Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Brett Fox , trên Quora
Vài năm về trước, tôi đã từng viết về cách tôi giải quyết nỗi sợ khi khởi nghiệp như thế nào:
Đó là lúc 09:18 sáng thứ Ba. Nhịp tim tôi bỗng như đập nhanh như chạy đua.
Tôi không thể tin được những gì mình đang nghe.
Chúng tôi chỉ vừa nhất trí về điều khoản với một nhà đầu tư lớn, và đang trong quá trình đóng việc gây vốn.
Rồi giờ “Raul”, một trong hai nhà đầu tư hiện tại của chúng tôi, vừa nói rằng, “Tôi nghĩ chúng ta nên bán công ty đi!”
Khoảng khắc đó, thứ Ba lúc 9 giờ 18 phút, là lần đầu tiên trong đời tôi, một doanh nhân, cảm thấy sợ hãi.
“Cái gì?” Tôi đứng bật dậy, sửng sốt. Từ trước đến giờ, tôi luôn giữ điềm tĩnh khi nói chuyện với Raul. Nhưng giờ, anh ta đã dẫm phải cái đuôi của tôi.
Raul nở một nụ cười với tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in cái nụ cười quái ác đó. Raul nhắc lại, “Tôi nghĩ ta nên bán công ty đi.” Raul vẫn bình tĩnh nói. Còn tôi thì không.
Tôi có thể cảm nhận được tim mình đang đập thình thịch trong lồng ngực. Bang, bang, bang, với tốc độ 200 nhịp một phút.
Và có vẻ không có dấu hiệu chậm lại. Có khi nào tim tôi nổ tung khỏi lồng ngực không nhỉ? Tôi không biết, nhưng cảm giác khá chắc là có thể lắm.
Cuộc chơi đã thay đổi. Và tôi thật sự sợ hãi.
Và nhịp tim tôi không hề đập chậm lại.
Có một thứ bạn tuyệt không thể làm khi sợ hãi: hoảng loạn.
Chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác này. Đó là khi bạn vội vã đưa ra một quyết định dựa trên một quyết định khác.
Và ta cũng biết, thường thì điều này dẫn đến những quyết định không sáng suốt. Những quyết định này là hệ quả khi bạn hoảng loạn.
Nên, điều đầu tiên tôi cần làm là bình tĩnh lại. Nỗi sợ có thể không biến mất, nhưng ít nhất tôi, có thể bình tĩnh lại, để mình có thể suy nghĩ rõ ràng hơn.
Để hồi phục sau khi bị cơn hoảng loạn đánh úp cần thời gian.
Cả ngày hôm đó, tôi chỉ nói chuyện điện với với các nhà tư vấn. Tôi phải nói chuyện với nhà đầu tư khác vì điều này ảnh hưởng đến anh ấy. Và tôi phải báo với các thành viên ban giám đốc để cho họ biết chuyện gì đang xảy ra.
Nhưng nỗi sợ không bao giờ biến mất.
Tôi thấy như mình đang mang một tảng đả nặng 45 kg trên lưng. Tôi có thể thật sự cảm nhận được cái nặng của nỗi sợ đè lên mình.
“Có thể qua cuối tuần nỗi sợ sẽ biến mất thôi,” tôi tự nghĩ.
Nhưng không, cuối tuần đã qua và nỗi sợ không biến mất.
“Có lẽ nỗi sợ sẽ bay biến đi sau vài tuần chăng?”
Nhưng vài tuần sau, nỗi sợ vẫn ở đó.
“Có lẽ nỗi sợ sẽ tự rời đi sau một hai tháng,” tôi cũng tự nhủ sau khi vài tuần trôi qua.
Nhưng đã vài tháng và nỗi sợ cứ lì lợm ở lại. Thực tế, chúng không bao giờ biến mất.
Tôi thấy như mình đang mang một tảng đá nặng 45 kg trên lưng đi khắp nơi. Vậy tôi đã làm gì?
Tôi học cách "nhảy múa" với nỗi sợ.
Seth Godin nói rằng, bạn cần hỏi bản thân, “Làm thế nào để 'nhảy múa' với nỗi sợ?”
Nói cách khác, nỗi sợ vẫn ở đó. Và bạn cần phải học cách chấp nhận sự thật rằng nỗi sợ chẳng đi đâu cả.
Bạn chỉ cần tiếp tục làm những gì đang dang dở bất chấp nỗi sợ. Đó mới là cái khó:
- Bạn không thể cứ mãi ám ảnh với nỗi sợ.
- Bạn không thể cứ hoài lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi việc không thành công.
- Bạn không thể hoảng loạn. Nhớ nhé, quan trọng trên hết, bạn không thể hoảng loạn.
Nghe có vẻ dễ dàng, đúng không? Chỉ cần "nhảy múa" với nỗi sợ thôi mà. Vấn đề là thực hành điều này không dễ chút nào.
"Nhảy múa" với nỗi sợ khó ngoài sức tưởng tượng của bạn. Đây là vài mẹo đã giúp tôi "nhảy múa" với nỗi sợ.
1. Thiền là một phương thuốc tuyệt vời để giữ tâm trí không loạn
Ban đầu, tôi không thấy thiền hữu dụng lắm. Thực ra, tôi mất khá lâu trước khi nhận thấy tác động tích cực mà thiền mang lại.
Trên mạng có vài nguồn tập thiền rất tốt. Nguồn tôi yêu thích là trang web của Tara Branch. Thiền sẽ không giúp giải quyết mọi vấn đề của bạn. Nhưng thiền sẽ giữ bạn ở hiện tại. Rồi bước tiếp theo là...
