Chúng ta thường phân chia cảm xúc thành 2 loại:
- Loại 1: làm cho chúng ta có cảm giác dễ chịu.
- Loại 2: làm cho chúng ta cảm thấy không thoải mái.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều lần mình tự nói với lòng: Đừng buồn! Đừng khóc! Đừng sợ! Đừng lo! Đừng có tức giận như vậy! Thật là xấu hổ chỉ muốn chui xuống đất!…
Mình cố gắng chối bỏ những cảm xúc mà mình xếp vào loại 2. Nhưng kết quả là những cảm xúc đó lại như một thanh lò xo, càng đè nén nó sẽ càng có lực để bung lên mạnh mẽ hơn.
1. Không phải phớt lờ cảm xúc là nó sẽ biến mất
Gần nhà mình dạo này mọc lên một công trình xây dựng, vừa ồn lại vừa bụi. Ngày nào máy hút bụi cũng đi khắp nhà nhưng từ sáng đến chiều là chân đi lại nhám nhám bụi. Cuối tuần mình vừa tranh thủ lau bụi trên bàn ghế vừa lầm bầm rủa đám bụi đáng ghét đó. Mình biết là ở nóc tủ và kệ sách phía trên cao cũng có nhiều bụi cần lau, nhưng tạm thời bỏ qua, chưa ảnh hưởng gì nhiều nên tuần sau rồi vệ sinh một thể cũng được, dành thời gian chơi với con quan trọng hơn. Rồi nhiều tuần trôi qua như vậy, mình kéo dài thêm thời gian phớt lờ đám bụi trên nóc tủ. Cho đến một ngày, mình cần lấy quyển sách đã lâu không đọc ở tít trên cao, và bị cả núi bụi bay vào mặt ho sặc sụa.
Mình nhận ra những cảm xúc làm mình khó chịu cũng y như vậy đó. Mình tưởng rằng cứ dẹp nó qua một bên, giấu nó vào đâu đó thì từ từ nó sẽ biến mất. Ai ngờ, chính hành động “tích trữ” đó đã góp phần làm cho nó bùng nổ dữ dội hơn. Mà nghe đâu, đó còn là nguyên nhân gây ra vô số bệnh cho cơ thể.
2. Thay vì che giấu, hãy công nhận cảm xúc
Làm gì với lũ bụi đó đây? Chỉ còn một cách là công nhận chúng. Ờ thì, công trường đang xây dựng, trong quá trình đó sẽ tạo ra nhiều bụi ở khắp nơi không thể tránh khỏi. Mình có chạy trốn bằng cách qua nhà khác ở, thì nó cũng ở đó, chờ cho đến khi mình quay về quét dọn. Qua giai đoạn bụi, có khi lại đến khúc nó gây ra ồn ào nữa. Nhưng mà, mấy tháng nữa khi nó hoàn thành, sẽ có một trung tâm thương mại hoành tráng để mình đi mua sắm.
Cảm xúc nào đến cũng có lý do. Không có cảm xúc tốt hay xấu. Chúng đều là một phần của cuộc sống. Chúng đến vì nguyên nhân nào đó, ở lại với ta một chút, đem đến cho ta kết quả gì đó, rồi sẽ lại đi. Nếu chúng ta dằn nó lại, ém nó vào đâu đó, thì nó sẽ ở lại trong ta hoài. Chi bằng hãy gọi tên nó ra, nói với nó rằng: tui biết bạn là ai, vì sao bạn đến, bạn định ở đây bao lâu, tui sẽ tiếp bạn, khi nào bạn xong việc thì có thể đi nha.
3. Quản lý, điều tiết, kiểm soát cảm xúc
Công nhận những cảm xúc không có nghĩa là để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Mẹ mình thường bảo, cái gì nhiều quá đều không tốt. Nếu mình không kiểm soát chúng thì chúng sẽ được nước lấn tới mà kiểm soát mình, dù đó là loại cảm xúc thoải mái hay khó chịu. Đơn cử như niềm vui. Ngày cuối tuần nọ, con trai mình suốt cả trưa không chịu ngủ, cứ nằm thì thầm gì đó một mình rồi nhe răng cười hoài, trong khi mình thì sốt ruột muốn chết. Cả tiếng đồng hồ trôi qua, mình quay sang hỏi ẻm: con đang nghĩ gì vậy? Ẻm bảo, con vui quá vì còn 3 cái thứ 7 nữa là tới sinh nhật con. Con không biết nên chọn bánh kem hình xe tăng hay xe cứu hỏa. Nếu làm xe tăng thì chọn màu xanh hay màu đỏ. Mẹ sẽ tặng cho con mấy món quà?… Con vừa tưởng tượng vừa cười khặc khặc. Bởi người ta nói “vui thôi đừng vui quá”, mất cả giấc ngủ trưa.
