Để con tự quyết | Vietcetera
Billboard banner
VietceteraVietcetera
Vietcetera
27 Thg 06, 2021
Cuộc SốngGia Đình

Để con tự quyết

Cho con cơ hội tự quyết định mới giúp con học được kỹ năng giải quyết vấn đề, trưởng thành hơn, sáng tạo hơn, tự tin hơn, nhờ đó có cách sống lạc quan hơn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trong lần đi bầu cử đại biểu quốc hội vừa rồi, mình có dịp quan sát một hình ảnh rất thú vị. Một cô gái khoảng 20 tuổi, ăn mặc hiện đại, tóc nhuộm bạch kim, đứng lật giở từng trang tiểu sử của các ứng cử viên, nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Xa xa là cặp vợ chồng trung niên, hình như đã bỏ phiếu xong, đứng khoanh tay chờ đợi và liên tục nói với vào:

- Con ơi, con làm ơn bớt sờ tay vô mấy tờ giấy đó đi, đang mùa dịch mà.

- Đọc làm chi, thấy tên nào không thích thì gạch thôi.

- Mình là phụ nữ, mình bầu cho phụ nữ là được.

- Nhanh nhanh còn về con ơi, trưa tới nơi rồi.

Điều làm mình ấn tượng là cô gái đó quay sang nói rất lịch sự:

- Ba mẹ cứ để con đọc hết đã rồi con mới chọn được.

Cô gái trong câu chuyện đã dám nói lên chính kiến của mình với bố mẹ, có thể vì cô đã “đủ tuổi đi bầu cử” rồi. Còn những đứa trẻ non nớt, “hỉ mũi chưa sạch” của chúng ta thì sao?

Một số bố mẹ cho rằng chỉ có mình mới biết đâu là điều tốt đẹp nhất dành cho con, chưa đặt niềm tin vào sự lựa chọn của con. Nhưng sự thật thì việc cho con cơ hội tự quyết định mới giúp con học được kỹ năng giải quyết vấn đề, trưởng thành hơn, sáng tạo hơn, tự tin hơn, nhờ đó mà dễ dàng có cách sống lạc quan hơn.

Hướng dẫn con cách lắng nghe bản thân

Bố mẹ đừng vội vàng ra quyết định thay con mà có thể đưa ra một vài lựa chọn, cho con thời gian suy nghĩ trước khi ra quyết định, sau đó chân thành hỏi xem vì sao con lại chọn như vậy hoặc con cảm thấy như thế nào về lựa chọn này. Chúng ta có thể sử dụng các từ gợi ý “có vẻ như”, “dường như” để con dần dần nhận ra những gì bản thân mong đợi.

Khi trẻ biết lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của chính mình trong một tình huống cụ thể, con sẽ hiểu được bản thân mình muốn gì, đưa ra những quyết định và hoàn thành nó tốt nhất có thể.

Chuẩn bị đến giờ ăn cơm mà cô hàng xóm lại mang sang cho con một miếng bánh kem trông rất hấp dẫn. Con nói rằng: “Mẹ ơi con muốn ăn bánh!”. Thay vì cương quyết: “Không được! Để bụng ăn cơm!”, mẹ có thể nhẹ nhàng trò chuyện với con:

- Bánh ngọt sẽ làm con mau no, khi đó ăn cơm sẽ không thấy ngon nữa. Mà nếu không ăn cơm thì sẽ không đủ chất để cao lớn được. Con nghĩ sao?

- Nhưng mà con thèm.

- Mẹ biết là con rất thèm, mẹ cũng thèm nữa. Mình có thể ăn cơm thật nhanh xong rồi ăn bánh ngay, con thấy thế nào?

- Không, con muốn ăn bánh liền!

Khi con đã có được quyết định của mình, bố mẹ hãy tiếp tục hướng dẫn con hiểu ra đằng sau mỗi quyết định đó sẽ ảnh hưởng tới con như thế nào và sẽ tự chịu trách nhiệm về kết quả của mỗi lựa chọn đó.

- Nếu mẹ không cho con ăn bánh liền, con sẽ cảm thấy thế nào?

- Con buồn!

- Vậy nếu con ăn bánh xong, không ăn được cơm nữa, con sẽ chậm lớn và không khoẻ mạnh, thì con cảm thấy sao?

Khi đó, con bắt đầu ngập ngừng. Con có thể trả lời:

- Chậm lớn cũng không sao, con vẫn muốn ăn bánh!

