Covid và một tác động khác đến trẻ em | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 08, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Covid và một tác động khác đến trẻ em

Mùa Covid, chúng ta phải ở nhà và tích trữ nhiều đồ ăn công nghiệp đã chế biến sẵn. Vì thế mà trẻ con cũng ăn những thức ăn ấy, nhiều hơn trong mùa dịch.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Mở đầu

Covid-19 đã len lỏi đến từng ngóc ngách nhỏ nhất trên hành tinh này và trên toàn thế giới, mọi người phải sống trong giãn cách, phong tỏa và nhiều biện pháp hạn chế khác. Trên những kệ hàng siêu thị hay ở các cửa hàng tạo hóa, thực phẩm được bán sạch, và những kệ hàng trống rỗng đầu tiên không thể không kể đến là thức ăn chế biến sẵn, thức ăn công nghiệp, thức ăn nhanh như mì tôm, cháo gói, xúc xích, bánh mì ngọt, nước ngọt, snack, bim bim, bánh kẹo,… Và chúng ta cho trẻ con ăn những thức ăn ấy, nhiều hơn trong mùa dịch. Ngoài Covid-19, có một “mầm bệnh” khác cũng đang âm thầm xâm nhập vào từng ngôi nhà, từng căn bếp và âm thầm gây nguy hại cho con cái chúng ta, những con người nhỏ bé mà chúng ta yêu thương, trân quý nhất, bắt nguồn từ loại thực phẩm mà chúng ta cho con cái mình ăn, hàng ngày. 

Thời của chúng ta, tầm 15-20 năm về trước làm gì có bim bim nhỉ, nếu có thì hú họa chỉ được ăn vào những dịp đặc biệt như để dành được tiền tiết kiệm, được bố mẹ thưởng hay những ngày lễ tết. Còn bây giờ, trẻ con được cho ăn những thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn công nghiệp không có chất bổ dưỡng cần thiết cho sự phát triển của chúng, hầu như hàng ngày, và từ rất sớm.

Cách đây vài tuần, một người bạn trên Facebook của tôi đăng ảnh hai con chơi bập bênh vui vẻ, trên tay 2 đứa trẻ, đứa 18 tháng, đứa tầm 5 tuổi là 2 gói bim bim, với dòng trạng thái “Ngày ăn tám chục gói bim bim”. “Tám chục” ở đây chắc là cách nói thậm xưng cho vui miệng, nhưng chúng ta có thể hình dung được là việc trẻ con bây giờ ăn bim bim như cơm bữa, hàng ngày, từ thành phố đến nông thôn hay tận vùng núi cao. Những túi bim bim đó có gì ngoài muối, đường, chất béo trans, hương liệu, chất bảo quản, tinh bột xấu, tất nhiên là một vị ngon khó cưỡng và gây nghiện từ những thành phần tai hại đó. Khi trẻ con ăn "junk food" từ sớm, các nụ vị giác của chúng được tập quen dần và từ đó tạo ra khẩu vị ăn uống cho bọn trẻ, về sau này.  

Vì sao thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp được gọi là 'junk food'?

"Junk food" là thức ăn rác, thức ăn rỗng, là thực phẩm có nhiều calories nhưng ít giá trị dinh dưỡng. Khi trẻ con ăn những thức ăn này, chúng sẽ bị no, không thể ăn các thức ăn dinh dưỡng khác bên cạnh và lại rất dễ bị nghiện, bị thèm và vòi vĩnh. Ăn nhiều junk food có thể dẫn đến cả suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ. Trong vòng 20 năm qua, trên thế giới,  tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng gấp 3, và một khi trẻ con đã quá cân hay béo phì, rất khó để giảm. Trẻ em béo phì sẽ có xu hướng lớn lên và trở thành những người lớn béo phì và đây là con đường tắt đến các bệnh như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, ung thư và giảm tuổi thọ. 

Quá cân và béo phì gây các phản ứng viêm bên trong cơ thể và làm suy giảm hệ miễn dịch, làm cơ thể dễ bị mắc Covid hơn, và ở bệnh nhân có Covid, béo phì được xem là bệnh nền làm trầm trọng tình trạng khi nhiễm Covid, kể cả ở trẻ em và dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng và tử vong. 

Báo cáo mới nhất của UNICEF, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy:

  • Quá cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam ngày càng tăng, con số này ở trẻ dưới 5 tuổi là 7%  nhưng tăng lên 19% ở nhóm trẻ từ 5-19 tuổi

  • 35% trẻ em từ 13-17 tuổi uống hơn 1 lon nước ngọt có ga mỗi ngày.

