Liệu chúng ta có đang áp dụng chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) sai cách? | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Liệu chúng ta có đang áp dụng chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) sai cách?

Những vấn đề gặp phải trong quá trình áp dụng chủ nghĩa Khắc kỷ trong cuộc sống và cách người viết cải thiện chúng.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trong lúc cuộc sống hằng ngày bị đổi loạn do đại dịch Covid-19, chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) trở thành một từ khóa được nhiều người tìm kiếm, như là một phương pháp sống an yên giữa thời loạn.

Mình không phải ngoại lệ, nhưng sau một thời gian áp dụng và không thực sự tìm được sự “an yên” như mong đợi, mình buộc phải nhìn nhận lại chủ nghĩa này cũng như cách mình đã áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày.

1. Nhận diện vấn đề

Vietcetera đã có bài viết chia sẻ rằng, chủ nghĩa Khắc kỷ chia cuộc sống làm 3 phần:

  • Những điều ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân);
  • Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên bên ngoài và hành động của người khác);
  • Những điều ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của cả bản thân và người khác).

Khắc kỷ cho rằng chúng ta nên tập trung vào điều thứ nhất, phớt lờ điều thứ hai, và lên kế hoạch cho điều thứ ba. Nghĩa là, tập trung điều khiển suy nghĩ và hành động của bản thân trong sự hòa hợp với thế giới xung quanh, nhưng không bị ảnh hưởng bởi những gì ta không kiểm soát được.

Mình thì tự đưa ra một công thức cho bản thân nhằm áp dụng chủ nghĩa này. Với mình, điều khiển = phân tích + dự đoán lựa chọn + hành động. Tức là:

  • Phân tích tình hình: điều gì diễn ra bên ngoài ta không kiểm soát được, kiểm soát được một phần và kiểm soát được;
  • Dự đoán các lựa chọn phản ứng mình có: cả tốt và xấu;
  • Cuối cùng là hành động: chọn cách phản ứng sẽ đem lại hiệu quả hoặc ảnh hưởng tốt hơn cho bản thân.

Nghe thật là rõ ràng mạch lạc, dễ thực hiện đúng không?

Thế nhưng, thực tế đã đánh mình bầm dập tơi tả. Trong một cuộc nói chuyện về nuôi dạy trẻ con, anh trai mình nói rằng bạo lực không phải tốt, nhưng những hình phạt đòn roi nhẹ đôi khi là cần thiết để giúp giáo dục trẻ em. Mình, một người phản đối bất kỳ hình thức bạo lực nào tới trẻ con, ngay lập tức cảm thấy rất sôi máu. Trong tình huống này,

  • Mình không thể kiểm soát quan điểm và suy nghĩ của anh trai,
  • Mình kiểm soát được một phần hướng mà cuộc hội thoại có thể đi tới,
  • Và mình (đáng lý) có thể kiểm soát được hoàn toàn cách mình phản ứng với ý kiến đó của anh trai.

Trong đầu lúc đó mình cũng có 2 trường hợp: mình bình tĩnh giải thích vì sao mình nghĩ sử dụng đòn roi, dù nhẹ hay nặng đều là không tốt và không cần thiết; hoặc cáu tiết lên và phản bác dữ dội. Và không phải nói, trường hợp trước chắc chắn sẽ đem lại một ảnh hưởng tốt hơn tới mình: kể cả anh trai có không được thuyết phục, thì anh trai vẫn phải công nhận sự trưởng thành của mình từ cách mình bày tỏ ý kiến.

Hiểu được điều đó rõ ràng như vậy, thế mà mình vẫn không thể kiềm chế sự tức giận của bản thân. Và dù đã cố gắng để thật bình tĩnh giải thích, mình vẫn trở nên vô cùng khó chịu khi bị anh trai phản bác lại, và cuộc đối thoại phải dừng lại cùng cảm giác hậm hực tức tối từ cả hai bên. Tại sao đã hiểu và chọn hành động theo cách hiểu đúng rồi, mà mình vẫn rơi vào lối mòn cũ? Và tệ hơn, tại sao mình không cảm thấy an yên được dù mình đã cố gắng chọn tập trung vào điều mình có thể kiểm soát rồi hành động để kiểm soát nó?

Lý thuyết có sai không? Không. Vậy mình thực hành thiếu bước nào à? Đâu có, đầy đủ cả mà. Vậy điều gì đang có vấn đề ở đây?

Mãi rồi mình mới nhận ra cái thiếu sót rất lớn của mớ lý thuyết kia. Đây là một lý thuyết giúp ta điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình, nhưng nó lại thiếu điều quan trọng nhất: cảm xúc.

