Digital Detox - Vì sao chúng ta cần thanh lọc và thoát khỏi mạng xã hội tiêu cực? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 06, 2021
Chất Lượng Sống

Digital Detox - Vì sao chúng ta cần thanh lọc và thoát khỏi mạng xã hội tiêu cực?

Thanh lọc và thoát khỏi mạng xã hội tiêu cực có thể là một cách tốt nhất để tập trung vào những gì quan trọng trong cuộc sống của chính bạn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết có tham khảo một phần thông và dữ liệu từ bài viết gốc: What Is a Digital Detox?


Tôi là một người nghiện công việc (workaholic) và đã từng nghĩ việc ngồi trước laptop làm việc là tất cả những gì tôi mong ước trong đời. Tuy nhiên, suốt hơn một năm nay, việc giao tiếp và nắm bắt thông tin trên mạng xã hội khiến tôi thấy ngột ngạt, và tiêu cực. 

Đặc thù công việc của tôi cần bắt 'trend', cập nhật thông tin liên tục. Nhưng kỳ lạ là càng ngày tôi càng muốn thoát khỏi thế giới số hóa này. Một thứ cảm giác mãnh liệt đã dẫn tôi đến cuộc tẩu thoát quyết liệt khỏi các thiết bị điện tử và mạng xã hội hơn bao giờ hết.

Một năm vừa qua, ắt hẳn mọi người đều đang trải qua những ngày tháng gian nan của cuộc đời mình khi dịch bệnh vẫn nguy hiểm và mọi công việc đều bị gián đoạn. Tuy nhiên, có một loại axit khác đang ăn mòn tâm trí chúng ta từng ngày: những ‘đám cháy lòng tin’ từ trên mạng xã hội lan ra tới đời thực.

1. Đặt vấn đề

Khi một bộ phận đọc giả đang trải qua những ngày tháng khó khăn, và ngờ vực mà không có cách nào để giải quyết, họ có thể sẽ tìm đến mạng xã hội để tấn công những đối tượng khác dưới danh nghĩa những người phán xử trên mạng. Tất cả những cơn thịnh nộ của truyền thông đều như đám cỏ khô, có thể sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào. Và dĩ nhiên, đối với các nhà làm báo chí - truyền thông, các cá nhân ở những lĩnh vực khác, người trong cuộc và khán giả đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ thế trận này.

Tôi viết ra những dòng này không phải để phản biện hay cổ xúy cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Vì tôi tin mỗi người đều có góc nhìn và quan điểm riêng. Và chính những hành động mà bạn chọn lựa để phản hồi trên thế giới ảo đó đã trả lời tất cả. Bạn có thể tham gia vào cuộc chiến, hoặc có thể giữ im lặng để quan sát mọi thứ và tự rút ra cho mình những bài học. Dù cho lựa chọn đó là gì đi nữa, tất cả đều nói lên xã hội của chúng ta đang sống có hình hài thế nào, và chúng ta đang chọn lựa sống trong một xã hội ra sao. 

Về chuyên môn, tôi cần theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên để có cơ sở phân tích các case study áp dụng cho công việc lẫn học tập. Không ít lần trong các buổi học online, cô trò của chúng tôi đã nêu quan điểm cá nhân về những đám cháy tin tức mà tiêu biểu nhất là câu chuyện từ thiện của nghệ sĩ và câu hỏi vì sao livestream của cô P.H lại thu hút người xem nhiều đến thế. Đó có phải là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc (một phần hoặc toàn bộ) sự thật vô tình đã bị che lấp và xã hội đang thật sự khát 'sự thật' tới mức họ sẵn sàng tấn công những người có dấu hiệu vi phạm lời hứa về niềm tin ấy? 

Vậy giải pháp cho những người muốn thoát khỏi những 'đám cháy lòng tin' trên mạng xã hội là gì? Chỉ có cách duy nhất là thanh lọc, và cai nghiện mạng xã hội một cách tối ưu nhất. 

Từ cơ sở đọc một số bài viết về Digital Minimalism trên Spiderum, tôi đã tìm hiểu thêm về chủ đề này, và phát hiện ra thuật ngữ có thể có thể gọi tên cảm giác muốn thoát ra khỏi mạng xã hội tiêu cực của chính mình ở hiện tại: Digital Detox. 

Digital Detox (thanh lọc kỹ thuật số) đề cập đến khoảng thời gian mà một người kiềm chế sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, TV, máy tính, máy tính bảng và các trang web truyền thông xã hội. Detox từ các thiết bị kỹ thuật số thường được xem là một cách để tập trung vào các tương tác xã hội ngoài đời thực mà không bị phân tâm bởi những yếu tố mạng xã hội. Bằng cách từ bỏ các thiết bị kỹ thuật số, ít nhất là tạm thời, mọi người có thể buông bỏ căng thẳng bắt nguồn từ việc kết nối và nhận những tin tức tiêu cực liên tục kéo dài trong nhiều ngày. ‎Bởi thế nên Đen Vâu mới có một câu rap rất phù hợp với thời điểm này: "Ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng".

