Đọc “Thợ xăm ở Auschwitz” để làm gì? | Vietcetera
Billboard banner

Đọc “Thợ xăm ở Auschwitz” để làm gì?

Hơn cả một câu chuyện lịch sử, "Thợ xăm ở Auschwitz" là minh chứng cho thấy phép màu kì diệu nhất chính là tình người và tình yêu trong nghịch cảnh.     

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Hơn cả một câu chuyện lịch sử, "Thợ xăm ở Auschwitz" là minh chứng cho thấy phép màu kì diệu nhất chính là tình người và tình yêu trong nghịch cảnh.         

"Thợ xăm ở Auschwitz", một tiểu thuyết của tác giả Heather Morris viết lại từ lời kể của một người sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust), hay còn được biết đến trong truyện là nhân vật chính, Lale. Là một trong số hàng triệu nạn nhân của Đức Quốc xã, Lale được giao nhiệm vụ khắc những con số định danh lên các tù nhân được chuyển tới trại tập trung. Cũng chính tại nơi đó, ông đã gặp được tình yêu đời mình, đồng thời chứng kiến và trải qua giai đoạn được xem là đen tối nhất lịch sử nhân loại. 

Thông qua ngòi bút của tác giả Heather Morris, câu chuyện của Lale đã đến được với hàng triệu độc giả trên khắp thế giới và sau đây là ba lý do bạn nên đọc "Thợ xăm ở Auschwitz":

Đọc để sống có mục đích hơn

Nếu một ngày, bạn bị buộc tách khỏi gia đình, chuyển đến một nơi hoàn toàn xa lạ bằng con tàu chở súc vật, bị ép phải cạo đầu, tịch thu toàn bộ hành lý và có thể chết bất kỳ lúc nào, thì dự định tương lai của bạn sẽ là gì? 

Đối với Lale, ông đã thề với bản thân, ông nhất định phải sống và rời khỏi đó để nói cho thế giới biết những gì đang diễn ra. Đây chính là chìa khóa đầu tiên giúp ông tồn tại được tại nơi được xem là hơn cả địa ngục, Auschwitz. 

Trong cuộc sống hiện đại no đủ, có lẽ được sống đã là một lẽ tự nhiên. Thế nhưng đối với Lale và những tù nhân khác ở trại tập trung, việc được thức dậy thấy bình minh và sống tới lúc hoàng hôn buông xuống mỗi ngày đã là một kỳ tích, bởi không ai biết thần chết sẽ đến lúc nào và bằng cách nào.

Việc đặt ra cho bản thân một lý do để sống, một sứ mệnh để hướng tới là cách Lale vực dậy mỗi sáng và giữ sự tỉnh táo tìm kiếm cơ hội sống sót trong những giây phút tưởng chừng là kết thúc. 

Vậy nên, đi tìm và đặt ra cho bản thân một mục đích sống là điều ta cần làm để giữ bản thân không dừng bước.

Mục đích sống có thể thay đổi, nhưng ý nghĩa của điều ấy vẫn là để giữ ta sống và sống có ý nghĩa bất kể hoàn cảnh nào. 

Đọc để biết giá trị của tình người và trao đi yêu thương trong nghịch cảnh

"Thợ xăm ở Auschwitz" là một tư liệu đặc biệt, bởi nó không chỉ tố cáo sự tàn khốc ở trại tập trung, mà còn làm rung động trái tim người đọc bằng sự ấm áp của tình người, tình yêu và tình bạn. 

Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, bản năng con người sẽ trỗi dậy để bám víu vào sự sống, có những người không từ thủ đoạn để dành miếng ăn, có những người buộc làm điều họ không muốn để tồn tại và cũng có những người nương vào nhau để cùng vượt qua. 

Nhờ sự tỉnh táo và khôn khéo, Lale đã năm lần bảy lượt thoát chết bằng những cách không ngờ tới. Thế nhưng để hiện thực hóa điều ấy, không thể thiếu đi sự chung tay của bạn bè, người yêu và những tù nhân khác. 

Một đóa hoa về sự yêu thươnng  nhất định phải kể đến chính là tình yêu của ông dành cho Gita. Gita không tin về tương lai. Trong lòng bà có rất nhiều sự hoài nghi. Thế nhưng nhờ tình yêu và sự lạc quan mà Lale đem tới, bà đã thay đổi suy nghĩ và trong những lúc Lale suy sụp, bà lại là người vực dậy tinh thần “phải sống”. 

Thật kì diệu khi tình yêu thương và tình người như một hạt mầm trên mảnh đất khô cằn. Nó khó tồn tại nhưng khi được vun đắp, bộ rễ của nó sinh sôi, vững chãi và mọc lên thật đẹp. 

Đọc để không lặp lại lịch sử

"Those who cannot remember the past are condemned to repeat it" - George Santayana 

(Tạm dịch: Những ai không nhớ đến quá khứ sẽ lặp lại quá khứ.) Đây là câu nói được thế hệ sau khắc lên bức tường tại Auschwitz. 

Nhiều nạn dân của Holocaust khi chia sẻ câu chuyện của mình đã nói, họ lên tiếng để lịch sử không lặp lại lần nào nữa và việc kể lại những trải nghiệm kinh hoàng ấy không hề dễ dàng.  Heather Morris và Lale đã có nhiều cuộc phỏng vấn trong suốt ba năm để hoàn thiện câu chuyện "Thợ xăm ở Auschwitz". Nhiều nạn nhân đã không lên tiếng trong thời gian dài bởi thật kinh khủng khi nghĩ lại những gì họ đã trải qua, và bởi sự không tưởng của tội ác diệt chủng, nhiều người đã không tin những gì các nạn nhân kể lại. 

Nhiều bạn trẻ thường đặt câu hỏi học lịch sử để làm gì khi đó là những chuyện đã quá xưa cũ và nằm ở quá khứ. Thế nhưng, nếu bạn tìm hiểu lịch sử một cách chủ động, bạn sẽ nhận thấy có sai lầm mà con người đã lặp lại rất nhiều lần. 

Kết lại, "Thợ xăm ở Auschwitz" là một tác phẩm đáng tìm đọc và dành thời gian để nghiền ngẫm. Đừng quên chia sẻ đến bạn bè sau khi đọc câu chuyện.