2. Tạo ra một chu trình buổi sáng
Thông thường buổi sáng của tôi sẽ gồm: tập thể dục, thiền, viết nhật kí, và đọc sách. Tất cả tốn khoảng một giờ đồng hồ.
Tập thể dục sẽ kích hoạt một ngày mới của bạn với tinh thần tích cực, vì khi đó cơ thể sẽ tiết ra một loại hoóc-môn hạnh phúc tên là endorphin, và không còn gì tuyệt bằng endorphin vào sáng sớm cả. Thiền còn giúp tôi tập trung hơn.
Nhật kí (và tưởng tượng hoạt động sẽ xảy ra trong một ngày) giúp tôi nhận ra những điều tích cực đang hiện diện xung quanh. Cuối cùng, tôi đọc một quyển sách hay một câu chuyện truyền cảm hứng trong vòng năm phút. Và khi đã có một lề thói buổi sáng rồi...
3. Bạn cũng cần một chu trình buổi tối nữa
Mỗi chu trình tối sẽ giúp bạn sẵn sàng cho ngày tiếp theo. Và khi bạn thật sự căng thẳng và sợ hãi, chu trình mỗi tối sẽ nhắc nhở bạn: vẫn còn nhiều thứ diễn ra suôn sẻ.
Chu trình buổi tối của tôi cũng bao gồm viết nhật ký, thậm chí còn với tinh thần tích cực hơn buổi sáng. Tôi viết xuống ba điều tốt đẹp trong ngày. Thậm chí một ngày chán chường cỡ nào cũng sẽ có ba điều tốt đẹp.
Tôi viết xuống ba hành động tôi đã làm vì người khác, và kết thúc nhật ký bằng việc tự hỏi mình đã học được gì hôm nay, đã làm tốt điều gì, và sẽ làm gì với những bài học này.
Giờ, đầu óc tôi đang ở trạng thái tốt và sẵn sàng đi ngủ. Dĩ nhiên đến đây, bước tiếp theo sẽ là...
4. Ngủ
Nỗi sợ là kẻ thù của giấc ngủ, vì thế bạn nên làm mọi thứ có thể để có một giấc ngủ ngon.
Tôi dành khoảng năm phút để thiền trước khi lên giường. Thỉnh thoảng, tôi ngủ quên trong lúc thiền luôn.
Rồi tôi tưởng tượng trong đầu ngày mai sẽ diễn ra đúng như tôi lên kế hoạch. Có lẽ tôi sẽ vẽ ra mục tiêu lâu dài hoặc một kì nghỉ vui vẻ trong tương lai. Rồi tôi sẽ thiền thêm chút nữa trước khi đi ngủ.
Thử thách, với tôi, không phải là việc ngủ, mà là quay lại giấc ngủ sau khi tỉnh dậy lúc nửa đêm. Vậy khi đó nên làm gì? Bạn đoán xem. Thiền. Đó là cách hiệu quả với tôi.
5. Tìm một người có thể tâm sự (không phải vợ hay chồng bạn nhé)
Làm bạn đời của một CEO là một công việc khó khăn, nên bạn không thể cứ về nhà và “xả" hết lên người bạn đời của mình được.
Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải thả cho cảm xúc trào ra. Đối tượng của bạn không thể là các thành viên ban giám đốc, vì họ sẽ bị doạ cho chết khiếp.
Thay vào đó, hãy tìm một người tâm tình, một người bạn, hay một người tư vấn đáng tin cậy mà bạn có thể tâm sự cùng. Bạn cần một ai đó luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Và thỉnh thoảng...
6. Đi dạo
Bạn không thể chỉ quanh quẩn trong văn phòng cả ngày nếu bạn thấy sợ hãi.
Tôi từng rất thích đi dạo trong giờ ăn trưa, chỉ tôi cùng suy nghĩ của mình. Thỉnh thoảng tôi sẽ gọi cho một nhà cố vấn hay huấn luyện viên (coach). Và cuối cùng, cũng là phần yêu thích của tôi...
7. Cứ ra ngoài và bán hàng thôi
Bạn có muốn nhắc nhở bản thân lý do tại sao bạn bắt đầu không? Hãy ghé thăm vài khách hàng. Thắng vài đơn hàng đi.
Không gì xóa đi được nỗi sợ bằng việc thắng một đơn hàng cả. Thắng một đơn hàng sẽ mang đến những cảm xúc tích cực. Thắng đơn hàng giúp bạn đào sâu và chiến đấu hăng say hơn cho doanh nghiệp của bạn.
Và thắng đơn hàng sẽ giúp bạn "nhảy múa" với nỗi sợ.
Là một doanh nhân, bạn sẽ thấy sợ hãi. Bạn sẽ, tôi chắc chắn. Nỗi sợ có thể ở lại với bạn xuyên suốt hành trình này.
Bạn có thể không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ thất bại, nhưng bạn có thể học để sống với nó. Nên, hãy thử thiền, tạo một chu trình sáng và tối, ngủ đủ giấc, có một người bạn tâm tình đáng tin cậy để bạn có thể tâm sự, đi dạo, và bán hàng.
Bài viết này không thể hiện quan điểm của Vietcetera.
Open Publishing là nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. Tham khảo các bài viết khác của Open Publishing tại đây. Để tìm hiểu thêm và nộp bài viết, hãy bấm vào đây.