Fat-shaming là gì? | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Fat-shaming là gì?

Gần một thế kỷ, từ “obesity” đã biến thể sang “fat-shaming” (từ một vấn đề y khoa đã biến thành sự chế giễu, kinh bỉ) đây là điều thật sự đáng suy ngẫm.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Fat-shaming là gì?

Theo từ điển Cambridge, “fat-shaming” là hành động chỉ trích hoặc gây chú ý đến ai đó bị béo, khiến họ cảm thấy ngượng ngùng hoặc xấu hổ.

Khi một người dù trong vô thức hay có ý thức, thể hiện thái độ “anti-fat” với những người béo, đây được xem là biểu hiện không được mấy “hoan nghênh”.

Nguồn gốc

Trong chương trình The Why Factor của BBC World Service, giáo sư Abigail Saguy nói: “Thuật ngữ “Obesity” (sự béo phì) được xuất hiện vào giữa thế kỷ 20, là một nổ lực phối hợp giữa các bác sỹ chỉ ra rằng, đây là một bệnh lý y khoa mà họ có chuyên môn và thẩm quyền”. Miêu tả một người có cân nặng vượt quá so với cơ thể, được đo lường bởi chỉ số BMI (Body Mass Index) hay chỉ số khối cơ thể.

Ban đầu “béo phì” mang ý nghĩa là vấn đề y tế cá nhân của riêng ai đó với bác sỹ. Tuy nhiên, theo thời gian nó đã trở thành thuật ngữ bị kỳ thị và lạm dụng.

Những định kiến về béo phì

Theo Giáo sư tâm lý học Chris Crandall: “Chúng ta (ít nhất là ở phương Tây) có xu hướng nghĩ rằng, những người béo phì là kết quả của sự lười biếng, ham mê quá mức. Họ là người thất bại trong việc không nắm giữ được cuộc sống của chính mình, thậm chí bị gắn mác 'thất bại đạo đức'. Đây được xem là thuộc tính cá nhân và đáng bị khinh rẻ.”

Thêm định kiến phổ biến nữa, việc ai đó thừa cân là do chính bản thân họ ăn uống vô tội vạ, tự chuốc lấy, không tự chủ được bản thân và phải tự chịu trách nhiệm về chính mình.

Angela Alberga, Phó giáo sư Khoa Sức khỏe, Động học và Sinh lý học ứng dụng tại Đại học Concordia cho biết: Thành kiến “anti-fat” đang lan rộng trong tất cả các thành phần xã hội, bao gồm cả y học. Hơn 3 trong 5 người trưởng thành mắc bệnh béo phì gặp phải thành kiến từ các chuyên gia y tế. Một số “medical ethicists” (tạm dịch: người nghiên cứj đạo đức y học/quy chế ngành y) thậm chí tranh cãi rằng áp lực xã hội này là lý do chính đáng để thúc đẩy giảm cân.

Nguyên nhân

Leslie Pristas, DO, Giám đốc Y khoa, Trung tâm Phẫu thuật Béo phì cho biết:

Cân nặng không chỉ bị ảnh hưởng bởi lượng calo và việc tập thể dục mà còn các yếu tố khác như: di truyền, kinh tế xã hội, sinh lý,… Ví dụ như, cha mẹ thừa cân thì con cái sau này cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có 70% khả năng một thanh thiếu niên thừa cân sẽ vẫn thừa cân hoặc béo phì khi trưởng thành.

Trẻ em từ các cộng đồng có thu nhập thấp cũng dễ đối mặt với tình trạng béo phì hơn so với khu vực có thu nhập cao hơn.

Quá trình nuôi dạy, tiền sử sức khỏe gia đình và thu nhập của gia đình cũng có tác động rất lớn đến sức khỏe và cân nặng.

Tác hại của fat-shaming

Angela Alberga, giáo sư trợ lý (assistant professor) tại đại học Concordia nói rằng: "Fat-shaming cũng liên quan đến trầm cảm, lo lắng, tự ti, rối loạn ăn uống và cả việc tránh tập thể dục."

Trong một nghiên cứu, những người tham gia bị ảnh hưởng lớn bởi sự kỳ thị cân nặng (internalization weight-bias hay weight bias internalization, tạm dịch là tự kỳ thị cân nặng, xảy ra khi những người bị thừa cân/béo phì nhận thức được những định kiến tiêu cực dựa trên cân nặng và áp dụng cho chính họ) có tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gấp ba lần so với những người có mức ảnh hưởng thấp, ngay cả khi đã kiểm soát được chỉ số BMI và các nguy cơ khác.

Bên cạnh đó, Leslie Pristas cho biết thêm: "Fat shaming khiến cho ai đó xấu hổ, không phải là yếu tố thúc đẩy việc giảm cân mà còn phản tác dụng."

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phân biệt đối xử về cân nặng gây ra căng thẳng và khiến những người thừa cân ăn nhiều calo hơn, ít kiểm soát việc ăn uống hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Pediatric Obesity cho thấy rằng trẻ em và thanh thiếu niên càng bị trêu chọc thì càng có thể tăng cân.

Một nghiên cứu khác trên 93 phụ nữ cho thấy việc tiếp xúc với thông tin kỳ thị cân nặng cũng góp phần làm tăng sự không hài lòng của cơ thể, có thể dẫn đến các cơ chế đối phó không lành mạnh như ăn uống vô độ - tạo ra một chu trình độc hại.

Sự xấu hổ dẫn đến tăng mức độ của hormone căng thẳng cortisol, có thể kích thích sự thèm ăn, tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng - cả hai đều góp phần vào thói quen ăn uống không lành mạnh. Điều này khiến bạn có nguy cơ bị kỳ thị về cân nặng nhiều hơn.

