Đôi dòng về trầm cảm | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Đôi dòng về trầm cảm

Trầm cảm là một giống cây, có thể tự sinh sôi không báo trước, không dấu hiệu, không dấu vết. Khi bạn nhận ra thì nó đã ở đó rồi.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Thế giới mất đi Robin Williams, Kurt Cobain, Marylin Monroe, Trương Quốc Vinh, Kim Jong-Hyun, Sulli,…

Họ đều có một thời gian dài đấu tranh với trầm cảm, thậm chí sự đấu tranh của họ còn đáng sợ hơn vì họ thường xuyên phải cố che giấu điều đó để tiếp tục các hoạt động của người nổi tiếng. Họ đều từng ít nhiều lên tiếng chia sẻ, nhưng chúng ta không nhận ra, và cho dù có thì cũng không giúp ích được gì nhiều.

Chúng ta không biết chứng trầm cảm có thể lấy đi ai đó thân quen của chúng ta trong nay mai. Có thể chúng ta không phải thánh thần để giúp đỡ mọi người, nhưng biết đâu, chúng ta sẽ không mất thêm một người bạn, một người thân quen và không phải chịu đựng nỗi đau thương sau khi họ bỏ ta đi.

Nếu bạn cho rằng mỗi người nên tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần (mental health) của bản thân thì hãy bỏ qua bài này. Nếu bạn cảm thấy bản thân có thể giúp đỡ thì xin hãy lưu tâm. Những thông tin được nhắc đến trong bài này được tổng hợp từ tài liệu giảng dạy về chứng trầm cảm và tự tử được lưu hành trong Đại Học Bang New South Wales của Úc.

Nói đến trầm cảm, chúng ta phải nói tới hai yếu tố nổi bật:

Cảm Xúc và Nhận Thức

Người mắc chứng trầm cảm phải trải qua cảm xúc phiền muộn (depressed mood) và trạng thái mất hứng thú (anhedonia). Người không trải qua một trong hai điều này thì không trải qua trầm cảm, có thể là một triệu chứng tâm lý khác, nhưng không phải trầm cảm.

Các cảm xúc phiền muộn không chỉ là buồn đơn thuần, mà bao gồm các cảm xúc: trống rỗng, vô vọng, kiệt sức/túng quẫn (distress), hoặc cảm thấy bản thân đáng thất vọng hay đáng khinh. Một trong những dấu hiệu đặc trưng của người trầm cảm là họ khinh ghét bản thân họ. Trạng thái mất hứng thú là khi một cá nhân bị giảm khoái cảm trong gần như mọi hoạt động. Họ bị giảm sút niềm vui và hứng thú trong cuộc sống. Bắt đầu từ những điều rất đơn giản như không muốn thức dậy, không muốn đi làm, không muốn làm gì cả, cho dù có làm cũng không thấy hứng thú.

Nghe tưởng như rất bình thường, đúng không?

Đúng rồi. Trầm cảm có xuất phát điểm rất bình thường như vậy đó.

Trầm cảm là một giống cây, có thể tự sinh sôi không báo trước, không dấu hiệu, không dấu vết. Khi bạn nhận ra thì nó đã ở đó rồi.

Ở người mắc chứng trầm cảm, có sự gia tăng ở các cảm xúc tiêu cực, đồng thời là sự giảm bớt các cảm xúc tích cực. Một người bình thường có thể chán không muốn đi làm, bù lại sẽ tìm thấy niềm vui từ việc gặp gỡ bạn bè. Người mắc trầm cảm không có niềm vui ở vế thứ hai. Không phải là họ không có những hoạt động đó, mà là họ không cảm thấy được niềm vui gì, ví von một cách hoa văn là “nhựa sống bị hút cạn”. Những cảm xúc tiêu cực chủ yếu xoay quanh bản thân, thế giới xung quanh, và tương lai phía trước. Khi những cảm xúc này đã được hình thành đủ, chúng sẽ tới phát triển thành nhận thức. Giống như là: “Nản quá, tao lại làm hỏng việc này rồi, tao tệ thật, tao đúng là lỗi của tạo hoá”. Nó chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng những suy nghĩ này được tự kỷ ám thị trong đầu một thời gian, sẽ khiến người mắc chứng trầm cảm có nhận thức rằng bản thân là đồ vô giá trị.

Chắc tới đây mọi người sẽ nghĩ rằng trầm cảm không thể chỉ nhẹ tựa lông hồng như vậy được. Mình xin đính chính rằng trầm cảm không chỉ là tác động tới việc một người nghĩ gì, mà nó tác động tới CÁCH họ nhận định mọi thứ. Ngoài hai yếu tố cảm xúc và nhận thức, vẫn còn một yếu tố nữa là yếu tố sinh học/cơ thể/vật chất (physical). Ví như cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn thay đổi rõ rệt, mất ngủ, ngủ nhiều hơn, thiếu năng lượng...

