“Em không thể tin là anh có thể để cái phòng tắm rối như vậy rồi bỏ đi làm. Em rất mệt khi phải dọn dẹp mớ hỗn độn mà anh bày ra. Giờ anh bước vô phòng và nghĩ về việc anh đã làm, cấm bước ra khỏi phòng trừ phi em cho phép."
Nếu bạn là người chồng ấy, vừa đi làm về và được chào đón bằng yêu cầu này bạn sẽ cảm thấy thế nào? Và quyết định làm gì với yêu cầu đó? Có lẽ bạn sẽ nghĩ, ai lại nói thế với chồng mình. Nhưng đây là điều mà ta sẽ nói với con nếu ta chọn phương pháp "time out". Một phương pháp nhằm sửa chữa hành vi không mong muốn của trẻ.
Phương pháp "time out" là gì?
"Time out" bắt nguồn từ nghiên cứu nhà tâm lý học B.F.Skinner, là phương pháp dừng hành động xấu của trẻ bằng cách tách trẻ khỏi hành vi sai trái, và được yêu cầu tự nghiền ngẫm về hành vi sai trái một mình. Nhưng không may, hầu hết trẻ đều cảm nhận cảm giác bị bỏ rơi và trừng phạt. Trẻ bắt đầu học cách thỏa hiệp hoặc che giấu hành vi của chính mình.
Hiệp hội Giáo dục Trẻ em Quốc gia Mỹ đã đưa “time out” vào danh sách những biện pháp kỷ luật có hại, xếp cùng với các hình thức phạt về thể xác, chỉ trích, đổ lỗi, hay khiến con trẻ xấu hổ như Parent Coach Linh Phan đã từng chia sẻ.
Trẻ học được gì khi chấp nhận hình phạt "time out"?
Hãy tưởng tượng con trẻ học được gì trong tình huống này. Bạn có nghĩ rằng đứa trẻ của bạn cảm thấy thật biết ơn khi được ở một mình. Không! Câu trả lời chắc chắn là không. Đứa trẻ bị đánh đòn mang cái đau thân thể. Đứa trẻ bị bỏ rơi một mình cũng mang nỗi đau tinh thần không kém là bao.
“Tôi thật tệ, tôi không đáng được yêu thương!”
“Mẹ sẽ không yêu tôi nữa trừ phi tôi làm vừa lòng mẹ."
“Sau này lớn lên, đừng mong đối xử với tôi như thế."
“Mẹ không yêu mình nữa nên mới bỏ rơi mình thế này.”
"Những gì đi cùng với điều đó trong thế giới của một đứa trẻ thật tàn khốc,” theo Tiến sĩ Karen DeBord. Vậy lý do thật sự sau hành vi sai trái của trẻ là gì?
Nhiều hành vi sai trái được thực hiện để gây chú ý. Hoặc trẻ muốn thể hiện một nhu cầu chưa được đáp ứng. Đôi khi có thể là con đang cảm thấy buồn, thất vọng. Hãy cho trẻ sự gắn bó thay vì cắt đứt kết nối. Hãy cho trẻ sự đồng cảm thay vì giáo huấn suông và đặc biệt “hiểu để cư xử đúng và làm gương cho trẻ”.
Nếu không sử dụng phương pháp 'time out', ta có thể làm gì?
Theo phương pháp kỷ luật tích cực của tiến sĩ Jane Nelsen, đó là khu vực đồng hành “time in” cùng trẻ. Hãy đảm bảo rằng bạn hiện diện ở đó cùng trẻ. Tập trung vào sự kết nối thay vì tách biệt trẻ một mình.
Các bằng chứng lâm sàng cũng chỉ ra rằng thời gian “time out” không có tác dụng trừ khi cha mẹ thực hành thời gian dành cho con cái.
Hoặc phương pháp “time off” giới thiệu bởi nhà tâm lý trẻ em và khai vấn phụ huynh Bonnie Compton. Đó là bạn sẽ trở thành hình mẫu của trẻ trong việc chuyển hóa cảm xúc và giữ bình tĩnh trong tình huống khó khăn. “Bố mẹ đang cảm thấy rất tức giận và có thể sẽ nói những điều không tử tế bây giờ, vì vậy bố mẹ cần thêm thời gian để chuyển hóa cơn giận của mình”
Điểm tích cực của hai phương pháp này không phải là từ chối cảm xúc của trẻ, mà để giúp trẻ trải nghiệm cảm xúc của riêng mình và từng bước nhận diện và gọi tên chúng. Hiểu và kết nối đằng sau những hành vi xấu.
Như Compton tổng kết lại:
"Món quà mà cha mẹ có thể tặng cho con cái là cho phép chúng cảm nhận cảm xúc của mình — và học cách sống với những cảm xúc đó".
Bài học này không chỉ dành cho trẻ và cho cả chúng ta, phải không bố mẹ?