Làm thế nào để đi từ ý tưởng tới khởi nghiệp? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 05, 2021
Kinh DoanhKhởi Nghiệp

Làm thế nào để đi từ ý tưởng tới khởi nghiệp?

Nếu bạn đã có sẵn ý tưởng hay ho và đang dự tính khởi nghiệp, nhưng vẫn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Đây sẽ là 6 câu hỏi dẫn đường cho bạn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Brett Fox trên Quora.


Khi tâm sự công việc kinh doanh của mình, bố tôi có bảo, “Bố chưa bao giờ tìm kiếm thứ gì hết, cứ làm và tiến về phía trước thôi.” Bây giờ, dù yêu và nhớ ông rất nhiều, nhưng có lẽ chỉ cần lên kế hoạch chỉnh chu một chút trước khi bắt tay vào thực hiện, thì bố tôi có thể sẽ thành công hơn nữa.

Theo ý kiến từ kinh nghiệm của riêng tôi, bạn cần trả lời 6 câu hỏi sau trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.

1. Bạn có chiêu mộ được đội ngũ cùng khởi nghiệp không? 

Sẽ rất gian nan để đến được thành công nếu không có một đội ngũ giỏi giang cùng đồng hành. Bạn phải thực tế về việc làm thế nào để xây dựng đội ngũ cho riêng mình.

Ví dụ, trước khi dấn thân vào ngành vi mạch điện tử analog, tôi phải trả lời một câu hỏi lớn rằng: liệu tôi có thể chiêu mộ được một kĩ sư tài năng để xây dựng sản phẩm mà tôi muốn không? Câu trả lời rất đơn giản, chỉ "có" hoặc "không" thôi.

Ban đầu khi mới khởi nghiệp, câu trả lời của tôi là “không” vì những đối thủ lớn trong ngành vỗn đã sở hữu rất nhiều nhân tài với hàng đống ý tưởng hay ho. Khi thị trường chưa có gì biến động, thì tôi không cần phải nhảy vào làm gì. Nhưng may mắn là thị trường đã có biến động. 

Tìm đội ngũ của bạn ở đâu? Bạn có thể chiêu mộ được nhân tài mà bạn cần không? 

Giả sử như bạn đã thuê được một đội ngũ tuyệt vời rồi, thì tiếp theo bạn cần phải biết được…

2. Bạn cần bao nhiêu tiền? 

Tôi đang đề nghị bạn vạch ra và phát triển một kế hoạch tài chính. Kế hoạch này không cần quá phức tạp, nhưng phải ước lượng được số tiền bạn cần mỗi năm cho tới khi bạn nghĩ là việc kinh doanh sẽ mang lại lợi nhuận. 

Kế hoạch tài chính sẽ luôn phải thay đổi thường xuyên, vậy tại sao phải tốn thời gian cho nó? 

Cứ tưởng tượng bạn sẽ thấy như thế nào nếu trên chuyến bay từ New York tới San Francisco mà cơ trưởng lại thông báo, “Thưa hành khách, hệ thống định vị và liên lạc của máy bay hiện không hoạt động vào hôm nay. Chúng tôi không biết chính xác những máy bay khác đang ở hướng nào, và hiện chúng tôi cũng không có bản đồ nào ở đây. Nhưng chúng tôi vẫn cứ tiếp tục bay và cố gắng định vị hết sức có thể.”

Bạn sẽ chọn ở lại, hay nhấn nút gọi khẩn cấp để yêu cầu được xuống máy bay? 

Chắc chắn tôi và những hành khách khác sẽ nhấn nút gọi rồi đấy, còn bạn thì tôi không biết. 

Kế hoạch của bạn dù chưa hoàn thiện nhưng sẽ đóng vai trò như một hệ thống dẫn đường. Không có kế hoạch nghĩa là bạn đang mạo hiểm với tỉ lệ rơi và cháy máy bay đấy.

