“Thế hệ True Gen”, thế hệ của công nghệ và toàn cầu hóa, thế hệ tài giỏi, sáng tạo, năng động. Có hàng ngàn định nghĩa về Gen Z, về chúng ta, về mình, và mình dường như chưa đủ để xứng đáng với tất cả những kỳ vọng đó.
Kể từ khi bước vào độ tuổi trưởng thành, mình đã bị chôn vùi trong hàng tá định nghĩa về thế hệ mà mình được sinh ra. Sẽ ra sao nếu cái bạn gặp không chỉ là áp lực đồng trang lứa (peer pressure) mà là áp lực thế hệ (generational pressure)? Sẽ ra sao nếu cái khiến bạn áp lực không phải là sự tài giỏi của bất kì một đồng trang lứa nào, mà là sự tài năng và nổi bật của cả một thế hệ?
Mình là một Gen Z 19 tuổi, và trong quá trình đương đầu với áp lực, mình đã tìm ra được những bài học quý giá.
Vô định cũng không sao, miễn là đừng bỏ cuộc
"Tương lai em định làm gì? -Em chưa có định hướng rõ ràng nào cả."
Và sau đó sẽ là tiếng im lặng trong sự ngại ngùng, cuối cùng kết thúc bằng một câu nói miễng cưỡng để chuyển sang chủ đề khác. Mình đã quen dần với những cuộc hội thoại như thế này, nhưng mình chưa từng nghĩ mình sẽ trả lời một cách khác đi. Vì đối với mình, việc chấp nhận bản thân không biết mình là ai tốt hơn việc lựa chọn một ngành nghề chắp vá nào đó để che dấu sự vô định của bản thân.
Ba mẹ, bạn bè, đồng nghiệp không ít lần đã hỏi và bày tỏ sự quan ngại của họ đối với mình, cứ như thể họ cảm thấy một Gen Z như vậy sẽ rất khó để sống sót. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong một thế giới mà một người 18 tuổi có thể là tỷ phú, là doanh nhân, là người nổi tiếng, là bất cứ thứ gì thì việc một đứa 19 tuổi còn chưa biết mình sẽ làm gì là báo động đỏ.
Cứ sau mỗi lần như vậy, mình lại suy nghĩ về nó nhiều hơn. Đã có lúc, điều đó làm mình sợ, mình sợ rằng nếu như 5, 10 năm nữa mình vẫn chưa tìm được câu trả lời thì sao. Bạn bè của mình, họ đã tăng tốc trên con đường họ chọn, có người đi thực tập cho tập đoàn lớn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có người là quán quân các cuộc thi kinh doanh lớn, còn có người đã hái ra bộn tiền từ chứng khoán. Thế giới xung quanh mình dường như đều rất ‘rõ ràng’, chỉ có mình là ‘mơ hồ’.
Nhưng rồi mình đã nhận ra, ‘mơ hồ’ cũng không phải vấn đề gì lớn. Chỉ là, cho dù bạn có cảm thấy ‘mơ hồ’, cũng đừng bao giờ dừng lại và bỏ cuộc. Hãy cứ tiếp tục tiến về phía trước. Hãy tiếp tục trải nghiệm cho tới khi bạn có thể làm gì đó và thốt lên "That’s it!" (Chính nó). Hiện tại, mình vẫn là cô sinh viên 19 tuổi chưa biết mình là ai đó. Nhưng đồng thời, mình cũng là một thí sinh ‘non trẻ’ mò mẫm tham gia các cuộc thi business case để có thêm trải nghiệm, một học trò quyết tâm theo đuổi các lớp học và dự án nghiên cứu khoa học để học hỏi thêm từ các giảng viên, một ‘chủ tịch’ dự án xã hội nhỏ nhoi mong muốn làm ra chút gì đó, một cô gái trẻ đi thực tập để có thêm kinh nghiệm, trang trải sinh hoạt hàng ngày và một ‘người con’ học cách tự lập để đỡ đần cho bố mẹ.
Đúng vậy, mình 19 tuổi và không biết bản thân sẽ là ai, nhưng mình chưa bao giờ dừng tìm kiếm câu trả lời. Vậy thôi!
Mục tiêu có thể đạt được bằng nhiều cách, đừng chỉ nhìn vào một hướng
Thế giới này quá nhỏ để tất cả mọi người có thể thành công theo cách mà họ muốn. Đôi lúc, bạn phải chấp nhận đi một con đường khác để đạt được mục tiêu. Mình là một gen Z rất tham vọng, hiếu chiến nhưng luôn là người phải tìm cho mình hướng đi khác.
Khi mình mới lên Sài Gòn, mình mong muốn đạt được học bổng toàn phần của trường để tự trang trải chi phí học hành, nhưng mình không đủ điểm có học bổng.
