Làm gì để hết “trì hoãn”? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 05, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Làm gì để hết “trì hoãn”?

Bạn có đang bị sự "trì hoãn" chắn đường, khiến chất lượng học tập cũng như cuộc sống của bạn suy giảm không?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Nela Canovic trên Quora.


Chỉ bằng việc bạn nhận ra vấn đề của bản thân cũng đã là một bước tiến rồi.

Phần lớn mọi người sẽ chối lấy chối để vài năm, mù mịt không biết giải quyết thế nào, cứ mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn, rồi cuối cùng khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.

Cho nên, chúc mừng bạn!

Trì hoãn là vấn đề ai cũng từng gặp phải vào thời điểm nào đó trong cuộc sống. Luôn luôn có một lý do cụ thể khiến chúng ta cứ trì hoãn.

Có thể ta luôn là một học sinh giỏi, cho đến khi đụng phải một môn học nào đó khiến ta trầy trật, và những kĩ năng hiện có không còn đủ giúp ta nổi bật hơn người khác nữa.

Có thể ta sẽ sợ hãi việc học tập thi cử vì việc này có thể “ngốn” đến hàng giờ đồng hồ.

Có thể ta muốn tránh những cuộc đối thoại không mấy dễ chịu với ai đó.

Có thể ta không quản lý túi tiền của mình hợp lý, nên đành ngó lơ những tờ hoá đơn tiền điện và số dư trong thẻ tính dụng, rồi mặc cho các khoản nợ cứ chồng chất lên.

Có thể danh sách các việc phải làm kéo dài mãi không có điểm dừng, khiến ta cảm thấy ngợp thở.

Có thể, có thể, có thể. Luôn có một lý do nào đó. Tất cả chúng, xét về bản chất, đều là những cái cớ ta luận ra, và rồi những cái cớ đó dần trở thành câu chuyện ta tự kể cho bản thân nghe.

Ta luôn tìm được một câu chuyện hay ho hơn để mà kể lể.

Thay vì cứ đi tìm lý do, chúng ta cần phải huấn luyện cho não bộ cách làm thế nào để nó có thể sắp xếp giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, và vượt qua những trở ngại đang chắn đường bạn.

Tôi có thể để xuất 3 cách để làm được điều này. Hãy lặp lại lặp lại thường xuyên ba điều sau bất cứ lúc nào.

1. Đừng để bản thân "ngợp" trước danh sách những việc “phải” làm mỗi ngày

Vậy bạn có thể làm gì?

Tự hỏi bản thân mỗi buổi sáng, “Việc duy nhất mình phải cam kết hoàn thành trong hôm nay là gì?”

Thói quen này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của chúng ta theo nhiều hướng khác nhau. Ngay khi thức dậy, tôi liền muốn nhanh chóng thực hành cách này ngay, vì tôi biết điều này sẽ giúp thúc đẩy sự tập trung của mình. Ngoài ra, thói quen này còn giúp đơn giản hoá cuộc sống và giúp não tôi tập trung tốt hơn, khiến tôi biết ưu tiên những mục tiêu của mình và tinh giản đi lượng công việc khiến bản thân quá tải vì áp lực phải hoàn thành trong một ngày.  

Làm thế nào để bắt đầu thực hành điều này?

Viết câu hỏi này xuống giấy

Phải khiến bản thân không thể ngó lơ nó. Hãy viết câu hỏi bằng cỡ chữ to trên một tờ giấy và treo nó trên đầu giường hoặc tường phòng tắm của bạn. Điều quan trọng là bạn có thể dễ dàng thấy tờ giấy khi bạn đang đánh răng hoặc thay đồ vào buổi sáng.

Đọc lớn câu hỏi lên

Nghĩ ra câu trả lời ngay lập tức. Cái khó là phải luôn thực hành sát sao cho đến khi việc này trở thành một bản năng thứ hai, và bạn không cần phải để tâm đến về việc "buộc" bản thân luôn nhìn vào câu hỏi nữa.

