Overthinking là suy nghĩ về điều gì đó quá mức hoặc quá lâu, khiến cho bản thân trở bồn chồn và lo lắng, tâm trạng bất ổn.
Cần phân biệt rõ ràng giữa suy nghĩ thấu đáo - cân nhắc và đưa ra quyết định hoặc đánh giá tình huống một cách hợp lí, phù hợp và suy nghĩ “thái quá” - khi vấn đề cứ quanh quẩn trong đầu bạn mà không thể thoát khỏi, đồng thời cũng không giải quyết được gì.
Overthinking xuất hiện hầu hết trong mọi phương diện của cuộc sống và khác nhau đối với mỗi người. Từ việc chọn quần áo mỗi buổi sáng, hay liệu bạn có nên cưới người yêu hiện tại không. Nó cũng khác nhau tùy thuộc vào những giai đoạn mà ta trải qua trong cuộc đời, môi trường, và sự tương tác với xã hội.
Đối với tôi, tôi đã từng cảm thấy vô cùng rối bời và cảm thấy bế tắc trong giai đoạn nộp đơn vào trường đại học. Năm đó, do dịch bệnh COVID-19 nên các trường đại học thay đổi và cân nhắc các tiêu chí xét tuyển khác với mọi năm, và so với tôi đã chuẩn bị. Bởi vì hồ sơ các hoạt động ngoại khóa của tôi lúc ấy chưa vững và nổi bật cho lắm. Vậy nên tôi đã dồn hết sức để ôn tập các bài thi chuẩn hóa như SAT để bù vào. Nhưng đến cuối thì các trung tâm thi đều phải đóng cửa vì tính an toàn, nên tôi đã không có điểm kèm theo hồ sơ ứng tuyển của mình.
Thú thật là giai đoạn đó vô cùng áp lực. Tôi phải đầu tư hơn vào phần bài luận - cũng là lúc tôi nhận ra khả năng viết và diễn đạt của mình còn rất kém. Tôi cũng chẳng có ý tưởng nào ấn tượng để kể như các bài viết từ học sinh được nhận vào khối Ivy League mà tôi tham khảo trên mạng.
Nói tóm lại, điều khiến tôi lo lắng nhất lúc bấy giờ là sẽ không được nhận vào ngôi trường đại học mà tôi mong muốn. Tôi tự hỏi: Liệu mình có đậu không? Nếu không đậu thì mình sẽ học ở đâu? Liệu mình đã đi đúng hướng hay chưa? Liệu ngành học này có phù hợp với mình không? Gia đình mình có đủ khả năng để chi trả học phí ở trường mình chọn không? Lúc đó, tôi gần như là bế tắc!
Tôi đã cố vạch ra một kế hoạch hoàn mỹ cho tương lai của mình và không ngừng lo sợ nếu như có chuyện gì đó làm cho mọi thứ đi lệch quỹ đạo. Liệu lúc đó có quá trễ để thay đổi hướng đi khác hay không? Tôi sẽ hối hận với những quyết định của mình chứ?
Những thắc mắc và nghi ngờ như vậy cứ tiếp diễn ngày qua ngày, thậm chí là qua vài tháng. Nhưng rõ ràng rằng đây là những câu hỏi không mang tính nhìn nhận lại bản thân một cách hiệu quả, mà thay vào đó là suy nghĩ quá nhiều một cách không hiệu quả, bế tắc và nếu dài lâu có thể đã khiến tôi suy sụp và trầm cảm.
Nhận thức rõ được tình hình không diễn ra một cách tích cực, tôi đã cố tìm cách để thoát ra và dừng việc overthinking lại, cũng như tìm những lời khuyên từ mọi người quanh. Đa phần những câu trả lời tôi nhận được phần lớn đều có nội dung như là:
- Hãy bỏ những điều tiêu cực lại ở quá khứ
- Hãy học cách điều khiển và kìm nén cảm xúc của bản thân
- Hãy thật bận rộn để quên đi việc suy nghĩ quá nhiều
Tuy nhiên, không phải vì những lời khuyên này không tốt, nhưng cá nhân tôi thấy nó không hiệu quả. Tôi nhận ra rằng thật sự không gì có thể ngăn việc overthinking lại, vì nó phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Vậy nên tôi đã nói với bản thân rằng mình không cần dừng việc overthinking lại, mà học cách đối mặt và phản ứng như thế nào với nó.
