Ngay giây phút ôm lấy thiên thần bé bỏng trong tay, trong tim tôi ngập tràn cảm xúc yêu thương. Tôi đã từng mải mê tìm kiếm những bí quyết cao sang bên ngoài, các buổi học kích thích trí não nghìn đô, các loại thực phẩm tốt nhất cho con. Nhưng cuối cùng thì, điều đơn giản nhất mà chúng ta ai cũng có thể có đó là thời gian trò chuyện cùng con.
Vậy tại sao trò chuyện cùng con lại quan trọng đến thế?
Theo nghiên cứu của đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) tại Mỹ, những đứa trẻ được nuôi dạy trong các gia đình dành thời gian trò chuyện thường phát triển ngôn ngữ tốt hơn, khoảng 30 triệu từ trong 3 năm đầu tiên, nhất là giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ từ 4-6 tuổi.
Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân chính đến từ việc người lớn dành thời gian trò chuyện thật sự cùng trẻ. Kết quả chụp não bằng công nghệ MRI cũng cho thấy, việc này góp phần quan trọng trong việc phát triển trí não sinh học của trẻ và khả năng giao tiếp trong tương lai.
Nếu mỗi ngày đều quá bận rộn, ta có thể trò chuyện cùng con lúc nào?
Hãy tận dụng mọi khoảnh khắc trong ngày: đưa đón con đi học, ăn tối, trước lúc đi ngủ. Thậm chí khi đi vệ sinh cũng là khoảnh khắc mà bạn có thể kết nối cùng con.
Nghe có vẻ hài hước nhưng hãy tin tôi! Những khoảnh khắc đơn giản/nhỏ bé này lại là lúc bạn có thể trò chuyện với con về việc con ăn gì hôm nay, thức ăn đó có tốt không? Con cảm thấy một ngày mình ăn uống thế nào, có khỏe và thoải mái không?
Hãy đảm bảo rằng đây thật sự là một cuộc trò chuyện, có sự trao đổi thông tin từ bố mẹ và con. Con được nêu lên ý kiến, chia sẻ suy nghĩ thay vì chỉ đưa ra yêu cầu hành động và hoàn thành nốt việc như: “ăn cơm nhanh”, “đi tắm nào”...
Nếu không biết bắt đầu từ đâu, ta nói gì với con?
Hãy thử tưởng tượng tình huống này: Trời vừa tạnh mưa, bạn đón con đi học về Hai mẹ con đang vui vẻ thì một chiếc xe phóng nhanh qua, tạt nước khiến bạn và con đều ướt như chuột. Hẳn bạn sẽ giận lắm, có thể vừa chạy về vừa lẩm bẩm cáu gắt.
Nhưng bạn biết không, thử thách đôi khi là cơ hội. Việc bạn nói gì với con lúc ấy sẽ tạo nên sự khác biệt trong sự phát triển tư duy cho trẻ.
Hãy bắt đầu các câu hỏi bằng “Tại sao, nếu con là, con cảm thấy thế nào?” Ví dụ:
-
“Con có ướt nhiều không? Con cảm thấy thế nào khi chú chạy nhanh làm ướt chúng ta.” => Cơ hội gọi tên cảm xúc và hiểu con đang thấy thế nào.
-
“Con nghĩ tại sao chú lại chạy nhanh, liệu rằng chú có đang vội? Nếu con là chú tài xế, con sẽ làm gì để không té nước vào người khác?” => Cơ hội nêu lên quan điểm của bản thân và đưa ra giải pháp.
-
“Khi mẹ là tài xế, mẹ luôn quan sát chú ý không chạy nhanh, vượt ẩu vì mẹ hiểu cơ thể mọi người đều quý giá, con có nghĩ thế không?” => Cơ hội để bạn đưa ra quan điểm của bản thân và gợi mở cho con về những điều bạn nghĩ là đúng đắn và nên làm.
-
“Tuy chúng ta bị ướt nhưng mẹ không thấy buồn vì quan trọng mẹ đã sắp xếp công việc để ưu tiên đi đón con sớm, mẹ đã rất vui?” => Cơ hội để con thấy bạn tận hưởng niềm vui ở bên con dù trong bất kì hoàn cảnh nào.
Tôi biết điều này thật sự không dễ dàng do thế hệ chúng ta rất ít được trò chuyện như thế khi còn nhỏ. Nhưng dù nó không tự nhiên mà có, nhưng đây là thứ chúng ta có thể học, luyện tập mỗi ngày. Hãy thử và cảm nhận sự thay đổi ở mình và con để thấy nỗ lực là hoàn toàn xứng đáng.
Điều này là vô giá và có thể làm được, hãy cùng thử bố mẹ nhé!