Một số cảm xúc khi được thể hiện ra ngoài một cách tự nhiên, không cần điều chỉnh, vẫn phù hợp với hoàn cảnh đó. Nhưng cũng có một số khác, nếu chúng ta không điều tiết, sẽ dẫn đến những kết quả không mong muốn, mà khi qua rồi chúng ta sẽ ngồi nhìn lại và ước “giá như..”. Thế nên chúng ta luôn phải liên tục học cách quản lý cảm xúc của mình. Sau đây là một vài gợi ý nhỏ cho bạn:
Nhận ra cách mình thường phản ứng với các tình huống
Tập quan sát để nhận ra các xu hướng hành vi thường hay lặp đi lặp lại của bản thân. Từ đó, khi có một tình huống kích hoạt lại cảm xúc đó, mình sẽ chuẩn bị được bản thân sắp sửa phản ứng như thế nào. Nếu đó là những hành động không mong muốn, dẫn đến kết quả không như ý thì chúng ta sẽ tìm cách điều chỉnh để ứng xử tốt hơn trong những lần sau. Ví dụ:
- Cô bạn mình nhận ra rằng, khi điều gì đó cô ấy làm có kết quả không như mong đợi, cô luôn cảm thấy buồn, liên tục tự trách bản thân và sống trong mặc cảm tự ti về sự yếu kém của mình.
- Anh bạn mình thì kể, vốn tính bộc trực và háo thắng, nên hễ ai nói điều gì mà anh thấy không đúng anh sẽ rất khó chịu. Lập tức anh ngắt lời, phản biện lại liền, bằng mọi giá phải cãi cho đến khi họ chịu thua mới thôi.
Thay đổi suy nghĩ
Khi đã xác định được xu hướng hành vi của mình, hãy tìm cách thay đổi nó để trở nên tốt hơn trong những lần sau. Câu thần chú duy nhất ở giai đoạn này là “Thay đổi mình” chứ không phải ai khác. Chẳng hạn như giảm bớt một số kỳ vọng, tìm những khía cạnh tích cực hơn của sự việc, gia tăng sự thấu cảm…
Một số hướng suy nghĩ gợi ý: Mình còn có thể nhìn sự việc này theo cách nào khác không? Có vẻ như bạn ấy đang rất bức xúc về chuyện này. Người đó thực sự đang có nhu cầu gì, có phải họ đang cần được người khác quan tâm?
Chuyển hóa cảm xúc
Khởi đầu từ một cảm xúc khó chịu, nếu ta nhận biết được nó và thay đổi cách tư duy, cảm xúc đó sẽ dần dần được chuyển hóa. Khi rèn luyện điều này, bạn sẽ trở thành một “phù thủy” với khả năng biến tức giận thành cảm thông, biến hận thù thành tha thứ, biến sợ hãi thành động lực, biến nỗi buồn thành sự trân quý… Khi đó, mặc cho bên ngoài tiếp tục tác động, bạn vẫn nắm trong tay quyền thay đổi cách mà chúng ảnh hưởng đến bạn.
Chọn cách phản ứng phù hợp
Một khi suy nghĩ đã thay đổi hoặc cảm xúc được chuyển hóa, phản ứng của bạn với sự việc ắt hẳn sẽ có kết quả tốt hơn.
- Cô bạn mình kể trên, thay vì mặc cảm với kết quả cô cho là kém, có thể thay đổi suy nghĩ rằng mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng chưa đủ, và lấy đó làm động lực phấn đấu cho những lần sau.
- Anh bạn háo thắng có thể dừng lại một chút và tự hỏi mình đã hiểu rõ vấn đề người khác nói hay chưa. Sự nóng nảy được chuyển thành thành tinh thần lắng nghe, học hỏi, đón nhận những kiến thức mới. Nhờ đó mà anh có thể bình tĩnh tham gia đóng góp cho vấn đề đó mà không gây tổn thương cho người khác.
Nếu bạn vẫn băn khoăn vì nhận thấy bản thân là người hành động rất nhanh khi chưa kịp thay đổi suy nghĩ hoặc chuyển hóa cảm xúc. Không sao! Bạn có thể tập cách dừng lại một nhịp, hít thở, đếm từ 1 đến 10, hát một đoạn nhạc bạn thích, giở sách ra đọc, tập vài động tác thể dục hay chạy bộ vài vòng… rồi mới tiếp tục nghĩ đến tình huống và tìm cách xử ý cũng không muộn mà.
Hãy nghĩ về mục đích cuối cùng của bạn, có phải bạn luôn mong muốn giữ hình ảnh tốt đẹp trong mắt người khác không?