Làm sao để có thể bắt đầu thói quen đọc sách | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Làm sao để có thể bắt đầu thói quen đọc sách

Quyển “Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ” của tác giả James Clear và điều mình đúc kết để áp dụng vào việc đọc sách.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ” của tác giả James Clear là một tác phẩm đã dành được các hạng mục như New York Times Best-seller, Wall Street Journal Best-seller, USA Today Best-seller, Publisher’s Weekly Best-seller, và 100 tuần nằm trong top 20 tựa sách thể loại non-fiction bán chạy và được tìm đọc nhiều nhất Amazon. Quyển sách mong muốn mọi người có thể thay đổi từ thói quen nhỏ nhất của mình chỉ với 4 bước đơn giản, để từ đó có thể dễ dàng đạt được mục tiêu mong muốn của mình.

Sau khi đọc quyển sách này, mình đã nảy sinh ý định chia sẻ bài viết cũng như góc nhìn của mình vì mình nhận ra có rất nhiều bạn muốn bắt đầu thói quen đọc sách nhưng không biết bắt đầu từ đâu, nên đọc sách gì đầu tiên, và phải làm gì để duy trì được thói quen đó? Qua những nguyên tắc được tác giả chia sẻ và mình đúc kết được nhằm hướng tới thói quen đọc sách, mình hy vọng có thể giúp ích được các bạn, đặc biệt là các bạn có mong muốn đọc nhiều hơn nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.

Với các bạn bắt đầu đọc sách

Trước khi bắt đầu duy trì được thói quen, đầu này mình muốn viết dành riêng cho các bạn muốn bắt đầu đọc sách nhưng vẫn đang hoang mang chưa biết phải làm như thế nào.

1. Lliệt kê mục đích của bạn cho việc đọc sách

Ví dụ như bạn muốn đọc để thư giãn, để nâng cao kiến thức, để phục vụ cho việc nghiên cứu, hoặc vì một mục đích nào khác. Vì sao bạn cần liệt kê điều này? Việc xác định được mục tiêu đọc sách sẽ giúp bạn chọn lọc ra được những đầu sách phù hợp, đúng với định hướng mà hiện tại bạn đang ưu tiên hơn việc đọc đại trà và không phục vụ được cho nhu cầu của bản thân lúc bấy giờ. Ngoài ra, khi đã có mục đích của việc đọc sách, bạn sẽ quyết tâm hơn.

2. Trang bị một quyển sổ ghi chú

Trang bị cho mình một quyển sổ ghi chú để ghi lại những thông tin hữu ích vì biết đâu đến một lúc nào đó, bạn lại cần đến. Đôi lúc do chúng ta đọc quá nhiều nên chúng ta sẽ quên đi một số chi tiết ở quyển sách mà chúng ta đã từng đọc. Việc ghi chú lại chúng ta dễ dàng ôn lại những thông tin đã được chắt lọc khi chúng ta đọc các quyển sách trước đó.

3. Mở quyển sách ra và bắt đầu đọc

Có thể ban đầu, việc đọc nhiều trang sách một lần hoặc đọc nhiều giờ một ngày sẽ gây khó khăn cho người mới bắt đầu, đôi mắt bạn sẽ bị híp lại vì buồn ngủ. Do vậy, hãy đọc một cách từ từ, chậm rãi. Mỗi ngày, bạn chỉ cần đọc 1-3 trang thôi cũng đủ rồi. Sau khi chúng ta đã quen với nhịp độ, chúng ta có thể tăng lên đọc một chương một ngày, một quyển sách một tháng. Điều đó sẽ dễ hơn nếu ban đầu chúng ta ép bản thân phải đọc hết một chương liền tù tì hoặc thậm chí là đọc hết cả một quyển sách.

4. Chia sẻ cho bạn bè

Cuối cùng, sau khi đã hoàn thành hết một quyển sách, hãy chia sẻ cảm nhận, những thông tin hữu ích ấy cho bạn bè của các bạn. Có thể bằng cách trò chuyện, kể hoặc chia sẻ với nhau khi gặp mặt trực tiếp; hoặc các bạn có thể đăng bài review của mình lên mạng xã hội, từ đó sẽ lan toả được đến với nhiều ngừoi hơn và biêt đâu đó, bạn sẽ tìm được bạn đồng hành để bạn có thể duy trì được thói quen đọc sách thì sao?

Với các bạn đã đọc sách nhưng khó khăn trong việc duy trì thói quen

Vì một vài lý do, mọi người có thể áp dụng 4 nguyên tắc được đề cập trong quyển “Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ” mà mình đã giới thiệu bên trên. Cụ thể như sau:

Nguyên tắc số 1: Hãy nó trở nên rõ ràng.

Chúng ta hãy thử đặt quyển sách ở trên gối mỗi khi thức dậy. Điều này giúp bạn có thể dễ dàng nhìn thấy sách, tiếp cận nó, và đọc trước khi đi ngủ hơn là việc bạn để sách ở một căn phòng khác khiến chúng ta thỉnh thoảng “lười” phải di chuyển qua đó. Dẫn đến việc chúng ta sẽ bỏ lỡ một ngày đọc sách, và nó sẽ dần vô tình trở thành thói quen làm các bạn không còn muốn đọc sách mỗi ngày nữa.

Nguyên tắc số 2: Hãy khiến nó trở nên hấp dẫn

Hãy có một phần thưởng sau khi thực hiện thói quen đó nhưng hãy chọn giải thưởng phù hợp chứ không phải để bạn rời bỏ thói quen. Nếu như phần thưởng của bạn là một ngày xả hơi không đụng đến sách sau ngày đọc sách hôm nay thì thật vô lý! Hoặc chúng ta có thể tham gia một hội nhóm đọc sách để mọi người đều có thể xây dựng văn hoá đọc, tạo động lực cho nhau.

Nguyên tắc số 3: Khiến nó dễ dàng – tạo ra sự lặp đi lặp lại.

Nguyên tắc này cũng giống với phần bắt đầu đọc sách dành cho các bạn mới bắt đầu. Thay vì các bạn đặt mục tiêu là đọc 1 quyển sách mỗi tuần, thì hãy chọn nó một cách dễ dàng hơn như đọc 4-5 trang sách mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thử thách dễ đạt hơn, bạn cảm tưởng sẽ có khả năng đạt được hơn là việc bạn đặt ra mục tiêu quá xa và bạn nghĩ mình không có khả năng chạm tới, dẫn đến bạn mặc kệ, bỏ qua điều đó.

Nguyên tắc số 4: Khiến nó tạo cảm giác thoả mãn

Chúng ta có xu hướng lặp lại việc đó nếu điều đó mang đến cho chúng ta trải nghiệm tích cực. Do vậy, sau khi đọc quyển sách, các bạn có thể viết cảm nhận, review để chia sẻ nó đến với mọi người. Khi nhận được sự quan tâm, tranh luận của người khác, điều đó giúp bạn có thể mở mang được kiến thức và cảm thấy việc mình làm là hữu ích, xứng đáng.

Tóm lại

Dù cho bạn là người mới bắt đầu hay đã đọc sách một thời gian nhưng vì lý do nào đó khiến bạn khó duy trì thói quen, hãy cố gắng duy trì nó mỗi ngày dù cho chỉ là 1 trang sách. Chắc chắn sẽ có ngày bạn sẽ biết ơn bản thân về điều đó. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn duy trì được thói quen đọc của mình.