Làm sao để lắng nghe tốt hơn: Đừng bị đánh lừa bởi chính bộ não của bạn! | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 07, 2021
Chất Lượng Sống

Làm sao để lắng nghe tốt hơn: Đừng bị đánh lừa bởi chính bộ não của bạn!

Mọi cuộc trò chuyện và mọi mối quan hệ của bạn đều sẽ được cải thiện, hãy bắt đầu chỉ bằng một phút thực sự chú tâm và lắng nghe.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Khi mình theo học chương trình về Giáo dục mầm non, có một lớp tên là Kỹ năng quan sát trong dạy học. Vào buổi học đầu tiên, cô giáo nhờ một bạn bê một chiếc khay đi quanh lớp. Trước khi bắt đầu, cô chỉ nói duy nhất một câu là “Mọi người hãy quan sát thật kỹ nhé!”. Vậy là bạn đó bắt đầu đi qua các dãy bàn. Mình và các bạn khác chăm chú nhìn, cố gắng ghi nhớ những đồ vật có trên chiếc khay. Sau vài phút, cô giáo hỏi chúng mình đã nhìn kỹ chưa. Một vài người tự tin nói “Rồi ạ!”, số còn lại thì bận trao đổi với nhau xem có nhớ thiếu gì không. Cuối cùng, cô đưa ra câu hỏi “Đôi giày mà người bạn của chúng ta mang là màu gì?”. Và ngạc nhiên chưa, một lớp 25 con người, không có một ai trả lời đúng, mà chính xác hơn là không trả lời được bởi vì có ai nhìn xuống đôi giày của bạn ấy đâu!

Rõ ràng là bộ não của chúng ta đôi khi chỉ tập trung đến một số chi tiết, mà quên đi nhiều yếu tố khác cùng tồn tại ở một thời điểm nhất định. Điều này cũng rất thường xuyên xảy ra khi chúng ta giao tiếp. Cách mà não bộ xử lý thông tin đã khiến sự việc “tưởng vậy mà không phải vậy”.

Hiệu ứng “Bữa tiệc cocktail” (Cocktail party effect)

Hay còn được gọi là “nghe có chọn lọc” (Selective hearing) là một phản ứng tự nhiên của bộ não, nhằm hạn chế việc quá tải trong xử lý thông tin. Hãy tưởng tượng bạn đang có mặt ở một bữa tiệc ngập tràn tiếng nhạc và tiếng cười nói. Sẽ không dễ dàng gì để bỏ ngoài tai những tiếng ồn nếu bạn đang cố gắng trò chuyện với ai đó. Tất cả những gì bạn có thể làm là cố gắng nghe những từ khoá và suy đoán phần còn lại sao cho câu chuyện có ý nghĩa và liên quan nhất có thể. Sự thật là, bộ não của chúng ta thường xuyên làm điều này một cách vô thức, không nhất thiết là phải ở một bữa tiệc.

Vào năm 2015, Michael Halassa, một nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh tại Viện nghiên cứu não bộ McGovern của Học viện công nghệ Massachusetts, cùng các đồng nghiệp của anh đã thí nghiệm trên loài chuột về cơ chế hoạt động này của não bộ. Những chú chuột này được huấn luyện để chạy dựa trên tín hiệu đèn pin và các âm thanh quét. Khi đưa ra cả 2 tín hiệu có phần đối nghịch nhau, các nhà nghiên cứu cũng đồng thời gợi ý rằng một tín hiệu là kém quan trọng hơn. Phản xạ của những chú chuột đã làm họ rất ngạc nhiên vì khả năng tập trung sự chú ý vô cùng hiệu quả. Nói cách khác là, não bộ có khả năng ưu tiên các thông tin quan trọng hơn và bỏ qua những dữ liệu không liên quan khác.

Bộ não của chúng ta có thực sự khiến chúng ta tốt hơn?

Khi lựa chọn lắng nghe chỉ một số chi tiết và bỏ qua phần còn lại, bộ não của chúng ta đang cố gắng hoạt động một cách thông minh và hiệu quả hơn. Nhưng đồng thời, lại biến chúng ta thành những kẻ không biết lắng nghe. Liệu bạn có nhận ra thay vì nghe chồng mình kể về một ngày làm việc mệt mỏi của anh ấy thì bạn chỉ nghe một nửa rồi bận bịu lo lắng về việc nấu gì cho bữa sáng ngày mai? Hay đã bao giờ bạn chăm chú lướt Facebook trên điện thoại và chỉ ậm ừ cho qua khi vợ mình đang chia sẻ mối bận tâm của cô ấy về kết quả học tập của đứa con trai 17 tuổi chưa?

Mình cá là nếu chồng hay vợ bạn yêu cầu bạn thuật lại những gì họ vừa nói thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn đấy. 

Cuộc chiến trường kỳ nhất chính là cuộc chiến với chính mình

Để trở thành người biết lắng nghe, không có cách nào khác là bạn phải đấu tranh với chính bộ não của mình. Thay vì chỉ nghe có chọn lọc, chúng ta cần lắng nghe một cách chủ động (active listening). 

Một trong những mẹo nhỏ mà các bạn có thể áp dụng để chống lại hiệu ứng “bữa tiệc cocktail” là “Luôn luôn đặt câu hỏi”, thay vì gật đầu đồng tình lia lịa mà không thực sự biết mình vừa nghe điều gì. Đặt câu hỏi trong quá trình lắng nghe, để hướng sự tập trung vào câu chuyện một cách toàn diện. Và đặt câu hỏi sau khi lắng nghe, để đảm bảo sự thấu hiểu đúng đắn và sâu sắc. 

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thứ hàng hoá đắt đỏ và được săn lùng nhất chính là “sự chú ý”. Các nền tảng mạng xã hội, các kênh truyền tải thông tin đều cố gắng chèn vào các quảng cáo để thu hút người xem. Chỉ với một phút bạn dành ra để nhìn ngắm những bộ quần áo của Zara được chào bán trên Facebook có thể mang về cho các nhà kinh doanh hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đô Mỹ. Vậy nếu sự chú ý của bạn đắt giá đến thế, hà cớ gì mà không để dành cho chính những người thân yêu?

Mọi cuộc trò chuyện và mọi mối quan hệ của bạn đều sẽ được cải thiện, hãy bắt đầu chỉ bằng một phút thực sự chú tâm và lắng nghe.