ngừa, mình ngồi nhìn lại quyển sổ theo dõi tiêm ngừa của con mà giật mình, con đã trải qua gần 30 mũi tiêm trong 5 năm qua. Bản thân mình đã lớn tồng ngồng thế này mà mỗi khi nghe đến “chích một mũi” vẫn còn thấy sợ nổi da gà, bọn trẻ đúng là kiên cường thật, các bố mẹ nhỉ.
Mình hồi ấy cũng đọc nhiều kinh nghiệm trước mỗi lần mang con đi tiêm ngừa. Câu hỏi mà các mẹ đặt ra nhiều nhất là: “Làm thế nào để con đi tiêm không đau, không khóc nhè?”
Là người mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra con, chúng ta ai nhìn thấy con đau, con khóc mà không thấy xót, phải không? Mong muốn con không đau, không khóc cũng là mong muốn rất thực, rất đời thường của các bậc làm bố mẹ. Nhưng mà, chúng ta cũng biết rõ, làm gì có chuyện xuyên cây kim nhọn hoắt vào da thịt mà lại không đau cơ chứ? Mà, đau thì khóc chứ sao nè.
Lạc quan lên thôi các bố mẹ ơi. Ngoài việc nắm vững các kiến thức cơ bản liên quan đến tiêm phòng, hãy chuẩn bị tâm lý cho mình và con một cách tốt nhất, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta cùng nhau học thêm những bài học bổ ích cho cuộc sống sau này đó.
1. Kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ từ các bác sĩ
Lưạ chọn nơi tiêm chủng uy tín.
Cho con tiêm buổi sáng. Theo kinh nghiệm của mình, khi đi tiêm buổi sáng, mình sẽ có cả ngày hôm đó để theo dõi tình hình sức khoẻ của con, và cảm thấy yên tâm nếu trong ngày có gì đó bất thường thì các bác sĩ có thể dễ dàng kiểm tra thăm khám hơn so với việc mình tiêm vào buổi chiều và có biến chứng nào đó trong đêm.
Ăn sáng/bú sữa một ít thôi trước khi đi tiêm. Bởi nếu ăn no quá, khi con quấy khóc hoặc tâm trạng con quá lo lắng sẽ dễ dẫn đến nôn trớ. Tiêm xong về nhà ăn thêm sau. Thậm chí cả ngày hôm đó nếu con không muốn ăn nhiều thì cũng không sao cả.
Kiểm tra đúng tên thuốc và hạn sử dụng trước khi tiêm.
2. Thể hiện sự tích cực
Đứa trẻ dù mới sinh ra, có thể chưa hiểu người lớn nói gì, nhưng vẫn cảm nhận được nguồn năng lượng toả ra từ những người xung quanh. Bố mẹ hãy luôn có những suy nghĩ tích cực để lan toả điều này đến con mình nhé. Thay vì than phiền điều gì đó với vợ/chồng mình, các thành viên trong gia đình hãy luôn nói với nhau những điều tích cực, như:
- Chỗ mình sắp đi tiêm ngừa rất tiện đường đi lại.
- Sau vài lần tìm kiếm thì cũng có chỗ còn loại thuốc con mình cần tiêm.
- Chỉ cần tiêm 3 mũi này thôi, con sẽ có kháng thể để chống lại bệnh gì đó.
Đôi lúc vẫn có nhiều rắc rối xung quanh việc này, nhưng hãy nghĩ và bàn đến thành quả mà bạn đạt được, dù chỉ là những thứ nhỏ bé đều rất có ý nghĩa. Điều này sẽ được lan tỏa và giúp trẻ cảm thấy yên tâm hơn.
3. Tôn trọng sự thật
Để trấn an con trước khi tiêm ngừa, một số bố mẹ dùng cách nói dối rằng “Không đau đâu!”, “Chỉ như kiến cắn ấy mà!” và nghĩ rằng đó là những lời vô hại. Nhưng thực tế có thể khác, mức độ đau sẽ khác nhau tuỳ theo loại thuốc, vị trí tiêm, cách thức tiêm và tuỳ cảm nhận của từng đứa trẻ nữa. Hồi còn học đại học, mình từng tiêm một loại thuốc mà về nhà cả cách tay nặng trịch như đeo cục tạ 5kg, chạm nhẹ vào là nhức nhối vô cùng, đến vài ngày sau mới đỡ. Khi biết được sự thật không như miêu tả của bố mẹ trước đó, trẻ có thể cảm thấy sụp đổ hoặc mất đi những suy nghĩ tích cực.
Mình thường chọn cách trò chuyện với con rằng, “Tiêm ngừa khá là đau đó. Nhưng cơn đau từ từ sẽ giảm dần rồi hết hẳn. Nếu không tiêm, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Mà khi bệnh thì sẽ đau nhiều hơn và lâu hơn so với lúc tiêm.”
Với mình, giúp con rèn luyện tinh thần lạc quan không có nghĩa là bằng mọi giá phải nói với con rằng mọi thứ đều tốt đẹp, mà là cho con sự chuẩn bị tốt nhất khi đối diện với những vấn đề có thể xảy ra.
4. Động viên, khích lệ
Nếu khi đau mà con chịu được và không khóc thì quá tốt. Nhưng nếu con khóc, điều có cũng rất tốt. Việc khóc sẽ kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp làm dịu cơ thể. Các hoóc môn endorphin và oxytocin được cơ thể tiết ra khi khóc có tác dụng giúp vui vẻ, xoa dịu. Nhờ đó mà cơ thể cảm thấy tốt hơn, tác động tích cực vào nhận thức, giúp con đánh giá lại sự việc và nhìn mọi chuyện góc độ tích cực hơn.
Đừng bảo con “Nín đi!”, cũng đừng chỉ trỏ đứa trẻ khác để so sánh: “Nhìn kìa, bạn kia đâu có khóc đâu!” bởi con sẽ cảm thấy mình yếu kém hơn, từ đó dễ dẫn tới cảm xúc chán nản và bi quan.
(Và cũng đừng lêu lêu một đứa trẻ nào đó chỉ vì bạn ấy khóc còn con mình thì không nhé!)
Thay vào đó, bố mẹ chỉ cần ở bên cạnh vỗ về và nói với con những điều tích cực, chẳng hạn như: “Yeah, chúc mừng con, vậy là mình đã ngừa được con vi rút viêm gan rồi. Mình có lá gan thiệt là khoẻ như siêu nhân nhe!”
Bạn sẽ thấy, con hết khóc nhanh thôi, và lạc quan hơn nữa đấy, chắc chắn!
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sẵn tinh thần lạc quan cao vút. Hãy luôn tin tưởng và trở thành người bạn đồng hành để cùng con trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống, bố mẹ nhé!