Ta đã nói quá nhiều về văn xuôi, nhưng có đủ nhiều về thi ca?
Ngay cả tới một việc tưởng chừng đơn giản đọc thơ, bạn có chắc rằng mình biết cách?
Bài viết sau đây sẽ gợi ý những bước đọc thơ đúng một cách thân thiện, cụ thể, dễ thực hiện nhất để bạn có thể tận hưởng và rút ra được nhiều trải nghiệm, bài học quý báu từ loại hình nghệ thuật tuy quá đỗi quen thuộc nhưng lại bị ló ngơ này.
Đọc thơ đòi hỏi hai yếu tố: thái độ phù hợp và kĩ thuật đúng đắn.
THÁI ĐỘ
1. Làm rõ những định kiến sai lệch
Có 3 sự lầm tưởng phổ biến:
- Thơ ca là một thứ mật mã, nên từng từ, từng chữ, từng dấu câu cũng là những câu đố cần bạn giải quyết.
- Đọc một lần không hiểu thì có nghĩa hoặc bạn, hoặc bài thơ có vấn đề.
- Bạn có thể tự do quyết định ý nghĩa của một tác phẩm.
Không, nhiệm vụ của nghệ thuật không phải là đánh đố bạn đọc, việc đọc không bao giờ là quá dễ, và bạn không thể vô cớ “gắn nghĩa” cho một công trình tư tưởng vốn không phải của bạn. Những quan niệm lệch lạc sẽ chỉ làm chùn bước bạn, thậm chí gây cho bạn ác cảm khi đọc thơ mà thôi. Bạn không muốn thế đúng không nào? Vì vậy, loại bỏ ngay những suy nghĩ độc hại trên là bước cần thiết.
2. Để trí tò mò dẫn lối
Đọc mà không tò mò thì sẽ chỉ thấy vô cảm và chán ngán mà thôi. Phải hiếu kỳ thì mới có thể ngạc nhiên trước cái tinh tế của một bài Haiku, mới có thể ngỡ ngàng, tấm tắc trước sự đồ sộ đầy anh hoa của một Truyện Kiều kinh điển, xuất chúng. Và sự ham tìm hiểu những điều mới sẽ giúp bạn cởi mở hơn với những sự sáng tạo phá cách nằm ngoài khuôn khổ đại chúng.
3. Không ngại nỗ lực
Hãy hình dung văn bản như một tấm bản đồ mà tác giả đã định sẵn những điểm A, B, C, D,... Trí tò mò chỉ là thứ giúp bạn MUỐN đi từ điểm này tới điểm kia, còn để thực sự di chuyển thì bạn cần phải tự thân vận động. Và hãy nhớ rằng chỉ dẫn đôi khi không quá rõ ràng, để tới đích thì bạn tư duy một chút. Nhưng dù sao mọi nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp mà thôi. Đọc thơ cũng như chơi thể thao: nếu không chạy nhảy, vận động một chút thì đâu còn gì là thỏa mãn.
KĨ THUẬT
1. Đọc và cảm nhận
Nhìn tổng quan một lượt diện mạo của bài thơ để có được ấn tượng chung nhất. Hãy đọc thành tiếng, từ đầu đến cuối, lắng nghe và cảm nhận. Cố gắng nắm đại ý điều mà tác phẩm muốn nói tới và cách tác phẩm nói tới điều đấy. ĐỪNG VỘI PHÂN TÍCH, mà hãy mường tượng và cho phép bản thân trôi theo hình ảnh và câu chuyện của thơ. Sự thăng hoa và diệu kỳ của nghệ thuật sẽ nằm ở bước này đó.
2. Chủ động đặt câu hỏi
Lúc này ta mới phát huy trí tò mò và thực hiện thao tác phân tích sâu bằng cách chủ động đặt câu hỏi. Hãy thử lập sẵn ra một danh sách, hệ thống các câu hỏi để “đối thoại” với tác phẩm. Ví dụ:
- Văn bản muốn hướng tới nhóm độc giả nào?
- Văn bản được ra đời trong hoàn cảnh ra sao?
- Tại sao tác giả lại dùng giọng điệu này để viết?
- Qua tác phẩm ta thấy được gì trong tính cách người viết?
- Những hình ảnh được gợi lên có tác dụng như thế nào?
- Có những từ ngữ nào khó hiểu không?
- Tại sao tác giả lại phân khổ như này?
Hãy bám sát vào bài thơ và tra cứu thông tin (nếu cần thiết) để trả lời cho những câu hỏi ấy. Nếu như một khía cạnh nào đặc biệt gây hứng thú cho bạn, cố gắng đào sâu thêm vào nó, bởi biết đâu đấy lại là một ý tưởng vượt ngoài phạm vi văn bản đơn thuần và có giá trị thực tiễn, có khả năng với bản thân bạn. Sự chủ động không chỉ giúp bạn hiểu thêm về tác phẩm, mà còn có thể làm cho việc đọc trở nên lí thú và bớt khô khan đi rất nhiều.
3. Bày tỏ quan điểm cá nhân
Có thể coi ý nghĩa của một tác phẩm là tổng hòa từ lớp nghĩa của chính nó và cả những cảm nhận riêng của bạn. Hãy chia sẻ ấn tượng mà bạn bằng cách ghi ra giấy, hoặc trò chuyện với một người bạn có chung sở thích.
Bạn còn có thể thử sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình dựa trên văn bản gốc. Đây là một cách hay, mới mẻ để tăng cường tư duy, trí tưởng tượng và liên hệ của bạn đó.
4. Học cách chấp nhận sự hoang mang
Và đôi lúc, cho dù cố gắng đến mấy, bạn vẫn không hiểu nổi thứ bạn đọc. Đừng lo, bởi điều đó hoàn toàn bình thường thôi. Đừng ép bản thân tới mức nảy sinh sự không thoải mái khi tiếp cận với thơ.
Hãy nhớ rằng cũng có những tác phẩm chỉ có nhiệm vụ là “gợi” và chẳng đòi hỏi gì hơn một sự trải nghiệm, cảm thụ đơn thuần mà không cần diễn giải.
5. Đọc mỗi ngày
Hãy thử mỗi ngày một bài thơ. Hình thành thói quen tốt sẽ mang lại những lợi ích bất ngờ như giảm căng thẳng, tăng hiểu biết và vốn từ, cải thiện trí nhớ, rèn khả năng tư duy,... từ đó nâng tầm giá trị bản thân.
LƯU Ý
- Đừng ngại tra từ điển nếu như bạn không hiểu nghĩa của một từ hay một cách biểu đạt nào đó.
- Thực hành liên tục, bền bỉ, đúng cách là chìa khóa tới một sự đọc thuần thục, năng suất.
- Sự gò bó, miễn cưỡng và thờ ơ sẽ chỉ mang lại những tác dụng phụ.
Tóm tắt những bước để đọc thơ đúng cách:
- Làm rõ những định kiến sai lệch
- Để trí tò mò dẫn lối
- Không ngại nỗ lực
- Đọc và cảm nhận
- Chủ động đặt câu hỏi
- Bày tỏ quan điểm cá nhân
- Học cách chấp nhận sự hoang mang
- Đọc mỗi ngày
Tuy nhiên, bạn chỉ nên coi bài viết trên như một kim chỉ nam, một bộ khung tham khảo nếu bạn còn loay hoay và chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Dù sao thì không có một quy chuẩn nào hoàn toàn chính xác, và không kinh nghiệm của người nào đáng giá hơn kinh nghiệm mà chính bạn đúc kết được. Chúc bạn hiền sẽ tìm thấy thật nhiều niềm vui và giá trị ở thơ ca.