Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Nela Canovic trên Quora.
Đây là suy nghĩ của riêng tôi. Những nhà khắc kỷ thời kỳ đầu như Seneca, Zeno, Marcus Aurelius, và Epictetus không bao giờ xem bản thân họ là người nổi tiếng cả. Tôi nghĩ tiếng tăm không hề nằm trong danh sách mục tiêu cuộc đời của họ. Họ tập trung vào việc làm thế nào để sống một cuộc đời đức hạnh, ý nghĩa hơn, một cuộc đời hướng vào nội tại hơn là ngoại tại.
Đây là những gì mà tôi thấy hấp dẫn về chủ nghĩa khắc kỷ. Khi chúng ta đã tìm được cách để áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày, chủ nghĩa khắc kỷ có thể làm phong phú thêm suy nghĩ, hành động và hệ niềm tin của chúng ta. Nó cũng có thể giúp ta định hướng dễ dàng hơn nhờ vào tất cả những bất ngờ nho nhỏ hay to lớn ẩn chứa trong cuộc sống. Và hơn hết, chủ nghĩa khắc kỷ giúp ta thấu hiểu nhiều hơn về chính bản thân ta.
Có thể đó là lý do vì sao bạn nghe đến chủ nghĩa khắc kỷ dạo gần đây. Nhiều người không xem nó là một khái niệm triết học, mà là một lối sống. Họ nhận ra những quyển sách của các triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ mang lại nhiều thông tin giá trị, bổ ích, và sự khôn ngoan. Seneca bỗng trở thành người cố vấn của họ, thậm chí là cả Marcus Aurelius nữa. Họ tìm được cách thức để thực hành những gì được học từ các nhà cố vấn này, và áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ như là một lối sống.
Nếu bạn cũng có suy nghĩ như thế, thì chủ nghĩa khắc kỷ sẽ mang đến những giá trị to lớn.
Quay lại trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu đề, để trở thành người theo chủ nghĩa khắc kỷ, cách thức chính là luyện tập áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống hằng ngày.
Dưới đây là bảy cách thiết thực chúng ta có thể học và làm theo:
1. Học cách sống với sự khó chịu
Trở thành một người theo chủ nghĩa khắc kỷ không có nghĩa là chỉ sống xoay quanh những thứ vật chất hay những người giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái, và cho rằng sự thoải mái này sẽ giúp bạn hạnh phúc. Ngược lại, chủ nghĩa khắc kỷ nghĩa là chấp nhận đối mặt với những thử thách trong cuộc sống và học cách chung sống hoà bình với sự khó chịu.
Tại sao điều này lại quan trọng? Vì nếu như hôm nay nắm một thứ gì đó trong tay, bạn có thể cho rằng việc sở hữu chúng là điều đương nhiên, và rằng chúng sẽ ở bên bạn mãi mãi. Nhưng có thật sự “mãi mãi" không? Nếu như bạn học được cách tự dựa vào bản thân, thì khi những khó khăn ập đến, bạn có thể sẵn sàng đương đầu với chúng. Làm sao để tự dựa vào bản thân? Trước tiên, khi gặp một vấn đề khó khăn, đừng bỏ cuộc hay quay sang nhờ ai đó giúp đỡ ngay. Hãy thử tự giải quyết lấy, dù có thể khi loay hoay tìm giải pháp bạn sẽ phạm sai lầm, nhưng không sao đâu.
2. Giữ tâm trí thanh tịnh
Chúng ta rất hay có hằng hà sa số suy nghĩ quay vòng trong đầu, mà chủ yếu lại toàn những suy nghĩ tối tăm, và chuyện này rất bình thường. Những suy nghĩ đó cũng có thể tiêu cực, tự phê bình, và đầy tính phủ nhận. Chúng có thể toàn tập trung vào những thất bại trong quá khứ, những lần mắc sai lầm đầy xấu hổ, và còn xâm nhập vào những nỗi bất ổn của ta. Nhưng tin tốt là: dù cho bạn có suy nghĩ như thế chăng nữa, bạn không phải những gì bạn nghĩ. Bạn lớn hơn suy nghĩ của bạn nhiều.
Có cách để quản lý những suy nghĩ bộc phát này hiệu quả và không để chúng chế ngự cuộc sống của bạn. Hãy thử thiền một phút ngắn thôi để làm dịu lại tâm trí và kiềm hãm lại các suy nghĩ tiêu cực – thử ứng dụng như the Headspace hoặc Calm trên điện thoại để giúp bạn xây dựng thói quen thiền. Hay bạn cũng có thể thử tập bài tập thở 4-7-8 để giúp giảm căng thẳng và suy nghĩ thông suốt hơn.
3. Tận dụng những thế mạnh của bản thân
Những nhà khắc kỷ không cho rằng phải thay đổi bản thân hoàn toàn mới đạt được một cuộc sống chất lượng cao. Họ tin vào việc tận dụng những thế mạnh và khả năng đặc biệt sẵn có. Bạn có thể trau dồi khoảng này theo hai hướng.