Hoặc:

- Con ăn bánh xong vẫn ăn cơm bình thường!

Lúc này, tuỳ vào tình huống mà bố mẹ tìm cách xử lý cho phù hợp. 

- Có vẻ như con vừa muốn ăn bánh, nhưng vừa muốn mình cao lớn khoẻ mạnh đúng không? Hay là mình cắt bánh ra và ăn một phần nhỏ, phần còn lại thì để dành sau bữa cơm cả nhà cùng ăn. Như vậy bố mẹ sẽ rất vui.

Hoặc:

- Hôm nay con có thể chọn ăn bánh, sau đó ăn cơm ít một chút cũng được. Nhưng lần sau mình sẽ chờ đến sau bữa cơm nhé! Nếu không, mẹ sẽ thấy rất lo lắng.

Khi phát triển được kỹ năng lắng nghe bản thân, con còn có khả năng bình tĩnh lắng nghe suy nghĩ và mong muốn của người khác trước khi đưa ra quyết định.

Không can thiệp ngay vào những vấn đề của con

Khi gặp các cô bé, cậu bé đi cùng cùng người lớn mình luôn mở lời chào và thăm hỏi: “Chào con. Cô tên là Tâm. Con tên gì?”. Một số trẻ rất dạn dĩ sẽ nhanh chóng trả lời liền. Một số khác chắc do mới gặp mình lần đầu, còn lạ lẫm nên ấp úng chưa trả lời, thì những người lớn đi cạnh bé, có lẽ sợ mình phật lòng, thường trả lời thay cho con. 

Về phần mình, khi con mình được hỏi, mình để cho con thêm chút thời gian quan sát. Nếu con vẫn chưa thể trả lời ngay được, mình sẽ giới thiệu về người lớn đối diện để con làm quen trước, sau đó khuyến khích con tự đưa ra câu trả lời:

- Con ơi, đây là cô Quyên, cô là bạn đồng nghiệp ngồi sát bên cạnh mẹ. Cô thường hay cho nhà mình xoài và đu đủ mang từ vườn ở quê lên, mẹ đem về cho con ăn đó! Cô Quyên muốn biết con tên gì, con có muốn nói cho cô nghe không?

Con có thể quyết định nói hoặc tiếp tục im lặng quan sát. Đôi khi điều đó làm phật lòng một số người lớn, nhưng mình chấp nhận, để con có trách nhiệm với việc trả lời khi được người khác hỏi. Từ những việc nhỏ đó, dần dần con sẽ tự tin hơn và cảm thấy mình được chủ động trong các vấn đề của bản thân. 

Sau này, có lần nhà mình vào quán ăn, bị người lớn bàn bên trách nhầm, con đã không ngần ngại giải thích một cách rõ ràng và lịch sự. Lúc ấy mình chỉ ngồi đó dõi theo con. (Mà nói thật, đôi khi mình cũng phải cố gắng lắm mới có thể chỉ ngồi im quan sát như vậy!)

Bố mẹ thân mến, việc kiềm chế bản năng bao bọc của bố mẹ dành cho con là điều chúng ta cần phải học, luyện tập và thực hành liên tục. Khi có người gây khó khăn cho con, điều đầu tiên bạn sẽ làm là gì? Lên tiếng bảo vệ con và cho người ấy một bài học? Hay để con nỗ lực vượt qua trở ngại mà không cần sự giúp đỡ của bạn? Với các bé nhỏ, bố mẹ hãy làm chậm lại ý muốn thay con xử lí các vấn đề mà thay vào đó là khuyến khích con tự mình giải quyết bằng cách giải thích và định hướng con tìm ra giải pháp cho các tình huống tương tự. Chắc chắn con bạn sẽ lạc quan hơn rất nhiều về khả năng của mình và những thứ mình có thể làm trong tương lai.

Cho con quyền lựa chọn và quyết định

Đôi khi bố mẹ thường có suy nghĩ rằng con chưa đủ nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm nên tự quyết định mọi việc cho nhanh. Nhưng nếu muốn con trở thành có trách nhiệm, biết tự đưa ra quyết định thì cần cho con thực hành việc này càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, tuỳ theo độ tuổi và sự trưởng thảnh của con.