Hành động theo kế hoạch 

Nhắc nhở bản thân xuyên suốt trong ngày về cam kết mà bạn đặt ra. Việc này sẽ giúp bạn tránh bị sao nhãng khỏi những thứ quan trọng.

2. Hãy “deep work” vào sáng sớm nếu có thể

Bạn có thể làm gì?

Hãy bắt đầu bằng cách kết hợp “deep work” (Tạm dịch: làm việc sâu) vào trong ngày.

“Deep work” là bất kì dạng thức suy nghĩ phân tích nào yêu cầu sự tập trung cao độ như đọc sách, viết lách, hay giải quyết vấn đề. Đây là một trong những bài tập rèn luyện tinh thần, và khác với kiểu tập trung khi làm những công việc cơ bản hằng ngày như việc nhà, tập thể dục, hay giao tiếp với người khác. Ngay khi tôi bắt đầu “deep work” vào sáng sớm, tôi để ý là mình hiếm khi rơi vào tình trạng hết năng lượng hoặc mất động lực.

Thực hành “deep work” như thế nào?

Dành ít ra 2 tiếng sau khi thức dậy để làm việc

Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là thời gian làm việc hiệu suất nhất của não bộ. Ví dụ như nếu bạn dậy lúc 7 giờ, thời gian bạn làm việc hiệu quả nhất là từ 9 giờ đến 11 giờ sáng. Bạn có thể kéo dài khoảng thời gian này đến khi nghỉ trưa để tối đa hoá khung giờ hiệu suất của bạn.

Ghi chú lại những gì bạn làm trong thời gian hiệu suất tối đa

Bạn có học được kiến thức mới, giải quyết vấn đề nào đó hoặc viết lách không? Phần lớn mọi người dành thời gian để kiểm tra email, gọi điện thoại, xem tin tức hoặc nói chuyện phiếm với người khác.

Sắp xếp lại công việc trong khung thời gian hiệu suất tối đa

Hãy để dành việc nghe tin tức vào giờ nghỉ trưa. Chọn hai khung giờ để lướt email, một vào giữa chiều và một gần cuối ngày làm việc. Như vậy bạn có thể dành năng lượng cho những công việc thật sự cần phải hoàn thành gấp.

3. Khi gặp khó khăn, thay vì bỏ cuộc, hãy nói, “Cứ thử đi, có sao?”

Bạn có thể làm gì?

Khi gặp một trở ngại nào đó, đừng ngay lập tức đáp trả theo thông thường, như là nói “Tôi không thể xử lý ngay bây giờ!” hoặc là “Chuyện này hết cách rồi, tôi bó tay.”

Nếu tôi thấy bản thân trì hoãn những việc nhỏ nhặt, dù là sắp xếp ghi chú hay chỉnh sửa bài viết, tôi sẽ dành thời gian để ngẫm nghĩ qua nguyên nhân khiến tôi trì hoãn.

Tôi có thể luyện tập điều này như thế nào?

Tìm ra điều gì ẩn núp đằng sau sự trì hoãn 

Có thể đó là nỗi sợ không thể làm một việc gì đó thành công, hay sự tự ti vì không giỏi hơn một ai đó. Trong nhiều trường hợp, chính lòng tự ái và cái tôi là thứ cản đường bạn.

Tự hỏi bản thân là sự chống đối này đến từ đâu

Hãy đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Có thể bạn không chắc làm thế nào để giải quyết một vấn đề và lo lắng là sẽ không bao giờ giải quyết được nó. Giải pháp đưa ra là chia vấn đề thành nhiều mảnh nhỏ để dễ hoàn thành hơn và không khiến bạn bị quá tải.

Nghĩ về những lợi ích của câu hỏi “Cứ thử đi, có sao?”

Bạn có cơ hội để đánh bại nỗi sợ trong bạn. Khi chúng ta cổ vũ bản thân sống tích cực, sẽ có những điều phi thường xuất hiện. Lối suy nghĩ này sẽ giúp bạn phát hiện ra nhiều tình huống cho phép bạn phát triển hơn.