Chuẩn bị thế nào cho buổi phỏng vấn | Vietcetera
Billboard banner
VietceteraVietcetera
Vietcetera
22 Thg 06, 2021
Kinh DoanhVăn Hoá Đi Làm

Chuẩn bị thế nào cho buổi phỏng vấn

Những điều các ứng cử viên thường bỏ qua khi chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng một thời gian, mình nhận thấy để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn tốt với nhà tuyển dụng, có vài vấn đề tưởng chừng như đơn giản, hiển nhiên nhưng đôi lúc do chưa được chuẩn bị kĩ càng, ứng viên vẫn chưa thể hiện được mình tốt nhất.

Để tránh trường hợp đó xảy ra, mình có đúc kết lại một vài mẹo cực kì hữu ích dưới đây để có thể chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn

1. Tìm hiểu về công ty

Dễ nhất là tìm hiểu về công ty thông qua website, sau đó đi tới các mục "Về chúng tôi" (Tiếng Anh: "About us"), các sản phẩm, các công ty con hay chiến lược sắp tới.

Trước đây khi đi phỏng vấn ở đâu mình cũng làm như vậy. Không chỉ thế mình còn tìm hiểu thêm về người phỏng vấn, tìm kiếm Linkedin của họ, các bài báo gần đây nhất có đề cập tới công ty, đối thủ cạnh tranh của họ trên thị trường.

Hình dung đơn giản thế này, cũng như khi bắt đầu một mối quan hệ tán tỉnh hay yêu đương, để chinh phục đối phương thì ta cần hiểu tất tật về tính tình, sở thích của người đó. Có như vậy mới tăng được tỉ lệ thành công.

2. Hiểu bản thân

Chính xác là cần thuộc làu làu quá trình làm việc của mình, những thành tựu của bản thân trong quãng thời gian đó.

Nghe có vẻ khá hiển nhiên nhưng có lần khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi lại mình khóa luận thời đại học làm về nội dung nào cũng khiến mình đứng hình 3 giây mới nhớ ra. Ngẫm lại cũng thấy bản thân quá chủ quan vì nghĩ đã thuộc lòng CV của bản thân.

Từ sau đó trở đi, mỗi khi đi phỏng vấn ở đâu mình đều đọc lại JD (Job Description: bản mô tả công việc), chỉnh sửa lại CV sao cho hợp nhất, thể hiện với nhà tuyển dụng mình là ứng viên tiềm năng cho vị trí đó.

Giờ cũng vậy, mình cũng đánh giá rất cao các ứng viên có thể tự tin khi liệt kê các thành tựu của mình, có số liệu đi kèm cũng như chi tiết cụ thể những nỗ lực của họ để đạt được thành tựu đó.

3. Thực hành

Cách tốt nhất để có thể tự tin phỏng vấn lưu loát, không gì khác ngoài thực hành. Không tin bạn cứ thử nghĩ tới những đợt đi phỏng vấn thường xuyên, tự nhiên cảm thấy mình nói năng trôi trảy và mạch lạc hơn hẳn.

Bởi vậy nên nếu có thể, hãy nhờ một người bạn tin tưởng cùng thực hành phỏng vấn thật kĩ nhé.

4. Chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Thường thì lúc nào cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi ứng viên có thắc mắc gì không. Đừng nghĩ rằng đã gần kết thúc phỏng vấn mà thư giãn hay thở phào, đây cũng chính là thời điểm cực tốt để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Thử hình dung nếu bạn đã có tìm hiểu trước về công ty, hiểu rõ điểm mạnh của bản thân và đã thực hành, thì tại sao không hỏi nhà tuyển dụng, cùng thảo luận về một chiến lược, một kế hoạch của công ty mà bạn đã nghiên cứu được.

Đây có thể sẽ chính là điểm khiến bạn trở nên nổi trội hơn so với các ứng viên khác, và lưu lại dấu ấn với nhà tuyển dụng.

Còn rất nhiều mẹo nho nhỏ, mình sẽ chia sẻ thêm ở những bài viết sau. Hi vọng trong thời buổi Covid này, ứng viên sẽ có thêm cơ hội để trau chuốt thêm các kĩ năng phỏng vấn, để giúp các bạn có thể nắm giữ được những cơ hội sắp tới.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.