  • 12% trẻ từ 2-5 tuổi ăn bánh kẹo mỗi ngày

  • 17% trẻ em từ 13-17 tuổi ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần/ tuần 

  • 76% trẻ em từ 13-17 tuổi vận động ít hơn 1 giờ/ ngày 

Và đằng sau đó, là gì? 

  • Doanh số của nước ngọt có ga tăng 39% từ 2014-2019

  • Doanh số các loại bim bim ngọt tăng 34% từ 2014-2019

  • Doanh số các loại bim bim mặn tăng 28% từ 2014-2019

  • Doanh số các loại sữa công thức cho trẻ em tăng 30% 

Cha mẹ chúng ta luôn mong muốn những điều tốt nhất cho con mình, cho con ăn những gì chúng ta cảm thấy tốt nhất trong điều kiện cho phép, và không một đứa trẻ nào mong muốn hay lựa chọn béo phì. Cha mẹ và trẻ con không phải là thủ phạm của vấn nạn này, thật ra, họ mới chính là nạn nhân của môi trường và chính sách. Chính môi trường và chính sách hiện tại đã làm cho việc lựa chọn và chế biến thức ăn hàng ngày cho gia đình trở thành cuộc chiến đúng nghĩa của từng gia đình.

Cùng tìm hiểu lý do vì sao nhé!

1. Giá cả thực phẩm

Junk food, thức ăn nhanh hay thức ăn công nghiệp thì rẻ, dễ mua, dễ chế biến và ngon. Ví dụ như mì tôm, cháo gói, bánh mì sandwich, đùi gà công nghiệp chiên, xúc xích, khoai tây chiên, bim bim…Trong khi đó, giá của rau củ quả, thịt cá, thực phẩm chất lượng thì lại quá cao so với thu nhập của nhiều hộ gia đình. Rẻ trước mắt nhưng cái giá phải trả đằng sau là gì? Tiền trị bệnh, tiền nghỉ ốm, thất thoát kinh tế vì phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con ốm, giảm chất lượng cuộc sống và kể cả những đau đớn do bệnh tật mang lại sau này. Có điều, những hậu quả này nó không xảy ra trong ngày một ngày hai, mà âm thầm trong 5 năm, 10 năm sau và một khi đã xảy ra, không có cách nào sửa chữa được hoặc là rất tốn kém. 

2. Quá nhiều quảng cáo không đúng sự thật

Trên ti vi, Youtube, trên mọi nẻo đường, khu phố, trường học, trung tâm thương mại, chỗ nào cũng nhan nhản quảng cáo gian dối về junk food, trong đó có rất nhiều quảng cáo dành cho trẻ em. Nói chi xa xôi, uống nước ngọt hay nước tăng lực để KHỎE, để cool ngầu, để cuộc vui trọn vẹn, để giải quyết cái nóng, để tỉnh táo, để làm việc năng suất, và để trở thành anh hùng giải cứu thế giới. Nấu mì tôm cho chồng con ăn là hình ảnh của một bà nội trợ đảm đang, hiện dyêu chồng thương con và được xem là một bữa ăn gia đình dinh dưỡng…Chưa kể, rất nhiều thông điệp sai lệch này đến từ những người có sức ảnh hưởng với công chúng như diễn viên, người mẫu, ngôi sao….vì hám lời những hợp đồng quảng cáo béo bở mà không ngại đưa ra những thông tin sai, rất rất sai. 

3. Sự sẵn có của junk food trong căn tin trường học và hàng quán

Căn tin trường học bán những gì? Cháu mình hay mang về bim bim, bánh kẹo và nước ngọt.

4. Những hạn chế của hành lang pháp lý trong việc kiểm soát từ những người làm chính sách

Tới tận bây giờ chỉ có mỗi nghị định 100 về việc cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Còn lại, những vấn đề khác như quảng cáo, áp thuế tiêu thụ lên thực phẩm có đường, qui định về nhãn mác,… vẫn còn bỏ ngỏ. 

Kết luận

Tất cả chúng ta, những ông bố bà mẹ và những đứa trẻ đều là nạn nhân của môi trường và chính sách này. Nhưng đóng vai nạn nhân không giúp chúng ta giải quyết vấn đề vì suy cho cùng, chính chúng ta mới là người chịu trách nhiệm chính và cuối cùng cho sức khỏe của mình, của gia đình và của chính con cái chúng ta. Hãy bắt đầu tạo môi trường ăn uống lành mạnh cho gia đình và con cái, từ chính căn bếp của chúng ta! 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.