Bạn đang nấu ăn trong bếp thì nghe tiếng cửa mở rồi đóng mạnh hơn bình thường. Chồng bạn bước vào nhà với gương mặt cúi gằm, đôi chân mày chau lại và bàn tay không ngừng day hai bên thái dương. Anh ấy bắt đầu phàn nàn về cơn đau đầu dữ dội của mình. Ngay lập tức, bạn nhớ ra anh ấy đi làm sáng sớm nay khi trời bắt đầu chuyển lạnh mà không hề mang theo áo khoác hay mũ. Bạn lắc đầu chán nản và không biết nên thương hay giận khi bạn đã dặn dò cả ngàn lần anh phải mặc ấm khi đi làm sớm. Nhưng không thể chỉ dửng dưng đứng nhìn, bạn cất lời, “Em đã dặn anh bao nhiêu lần rồi…” Chồng bạn lúc này chỉ thêm hậm hực và ném những ánh nhìn hằn học về phía bạn như thể cơn đau này do bạn gây ra. Bạn tự nhủ, “Nực cười thật, nếu nghe lời mình thì đâu đến nỗi…”
Tôi cá là tình huống này đã xảy ra không chỉ một lần trong ngôi nhà nhỏ của bạn. Thực ra tôi không trách anh chồng của bạn. Bởi có lẽ tới 90% trong số chúng ta đều gặp khó khăn trong việc "lắng nghe", đặc biệt là khi chúng ta có cảm giác mình bị dạy dỗ, chỉ bảo. Vậy làm thế nào để người bạn đời của mình chịu "nghe lời" mình đây?
Đừng làm quá lên!
Tôi không phải người quá nóng tính nhưng tôi rất dễ nổi nóng khi chồng tôi bỏ ngoài tai những gì tôi nói. Trong cơn giận, tôi thường không nghĩ được gì khác ngoài việc mình bị ngó lơ, hay nói đúng hơn là mình bị mất quyền kiểm soát. Chúng ta thường để cho "cái tôi" lấn át sự điềm tĩnh của lí trí và hành động bằng sự nông nổi nhất thời đó.
Nhưng khi nguôi ngoai, tôi nhớ lại trong tiếng Anh có câu “no harm, no foul”, tạm dịch là không gây ra thiệt hại thì không có lỗi. Sự thật là không phải sai lầm nào cũng đáng sợ; trong khi, sự bất bình, thất vọng hay những lời chỉ trích lại có sức tàn phá một mối quan hệ mạnh mẽ gấp nhiều lần. Vậy nên trước khi nổi cơn tam bành, chúng ta có thể nào dừng lại một chút để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc và phản ứng một cách từ tốn hơn hay không?
Đừng quá bận tâm đến những sai lầm!
Ngày bé, tôi rất thích giúp bà ngoại gọt vỏ khoai tây. Nhưng dùng dao là một kỹ năng cần nhiều sự cẩn trọng nên trước khi đạt đến độ điêu luyện, tôi tự cắt trúng tay mình không ít lần. Bà ngoại tôi mỗi lần thấy tôi làm đứt tay đều chỉ rất nhẹ nhàng hỏi "Có đau lắm không?" rồi giúp tôi dán băng lên đó. Bà không mắng "Tại sao con cứ nghịch dại thế?", cũng không nói "Bà đã bảo con phải cẩn thận bao nhiêu lần rồi", mà chỉ quan tâm tới việc tôi bị đau ra sao.
Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta thường quên đi việc trân trọng nhau và chỉ tập trung vào những sai phạm.
Nếu bà ngoại luôn trách mắng tôi mỗi lần làm đứt tay thì có thể tôi sẽ vẫn học được cách dùng dao thôi, nhưng tôi sẽ khó mà cảm nhận được tình yêu thương từ bà và chắc tình bà cháu cũng sẽ khó được khăng khít.
Trong mối quan hệ vợ chồng cũng như vậy. Khi chúng ta nói "Em đã bảo anh rồi…", chính là ta đang phủ nhận người bạn đời của mình. Tất cả những gì họ nghe được chỉ là họ không đủ tốt và họ thất bại. Có thể họ cũng đang buồn, đau hay giận nhưng lại không biết làm thế nào để san sẻ cùng bạn. Thật sự thì bạn muốn nói rằng bạn yêu thương và lo lắng cho chồng mình hay bạn muốn chứng minh là mình đã đúng? Bởi nếu bạn hóa trang tình yêu thành sự thù ghét thì chưa chắc chồng bạn sẽ đủ tinh tường để nhận ra tấm chân tình được ẩn giấu đó đâu.
Đừng nói, hãy hỏi!
Năm tôi 15 tuổi, vào một buổi chiều hè mát mẻ, tôi đang nhàn rỗi ngồi xem tivi thì nảy ra ý định đi quét nhà để thay đổi không khí. Nhưng rồi mẹ tôi từ trong bếp đi ra, nhìn tôi mấy giây rồi lại đảo mắt một lượt quanh nhà và nói "Đi quét nhà đi, xem tivi ít thôi, không thấy nhà bụi bẩn bám đầy rồi à?" Và thế là... tôi không muốn quét nhà nữa.
Buồn cười thế đấy! Nhưng sự thật là không ai thích bị sai bảo. Còn điều mà ai cũng thích là gì nhỉ? Là được làm chủ, được ra quyết định, được hỏi ý kiến.
Bản năng của đàn ông vốn thích được lãnh đạo. Cho nên thay vì dùng câu mệnh lệnh, chúng ta có thể tận dụng những câu hỏi mở nhiều hơn. Ví dụ như, ta không nói "Anh phải làm thế này…" mà nói "Theo anh thì mình nên làm thế nào? Anh nghĩ sao nếu mình làm như thế này?" Bằng cách "hỏi", ta trao cho đối phương quyền tư duy, đánh giá, quyết định trong khi ta giữ vai trò hỗ trợ và gợi ý thôi.
Tôi không biết có phải do bản năng làm mẹ của phụ nữ mà chúng ta luôn có xu hướng "lo giùm, nghĩ giùm" cho những người mình yêu thương. Chúng ta giận khi họ làm sai chính là vì ta đã quan tâm quá mức. Chúng ta muốn cánh mày râu lắng nghe nhưng có lẽ đã đến lúc ta học cách nói ít đi để chỉ nói khi được hỏi và im lặng khi cần.
Dù sao thì ta nói gì cũng không quan trọng bằng ta nói như thế nào.