Khi mình vào năm nhất, mình mong muốn tham gia tổ chức sinh viên để nâng cao kĩ năng lãnh đạo, nhưng trong suốt 1 năm tại đó, mình bối rối và chán nản.
Khi mình là sinh viên năm 2, mình muốn làm việc thực tế, nhưng khó tìm được nơi nào cho mình cơ hội đó.
Nhưng rồi, mình biết là mình phải tìm một hướng đi khác.
Mình muốn tự trang trải chi phí học hành nhưng không đạt học bổng đầu vào ? Mình cố gắng học tốt và tìm kiếm mọi thông tin về các học bổng doanh nghiệp, học bổng từ các quỹ xã hội, và chạy khắp nơi để làm các loại giấy tờ, và cho tới giờ mình vẫn thành công có đủ tiền trang trải mọi khoản học phí suốt 5 học kì.
Mình muốn nâng cao kĩ năng lãnh đạo nhưng đã thất bại ở tổ chức mà mình yêu thích ? Mình trở thành 'leader' (lãnh đạo) của dự án xã hội nhỏ, học cách đối diện với những khó khăn, vô định cùng với đồng đội của mình.
Mình muốn biết thêm về các lĩnh vực khác nhưng không thể ? Mình nộp đơn thực tập ở bất kì nơi nào có thể và chấp nhận làm nhiều công việc khác nhau để học việc dần dần. Mình tham gia các lớp học nghiên cứu, tham gia các cuộc thi về marketing,.. Mình dấn thân vào mọi nơi mình tin sẽ giúp mình có thêm trải nghiệm và khiến mình trở nên tốt hơn.
Luôn luôn có những con đường khác dẫn đến nơi mà bạn muốn đến. Vậy nên hãy luôn mở lòng và chấp nhận thử thách.
Hãy tự định nghĩa cuộc sống của mình
Lúc trước, ba mẹ mình hay bảo nên kiếm một ngành nào đó học, rồi sau này làm một công việc ổn định, lấy chồng, sinh con, có gia đình, cứ như vậy cuộc sống bình ổn, an yên đến cuối đời. Nhưng mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm theo lời nói đó.
Thế hệ Gen Z may mắn sinh ra trong thời đại mà con người mong muốn phá bỏ tất cả những định kiến, khuôn khổ của xã hội và khao khát sự tự do, tự chủ. Mình lớn lên với hình ảnh tổng thống Barack Obama phát biểu trong ngày nhận chức, với bài phát biểu mà diễn viên Emma Watson nói về bình đẳng giới, với sự nổi lên của cộng đồng LGBTQA+, của phong trào Black Lives Matter,.. Tất cả những điều đó làm mình nuôi dưỡng khát khao được nhìn ngắm thế giới, được trải nghiệm các công việc, môi trường khác nhau, được khóc, được lạc lối, được buồn, được thất bại, được nếm trải mọi mùi vị của cuộc sống.
Có thể mình sẽ học một ngành học ổn định nào đó, nhưng không có nghĩa mình sẽ chỉ làm một nghề. Có thể mình sẽ kết hôn, nhưng có thể không phải với một người đàn ông Việt Nam (hay thậm chí không phải đàn ông). Có thể mình sẽ có gia đình nhỏ của mình, nhưng có thể mình sẽ không sống tại Việt Nam hay một nơi cố định nào cả. Có thể mình chọn cuộc sống an nhiên, giản dị, nhưng mình sẽ khiến nó ‘thú vị, hứng thú’ theo cách riêng của mình.
Người ta hay nói Gen Z thì phải năng động, phải phá cách, phải sống như không có ngày mai, phải luôn hết mình và tràn đầy năng lượng.
Cũng đúng và cũng sai! Đúng thật có những Gen Z luôn tích cực và tràn đầy nhiệt huyết như vậy, những cũng có những người không. Có những Gen Z sẽ phấn đấu cho ‘chiếc ghế’ tại một tập đoàn đa quốc gia nào đó, nhưng cũng có những Gen Z hài lòng với chiếc blog và kênh Youtube cá nhân của mình.
Nói chung, cho dù giản dị hay huy hoàng, bình thường hay phá cách, hãy cứ sống như bản thân mình muốn.
Mình tin rằng tới một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc đương đầu với COVID-19, và khi đó thế giới lại trở về dáng vẻ vốn có của nó. Vậy nên, khi thế giới đã bình phục và chào đón bạn, hãy chắc chắn rằng bản thân sẵn sàng cho nó. Chúng ta – thế hệ làm chủ tương lai, cũng không thể thua trong cuộc chiến tìm ra chính mình, đúng không?