Làm thế nào để giúp trẻ theo đuổi mục đích cuộc đời mình? | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 06, 2021
Cuộc SốngGia Đình

Làm thế nào để giúp trẻ theo đuổi mục đích cuộc đời mình?

Trả lời được câu hỏi: “Lớn lên con muốn làm gì?” hay “Ước mơ của con là gì?” quan trọng hơn rất nhiều so với việc làm toán đúng hay viết chữ đẹp.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trong bộ phim Hàn Quốc mình xem gần đây, tựa đề "Khởi Nghiệp" (Tên tiếng Anh: Start-up), có một nhân vật là cậu bé thần đồng Nam Do San đạt huy chương vàng Olympic toán học khi còn rất nhỏ. Khi được gặp huấn luyện viên bóng chày nổi tiếng mà cậu yêu thích, cậu được ông ngỏ ý viết lời đề tặng vào quả bóng. Vị huấn luyện viên hỏi cậu bé: “Ước mơ của con là gì?” Cậu bé rất háo hức chuẩn bị nói to ước mơ cho thần tượng của mình nghe, thì người bố kéo cậu lại, thì thầm vào tai: “Con hãy ước mình đạt giải Nobel toán học đi!”. Khuôn mặt cậu bé trở nên tiu nghỉu. Cậu quay sang nói với vị huấn luyện viên, đôi mắt vô hồn không còn sáng bừng lên như vừa mới đó nữa: “Con ước mình đạt giải Nobel toán học.” Vị huấn luyện viên dường như cảm nhận được tâm sự của cậu, nên thay vì viết tên ước mơ lên quả bóng, ông chỉ viết vỏn vẹn 3 chữ “Follow your dream!” (Hãy theo đuổi ước mơ của con nhé!), và nháy mắt với cậu một cái… Trong phim, cậu bé ấy đối diện với khá nhiều khó khăn khi lớn lên, rất dễ nản chí, tinh thần uỷ mị, không tin tưởng vào bản thân mình,… vì phải sống theo kỳ vọng của bố mẹ. May mắn là sau đó đã có một số việc xảy ra làm cho bố mẹ và cậu hiểu nhau hơn và “trả tự do” cho nhau.

Ở một số nước tiên tiến, việc trả lời được câu hỏi: “Lớn lên con muốn làm gì?” hay “Ước mơ của con là gì?” quan trọng hơn rất nhiều so với việc làm toán đúng hay viết chữ đẹp. Những ước mơ, dù ngây thơ nhất của các con, đều đáng trân trọng. Khi được cổ vũ, con sẽ có niềm tin theo đuổi đam mê và mục đích sống của mình. Không chỉ thế, con còn biết trân trọng ước mơ và cổ vũ cho mục đích của những người xung quanh.

Xóa bỏ định kiến

  • Con phải học để đạt danh hiệu học sinh giỏi
  • Không chịu học thì đi làm thợ hồ, bán vé số
  • Đậu đại học để xin được việc làm
  • Ngành này dễ xin việc sau khi ra trường
  • Nghề này có thu nhập cao hơn các nghề khác
  • Trẻ con biết gì, vài hôm nó lại mơ ước thứ khác (rồi bỏ qua những ước mơ đó của con)

Không thể phủ nhận một số điều “thực tế” của cuộc sống, nhưng nếu những điều đó không được nói ra một cách tinh tế, chúng ta sẽ vô tình làm cho những ước mơ của con trở nên bị bóp méo, hoặc thậm chí “biến hình” thành một thứ gì đó không còn là của con nữa. 

Thay vào đó, hãy dừng lại một chút để cảm nhận cảm xúc của con. Nhìn vào nụ cười của con khi nói về ước mơ và ánh mắt của con khi tưởng tượng mình trong một tương lai được làm điều mình thích, để ngừng cân đong đo đếm những suy nghĩ đó. Tự hỏi mình: Nếu ước mơ bị dập tắt, con sẽ thất vọng đến thế nào? Khi không được tự do, không có khát vọng, không biết mình nên làm gì, con sẽ cảm thấy ra sao?

Trân trọng mọi ước mơ

Thay vì phán xét điều gì đó về những suy nghĩ, mong muốn của con sau này, hãy lắng nghe một cách nhiệt tình nhất khi con nói về điều đó. 

Mình từng thấy buồn cười khi con ước trở thành siêu nhân. Mình hỏi con:

- Thế khi đó con sẽ làm gì? 

- Con sẽ “tiêu diệt” người xấu để giúp người tốt.

- Ồ, người nào được con giúp chắc họ sẽ rất vui. Mẹ tin rằng bất cứ người nào làm việc giúp đỡ ai đó đều là một siêu nhân thực thụ. 

Không có ước mơ nào là tầm thường. Mọi mong ước dù nhỏ bé hay lớn lao như trở thành nghệ sĩ đàn, nhà nghiên cứu côn trùng, ca sĩ, giáo viên, thợ sửa xe, tài xế, phi công, phi hành gia, thợ xây, người mẫu, bán bánh kẹo – tạp hóa,… đều đáng được trân trọng. Khi được cổ vũ, trẻ sẽ phát triển lòng tự tin, niềm kiêu hãnh và tinh thần mạnh mẽ để theo đuổi đam mê, sở thích của mình.

