Bạn có đang rơi vào 3 cái bẫy của tư duy? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Bạn có đang rơi vào 3 cái bẫy của tư duy?

Tư duy đúng đắn sẽ tạo cơ sở cho những nhận thức và hành động tích cực. Vậy làm sao để tránh việc tư duy sai lầm? Dưới đây là 3 cạm bẫy tư duy vô thức rơi vào.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết có tham khảo sử dụng nguồn thông tin từ cuốn sách “Mental Traps: The Overthinker's Guide to a Happier Life” của tác giả André Kukla.


Việc tư duy đúng đắn sẽ tạo cơ sở cho những nhận thức và hành động tích cực. Vậy làm cách nào tránh việc tư duy sai lầm? Hãy tham khảo xem bạn có đang rơi vào 3 cạm bẫy tư duy dưới đây hay không để khắc phục nhé!

Bẫy tư duy là trạng thái tư duy theo thói quen, được hình thành dựa trên cách suy nghĩ của chúng ta đối với một đối tượng, vấn đề. Bẫy tư duy khiến con người rơi vào vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ, hành động không mang lại giá trị mong muốn, làm bạn mất đi một lượng thời gian và sức lực đáng kể trong cuộc sống. Cụ thể hơn, 3 cạm bẫy tư duy mà con người thường vô thức để mình rơi vào chính là: 

Bẫy tư duy cố chấp: Bám lấy những giá trị không còn ý nghĩa

Chiếc bẫy thứ nhất là trạng thái cố chấp thực hiện cho xong một việc gì đó trong khi biết rằng, kết quả của việc đó không mang lại những giá trị mà bạn đang mong muốn.

  • Bạn từng hứng thú ra rạp đi xem một bộ phim được quảng cáo rầm rộ trên báo đài. Sau 30 phút, bạn nhận ra bộ phim này dở tệ, nhưng thay vì rời khỏi rạp và dành khoảng thời gian còn lại cho những việc khiến tâm trạng thoải mái hơn, thì bạn vẫn cố chấp ngồi lại rạp chiếu phim với tâm trạng bực dọc, khó chịu, oán trách báo đài tung hô quá mức, khiến bạn lãng phí tiền bạc, thời gian vào nó?

  • Bạn từng được ai đó hỏi về tên một bài hát, rõ ràng giai điệu này “nghe rất quen” nhưng bạn vẫn không thể nhớ ra câu trả lời. Và dù người hỏi đã rời khỏi đó, mục đích “đưa câu trả lời” đã không còn quan trọng, nhưng bạn vẫn để suy nghĩ này đeo bám hành hạ cả ngày?

Đó chính là biểu hiện bạn đã rơi vào bẫy. Khi những mục đích ban đầu như “giải trí”, hay “đưa ra đáp án” đã không còn giá trị, bạn vẫn chạy theo luồng suy nghĩ đó để tối đa hóa cảm giác thỏa mãn “làm tới cùng” của bản thân. Nhu cầu tư duy “phải hoàn tất một việc dang dở” sẽ không lại mang lại lợi ích tốt đẹp như nó vốn dĩ, nếu chúng ta chỉ tiến hành mọi việc theo cách hướng đến một kết cục bế tắc. Đừng để bản thân đánh tráo khái niệm với “kiên định”, vì việc cố chấp chỉ đơn giản là sự kiên nhẫn tẻ nhạt mà thôi.

Bẫy tư duy hồi biến: “Giá như không phải nói...giá như”

Lỗi này có biểu hiện rõ ràng và dường như cũng hữu hình nhất. Vì nó thường gắn liền với các cụm từ quen thuộc như “Giá mà…”, “Biết thế…”. Kì lạ là, dù mọi người luôn ý thức được “Không thể thay đổi quá khứ”, nhưng tiềm thức vẫn khiến họ rơi vào cái bẫy hồi biến của tư duy, khiến bạn không ngừng giày vò, bứt rứt ở hiện tại.

  • Bạn tiếc nuối vì từng chọn công ty A thay vì công ty B và lựa chọn ngày đó không mang lại hạnh phúc như bạn đã tưởng?

  • Bạn không ngừng nghĩ về số tiền mà bạn đã bị một công ty đa cấp biến tướng lừa gạt?

Thật ra, sẽ rất tốt nếu như nhớ về quá khứ với mục đích rõ ràng là rút ra những bài học cho tương lai. Song, không nhiều người lý trí được như vậy. Phần lớn sẽ bị cảm giác này đeo bám cả ngày, hoặc cả đời, để rồi lãng phí thời gian và sức lực cho những “sự đã rồi” mà không thể khiến mình trở nên tốt đẹp hơn. Hãy cho quá khứ phát huy đúng giá trị tồn tại của nó - bài học cho tương lai.

Bẫy tư duy ngưng trệ: “Giết thời gian” trong sự bứt rứt

Lỗi ngưng trệ trong tư duy khác với lười biếng, vì lười biếng làm chúng ta lãng phí thời gian, còn lỗi ngưng trệ làm chúng ta “giết thời gian” một cách vô ích và hao lực.

  • Khi bị kẹt xe trên đường, thay vì tranh thủ suy nghĩ, sắp xếp công việc ngày mai hoặc nghĩ về kế hoạch thư giãn tối nay thì bạn lại để sự bực bội, khó chịu chen lấn vào tâm trí, ăn mòn chút sức lực tinh thần còn lại sau giờ tan làm. Tệ hơn nữa, bạn mang điều đó về nhà. 

  • Khi nhận được task (nhiệm vụ công việc) mà sếp giao, bạn không bắt tay vào làm liền vì đợi “có cảm hứng”, thế nhưng trong lúc chờ đợi cảm hứng đó thì bạn không hề rảnh trí để nghỉ ngơi hay làm việc khác. 

Không có cách tránh bẫy nào đủ hữu hiệu cho tất cả mọi người. Song, khoảnh khắc bạn nhận ra cái giá phải trả cho thứ cảm giác mơ hồ và có phần tiêu cực chính là những giây phút hiệu quả, hài lòng đúng kiểu “sống trọn từng giây” thì tức là bạn đã sẵn sàng để tránh khỏi cái bẫy vô thức của chính mình. 

Con người có xu hướng biện minh cách hành xử của mình bằng việc quy trách nhiệm cho “tính nết nó vậy”. Song, “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách”, mỗi cá tính đều phản ánh cách mà bộ não đó tư duy vấn đề. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những giới hạn của “bản tính khó dời” để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình bằng việc tư duy đúng đắn.