Cảm xúc đang trợ giúp hay chống lại ta? | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Cảm xúc đang trợ giúp hay chống lại ta?

Cảm xúc của con người là thứ không thể cưỡng cầu. Bạn muốn cảm xúc trợ giúp hay chống lại mình?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Aaaaaaa!!!.... Tại sao mình lại nói ra những lời tổn thương người khác như thế nhỉ? Điên mất thôi! Phải làm sao bây giờ?”

Những câu nói này có quen thuộc trong cuộc sống đời thường? Nếu có, thì bài viết này dành cho bạn. Liệu cảm xúc đang trợ giúp hay chống lại bạn đây?

Tình huống trên đã xảy ra không ít lần với H, cô gái 32 tuổi, trong một cuộc cãi vã với chồng vì những mâu thuẫn trong vấn đề nuôi dạy con. H có xu hướng bộc lộ cảm xúc quá mức và thấy hối tiếc ngay lập tức vì việc đó gây nên tổn thương cho chồng cô. Việc không kiểm soát được cảm xúc ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và mối quan hệ của đôi vợ chồng trẻ.

Ngày nay, bên cạnh chỉ số thông minh của não bộ( Intelligence Quotient, gọi tắt là IQ) thì trí tuệ cảm xúc(Emotional Quotient hay Emotional Intelligence, gọi tắt là EQ hay EI) cũng được đánh giá là yếu tố quan trọng và cần thiết với mỗi người. Trên thế giới, trí tuệ cảm xúc được biết đến từ năm 1930 dưới cách gọi “trí thông minh xã hội” nhưng chưa thực sự phổ biến. Mãi đến năm 1995, trí tuệ cảm xúc trở nên thu hút sự quan tâm của công chúng khi nhà tâm lý học lừng danh Daniel Goleman xuất bản cuốn sách cùng tên: “Emotional Intelligence: Why It Can Matter more than IQ?”

Trí tuệ cảm xúc định nghĩa một cách dễ hiểu là khả năng nhận thức, đánh giá, quản lý cảm xúc và sử dụng chúng để đạt được mục tiêu của mình.

Trí tuệ cảm xúc bao gồm các khả năng sau đây:

Nhận thức cảm xúc là khả năng nhận biết dấu hiệu và sự tác động của cảm xúc tới con người. Từ đó biết biết được điểm mạnh, điểm yếu và khuynh hướng cảm xúc của bản thân.

1. Kiểm soát cảm xúc

Khả năng tự làm chủ những phản ứng cảm xúc của bản thân và sử dụng chúng để thúc đẩy hoạt động tư duy và nhận thức. Chúng ta rất khó có thể kiểm soát được cảm xúc của mình nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát hành vi khi nhận thức rõ về cảm xúc. Việc kiểm soát tốt cảm xúc giúp chúng ta hạn chế được việc để lại những hậu quả đáng tiếc trong giao tiếp và các mối quan hệ.

2. Hiểu về cảm xúc

Khả năng nhận thức được cảm xúc của chính mình hay người khác, hay nói cách khác là có thể nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của đối tượng. Đây là việc tối quan trọng đối với bất kỳ mối quan hệ nào.

3. Quản lý cảm xúc

Khả năng vô cùng quan trọng của trí tuệ cảm xúc, giúp xâu chuỗi và phát huy tính hiệu quả của việc nhận thức cảm xúc, kiểm soát cảm xúc và hiểu về cảm xúc. Quản lý cảm xúc là kênh cuối cùng giúp chúng ta phổ quát ba khả năng trên và điều tiết cảm xúc của mình một cách phù hợp nhất.

Đối với trường hợp ở trên, H đã sử dụng bốn khả năng trên của trí tuệ cảm xúc để cải thiện tình huống mâu thuẫn của vợ chồng cô như sau:

Đầu tiên, trước những mâu thuẫn của hai vợ chồng, H nhận thức về cảm xúc của bản thân lúc này: bất mãn, không thể hiểu nổi đối phương, cảm thấy sự cố gắng của mình trong việc nuôi dạy con trở nên vô nghĩa vì thiếu đồng thuận giữa hai vợ chồng,… Đối diện trực tiếp với những cảm xúc này, cô ấy hiểu rằng mình sẽ có khuynh hướng bộc lộ cảm xúc tiêu cực để thỏa mãn bản thân.

