Đường, một cái bẫy ngọt ngào
Tôi nhớ những năm mình 26 tuổi lúc còn du học bên Úc, sự trẻ trung và đáng yêu của một cô gái châu Á đã thu hút được kha khá vệ tinh vây quanh, trong đó có một anh bạn người Indonesia đẹp trai, cao 1m85 và có gương mặt điển trai ngang Jang Dong Gun, thời trẻ. Anh rủ tôi đi ăn bánh Tiramisu ở Brunetti, cửa tiệm nổi tiếng nhất nhì Melbourne thời bấy giờ. Rồi chúng tôi cũng kịp đi xem phim với nhau một buổi nữa trước khi tôi kịp "chốt deal" với một anh chàng khác.
Điều tôi nhớ mãi về anh chàng này là câu nói “You are so sweet, being with you could make me diabetes”, dịch nôm na ra là “Em rất dễ thương và ngọt ngào, ở bên em anh có thể bị tiểu đường mất thôi!”. Câu nói “vận vào thân” và khiến tôi sẽ không bao giờ quên anh chàng này, nhất là sự kiện trong lần mang thai đầu tiên, tôi được chuẩn đoán “tiểu đường thai kỳ”. Vâng, tôi chỉ đang mở đề cho bài viết của mình thôi đó, sự ngọt ngào quá đà luôn mang theo nhiều hiểm họa!!
Lập trình của tự nhiên và đường
Từ lâu lâu lắm rồi, có lẽ là từ thời kỳ tổ tiên con người còn sống trong hang mà người ta gọi là thời kỳ ăn lông ở lỗ, đường hay các chất ngọt rất rất hiếm khi xuất hiện trong chế độ ăn. Tổ tiên chúng ta nếm trải đường chủ yếu nhờ ăn những trái cây dại trong rừng theo mùa hay may mắn lắm là bắt được một tổ ong. Nếu mọi người từng xem Tazan thì có thấy cảnh phim chú gấu nhờ Tazan đi lấy mật ong trên vách núi cao, cheo leo và cực kỳ nguy hiểm. Tazan phải nối dây rừng, đu lên vách đá và dùng cây chọc vào tổ ong cho nó rớt xuống. Và để thu được tổ ong ấy, anh chàng người rừng đã bị đàn ong đốt te tua và mấy lần suýt chết vì bị trượt tay khi bắt tổ ong.
Kể ra cảnh phim này đã minh họa rất tốt cho việc tổ tiên chúng ta ăn rất ít đường và sự khan hiếm của loại thức ăn này trong tự nhiên như thế nào. Đường khi vào cơ thể hoặc là có thể được sử dụng ngay làm năng lượng hoặc được tích trữ dưới dạng mỡ để dành cho những ngày thiếu đói. Chính vì lý do này mà tự nhiên đã thiết kế cho bộ gen tổ tiên chúng ta có một sự đam mê và yêu thích với đường, thậm chí là gây nghiện để tăng động lực tìm kiếm và ăn đường, càng nhiều càng tốt. Thèm ăn đường là một thiết kế gen vì sự tồn tại của giống loài, thật là một sáng tạo vĩ đại của mẹ tự nhiên, hen! Và con người hiện đại của chúng ta hôm nay, sống ở nhà xây, ăn đồ siêu thị nhưng vẫn giữ lại những đặc điểm di truyền này từ thời ông tổ, và, bi kịch cũng từ đó mà ra!
Và 10,000 năm sau….
Ngày nay, đường không còn hiếm hay khó kiếm tìm như thời tiền sử, đường có mặt ở mọi nơi, với giá rất rẻ và ẩn nấp trong hầu hết những thứ chúng ta ăn hàng ngày. Trái cây theo mùa, thậm chí trái cây trái mùa hay được biến đổi gen để ra quả quanh năm. Giống cũng được can thiệp để chỉ cho ra quả ngọt hoặc rất rất ngọt, thì sẽ được ưa chuộng và bán được nhiều. Chúng ta nêm đường vào đồ ăn, thức uống, ngành công nghiệp thực phẩm và giải khát luôn tìm cách đưa đường vào sản phẩm để tăng vị ngon, tăng sự ghiền của khách hàng để tăng doanh thu nhiều hơn.
Đường vốn dĩ là một thực phẩm tự nhiên nhưng ở hiện tại, với sự sẵn có và mức tiêu thụ quá nhiều thì dường như sự sắp đặt 10,000 năm trước của mẹ tự nhiên, trở nên lỗi mốt! Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành chúng ta chỉ nên đưa vào cơ thể mỗi ngày từ 6-9 muỗng cà phê đường, nhưng thực tế, chúng ta đang ăn rất nhiều, theo một khảo sát bên Mỹ gần đây cho thấy, chúng ta đang tiêu thụ trung bình tầm 23 muỗng đường/ ngày! Quá ngọt ngào cho cuộc sống của con người hiện đại, vậy thì sao?
Cuộc du hành của đường trong cơ thể
Đường từ thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có thể ở đạng phức hoặc đơn, khi vào cơ thể sẽ được bẻ nhỏ ra thành dạng đường đơn giản nhất là glucose có thể sử dụng ngay làm năng lượng cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể, nhất là với não, glucose là nguồn năng lượng ưu tiên.