2. Vì sao cần thanh lọc và thoát khỏi mạng xã hội tiêu cực? 

Đối với nhiều người, được kết nối và đắm chìm trong thế giới kỹ thuật số chỉ là một phần của cuộc sống hàng ngày. Theo nghiên cứu từ Công ty Nielsen, trung bình người Mỹ trưởng thành dành khoảng 11 giờ mỗi ngày để nghe, xem, đọc hoặc tương tác với phương tiện truyền thông.‎

‎Có nhiều lý do tại sao bạn có thể muốn từ bỏ các thiết bị điện tử và mạng xã trong một thời gian ngắn. Bạn có thể muốn tận hưởng thời gian cho chính mình mà không có sự can thiệp của điện thoại và các thiết bị khác tạo ra. Trong các trường hợp khác, bạn có thể cảm nhận việc truy cập mạng xã hội chiếm gần hết 24h và vô hình trung gây thêm quá nhiều căng thẳng cho cuộc sống của bạn. ‎

‎Trong một số tình huống, bạn thậm chí có thể cảm thấy mình bị nghiện thiết bị điện tử, nghiện việc nằm vùng trong các hội nhóm để trở thành người đuổi kịp tin tức một cách nhanh nhất. Nghiện công nghệ điện thử được công nhận là một rối loạn ‎‎trong DSM-5 (một hệ thống kiến thức được sử dụng như một hướng dẫn quan trọng để chẩn đoán các rối loạn tâm thần trên toàn thế giới)‎‎. Nhiều chuyên gia tin rằng việc lạm dụng này có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất, tâm lý và xã hội. ‎

‎Trong một cuộc thăm dò được thực hiện bởi tổ chức Common Sense Media, 50% thanh thiếu niên cho rằng họ cảm thấy mình nghiện thiết bị di động. Một con số khổng lồ đạt 78% người tham gia khảo sát ở tuổi vị thành niên nói rằng họ kiểm tra các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội hàng giờ. 

Trong cuộc khảo sát căng thẳng hàng năm của ‎‎Hiệp hội Tâm lý học Hoa ‎‎Kỳ, khoảng 18% người trưởng thành Hoa Kỳ cho rằng sử dụng công nghệ như một nguồn căng thẳng đáng kể trong cuộc sống của họ. Đối với nhiều người, kết nối kỹ thuật số luôn hiện diện và nhu cầu liên tục để tiếp tục kiểm tra email, văn bản và phương tiện truyền thông xã hội dẫn đến phần lớn căng thẳng cho họ. ‎

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển cho thấy việc sử dụng công nghệ ở thanh niên có liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ, các triệu chứng trầm cảm và tăng mức độ căng thẳng.

3. Tạm kết luận

Nếu bạn dành nhiều thời gian trên phương tiện truyền thông xã hội, có lẽ bạn đã thấy mình so sánh cuộc sống của chính mình với bạn bè, gia đình, người hoàn toàn xa lạ và người nổi tiếng. 

Bạn có thể từng nghĩ rằng mọi người khác dường như đang có một cuộc sống đầy đủ hơn, phong phú hơn hoặc thú vị hơn dựa trên cái nhìn thoáng qua chỉ bằng một cú lướt, hoặc các bài viết chưa được kiểm duyệt trên các trang Instagram hoặc Facebook. ‎

Bạn có thể cảm thấy mọi thứ từ cuộc sống thường nhật dường qua quá khó khăn. Và ngay lúc đó, nếu như có những thông tin cho rằng ai đó đang làm sai - có những biểu hiện làm ảnh hưởng nặng nề đến lòng tin xã hội, bạn sẵn sàng trở thành một người phán xử - hoặc nếu im lặng, bạn ít nhiều cũng bị tiêu cực bởi những tin tức tràn lan đó.

‎Như đã nói, sợ bỏ lỡ cơ hội ( được gọi là FOMO - Fear Of Missing Out) và sự so sánh có thể là kẻ trộm niềm vui của chính bạn. Kết nối các thiết bị điện tử và mạng xã hội liên tục có thể nuôi dưỡng nỗi sợ hãi này từng ngày. Và đến một lúc nào đó, bạn sẽ tự biến mình thành một bụi cỏ khô tự bốc cháy trong tâm trí của mình, và rã rời đến thể xác. Thanh lọc và thoát khỏi mạng xã hội tiêu cực có thể là một cách tốt nhất để tập trung vào những gì quan trọng trong cuộc sống của chính bạn. Bạn không cần so sánh bản thân với người khác. ‎Cũng không có động cơ và lí do để bị cuốn vào những đám cháy lòng tin trên mạng xã hội. Bạn hoàn toàn có thể có những cách tiếp cận tin tức tích cực hơn, và tập trung vào các tương tác xã hội ngoài đời thực,...bắt đầu từ việc cai nghiện các thiết bị điện tử mỗi ngày một chút, theo tuần tự, và có kế hoạch.

(Còn tiếp)