Nếu có quá nhiều lựa chọn, hoặc có một số lựa chọn không phù hợp, chúng ta có thể giới hạn lại một chút:

  • Con chọn kem vị dâu, vani hay socola?
  • Con thích chiếc bàn chải màu xanh hay màu vàng. (Nếu con trai mà chọn màu hồng thì cũng chẳng sao đâu nha!)
  • Con chọn cơm hay mì? Nếu là cơm thì có cơm gà hoặc cơm sườn. Nếu là mì thì có 2 loại là mì nước và mì khô. 
  • Món con chọn có vị cay đó, con nghĩ mình ăn được không? Con có thể vẫn giữ món này và hỏi cô đầu bếp xem có thể không nêm ớt được không, hoặc chọn món khác không cay nếu con muốn.
  • Cuối tuần này, con muốn đi công viên hay đi nhà sách?

Khi phải quyết định một vấn đề nào đó trẻ sẽ học được cách nhìn nhận và phân tích vấn đề, dần dần tạo ra kỹ năng quyết định chín chắn và tự tin hơn. Ngoài ra, trẻ còn học được sự cân bằng giữa khuôn phép và tự do.  

  • Con muốn dọn đồ chơi trước rồi mới đánh răng, hay đánh răng trước rồi dọn đồ chơi sau?
  • Nếu con chơi thêm 15 phút nữa thì mình sẽ không đọc sách mà đi ngủ luôn. Còn nếu chỉ chơi 5 phút thôi rồi ngừng, thì mình còn 10 phút để đọc sách trước khi đi ngủ. Con quyết định đi.

Khi trẻ đưa ra một lựa chọn dẫn đến kết quả tốt, con có thể đạt được sự hài lòng. Nhưng khi đối mặt với kết quả tệ một chút, bố mẹ cũng chớ nên quá lo lắng. Con có thể buồn vì lựa chọn chưa đúng, nhưng không sao, đổi lại là bài học kinh nghiệm và khả năng đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Để con trưởng thành sau những sai lầm

Trẻ em cần nhận ra rằng không phải tất cả các quyết định đều có kết quả tốt, điều quan trọng là bài học rút ra từ thất bại để lựa chọn sáng suốt hơn vào lần tới. Tất cả đều là những trải nghiệm sống thú vị.

Một buổi sớm trời mưa tầm tã, con lại nằng nặc muốn mang đôi giày vải đến trường, dù bố mẹ đã giải thích rất nhiều rằng trời mưa sẽ làm ướt giày con vẫn cương quyết không nghe (Mà mọi khi trời nắng ráo thì chả bao giờ con thèm đụng vào đôi giày vải này, thế mới tức không cơ chứ!). Mình hít thở hít thở, quyết định đồng ý với lựa chọn của con. Chiều hôm ấy khi đón con ở trường, cậu bé cũng thấy í ẹ khi xỏ chân vào đôi giày ướt sũng, nhưng miệng vẫn cười hề hề. Mình tự nhủ, ừ thôi, con thích là được, con tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của con. Về nhà, mình nhẹ nhàng hướng dẫn con phơi giày lên cho khô. Từ những ngày mưa sau đó, chẳng bao giờ thấy cậu bé đả động đến đôi giày vải đó nữa.

Cũng sẽ có những lúc, việc chọn sai làm con buồn bã, cau có, muốn giải toả cảm xúc. Việc của mình lúc này là thể hiện sự đồng cảm với con, nhìn nhận rằng bố mẹ cũng có những lúc như thế, tìm ra mặt tích cực của vấn đề, và cùng con vượt qua cảm xúc khó chịu đó. Con có thể khóc nếu con cảm thấy như vậy làm con nhẹ nhõm hơn. Con có thể vẽ hay viết suy nghĩ ra một mẩu giấy, sau đó vo tròn lại và bỏ vào sọt rác. Con có thể thổi phù phù những điều không vui vào quả bong bóng, sau đó cột chặt lại, hoặc là chích cho nó vỡ ra.

Trải nghiệm những kết quả (hay hậu quả) sau những lựa chọn của mình (trong khuôn khổ cho phép) sẽ giúp con trưởng thành rất nhiều. Con sẽ hiểu được rằng không phải tất cả các quyết định đều có kết quả tốt và tích cực. Chúng ta luôn cần phải học hỏi từ quá trình này để có thể lựa chọn và đưa ra những quyết định tốt hơn cho lần tiếp theo.

Yêu thương con không phải là bảo vệ toàn diện, mà là bảo vệ vừa đủ, cho con khoảng trời tự do để tự hình thành năng lực bản thân. Có như vậy con mới có đủ bản lĩnh và tự tin đối mặt với những khó khăn, áp lực của cuộc sống sau này.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.