Nếu chúng ta ăn vừa đủ lượng cơ thể cần, đường sẽ được sử dụng ngay và nếu có dư chút đỉnh thì cơ thể sẽ tích trữ đường ở dạng glycogen, một dạng đuờng phức cấu tạo bởi nhiều phân tử glucose để khi đường máu hạ thì có thể xuất ra sử dụng ngay. Nếu “ngăn chứa glycogen” trong gan đã đầy, lượng đường dư sẽ được gan chuyển hóa thành chất béo dự trữ tiếp trong gan.
Nếu lượng đường huyết trong máu quá cao, và thường xuyên do chúng ta nạp quá nhiều đường, một lượng lớn insulin, một loại hormone đồng hóa do tuyến tụy tiết ra sẽ càng nhiều để lùa đường dư vào tế bào và vào gan và kích thích việc tích mỡ. Lâu ngày, chúng ta béo, vì ăn quá nhiều đường! Gan nhiễm mỡ do tích trữ quá nhiều chất béo tổng hợp từ lượng đường dư làm làm chức năng gan suy giảm, nó ọc ạch mệt nhọc vì bị mỡ đè. Khi nó quá tải, gan sẽ kích thích tiết ra nhiều hơn nữa insulin để đẩy hết tụi đường dư đem giấu vào trong tế bào, tế bào no đường!
Nếu việc nạp đường liên tục diễn ra và đủ lâu, chứng kháng insulin sẽ xuất hiện, kéo theo là gan nhiễm mỡ, béo phì, tiểu đường type 2 và một loạt các rối loạn khác do sự mất cân bằng nội môi gây ra! Tiêu thụ nhiều đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây béo phì và rối loạn hormone trong cơ thể, từ lâu đã không còn là điều bàn cãi!
Điểm danh một số loại đường phổ biến
Đường cát
Phổ biến là đường kính được làm từ mía, tên khoa học là sucrose, là một dạng đường đa, cấu thành bởi một phân tử glucose và fructose.
Đường từ mật ong, trái cây ngọt
Trong thành phần có cả glucose và fructose. Trong khi đường glucose được sử dụng trực tiếp làm năng lượng bởi nhiều cơ quan trong cơ thể và làm tăng đường huyết thì fructose chỉ có gan mới xử lý và tiêu thụ được, biến nó thành đường glucose. Đường fructose không làm tăng đường huyết, không kích thích các hóc môn báo no để ngừng ăn nhưng nó kích thích sự tiết insulin và tăng sự tích mỡ ở gan cao hơn nhiều so với đường glucose. Nó thực sự là một kẻ đột nhập tài tình, cấp cao qua mắt được mọi hệ thống an ninh! Đó cũng là lý do vì sao sau một bữa no nê, chúng ta không thể ăn thêm một miếng thịt nào nữa nhưng nếu đưa một miếng xoài chin mọng, chúng ta vẫn có thể chén sạch sẽ! Đường fructose có khả năng gây hại rất nhiều nếu chúng ta nạp vào quá mức! Fructose nguy hiểm hơn glucose rất nhiều!
Hiểm họa mang tên đường!
Đường về bản chất không xấu, thậm chí là một chất quan trọng cho sự sống còn của con người vì nó cung cấp nguồn năng lượng trực tiếp cho cơ thể vận hành, vấn đề ở chỗ là chúng ta đang ăn quá nhiều đường! Liều lượng gây nên chất độc! Đường là một trong yếu tố các hàng đầu gây ra các phản ứng viêm bên trong cơ thể, gây ra leaky gut – hội chứng rò rỉ ruột, gây mất cân bằng hóc môn, là nguyên nhân sâu xa của các bệnh tự miễn, đường gây béo phì, tiểu đường, bệnh tim, gây dị ứng, ung thư, gây sâu răng, cao huyết áp và danh sách còn dài và rất dài!!
Nói về việc ăn quá nhiều đường, tiểu đường type 2 là căn bệnh được nhắc đến nhiều nhất. Chúng ta hay được nghe rằng tiểu đường là hiện tượng mất cân bằng hóc môn điều chỉnh đường huyết, cụ thể là Insulin. Đằng sau sự rối loạn hóc môn đó, nguyên nhân trực tiếp gây ra tiểu đường type 2 thì việc ăn quá nhiều đường trong một thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính, nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng tăng tiết insulin, kháng insulin và hậu quả là béo phì và tiểu đường.
Bản thân là một người từng được chuẩn đoán tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai đầu tiên, mình đã rất choáng váng và chới với vì không hiểu rõ toàn bộ bức tranh về sự mất cân bằng hocmon và thiếu hướng dẫn khoa học và chi tiết của đội ngũ y bác sĩ. Đó cũng chính là động lực để mình tự học hỏi, thay đổi chế độ ăn lối sống trong suốt hai năm và lần mang thai thứ 2 này, ở tuần thai thứ 25, cầm kết quả đường huyết bình thường trên tay, mình đã thực sự tin vào điều kỳ diệu của lối sống và dinh dưỡng đúng.
Chúng ta cần hiểu rõ về bản chất của đường, tác động của đường đến sức khỏe để vẫn có thể cùng lúc tận hưởng sự ngọt ngào của đường mà vẫn chủ động bảo vệ được sức khỏe và một cuộc sống cân bằng, lành mạnh.
Bạn có thích đường không?
Còn mình, vẫn rất yêu đường, nhưng mình ăn ít thôi!