Giờ, ít nhất là bạn đã ước lượng được số tiền cần thiết, bây giờ cần phải tìm hiểu…

3. Làm thế nào để kiếm được số tiền đó? 

Công ty nào cũng rất cần tài chính. Phần lớn mọi người khi mới khởi nghiệp sẽ sử dụng nguồn tiền của bản thân, hay mượn vài phần từ bạn bè và gia đình. 

Theo thời gian, tình hình tài chính của bạn sẽ cần phải thay đổi. Có thể bạn sẽ vay ngân hàng, hay bạn cần gây vốn đầu tư từ những nhà đầu tư thiên thần hoặc từ nhóm đầu tư mạo hiểm. Bất kể là gây vốn ở đâu, thì bạn cũng cần đủ tiền để duy trì kinh doanh ít nhất trong vòng hai năm. 

Giả sử như bạn cần 100.000 đô la để duy trì doanh nghiệp trong hai năm đầu. Bản thân bạn có tiền không? Bạn có thể gây vốn từ bạn bè hay gia đình không? 

Bạn cần có khả năng trả lời câu hỏi này với tinh thần tích cực, nếu không bạn sẽ chẳng thể nào thành công đâu. 

Câu hỏi tiếp theo là...

4. Bạn đang nhắm tới thị trường nào?

Một khi bắt đầu chạy trên đường đua, thì thị trường mục tiêu mà bạn đang nhắm vào là thứ sẽ thay đổi đầu tiên. Hãy đọc quyển sách kinh điển về khởi nghiệp "Thách thức sáng tạo" (The innovator’s dilemma) của Clayton Christensen và bạn sẽ hiểu tại sao.

Nhưng bạn vẫn phải cần định hướng mục tiêu cho doanh nghiệp của mình. Bạn dự tính thử sức và phục vụ cho thị trường mục tiêu nào? Thị trường đó có đang phát triển không? Ai là đối thủ của bạn trong thị trường này? Tôi sẽ bàn về phần này rõ hơn trong mục 6. 

Tiếp theo, bạn cần phải tìm ra…

5. Làm sao để khách hàng nhận diện được sự tồn tại của doanh nghiệp bạn? 

Quan niệm “cứ xây đi, rồi điều gì tới sẽ tới” không còn hiệu quả nữa. Bạn cần phải tìm được cách khiến khách hàng nhận diện được doanh nghiệp của bạn.  

Và, để làm rõ được điều này, thì một phần quan trọng là phải xác định được số tiền mà bạn cần chi ra. Mong rằng bạn có thể dùng mối quan hệ để giành được khách hàng đầu tiên, nhưng khả năng  cao là không thể đâu.

Cuối cùng, bạn cần phải trả lời…

6. Tại sao khách hàng phải mua sản phẩm của bạn?

Khi mới khởi nghiệp, thì dù có hơn đối thủ 5% hay 10% cũng không đủ. Bạn cần có một lợi thế KHỔNG LỒ.

Lợi thế khổng lồ mà tôi nói đến nghĩa là phải hơn gấp 10 tới 100 lần so với các đối thủ khác. 

Hãy luôn nhớ: thế giới này vẫn sẽ vận hành như thường dù doanh nghiệp của bạn có tồn tại hay không. Bằng một cách nào đó, khách hàng vẫn sẽ ổn dù có bạn hay không. 

Khách hàng cũng có những phương án giải quyết dự trù của riêng họ. Tại sao họ lại mạo hiểm với doanh nghiệp của bạn?

Câu trả lời là: khách hàng sẽ không đổi sang sử dụng phương án của bạn, trừ khi bạn có một lợi thế rõ rệt, chứng minh rằng làm việc một công ty vô danh cũng đáng để mạo hiểm. 

Công ty của tôi là một dẫn chứng ngoài đời đấy. Lượng bán hàng tiếp tục tăng vì sản phẩm của chúng tôi tốt lên dần từ 30% đến 100%, rồi lên tới 1000%. Bạn sẽ muốn khách hàng chẳng phải nghĩ ngợi gì khi mua hàng của bạn.