Mớ lý thuyết hoàn toàn có lý về mặt logic, nhưng chính sự logic đó lại cản trở việc ta đạt được mục tiêu thật sự. Vì cố gắng bẻ cong cảm xúc theo logic là điều không thể. Và không thể ở đây mang cả tính thần kinh học nữa, vì phần não điều khiển khả năng suy nghĩ logic và phần não phụ trách, giúp chúng ta cảm nhận cảm xúc là 2 phần não hoàn toàn khác nhau với những cơ chế hoạt động vừa dính liền vừa tách biệt.

Với logic, vấn đề rất đơn giản và nhị nguyên: 2 lựa chọn dẫn đến kết quả tốt hoặc xấu, ta chọn kết quả tốt, và vậy là xong. Nhưng với cảm xúc, 2 lựa chọn không chỉ đơn giản là “lựa chọn”, đằng sau đó có thể là những nhu cầu, những mong muốn bị giấu kín mà chính bản thân có khi chưa nhận ra. Và đơn giản là, khi ta lờ đi nhu cầu đằng sau của “lựa chọn xấu”, chúng sẽ càng đeo bám dai dẳng, luẩn quẩn bên trong và vô thức ảnh hưởng tới ta, bất kể kết quả hành động ở bên ngoài có là gì.

2. Cách mình cải thiện vấn đề

Nhận ra cái mình đang thiếu trong cách thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, mình quyết định đổi cách thực hiện, và cũng đổi một chút so với lời khuyên mà chủ nghĩa này đưa ra.

Khi một cuộc đấu đá nội tâm diễn ra, thay vì thực hiện phân tích từng bước như một cỗ máy, mình ngồi lại với bản thân. Mình cũng “con người hóa” những suy nghĩ của mình, nghĩa là mình coi những suy nghĩ rối rắm đang đánh nhau kia là con người, với những nhu cầu và mong ước được lắng nghe. Mình hay tự hỏi: “Liệu bạn ấy (suy nghĩ, hành động của mình) đang muốn giao tiếp điều gì với mình? Nhu cầu và mong muốn nào của bạn ấy không được mình và những điều bên ngoài khỏa lấp? Vì sao bạn ấy lại phản ứng như vậy?”

Bài tập “con người hóa” suy nghĩ và hành động của bản thân trong những cuộc hội thoại nội tâm cho mình cơ hội được tạm thời tách ra khỏi chúng, và nhìn chúng với một con mắt khách quan hơn, bao dung hơn. Quan trọng hơn, điều này giúp mình nhận ra đằng sau mỗi suy nghĩ và hành động của bản thân đều là những nhu cầu riêng, và nhu cầu nào cũng xứng đáng được công nhận và lắng nghe.

Công nhận và lắng nghe là những bước quan trọng nhất của bài tập này. Nhưng có lẽ điểm trừ cũng như điều không thể tránh khỏi khi thực hiện bước này, chính là sự tốn thời gian và năng lượng để ngồi xuống, đi vào bên trong mà nó yêu cầu. Mình nghĩ hiển nhiên thôi, vì một “con người” đâu có dễ dàng hay nhanh chóng được “hiểu”.

Mình cũng nhận ra, mục đích thực sự của cái mớ lý thuyết về việc điều khiển và lựa chọn không phải “điều khiển và lựa chọn”, mà là để ta cảm thấy thật sự an yên với lựa chọn của mình. Mục đích cuối cùng vẫn là cảm xúc, thì không thể nào chỉ dùng logic được.

Việc nhìn nhận những nhu cầu sâu kín của bản thân và an ủi, cũng như đưa ra lựa chọn hành động sau đó là một quá trình vô cùng tốn thời gian vào ban đầu. Nhưng vì đây là một bài tập, nên càng luyện tập mình càng rút ngắn được quãng thời gian mình cần để chạm được vào những điều bên trong. Và không chỉ có những lúc đấu đá nội tâm, mình nghĩ bài tập này có thể được áp dụng với mọi tình huống trong cuộc sống, mọi khoảnh khắc chúng ta mong muốn được hiểu bản thân hơn.

Mình sử dụng viết nhật ký và vẽ như là công cụ giúp mình nhìn rõ hơn những “người bạn” đang có trong đầu, cũng như là phương tiện để trò chuyện với chính mình. Có rất nhiều cách khác nhau mà các bạn có thể thử, mỗi người đều sẽ có một phong cách giao tiếp riêng biệt, hãy kiên trì tìm phương pháp phù hợp nhất cho mình nhé!

Kết luận lại

Mình nghĩ chúng ta phải sử dụng cả logic và cảm xúc khi muốn điều khiển được cách ta phản ứng với trường hợp bên ngoài. Logic giúp ta thấy được thực tế bên ngoài, và giúp chúng ta đưa ra những quyết định mang tính “một mất một còn”. Cảm xúc, là để ta không bị bỏ lại bởi chính mình bất kể hành động ta chọn làm có là gì.