Có người sẽ nói rằng, uớc mơ của trẻ nhiều khi ngây ngô lắm, thậm chí hoang đường, lại còn hay thay đổi nữa chứ. Nhưng nếu chúng ta biết cách giúp con giữ lại những mục tiêu mà con tha thiết nhất, giúp con phát triển những góc nhìn rộng hơn từ những điều nhỏ bé đó và biến nó thành hiện thực, thì đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao không chỉ cho cuộc đời con mà còn cho mọi người xung quanh nữa.

Suốt một thời gian dài, từ cửa sổ phòng ngủ căn hộ nhà mình nhìn ra là một công trình xây dựng nhà cao tầng. Con thường bắc ghế đứng quan sát, khi thì muốn làm chú thợ xây nhà, khi lại muốn làm chú lái xe cần cẩu. Mình hỏi con vì sao, con bảo rằng để mai mốt xây nhà cao cho bố mẹ. Mình kể cho con nghe, để góp phần xây dựng nên một tòa nhà sẽ có nhiều công đoạn mà con có thể đóng góp như là vẽ thiết kế xây dựng, sản xuất vật liệu (cát, xi măng, thép, gỗ, kính…), sản xuất hoặc vận hành máy móc (xe lu, xe xúc, máy khoan…), lắp đặt điện, gắn ống nước, thi công xây dựng, thiết kế nội thất bên trong, trồng cây cảnh xung quanh tòa nhà… Và còn nhiều việc khác nữa mà con có thể từ từ quan sát và tìm hiểu thêm, xem mình thích khâu nào nhất.

Mình tin rằng, dù có thể mong muốn đó theo thời gian có thể thay đổi hoàn toàn khác biệt, nhưng sự lắng nghe, thấu hiểu và gợi mở của bố mẹ sẽ là hành trang cho con có cái nhìn rộng lớn và trân trọng sự đóng góp của mọi ngành nghề trong cuộc sống.

Hướng đến mục đích sống cao đẹp

Bố mẹ biết không, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu nói về mục đích sống cao đẹp với con từ khi lên 3. Quay lại một ý nhỏ mà mình đề cập ở phần đầu, thay vì nói mục tiêu của việc học là để đạt học sinh giỏi, để đậu đại học, để có việc làm tốt,… bố mẹ có thể giải thích cho con rằng: 

  • Học để có được kiến thức đúng đem áp dụng vào cuộc sống. (Ví dụ như khi học chúng ta sẽ biết được cơ thể người cần hít vào khí oxy nè. Mà cây xanh thì lại thải ra khí oxy mình cần. Thế nên mình mới trồng nhiều cây để có thể sống được. Nếu không học và không biết điều này, mình chỉ chặt cây mà không trồng cây mới, thì mình sẽ sớm không đủ oxy để thở nữa…). 
  • Có thể con phải học rất nhiều thứ mà con không thích ở lớp, điều đó là để con có cái nhìn tổng quan, từ đó nhận ra đam mê sở trường của mình. Khi nhận ra rồi, con có thể tập trung cho môn mà con thích nhiều hơn, và học vừa đủ kiến thức cơ bản cho những môn còn lại. 
  • Từ những điều học được ở trường lớp, trong sách vở và trong cuộc sống, con hãy nghĩ xem mình sẽ áp dụng những kiến thức đó như thế nào? Mình có thể cải thiện được vấn đề nào cho cuộc sống tốt hơn không? Mình muốn trở thành người như thế nào? Mình sẽ đóng góp gì cho xã hội?

Hãy khuyến khích con vẽ nên mục đích sống cao đẹp của cuộc đời mình một cách cụ thể và rõ ràng nhất. Bức tranh đó được tô màu bằng tính cách, năng khiếu, đam mê, sở thích của con và là một mảnh ghép trong bức tranh lớn của thế giới xung quanh con. Bức tranh đó sẽ truyền cho con cảm hứng để hành động, phát triển bản thân mình mỗi ngày và tạo ra giá trị cho bản thân. 

Đồng hành với mục tiêu của con

Trân trọng

Một khi con thấy rằng ước mơ của mình được kiên nhẫn lắng nghe và cởi mở đón nhận, con sẽ được tiếp thêm niềm tin để tích cực học hỏi, trau dồi kỹ năng, tìm kiếm giải pháp thực hiện mong muốn của mình.

Thấu hiểu

Đặt mình là bạn đồng trang lứa với con. Hỏi con về cảm xúc khi con nghĩ về điều mình làm được trong tương lai. Hoặc khi con không làm được điều đó thì con sẽ cảm thấy như thế nào. Chia sẻ cảm xúc của mình khi nghe con nói về những điều đó.

Gợi mở

Bằng vốn sống và kinh nghiệm của mình, bố mẹ có thể dựa trên ý tưởng của con để cùng con tìm hiểu, quan sát, tư duy trên hành trình vừa làm được điều mình thích và đóng góp giá trị cho cuộc sống.

Tạo điều kiện

Cho con tiếp cận các phương tiện học tập đa dạng: trường lớp, sách báo, nguồn thông tin đáng tin cậy từ internet, nhân vật… và cơ hội cọ xát, trải nghiệm thực tế.

Nuôi dưỡng

Chúng ta hãy đồng hành cùng con trong công cuộc vẽ bức tranh tương lai lớn dần lên. Có những lúc cần phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần để cho ra hình ảnh đẹp, cũng có khi phải xóa đi toàn bộ để vẽ lại cho phù hợp hơn. Miễn là con nhìn thấy mình trưởng thành qua những nét vẽ ấy và hiểu rằng bức tranh của con sẽ là một mảnh ghép tuyệt vời cho bức tranh chung của thế giới rộng lớn quanh con.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.