Liều thuốc nào cho vấn đề phân biệt chủng tộc? | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Liều thuốc nào cho vấn đề phân biệt chủng tộc?

Phân biệt chủng tộc ở Mỹ là một vấn đề ảnh hưởng mang tầm hệ thống (systemic racism), không phải ở tầm ảnh hưởng cá nhân.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trong khi toàn thế giới đang tích cực thúc đẩy vắc-xin để chữa lành căn bệnh do vi-rút COVID-19 tạo ra, trên thế giới còn có một quan tâm khác đó là vấn nạn phân biệt chủng tộc. Trong khi COVID-19 là một loại bệnh, được công nhận bởi toàn thế giới và hiện đang được nghiên cứu để tìm ra liều thuốc thì phân biệt chủng tộc lại đáng sợ hơn như thế, vì sự bất công (injustice) không thể có liều thuốc nếu chưa được công nhận là một vấn đề. 

Câu chuyện về George Floyd

Sự hỗn loạn bắt đầu vào một ngày cuối tháng Năm, 2020 ở Minneapolis (bang Minnesota). Một cửa hàng tạp hoá gọi đến 911 để báo về một người đàn ông da đen vừa mua thuốc lá ở đây với tờ tiền có vẻ là giả. Cảnh sát ập đến trong phút chốc và bắt người đàn ông da màu đang có hơi men và hút thuốc ở ngoài cửa hàng tạp hoá nọ, người đàn ông hợp tác với cảnh sát và bị còng tay ngay tức khắc, cũng như không có vũ khí trong người. Một người cảnh sát dùng đầu gối ghì cổ người đàn ông da đen xuống đất trong khi hai người cảnh sát khác đè toàn bộ thân người đàn ông này, anh liên tục nói "Làm ơn, tôi không thở được!" nhưng ba người cảnh sát vẫn tiếp tục ghì đè người đàn ông da đen, khiến anh tử vong ngay sau đó. Người đàn ông da màu tên George Floyd, và toàn bộ mười phút của sự việc trên được ghi lại bằng một chiếc điện thoại mà sau đó video này đã phủ sóng toàn bộ ngóc ngách của Internet. 

Kể từ đó, từ Mỹ đến mọi nơi trên thế giới, các cuộc biểu tình nổ ra với mục đích yêu cầu chính quyền đưa những viên cảnh sát nọ ra xét xử trước pháp luật thay vì chỉ bị đuổi việc. 

Để hiểu thêm sự phức tạp của vấn đề này, câu chuyện của George Floyd là giọt nước làm tràn ly, là sự đỉnh điểm của giận dữ trong con đường đi kiếm tìm sự công bằng của mỗi con người sống trên đất nước tự do này. Rất nhiều sự việc xảy ra liên quan đến người da đen bị giết bởi cảnh sát do nhầm lẫn, do nghi ngờ nhưng chưa có chứng cứ, và trong các sự việc, cảnh sát thường không phải đối mặt với sự xét xử của toà, trở thành một sự mặc nhiên kỳ lạ. Từ sự uất ức vốn vẫn đang âm ỉ bấy lâu trong cộng đồng người da đen, và đến sự phân biệt chủng tộc nhắm đến người châu Á do virus COVID-19, hàng trăm hàng ngàn con người trên đất Mỹ đã không ngừng đem tiếng nói của họ vang lên để yêu cầu một cuộc xét xử công bằng cho những người da đen đã bị giết không có lý do.

Hỗn loạn, bạo lực và hôi của

Những hoạt động nhân đạo và biểu tình ôn hoà đã gây những tác động lớn cho nhiều nơi trên nước Mỹ. Nhưng kéo theo đó cũng là sự mất kiểm soát và hỗn loạn. Nhiều thành phần cá nhân lợi dụng sự bất ổn để phá hoại các cửa hàng và hôi của. Những thành phần cá biệt này phần lớn không đại diện cho một tổ chức hay đấu tranh cho một mục đích nào cho người da màu, chỉ là sự đi kèm của hỗn loạn, và một mặt để công kích bạo lực từ phía cảnh sát và cả từ phía người biểu tình. Nhiều người đã bị bắn và bị thương, từ cả hai phía. Bạo loạn không phải mục đích của biểu tình, trong khi bạo loạn là để kích động bạo lực thì biểu tình là đem tiếng nói ra công chúng, để mọi người thấy vấn đề và tìm hiểu vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta không nên đánh đồng người đập phá và hôi của là những nhà hoạt động của phong trào này. Những cửa hàng đều có bảo hiểm, tiền và vật chất có thể bù đắp lại. Nhưng mạng người không thể lấy lại, đó là lý do vì sao phải khiến thế giới công nhận sự bất công đang diễn ra và giải quyết nó, thì bạo loạn sẽ không có cơ hội xảy ra. Dùng vũ lực trên mọi hình thức đều không thể vùi dập những sự thật và hiển nhiên của xã hội, sự nhận ra HIV-AIDS và phong trào công nhận LGBTQ là hai ví dụ lớn cho điều đó.

