Làm gì trước những lựa chọn của cuộc đời | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 08, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Làm gì trước những lựa chọn của cuộc đời

Mình là GenZ, không phải cung Thiên Bình, nhưng mình vẫn đau đầu trước những lựa chọn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Ngày còn bé, mỗi khi bước ra khỏi nhà, mình sẽ luôn nghĩ xem nên chọn đôi xăng đan màu hồng hay giày thể thao màu trắng. Khi được mẹ cho đi mua học cụ lần đầu tiên, mình đứng hàng giờ ở tiệm văn phòng phẩm, băn khoăn nên lấy bút chì gỗ hay bút chì màu, chọn mực Hồng Hà hay mực Queen. 18 tuổi, cả năm học lớp 12 dành để đắn đo xem nên đi du học hay thi đại học tại Việt Nam.

Đến một thời điểm nhất định, mình nhận thức được rằng, sự trưởng thành của bản thân không hẳn được tính bằng vạch đo chiều cao mà mẹ đều đặn vạch lên tường, mà tính bằng số lần mình phải đưa ra những quyết định. Trần trụi hơn nữa, sự tăng lên của tuổi tác lại tỉ lệ thuận với mức độ quan trọng (hoặc nghiêm trọng) của những quyết định mà mình cần đưa ra.

Điều gì bảo toàn tính” đúng” của lựa chọn?

Chúng ta trong đời ai cũng sẽ trải qua việc phải lựa chọn. Đứng trước những quyết định dù nhỏ bé hay lớn lao, ắt hẳn luôn có những tính toán, hay chí ít là băn khoăn lùng bùng trong tâm trí đòi hỏi mình phải đưa ra quyết định sáng suốt. Đa phần, những băn khoăn này xuất phát từ nỗi lo sợ bản thân không thể chịu trách nhiệm cho hệ quả sau này. Sự lo lắng này có chính đáng không? Câu trả lời là “Có!” Bởi lẽ cuộc đời mình nhìn lại, là tổng hòa của những hệ quả đi ra từ những lựa chọn đã thực hiện. Hôm nay, một cô gái dân tộc thiểu số trở thành hoa hậu truyền cảm hứng, chính là vì cô ấy không chọn lấy chồng từ năm mười bốn tuổi theo ý gia đình, mà chọn theo đuổi tri thức.

Nói như vậy thì có phải, những người thành công đều có khả năng nhìn thấu tương lai, rồi đưa ra lựa chọn sao cho ứng khớp hoàn hảo với tương lai đó? Mình nghĩ là không. Nhưng mình tin có một công thức chung tạm thời áp dụng được đa số những tình cảnh buộc mình phải đưa ra lựa chọn, đó là chọn điều làm mình hạnh phúc. Điều này thực ra không trừu tượng và sáo rỗng như ta thường nghĩ. Ví dụ thế này nhé, trước một câu hỏi muôn thuở rằng người trẻ nên chọn theo đuổi một công việc vì đam mê hay vì tiền, mỗi người sẽ đưa quyết định khác nhau, tùy thuộc xem người đó định nghĩa như thế nào về hạnh phúc. Bạn A chọn một công việc vì tiền, vì với bạn A, nguồn tài chính ổn định là suối nguồn khởi tạo hạnh phúc. Bạn B quyết tâm đi theo công việc vì đam mê, chính là vì đối với B hạnh phúc chính là hằng ngày được cống hiến cho những gì mình ham thích. Chỉ cần xác định được hạnh phúc trong bạn là gì, thì việc đưa ra một lựa chọn sẽ không còn là hành động thuần cảm tính.

Thế nhưng, “quy tắc” trên không đảm bảo tuyệt đối rằng quyết định ta đưa ra sẽ là một lựa chọn sáng suốt mãi về sau, bởi quy chuẩn hạnh phúc không chỉ biến thiên với từng người, mà với mỗi người, đáp án cho câu nghi vấn “Điều gì làm bạn hạnh phúc?” cũng luôn bất định. Một cô gái khi còn trẻ coi việc trở nên xinh đẹp là ưu tiên, nhưng có thể nhiều năm sau, khi đã trở thành một người phụ nữ thì sự tự chủ, thành công mới khiến cô hạnh phúc. Vậy nên, nếu trong một thời khắc bất kỳ của cuộc sống, ta nhận ra quyết định này “sai lầm” (“sai lầm”- cách nói khác để miêu tả một quyết định không còn tương ứng với hạnh phúc ta đang theo đuổi), hãy chịu trách nhiệm với nó, và dũng cảm thay đổi bằng một quyết định khác phù hợp với ta của hiện tại.

Này cậu, người trẻ chợt nhận ra lựa chọn nào đó không còn đem lại hạnh phúc

Đã có giai đoạn trong cuộc đời, mình cố chấp đến khó tin. Mình nghĩ rằng vì đã chọn lựa, cân nhắc đủ đầy, nên quyết định của mình là sáng suốt nhất mọi thời đại. Bởi vậy, lý trí cứng cỏi không cho phép mình có bất kỳ hướng đi lạc đạo nào. Sự tích cực một – cách – tiêu - cực thường là công cụ hữu ích để con người tự an ủi mình trong những khoảnh khắc bản thân nhận ra điều gì không ổn, nhưng vẫn cố dối lòng với nguyên cớ “phải có lí do gì đó cho sự bắt đầu này”.

Trong một buổi học thể dục thời phổ thông, thầy giáo yêu cầu lớp mình phải chạy ba vòng quanh sân bóng. Thầy bảo trong một cuộc chạy dài, người chạy bền phải chia thành nhiều chặng khác nhau, với những quãng chậm hơn quãng khác, rồi mới có thể tăng tốc về đích. Cuộc đời cũng vậy, gồm nhiều giai đoạn, có lúc ta đi nhanh, có lúc ta đi chậm, nhưng những quãng ngắn dài đó ráp nối lại, sẽ đưa ta về với mục tiêu. Một lựa chọn sai ngày hôm nay, chỉ khiến cậu “tạm lệch” một quãng.

Vậy thì, xin cậu hãy an lòng!

Hãy an lòng vì trước mắt, còn nhiều chặng đường khác cần cậu tỉnh táo và can đảm định vị (lại). Đừng để cuộc đời mình hoàn toàn là con tàu trật bánh, chỉ vì một đoạn đường ray trục trặc.

Trong cuộc chạy bền của đời mình, chọn hạnh phúc, thỉnh thoảng đi bộ vừa để giữ sức, vừa ngẫm nghĩ xem mình có đang “lạc” không.