Cách đây tầm 10 ngày trên truyền thông đưa câu chuyện vợ chồng anh bán vé số và nhặt ve chai ở Sài Gòn phải mang hai con nhỏ, một đứa 14 tháng và em bé mới sinh được 2 tháng ra ngủ ngoài đường cả tháng nay vì không có khả năng trả tiền nhà trọ. Dưới bài báo, bên cạnh các bình luận xót thương và mong muốn giúp đỡ anh, có không ít các ý kiến cho rằng tại sao vợ chồng anh bán vé số đã lớn tuổi, đã nghèo, thu nhập bấp bênh lại đẻ thêm đứa con thứ hai, nhất là trong bối cảnh đại dịch phức tạp đến người giàu cũng khóc? Và vợ chồng anh bán vé số bị kết tội là thiếu hiểu biết là vô trách nhiệm, là đáng trách!
Bạn có thấy lối suy nghĩ này có quen thuộc và phổ biến không? Chúng ta quá dễ dàng khi phán xét và chỉ trích người khác theo kiểu tại sao đã nghèo mà còn đẻ nhiều, tại sao bị chồng đối xử tệ như vậy mà lại không chịu bỏ, tại sao có bệnh mà vẫn cứ ăn uống vô tội vạ, tại sao lại sa đà sao chích hút và tệ nạn xã hội trong khi ai cũng thấy rõ tác hại của nó như thế nào, tại sao lại không giữ được bình tĩnh, tại sao lại đánh mắng con, tại sao sữa mẹ tốt thế mà lại cho con uống sữa công thức, tại sao lại bỏ trốn khỏi khu cách ly hay tại sao lại anti (phản đối) vắc xin, vân vân và mây mây. Chúng ta có quá nhiều những lời than phiền và chỉ trích cho mọi thứ xung quanh, từ người thân trong gia đình, bạn bè và xã hội bằng những câu hỏi bắt đầu rằng “tại sao” và cảm thấy chán nản vì rõ ràng là cái xã hội này có vẻ quá nhiều người thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, chỉ biết ích kỷ cho bản thân và không biết quan tâm gì đến thời cuộc. Mọi thứ xung quanh trở nên tối tăm và tiêu cực, với quá nhiều vấn đề, không có giải pháp và tệ nhất là không một ai nhận ra hay không ai buồn quan tâm và nỗ lực để thay đổi tình hình. Thật là bế tắc!
Nhưng,
Chúng ta quên mất rằng, tất cả mọi người đang nỗ lực hết khả năng họ có thể rồi, nếu có thể làm tốt hơn được nữa, họ nhất định sẽ làm! Chúng ta nhìn một đứa trẻ có vẻ hơi gầy so với độ tuổi và tự hỏi “Sao ba mẹ nó lại không cho nó ăn thức ăn dinh dưỡng, sao không bỏ thêm tiền ra để mua thêm sữa bổ sung cho con, tại sao lại không quan tâm đến con như vậy?”
Nhưng, liệu chúng ta có biết hết câu chuyện đằng sau không, đó có thể là một em bé sinh non của một cặp vợ chồng chỉ mới học hết cấp 2, em bị chứng biếng ăn dù ba mẹ cố gắng cho em ăn nhiều nhất có thể, thậm chí là bằng các giải pháp cực đoan như ép ăn, cho ăn rong và mùa dịch này, cả nhà em mất thu nhập, phải tiết kiệm đừng đồng để chạy ăn từng bữa,… Họ đã nỗ lực hết sức trong khả năng của họ rồi đó, nếu có thể làm tốt hơn, họ nhất định sẽ làm, vì họ thương con họ, hơn ai hết. Khi chúng ta chỉ nhìn vào bề nổi của tảng băng trôi và ngay lập tức đưa ra kết luận hay phán xét người khác, thế giới không vì thế mà trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút.
Điều này không chỉ xảy ra cho người khác hay sự việc xung quanh, đôi khi chúng ta cũng làm điều này, với chính bản thân mình. Bạn đã đầu tư rất kỹ cho các hồ sơ phỏng vấn và dành cả tuần để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn chỉ trong 30 phút, và đã mấy tháng rồi vẫn không có lấy một tin tốt lành từ các nhà tuyển dụng. Và bạn bắt đầu cảm thấy chán nản, thất vọng, giận dữ và bắt đầu kết tội mình bằng cách nghe theo những tiếng nói chỉ trích bên trong. Rằng, mình không đủ tốt, mình kém cỏi, mình không xứng đáng với những gì tốt đẹp dù bạn đã cố gắng nhiều như thế nào. Và cộp, bạn đóng dấu luôn là “Cuộc sống này không có công bằng và dù bạn có nỗ lực như thế nào thì cũng sẽ xôi hỏng bỏng không". Cũng từ đó, bạn ngưng cố gắng. Nhưng có thể bạn chưa biết rằng thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng rất ít do đại dịch và mỗi vị trí lại rất cạnh tranh, chúng ta đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn luôn có người giỏi giang hay phù hợp hơn. Hay, chúng ta đang thử sức ở những công việc mà vị trí chưa thực sự phù hợp hay cũng có thể chúng ta đang thiếu hụt một vài kỹ năng hay kiến thức trong lĩnh vực đó? Khi mải lắng nghe theo những tiếng nói bên trong chứa đầy chỉ trích và năng lượng tiêu cực, chúng ta không còn khả năng thấu cảm với chính mình và nhìn ra bức tranh rộng hơn, khách quan hơn và triển vọng hơn. Chính vì điều này mà trong các khóa học 1:1 về kỹ năng phỏng vấn khi xin việc, mình luôn đưa nội dung “Tâm thế sau khi phỏng vấn” vào phần cuối và nhấn mạnh, đây là một nội dung quan trọng và cần được thảo luận kỹ để tránh cho học viên rơi vào cái bẫy của những suy nghĩ tiêu cực và phán xét bản thân khi kết quả không được như ý.
Khi chúng ta nhìn bản thân mình và mọi việc qua lăng kính của sự thấu cảm, tình thương thấu đáo và sự khách quan, chúng ta sẽ bớt phản ứng và phán xét những hành động của người khác và của chính mình. Hiểu rằng tất cả mọi người đang nỗ lực hết khả năng họ có thể rồi, nếu có thể làm tốt hơn được nữa, họ nhất định sẽ làm giúp chúng ta bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đổ lỗi, phán xét, chỉ trích và lên án thay vào đó là nhìn ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tìm giải pháp để làm tốt hơn hay chịu trách nhiệm và tập trung vào những điều mình có thể làm hay kiểm soát, từ bên trong mình.
Chầm chậm mà phán xét vì không phải lúc nào chúng ta cũng biết được toàn bộ câu chuyện hay nỗi khổ đằng sau của người khác, và đó là một trong những biểu hiện của việc sống tử tế, với người, với đời và cả với mình. Tất cả mọi người, đã cố gắng hết sức trong khả năng của họ rồi, nếu có thể làm tốt hơn, họ nhất định sẽ làm. Hãy chậm lại một chút và hít thở, hãy nhìn sâu vào những câu chuyện phía sau, những vất vả và nỗi đau người khác đang mang và giấu kín. Và khi đó, thay vì phán xét, hãy cảm thông và thấu cảm, nếu không thể, ít nhất sự im lặng cũng là một dạng của sự tử tế.