Kiến thức chính là liều thuốc

Có nhiều gia đình đã và đang tìm cách giải thích cho những đứa trẻ về những gì đang diễn ra trên thế giới. Hơn bao giờ hết, sự kỳ thị cần được định danh cụ thể và cần được nói ra, để không chỉ trẻ em mà bất cứ ai còn chưa biết thì nên có nguồn thông tin để hiểu rõ hơn.

1. Phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề cá nhân

Phân biệt chủng tộc ở Mỹ là một vấn đề ảnh hưởng mang tầm hệ thống (systemic racism), không phải ở tầm ảnh hưởng cá nhân. Mang tầm hệ thống có nghĩa khi sinh ra là một người da màu thì sẽ có những hạn chế trong việc lớn lên và phát triển, từ việc đi học, tham gia hoạt động ngoại khoá, đến việc học Đại Học, hay xin việc làm, mua nhà, làm việc với ngân hàng, đều đối mặt với sự bất công vô hình, mà không phải do lỗi của một cá nhân hay tổ chức nào. Việc phân biệt chủng tộc không chỉ nhắm đến người da đen, mà là người da màu nói chung. Từ việc quy hoạch khu dân cư, phân loại trường lớp và giáo viên đến từng khu vực, nơi một người da màu lớn lên sẽ thường không có nhiều cơ sở và điều kiện tốt như những khu vực khác. Chỉ có một số ít các trường hợp cố gắng vượt bậc mới có thể thoát ra được vòng luẩn quẩn của đói nghèo, giáo dục thiếu thốn và tệ nạn vây quanh.

2. Những đất nước được xây dựng bởi người nhập cư

Lịch sử của nước Mỹ, hay những quốc gia cường quốc phương Tây đều khắc ghi sự phát triển của họ là nhờ công sức của nhiều tầng lớp xã hội, và rất nhiều từ người nhập cư. Nếu Christopher Columbus không phát hiện ra Tân Thế Giới và người châu Âu đưa người nô lệ Da Đen sang mảnh đất này, sẽ không có mùa màng, lương thực, sản xuất để phát triển. Nếu người Trung Quốc không di cư đến đây, đất nước này sẽ không có đường sắt để vận chuyển hàng hoá, kết nối giao thông cho vùng đất 50 tiểu bang này. Không chỉ có nước Mỹ, mà nước Anh, Pháp, Đức đều là những thành công gầy dựng bởi rất nhiều bàn tay của người nhập cư. Sự đa dạng hoá về con người (tư tưởng, lối sống, hay đơn giản nhất là màu da), không phải là sự cản trở mà chính là chất xúc tác cho sự phát triển nhảy vọt. 

3. Đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn, hành động tích cực hơn

Để hiểu vì sao chúng ta - người Việt Nam, cũng cần quan tâm đến sinh mạng của người da đen và những phong trào đang diễn ra trên thế giới để bảo vệ sinh mạng người da đen, “Những lá thư cho sinh mạng người Da Đen “ là một nguồn thông tin bổ ích cho mọi lứa tuổi.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những nguồn thông tin khác từ phim ảnh hay sách báo dựa trên những câu chuyện có thật, bạn có thể cân nhắc các nội dung rất hay dưới đây:

Phim ảnh:

- Explained: The Racial Wealth Gap

- 13th

- When They See Us

- Just Mercy

- If Beale Street Could Talk 

- 12 Years A Slave

Sách báo:

- I Know Why The Caged Bird Sings - Maya Angelou

- Talking With Strangers - Malcolm Gladwell

- Why this time is different - The New Yorker

Vì mỗi hành động tích cực sẽ giúp đưa ra những tác động tích cực, và điều đó sẽ giúp cho những cuộc cách mạng có thể thành công.