Nhận thức được điều này giúp H bước đầu làm chủ được cảm xúc, từ đó kiểm soát được hành vi của mình. Rút kinh nghiệm từ những tình huống trước đó, cô ấy lựa chọn thể hiện hành vi khác đi, thay vì xả ra bằng lời nói thì tìm các hoạt động giúp bản thân bình tĩnh lại và sẽ trao đổi với chồng sau khi cả hai đã có thời gian suy ngẫm.

Khi có thời gian bình tâm suy nghĩ, đặt mình vào vị trí của chồng, H hiểu rằng chồng cô cũng cảm thấy có lỗi và bất lực vì hai vợ chồng không thống nhất được quan điểm, khiến em bé nhận được những tín hiệu mâu thuẫn từ bố mẹ và xuất hiện những phản ứng tiêu cực. Nhìn nhận dưới góc độ tích cực thì cả hai vợ chồng đều có ý muốn tốt đẹp trong việc nuôi dạy con, đều hiểu được vấn đề nhưng chưa có được tiếng nói chung về giải pháp. Việc hiểu cảm xúc của chồng cũng làm cô ấy nhìn nhận lại hành vi của mình và phần nào đó có sự đồng tình với anh ấy.

Cuối cùng, H lựa chọn cách trao đổi bình tĩnh, thẳng thắn và khách quan với chồng về quan điểm của mình. Bất ngờ là chồng cô cũng phản ứng lại một cách tích cực và hai người bắt đầu có tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con.

Trường hợp này H đã vận dụng trí tuệ cảm xúc thành công và từ việc cảm xúc mang lại mâu thuẫn đã chuyển hướng trợ giúp cho mối quan hệ của đôi vợ chồng trẻ. Dĩ nhiên việc này không hề dễ dàng như hoàn toàn có thể.

Vậy trí tuệ cảm xúc có những tác động gì tới cuộc sống của chúng ta?

Trí tuệ cảm xúc giúp con người thấu hiểu bản thân, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần

Khi nhận thức được cảm xúc, chúng ta có cơ hội hiểu và chấp nhận chính mình, từ đó phát triển bản thân và nâng cao mức độ hài lòng trong cuộc sống. Kiểm soát tốt cảm xúc góp phần giảm thiểu áp lực, từ đó nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng năng suất và hiệu quả trong công việc.

Trí tuệ cảm xúc góp phần cải thiện, nuôi dưỡng và phát triển các mối quan hệ

Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc không ít vào các mối quan hệ. Hiểu mình, hiểu người là bước đầu quan trọng trong việc kết nối với người khác. Việc nhận thức và biết cách kiểm soát cảm xúc giúp bạn thể hiện bản thân theo hướng tích cực hơn, cũng như hiểu được cảm giác của người khác tốt hơn. Đây là nền tảng để bạn giao tiếp hiệu quả và có các mối quan hệ gắn kết trong công việc cũng như cuộc sống.

Trí tuệ cảm xúc góp phần phát triển kỹ năng xã hội và gia tăng tầm ảnh hưởng

Thấu hiểu bản thân và đồng cảm với người khác là điều kiện để bạn kết nối và trải nghiệm nhiều hơn về thế giới xung quanh. Với kỹ năng xã hội được rèn luyện, bạn sẽ có khả năng nhìn nhận mọi vấn đề kết hợp giữa lý trí và cảm xúc. Quản lý cảm xúc có khả năng tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người khác, giúp thuyết phục và tạo động lực cho họ, kiểm soát xung đột và tối đa hóa các lợi ích.

Trí tuệ cảm xúc giúp phát triển năng lực lãnh đạo

Việc sử dụng các khả năng của trí tuệ cảm xúc trước hết giúp cá nhân lãnh đạo chính mình, hoàn toàn tự chủ với tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Khả năng thấu hiểu lòng người và nhạy bén sử dụng cảm xúc là phương tiện hữu hiệu trong việc quản lý nhân sự và đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp tình hợp lý.

Cảm xúc của con người là thứ không thể cưỡng cầu. Bạn muốn cảm xúc trợ giúp hay chống lại mình?

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.