Đầu tiên, hãy thử nhìn nhận bản thân một cách trung thực: bạn đang làm gì và cuộc sống của bạn đang tiến diễn như thế nào? Bạn có đang đánh giá cao năng lực bản thân không? Bạn có khách quan và thực tế khi nhìn nhận khả năng và phương pháp tiếp cận để đạt được mục tiêu không?
Thứ hai, tìm ra cách tận dụng những gì bạn sở hữu: tính cách, sở trường và kĩ năng mà bạn tự hào. Sau đó, hãy tập trung vào những điều này, và vào quá trình phát triển các điểm mạnh của bạn. Đừng lo lắng về những điểm yếu tiềm ẩn hay những thứ mà bạn chưa sở hữu.
4. Học cách “khổ trước, sướng sau”
Những thói quen hằng ngày của chúng ta thường sẽ thế này. Vào một sáng đẹp trời, ta tràn trề năng lượng và hào hứng khởi đầu một ngày mới bằng việc kiểm tra email, mạng xã hội trên điện thoại, rồi nhắn tin với bạn bè. Bạn có nghĩ đây có phải cách tốt nhất để bắt đầu một ngày không?
Buổi sáng là thời gian lý tưởng để giải quyết những việc khó xơi nhất. Hãy thử tối ưu hoá mỗi buổi sáng bằng việc xây dựng thói quen ưu tiên xử lí những công việc có độ khó cao vào sáng sớm. Điều này sẽ giúp giải quyết được tình trạng trì hoãn mỗi khi kì thi đến, hay hoàn thành một dự án trong công việc. Hơn thế: thói quen này sẽ cải thiện khả năng tập trung để não bạn làm việc hiệu quả hơn bất cứ lúc nào trong ngày.
5. Luyện tập tính tự giác - kỷ luật
Đây có thể là thói quen hàng đầu cần đạt được nếu bạn muốn thực hành chủ nghĩa khắc kỷ. Tại sao? Vì bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi giải quyết công việc theo thứ tự khổ trước - sướng sau.
Khi đã có ý thức cao về tính tự kỷ luật, bạn sẽ ưu tiên những việc khó trước rồi tự thưởng cho bản thân sau. Thậm chí còn có tài liệu khoa học chứng minh điều này. Thí nghiệm Marshmallow ở Đại học Stanford cho thấy: khi bạn ưu tiên những công việc không mang lại thoả mãn tinh thần tức thời, khả năng thành công trong nhiều lĩnh vực cuộc sống sẽ tăng lên. Ví dụ, nếu bạn muốn xem một một bộ phim hay gọi điện “tám” chuyện với bạn bè, hãy chờ sau khi hoàn thành xong những công việc đã được lên kế hoạch trước đã.
6. Không lãng phí thời gian vào những việc vô nghĩa
Nhà triết gia La Mã theo chủ nghĩa Khắc kỷ, Seneca, đã dành một phần của quyển sách “On the Shortness of life“ (Tạm dịch: Ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc đời) để nói về điều này. Đây đã là một vấn đề đau đầu cho những người thời đó rồi đấy! Seneca miêu tả về tính phàm ăn, tính hư danh chỉ chăm chăm vào vật chất và cố gắng gây ấn tượng với người khác. So ra thì không khác gì với thế giới của chúng ta, một thế giới xoay quanh mạng xã hội, nơi nhiều người bận rộn tạo dựng hình ảnh hư ảo về lối sống nhìn-có-vẻ xa hoa của họ.
Lời khuyên của Seneca là hãy sử dụng thời gian khôn ngoan hơn. Ví dụ, luôn tập trung vào một mục tiêu cụ thể bạn đang cố gắng hướng tới. Đừng nói chung chung, hãy lên kế hoạch chi tiết để đạt được nó. Đừng khiến cho những tình huống bộc phát, cơ hội, hay hành vì nào ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của bạn. Seneca cũng nói rằng, không gì xảy đến với một người khôn ngoan mà trái với dự định của họ cả.
7. Điều chỉnh các trở ngại theo chiều hướng tốt hơn
Khi gặp một trở ngại, ta thường có xu hướng phản ứng lại bằng cách phàn nàn. Thật không công bằng! Không tài nào sửa được! Không phải lỗi của tôi! Nhưng phàn nàn không thay đổi được gì cả. Điều làm nên khác biệt chính là tinh thần chủ động tiên phong.
Đầu tiên, bạn phải học cách liệu trước những chướng ngại. Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho bản thân, những chướng ngại này sẽ không còn quá to tát hay quan trọng khi chúng xảy đến. Thứ hai, tận dùng cơ hội này để dừng lại, học hỏi điều mới, suy ngẫm và thử một hướng giải quyết khác có thể mang lại kết quả tốt hơn. Và thứ ba, tận dụng thời gian này để tinh thông một lĩnh vực và thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Bằng cách loại bỏ trở ngại, bạn sẽ tiến về phía trước nhanh hơn, theo chiều hướng tốt hơn. Khi đó, bạn sẽ càng thành thục áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ trong cuộc sống.