Làm gì khi thấy chán công việc mình đang làm | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 07, 2021
Kinh DoanhLàm Việc Hiệu Quả

Làm gì khi thấy chán công việc mình đang làm

5 bước bạn nên thử làm khi thấy chán công việc của mình.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Nếu mình trúng số 1 tỷ, mình sẽ nghỉ ngay cái công việc đó!”, cô gái nói và kèm theo một tràng cười, nhưng với mình nó không chỉ là một câu bông đùa hài hước, điều này thực sự có ý nghĩa gì? Im lặng một chút, mình bảo, “Nếu Ly có trúng số 5 tỷ, Ly vẫn sẽ làm công việc mà Ly đang làm, thiệt đó!” Lại một khoảng im lặng nữa tiếp nối cho đến lúc cô gái cất lên: “Đúng là mình không thích công việc đó, một chút nào cả, trong suốt hơn 10 năm qua rồi…”

Công việc coaching và mentoring của mình là lắng nghe vấn đề của khách hàng, tư vấn cho khách hàng và cùng họ tìm các giải pháp phù hợp để giải quyết nó. Nói là tư vấn sức khỏe nhưng phần lớn thời gian mình và khách hàng làm việc cùng nhau để gỡ những nút thắt trong mối quan hệ gia đình, những chán chường trong công việc và nhiều khi trong cơn cao trào của cảm xúc, họ bảo họ muốn ly hôn hay cần từ bỏ cái công việc chán ngắt ấy, ngay lập tức!

Rất may là tới thời điểm này em ấy vẫn không ly hôn, và thay vì ly hôn, tụi mình lại đang làm việc cùng nhau để cải thiện mối quan hệ và giảm dần các xung đột trong cuộc sống của vợ chồng em, và anh thì cũng không nghỉ việc một cách bốc đồng, thay vào đó, anh quyết định tìm một công việc khác phù hợp hơn và đang trong lộ trình chuyển giao công việc mới trong vòng vài tháng nữa, một cách đàng hoàng và chuyên nghiệp! 

Quay lại vấn đề chán công việc mình đang làm tới cổ, chúng ta nên làm gì? Nghỉ việc ngay rồi ra sao thì ra? Tìm một công việc mới rồi hãy nghỉ việc? Hay cứ làm thôi, công việc nào theo thời gian rồi cũng có vấn đề cả thôi? Nếu bạn vẫn lắc đầu với ba sự lựa chọn trên thì mời bạn đọc tiếp cách tiếp cận thứ tư sau đây, của mình! 

Bước 1: Xác định lại đam mê và mục đích của bản thân trong công việc

Làm một công việc khác với đam mê và mục đích của bản thân có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm chúng ta mất động lực và hứng thú trong công việc. Đam mê hay mục đích sống khác nhau tùy người và điều này cũng có thể thay đổi theo thời gian cho từng người. Hãy dành thời gian kết nối với bản thân để xác định điều gì thực sự mình mong cầu. Đam mê đôi khi là điều gì đó quá xa vời, mình thích dùng một từ khác hơn, đó là ikigai theo tiếng Nhật hay còn gọi là “sense of purpose” - mục đích sống của mỗi người.

Mục đích sống ấy khác nhau ở từng người và ở mỗi người, mỗi giai đoạn họ có thể có những mục đích sống khác nhau. Có nhiều công cụ để xác định đam mê và mục đích sống, ví dụ Circle of Life, test tâm lý trắc nghiệm, phân tích SWOT hay tự hỏi mình những câu hỏi để nhìn rõ bức tranh cuộc sống của mình. Ngoài ra, bạn có thể tìm một người mình tin tưởng, có kinh nghiệm hay một mentor/ coach để đồng hành và giúp bạn định hướng được. 

Bước 2: Xác định lại yếu tố cốt lõi làm mình chán công việc và tìm giải pháp

Học viên của mình chia sẻ: “Em mệt mỏi thực sự vì công việc mình đang làm, nếu có công việc khác em sẽ nghỉ ngay!” Mình hỏi em một loạt câu hỏi và cuối cùng phát hiện ra là không phải bản chất công việc làm em chán nản mà chính là môi trường làm việc, cách cư xử của sếp làm em mất đi hứng thú trong công việc. Và rồi chính em khẳng định nếu cũng làm một công việc tương tự với môi trường khác và sếp khác, có thể em sẽ thấy hào hứng hơn!

Chúng ta cần xác định nguyên nhân cốt lõi làm chúng ta mất niềm vui trong công việc để giải quyết nó, thay vì bỏ ngay công việc trong khi có thể một yếu tố bên ngoài nào đó mới là nguyên nhân thực sự. Không xác định được nguyên nhân mà ngay lập tức bỏ việc thì rất có thể khi chuyển qua công việc mới, những vấn đề cũ lại nổi lên và chúng ta lại lần nữa rơi vào cái vòng lẩn quẩn. Và rất nhiều khi, vấn đề là ở chính chúng ta, ví dụ phong thái làm việc thiếu kỷ luật, trì hoãn hay đổ lỗi,... Làm công việc không suôn sẻ, chúng ta bị khiển trách dẫn đến chán nản công việc?

Nếu thế thì thay vì thay đổi công việc hay môi trường làm việc, hãy thay đổi mình trước! 