Một trong những lí do khiến cho chúng ta bị overthinking đó là vì niềm tin rằng: nếu chúng ta dành nhiều thời gian để suy nghĩ về một việc gì đó bảo đảm chúng ta sẽ trải qua mọi tình huống và kết quả có thể xảy ra; từ đó ta đứa ra được quyết định và lựa chọn tốt nhất có thể.
Nhưng trong thực tế, cách chúng ta dành thời gian để suy nghĩ về việc đó không quan trọng bằng việc chúng ta sẽ dành thời gian đó để làm gì. Hãy thành thật với bản thân và chấp nhận những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
Vietcetera đã từng đề cập rằng, một trong những cơ chế phòng vệ cơ bản và phổ biến nhất của con người chính là Chối Bỏ (Denial):
“Chối bỏ có thể là từ chối thẳng thừng sự tồn tại của sự việc, hoặc vẫn thừa nhận tầm quan trọng của sự việc nhưng cố tình giảm sự tồn tại của nó," trích Ngọc Hà
Nỗi sợ mất mát
Nỗi sợ xấu hổ và bị xem thường
Nỗi sợ bị đánh giá
Đây chính là những lý do thường gặp nhất khiến chúng ta từ chối tình trạng của bản thân. Vì sợ những điều không hay đến từ sự thật.
Đắm chìm trong cảm giác thoải mái tạm thời khi chối bỏ thực tế không thể giải quyết vấn đề mà ta đang có mà chỉ mang ta lại tiếp tục phải suy nghĩ quá mức về nó.
Thành thật cần sự can đảm: bạn cần phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tiếp xúc với những cảm giác “khó chịu", “hoang mang" và không ổn định so với trước đây.
Hãy tự hỏi rằng liệu chuyện khiến bạn nghĩ đến “đau đầu” có nằm trong tầm kiểm soát của bạn hay không, hay nó là lỗi (tác động) của người bên ngoài.
Nếu như đó là lỗi đến từ chúng ta thì hãy nhìn nhận lỗi lầm đó của mình và hiểu rằng không phải ai cũng hoàn hảo để không phạm sai lầm. Từ đó rút ra bài học cho chính mình và lên kế hoạch để cải thiện bản thân trở nên tốt hơn. Trong trường hợp của tôi, hồ sơ xét tuyển đại học, tôi đã dành thời gian để cải thiện kĩ năng viết luận của mình, tích cực tham gia và đăng ký các hoạt động tình nguyện cho các tổ chức phi lợi nhuận online dù là mùa dịch.
Ngược lại, nếu những việc khiến ta suy nghĩ nhưng không thể kiểm soát được - hành động, phản ứng, suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, lựa chọn của người khác - phần lớn là vô ích và lãng phí năng lượng. Thay vào đó, tại sao không trở nên linh hoạt và lập một kế hoạch thay thế nếu như mọi việc không diễn ra như ý ta mong muốn?
Ví dụ như trong trường hợp của tôi, tôi không thể kiểm soát được kết quả đưa ra từ các nhà tuyển sinh. Họ sẽ có bất kì lí do nào để có thể nhận hay không nhận tôi vào trường của họ. Bỏ qua việc lo lắng xem mình có được nhận hay không, tôi đã vạch ra một kế hoạch ở một ngôi trường khác, ở thành phố khác, và tôi nhận ra, mỗi lựa chọn đều mang đến những niềm vui và lợi ích bất ngờ khác nhau chứ không phải lúc nào cũng tệ. “Everything happens for a reason” (Tạm dịch: Mọi việc xảy ra đều có lí do của nó)
Lời kết
Đôi khi chúng ta dành nhiều thời gian để lo lắng quá nhiều về một chuyện gì đó - Overthinking. Nhưng đến cuối cùng, ta chợt nhận ra rằng điều ta đang lo lắng không phải sự thật hay sẽ không xảy ra.
Overthinking là một điều rất tự nhiên, đặc biệt là khi có quá nhiều thứ xảy ra trong cuộc sống khiến bạn phải bận tâm. Nhưng hầu hết thời gian, nó là không cần thiết. Hãy phân biệt rõ ràng giữa việc suy nghĩ cẩn thận và thấu đáo, với việc lo lắng thái quá.
Hãy huấn luyện não của mình để ngừng lo lắng về những điều ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Hãy thành thật với chính mình.