Lắng nghe nỗi đau | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 08, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Lắng nghe nỗi đau

Để cải thiện khả năng lắng nghe của mình, tôi đi tìm hiểu về nỗi đau. 

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trước đây một dạo, nếu một người bạn tìm đến và tâm sự với tôi về điều đau khổ nào đó, tôi chọn cách lắng nghe. Lắng nghe rồi đặt mình vào hoàn cảnh đó, phân tích tình huống bằng suy nghĩ logic nhất, rồi an ủi bạn hay đưa ra lời khuyên vì tôi thấy rằng bạn tôi cần điều ấy. Trong những lúc như thế, tôi cho rằng đó là điều nên làm. Nhưng tôi đã lầm, những góp ý thẳng thắn đó của tôi cũng chẳng giúp cho bạn tôi thấy khá hơn chút nào. Lúc ấy tôi quên mất một điều rằng dù tôi đã cố gắng đặt bản thân mình vào hoàn cảnh đó, cố gắng hiểu nó nhưng sự thật thì chẳng thể hiểu nổi. Chính nỗ lực phân tích bằng lý trí khiến tôi quên mất điều thật ra nên làm lúc đó để giúp bạn tôi cảm thấy được đồng hành, là trước nhất tôi phải cảm thấy điều bạn ấy đang trải qua. Sự phủ nhận nỗi đau của một người chỉ vì câu chuyện nghe không hợp lý với bạn giống như việc đã chọn không lắng nghe từ ban đầu. Như câu hỏi “Tại sao lại khóc vì một con mèo?” ấy. Một thời điểm, để cải thiện khả năng lắng nghe của mình, tôi đi tìm hiểu về nỗi đau. 

Định nghĩa về đau

Hiệp hội quốc tế nghiên cứu về đau (IASP) đưa ra định nghĩa về đau: “Một cảm giác khó chịu và trải nghiệm cảm xúc xuất hiện khi có tổn thương thực thể hay tiềm tàng của mô tế bào hoặc bất kỳ được mô tả như tổn thương”. Một định nghĩa khác từng được sử dụng rộng rãi do Margo McCaffery đưa ra, trong đó đau là “bất cứ trải nghiệm nào người đau nói, bất cứ khi nào người đau cảm thấy.” Điều ngạc nhiên rằng, não bộ chúng ta có một hệ thống riêng được gọi là mạng lưới thần kinh gương, trong đó bao gồm những vùng não chịu trách nhiệm cho việc thấu cảm. Tức là khi thấy một người đang bị đau hay tổn thương, chúng ta có xu hướng ngay lập tức cảm thấy điều đó, một khả năng thật vượt trội và hẳn là có ý nghĩa khi chọn lọc tự nhiên giữ lại qua hàng triệu năm tiến hóa của chúng ta.

Một nhận cảm

Nỗi đau là một nhận cảm, nó không những là một cảm giác vật lý trên cơ thể mà còn là một nhận thức. Giống như việc chúng ta nhìn, nghe, cảm giác mọi thứ xung quanh. Một cảm giác không đơn thuần chỉ là một kết quả của việc tri nhận bằng giác quan, hơn thế đi cùng mỗi cảm giác là những chuỗi nhận thức phức tạp. Như khi ánh sáng từ một vật thể đập vào võng mạc, những tế bào ở đây tiếp nhận rồi chuyển tín hiệu ánh sáng đó thành xung thần kinh dẫn truyền đến não. Ngoài việc diễn giải tín hiệu điện thành hình ảnh, não chúng ta còn ghi nhớ hình ảnh đó rồi liên kết nó với những hình ảnh trước đây cũng đã được lưu lại trong trí nhớ. Phối hợp cùng với các ghi nhớ giác quan khác như âm thanh hay mùi vị và những sự kiện quá khứ, chúng ta tri nhận hiện tại dựa trên những gì chúng ta đã từng biết. Mỗi cuộc đời có riêng những trải nghiệm quá khứ riêng biệt, cũng không lạ khi tôi không hiểu được hiện tại của bạn.

Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

“Trải qua trăm cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Chỉ cần “trông thấy”, nhìn thấy hay lắng nghe một câu chuyện cũng có thể khiến người ta “đau đớn lòng”. Vậy thì có thể tôi không hiểu một cách lý trí về những gì bạn đã trải qua, những thứ bạn đang chịu đựng, nhưng tôi biết chúng tồn tại. Tôi sẽ không phủ nhận bạn, tôi lắng nghe bạn. Nhưng lắng nghe sẽ chẳng có ích gì khi tôi luôn cố áp đặt những kinh nghiệm quá khứ của mình lên cảm nhận hiện tại của bạn. Có lẽ tôi sẽ bỏ chúng xuống và học cách lắng nghe để cảm thấy trước.

Lắng nghe nỗi đau của bạn

Xét về mặt vật lý thì cảm giác đau là một cơ chế mà cơ thể chúng ta dùng để bảo vệ sự an toàn của nó trước những nguy hiểm. Đau là một phản xạ thần kinh giúp cơ thể phản ứng lại bằng cách tránh xa nguồn gây nguy hiểm. Sẽ thật dễ dàng nếu nguồn nguy hiểm là thứ gì đó cụ thể, chẳng hạn như một con rắn, một ấm nước sôi, một vực thẳm. Hẳn bạn đã biết đến những nỗi sợ vô hình: sợ bị bỏ rơi, bị phủ nhận, bị mất việc,... Những điều này có gây đau đớn khi chúng xảy ra không? Tại sao một số người sợ hãi điều này mà không phải điều khác? Vậy cũng chính là những nỗi đau đó, sự sợ hãi đó, nói cho chúng ta biết, chúng ta là ai. Khi lắng nghe nỗi đau của chính mình, một sự dẫn dắt vô tình kết nối chính kết quả, là nỗi đau, với khởi đầu của nó, một nhận thức chủ quan đã được hình thành rất lâu từ quá khứ. Nó ngồi đó, chi phối cách ta suy nghĩ, khiến ta đau khổ hết lần này đến lần khác. Nhưng khi đã đủ tỉnh táo và nhận ra nó, bạn hoàn toàn có khả năng thay đổi nhận thức của mình, giải phóng bản thân thoát khỏi nguồn gây đau đó, liệu bạn có chọn thay đổi không ? 

William Shakespeare từng viết: “Điều gì ở một cái tên? Khi chúng ta gọi một bông hồng bằng bất kỳ cái tên nào có vị của ngọt ngào.”( “What’s in a name? That which we call a rose by any other name would smell as sweet.”)

Những định kiến, hay kinh nghiệm quá khứ thường khiến ta khó nhìn ra cái mới, mà trong những hoàn cảnh rất cần cả tâm và trí rộng mở, thậm chí cần chúng ta đi tìm về bản chất của sự việc.