Một số giải pháp giảm cân và “đối phó” với fat-shaming

Leslie Pristas cho rằng: “Khuyến khích mọi người giảm cân bằng cách body-shaming, hoặc fat-shaming” là một quan niệm sai lầm. Đồng thời việc đề xuất có một giải pháp cho đại dịch béo phì là một vấn đề xã hội, sinh lý và y tế phức tạp.

Cô đã đưa ra một số gợi ý đối phó với “căn bệnh” này:

1. Lựa chọn hiệu quả để giảm cân là một chương trình toàn diện cung cấp cho mọi người những công cụ phù hợp để thay đổi lối sống: sử dụng phương pháp đánh giá tiền sử sức khỏe tâm thần, xã hội, y tế của mỗi người và phát triển kế hoạch giảm cân cá nhân dựa trên những yếu tố đó. Bệnh nhân được tư vấn chế độ ăn uống, giáo dục về thực phẩm, lựa chọn thực phẩm với khẩu phần ăn là trọng tâm chính, và một chế độ tập thể dục hợp lý.

2. Thay vì cố gắng làm ai đó xấu hổ, giải pháp là hỗ trợ mọi người, giáo dục, tăng cường khả năng tiếp cận với phẫu thuật, chăm sóc y tế và thực phẩm lành mạnh với giá cả phải chăng.

3. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ, hãy tìm kiếm và tạo một hệ thống hỗ trợ từ bạn bè, hội nhóm hoặc một cộng đồng trực tuyến tích cực, đặc biệt là từ gia đình. Tập trung vào sức khỏe tổng thể và đừng quên chăm sóc cho sức khỏe tinh thần.

4. Bạn xứng đáng được sống cuộc sống hiện tại của bạn. Đừng trừng phạt bản thân trong tiềm thức bằng cách trì hoãn các hoạt động hoặc sự kiện cho đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình.

5. Bạn nên “giấu” cái cân đi và chỉ nên mang nó ra để tự cân mỗi tuần một lần. Chúng ta thường hay “kích lệ” nhau rằng, hãy giảm cân bằng cách “bớt leo lên chiếc cân”, điều này nghe có vẻ vô lý nhưng lại hết sức thuyết phục. Việc bạn thường xuyên cân sẽ tạo ra áp lực và tâm lý không hài lòng nếu trọng lượng chưa giảm được bao nhiêu.

6. Điều quan trọng là bạn luôn cảm thấy tự tin với chính mình. Tìm quần áo bạn thích và cảm thấy hài lòng với kích cỡ hiện tại. Đừng bỏ việc mua đồ đạc hoặc làm việc gì đó cho đến khi bạn giảm xuống cân nặng lý tưởng.

Ngoài ra, theo Sara Kirk, Giáo sư Xúc tiến Sức khỏe tại Đại học Dalhousie và Giám đốc khoa học của Viện Dân số Sức khỏe, việc giải quyết thành kiến về cân nặng phải bắt đầu từ việc chăm sóc sức khỏe.

Những phản ứng mang tính phán xét, tức giận hoặc đổ lỗi từ các chuyên gia y tế gây nguy hiểm cho việc chăm sóc và khiến nhiều bệnh nhân không muốn tìm kiếm sự trợ giúp về các vấn đề sức khỏe.

Nhóm của Kirk đã tạo ra một hội thảo dựa trên nghệ thuật để dạy các học viên về sự phức tạp của bệnh béo phì, khơi gợi sự đồng cảm, thách thức những định kiến và đã có tác dụng đáng kể.

Ngoài những thành kiến cá nhân, nghề y cũng phải giải quyết sự thiên vị trong các hướng dẫn lâm sàng.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Maria Ricupero, nhiều hướng dẫn thúc đẩy giảm cân không thừa nhận sự thiên lệch về trọng lượng hoặc các yếu tố môi trường. Thay vào đó là nhấn mạnh những gì cá nhân có thể làm để thay đổi, điều này dẫn đến bệnh nhân có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, phán xét. Và trọng tâm là cần chuyển từ cân nặng sang sức khỏe.

Béo phì không phải là vô phương cứu chữa. Trên thực tế đã có rất nhiều người đã giảm cân đạt vóc dáng chuẩn với chế độ ăn uống và luyện tập khoa học.

Kết

Béo phì là điều ám ảnh của rất nhiều người, khiến họ dễ cảm thấy tự ti và tiềm ẩn những nguy cơ mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng sự “phì nhiêu” không phải là một cái tội để phải nhận các “bản án” như chỉ trích, thiếu tôn trọng từ người khác.

Tôi nhớ đến một người bạn học luôn bị các bạn nam “trùm” trường trêu chọc, thậm chí ngày nào bị “tẩn” vì có thân hình quá cỡ. Tuy vạm vỡ, nhưng một mình vẫn không thể thắng được số đông, cậu bạn luôn lặng lẽ nếm những cơn đòn vô tội vạ và xem như đó là “chuyện thường ở huyện” mà bản thân phải chịu đựng. Tôi không biết giờ này cậu ấy như thế nào, nhưng tôi chắc rằng cậu ấy đã rất khổ sở trong suốt quãng thời gian học sinh.

Nghĩa của từ “béo phì” đã thay đổi nghĩa rất nhiều so với nguồn gốc ban đầu và ngày càng có xu hướng bị lệch lạc bởi những định kiến hình thành trong xã hội. Gần một thế kỷ, từ “obesity” đã biến thể sang “fat-shaming” (từ một vấn đề y khoa đã biến thành sự chế giễu, kinh bỉ) đây là điều thật sự đáng suy ngẫm. Liệu theo dòng chảy thời gian, giả sử một thế kỷ sau, thuật ngữ nào sẽ tiếp tục thay thế cho “fat-shaming”?