Chúng ta có thể làm gì cho người mắc chứng trầm cảm?

Sau khi bạn đã xác định được một người có những dấu hiệu như trên, xin hãy lưu tâm tới họ một chút. Nói chuyện với họ để xác định nguyên nhân dẫn tới trầm cảm của họ là gì. Bạn không cần phải là một nhà tâm lý học trị liệu chuyên nghiệp để phỏng đoán liệu đó là do tính cách, do áp lực từ cuộc sống, hay từ do một sự kiện nào đó. Mà thậm chí, nếu bạn không xác định được nguyên nhân cũng không sao, chỉ cần bạn dành thêm thời gian cho họ, điều đó cũng đã tốt lắm rồi.

Xin đừng sợ họ phiền vì có một nghịch lý là người phiền nhiễu thì không cần bạn nhưng luôn lẵng nhẵng xin thời gian và tâm sức của bạn, còn người trầm cảm thực sự cần bạn thì lại không mấy khi hỏi xin điều đó. Bởi vì họ chủ yếu không thiết tha bản thân mình, nên họ cũng có xu hướng không màng tới người khác. Đúng là sẽ có lúc họ gào lên bất lực, nên nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu đáng quan ngại thì xin đừng chần chừ mà giúp đỡ họ. Hãy hiểu rằng: khi họ còn cầu xin là họ còn sức chiến đấu, còn khi họ im lặng là mọi chuyện xem như đã chấm dứt rồi.

Nếu bạn quyết định giúp đỡ họ, xin đừng khiến họ cảm thấy bạn đang làm ơn làm phước cho họ. Họ đã cảm thấy bản thân vô giá trị lắm rồi, hãy nhớ điều quan trọng là CÁCH họ nhận định mọi thứ. Hãy để họ được nói ra, vì sự trợ giúp từ cộng đồng bao gồm bạn bè người thân chính là một yếu tố quan trọng để giúp đỡ chiến đấu với trầm cảm. Đừng ngại ngần khuyến khích họ đi gặp bác sĩ/chuyên gia trị liệu tâm lý, thậm chí đi cùng họ vào những buổi đầu tiên.

Dấu hiệu của việc tự sát

Nếu bạn lờ mờ nhận thấy dấu hiệu của việc tự sát, hãy xác định theo các yếu tố sau:

  1. Mong muốn thực sự trong việc tự sát
  2. Kế hoạch cụ thể bất kỳ
  3. Khả năng truy cập dụng cụ tự sát

(Suicidal ideation > Suicidal plans > Suicidal attemps).

Ví như một người có thể muốn dùng súng, bạn có thể xác định liệu họ có thể tìm súng ở đâu và giúp ngăn chặn điều này. Cho dù đó là gì, nếu bạn nhận ra thì xin hãy giúp đỡ, và cũng đừng khiến họ cảm thấy họ đang mang thêm gánh nặng cho bạn, thái độ của bạn sẽ quyết định tất cả. Trong thời gian tăm tối đó, chỉ một cái ý nghĩa thoáng qua hay một cái phẩy tay thôi cũng là ranh giới sinh tử. Chỉ một tích tắc thôi có thể thay đổi mọi chuyện.

Mình không rõ ở Việt Nam có các đường dây nóng hay trung tâm nào thực sự giúp ích được trong các trường hợp tự sát, nếu bạn biết xin hãy chia sẻ thông tin. Ở Úc, có các đường dây là Lifeline: 13 11 14; Beyond Blue: 1300 22 4636.

Có rất nhiều người khi mất đi một người bạn vì chứng trầm cảm rồi mới nhận ra rằng lần cuối gặp mặt, họ có cảm giác như người đó đang nói lời vĩnh biệt. Đó có thể là bất kỳ ai trong chúng ta, cuộc sống này quá khắc nghiệt, cứu một mạng người còn hơn xây bảy toà tháp. Xin hãy nhớ rằng tự sát là một thứ có thể lây lan trong cộng đồng, khi chúng ta chứng kiến một con đường mòn quá nhiều người đi, và rồi một lúc nào đó quyết định đi theo lối đó. Các tài liệu cho thấy rằng con số tự sát trên thực tế còn cao hơn các con số được báo cáo. Chúng ta mất nhiều người do tự sát hơn các vụ tội phạm và HIV/AIDS.

Nếu bạn có kiến thức và kinh nghiệm với vấn đề này, xin cho thêm lời khuyên vì điều đó có thể giúp ích.

Bây giờ, bạn có để ý ở dòng đầu tiên kia có dấu "…" không? Bạn cũng biết rằng danh sách quái quỷ ấy đã dài lắm rồi, có phải không? Nếu có thể, xin đừng để một người bạn, người thân, người quen của bạn nằm trong danh sách ấy.