Bước 3: Nhìn công việc của mình theo một góc nhìn khác

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng “take things for granted” nghĩa là thiếu trân trọng với những gì mình đang có và điều này có thể ảnh hưởng lên tâm trạng chúng ta khi làm việc. Hãy tìm thêm quan điểm, góc nhìn tích cực về công việc mình đang làm bằng cách hỏi người khác nghĩ gì về vị trí, công việc, thu nhập và cơ hội mình đang có. Biết đâu sau khi nghe xong lại thấy trân trọng hơn những gì mình đang có trong tay và bớt cảm giác chán nản. Chúng ta hay nhìn thấy cỏ phía bên ngoài hàng rào xanh hơn và ngó nghiêng thèm muốn. Nhưng thay vì giẫm chân tại chỗ trong chán nản, hãy lấy một xô nước tưới cỏ dưới chân mình và bắt sâu cho nó.  Nếu vẫn không cải thiện được thì lúc đó vượt rào qua bãi cỏ bên kia cũng không muộn, và hãy nhớ là không có một công việc hay một tổ chức nào hoàn hảo cả nên đừng kỳ vọng một môi trường làm việc hay công việc như mơ. 

Bước 4: Nói chuyện với quản lý trực tiếp

Trước tiên, hãy nghĩ và ghi ra 5 điều mà bạn thích và 5 điều chưa hài lòng về công việc mình đang làm. Sau đó, cân nhắc và chọn ra 2 điều mà mình muốn thay đổi để cải thiện sự hứng thú trong công việc đi kèm với đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi. Sau đó, hãy đề nghị một cuộc gặp riêng với quản lý trực tiếp và bắt đầu trước với những điều tích cực và cảm ơn quản lý của mình vì những trải nghiệm này, sau đó là vấn đề mong muốn cải thiện kèm giải pháp đề xuất.

Mục đích chính của cuộc nói chuyện này là để thể hiện với quản lý rằng chúng ra trân trọng công việc, trân trọng sự hỗ trợ của họ nhưng chúng ta cũng có những áp lực và khó khăn, mà nhiều khi không nói ra họ sẽ không biết để mà hỗ trợ chúng ta giải quyết. Là một người nhân viên chuyên nghiệp có trách nhiệm, chúng ta không chỉ biết nêu ra vấn đề mà hãy chuẩn bị và trình bày các giải pháp với quản lý, phân tích rõ các lợi ích của cách tiếp cận đó và thuyết phục họ là nếu thực hiện những thay đổi thì nó có lợi cho công ty/ tổ chức như thế nào.

Cách tiếp cận này sẽ giúp quản lý dễ đưa ra quyết định hơn, thực tế là chính chúng ta nhận diện vấn đề, tự đưa ra giải pháp phù hợp, họ chỉ việc phê duyệt nó thôi! Tất nhiên cũng cần lắng nghe ý kiến phản hồi của quản lý và xem họ có thêm giải pháp khác hiệu quả hơn hay không để cùng nhau giải quyết vấn đề. 

Bước 5: Cho bản thân và công việc thêm một cơ hội nữa

Sau tất cả những cân nhắc và nỗ lực, mình vẫn nghĩ cơ hội cuối cùng vẫn nên thử để đảm bảo quyết định của mình là đúng đắn là phù hợp nhất bằng cách cho mình thêm một thời gian nhất định (ví dụ 2-3 tháng) làm công việc đó mà không tìm kiếm một công việc thay thế. Lý do cho việc này là tạo ra sự thử nghiệm thực sự và công bằng cho 4 giải pháp ở trên, vì nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc từ bỏ thì nỗ lực cải thiện công việc hiện tại của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng và phân tán. Nếu sau thời gian đó mà vẫn không cảm thấy tốt hơn, hãy ngừng lại và tìm kiếm một cơ hội khác. 

Lúc này, hãy nhìn lại danh sách các yếu tố của một công việc mình yêu thích (ở bước 1) và tìm một công việc thỏa mãn những yêu cầu đó. Hãy luôn nhớ là không có một môi trường hay công việc hoàn hảo để chuẩn bị tâm thế cho nó. 

“Proactive, not reactive” - chủ động nhưng không phản ứng thái quá. Có một sự thật là mỗi người có một hoàn cảnh, câu chuyện và kỳ vọng rất khác nhau, đôi khi đam mê với một người là toàn bộ động lực nhưng với người khác nó lại là chuyện xa vời bởi áp lực cơm áo gạo tiền. Nếu chúng ta có một gia đình phải chăm lo, các hóa đơn và khoản nợ cần phải trả thì sự ổn định trong công việc và có một thu nhập an toàn là tất cả những gì chúng ta cần và tập trung vào làm tốt nhất công việc mình đang có thay vì chạy theo đam mê kèm những rủi ro khác.

Biết được điều gì quan trọng và ưu tiên cấp bách trong cuộc sống của mình để định hướng hành động chứ không chỉ đơn thuần nghe theo sự chỉ dẫn của cảm xúc, nhất thời. Suy cho cùng, một công việc đáng ghét cũng chỉ đơn giản là dấu hiệu hay thử thách để chúng ta thay đổi, đôi khi là thay đổi cách làm việc, thay đổi môi trường, thay đổi công việc hoặc thay đổi chính bản thân mình. Vì thế đừng ngần ngại hay sợ hãi mà hãy tạm ngừng lại, tìm một lối đi khác phù hợp hơn và trải nghiệm chính quá trình này. 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.