Một góc nhìn tích cực về sự nhạy cảm | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Một góc nhìn tích cực về sự nhạy cảm

Nhạy cảm trong chừng mực, thực sự là một món quà! 

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Tôi từng là một người rất nhạy cảm và có một thời gian dài, tôi tin rằng đó là một nét tính cách tiêu cực và đáng xấu hổ vì nó làm phức tạp hóa mọi vấn đề một cách không cần thiết. Chính vì suy nghĩ đó, tôi rất hay phán xét mình và tìm mọi cách chối bỏ sự nhạy cảm bên trong, mỗi khi tôi bộc phát có những phản ứng cảm xúc thái quá với một sự việc, mà theo nhiều người, nó không có gì đáng để tâm. Trong một cuộc trò chuyện, khi ai đó nói về một chuyện gì đó, bộ não của tôi hay tự tìm cách suy diễn và nghĩ rằng họ ám chỉ mình và tôi tự ôm những suy nghĩ ấy trong lòng, rất lâu và không lúc nào yên bởi những tiếng nói bên trong, rất ồn ào. Lời khuyên mà tôi thường nghe nhiều nhất từ bạn bè là “Đừng nhạy cảm quá như thế!” không làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Ngược lại, tôi thấy mình thật tệ, thật đáng trách, đến mức cuộc sống của tôi nhiều khi trở nên ngột ngạt và bí bách. 

Sống trong một xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh, với guồng quay được lập trình và tập trung vào hiệu suất, cảm xúc và sự nhạy cảm của con người thường bị xem nhẹ và thậm chí được xem là sự thiếu chuyên nghiệp. Những con người với nét tính cách nhạy cảm sẽ không ít lần cảm thấy mình lạc lối, lẻ loi và không nơi thuộc về. Nhưng, bên cạnh các phiền toái đó, công tâm mà nói, sự nhạy cảm cũng mang lại cho những người sở hữu nét tính cách này những ưu điểm đặc biệt, đó là khả năng quan sát và đọc được cảm xúc của người khác, sự tinh tế, chú trọng vào chi tiết và bản năng trực giác. 

Tới bây giờ, tôi vẫn là một người nhạy cảm nhưng sự nhạy cảm ấy đã được điều chỉnh liều lượng, nhạy cảm trong tỉnh thức và không còn bị cuốn theo các cảm xúc hay suy diễn quá nhiều. và khi nhìn qua lăng kính tích cực, tôi thật sự thấy nhạy cảm là một thế mạnh, là một món quà quý giá, đáng để trân trọng và biết ơn.

Vậy đâu là ưu điểm của những người nhạy cảm và làm sao để kiểm soát sự nhạy cảm và biến nó thực sự trở thành ưu điểm, một món quà, cho chính mình và những người xung quanh? 

Ưu điểm 1: Người nhạy cảm có khả năng tự nhận thức rất cao 

Người nhạy cảm có xu hướng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu cảm xúc, suy nghĩ của người khác và từ đó người nhạy cảm nhận thức được lời nói và hành vi của mình có thể tác động đến người khác như thế nào. Khả năng tự nhận thức này giúp người nhạy cảm luôn quan sát và cảm nhận môi trường xung quanh và tìm cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình một cách phù hợp để tránh gây tổn thương hay phiền toái cho người khác. Đây thực sự là một ưu điểm tuyệt vời giúp người nhạy cảm có thể trở thành một người mà mọi người muốn gần gũi và yêu mến vì sự thấu đáo và tinh tế của mình. 

Ưu điểm 2: Người nhạy cảm có bản năng trực giác mạnh mẽ

Người nhạy cảm có khả năng cảm nhận những điều gì đó sắp xảy ra hoặc nhìn ra những vấn đề hay thông tin chưa rõ ràng hay còn mơ hồ. Ví dụ khi sắp làm một việc gì đó, họ có cảm giác bất an vì linh cảm chuyện gì đó không lành có thể xảy ra, trực giác đó sẽ giúp họ cân nhắc lại hành động hoặc tìm các giải pháp để giảm thiểu những chuyện không hay.

Ưu điểm 3: Người nhạy cảm có sự thấu cảm và lòng trắc ẩn

Người nhạy cảm có khả năng tự nhiên hiểu được những cảm xúc của người khác một cách sâu sắc và tinh tế hơn những người bình thường. Lòng trắc ẩn và sự thấu cảm là một trong những phẩm chất quý giá và nhân văn, có thể nó không khiến chúng ta giàu có hay thành công nhanh về mặt tiền bạc nhưng nó giúp cho chúng ta thấy cuộc sống này ý nghĩa và đáng sống hơn thông qua sự chia sẻ và thấu cảm và từ đó xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp. Theo một nghiên cứu khoa học của Đại học Havard kéo dài trong 75 năm ở những người trường thành, điều làm chúng ta thực sự hạnh phúc không phải là thành công trong sự nghiệp hay kiếm được nhiều tiền, mà chính là những mối quan hệ bền chặt và lành mạnh với những người xung quanh. Và sự thấu cảm và lòng trắc ẩn chính là một trong những yếu tố quan trọng và nền tảng để xây dựng và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc ấy. 

Ưu điểm 4: Người nhạy cảm có trí thông minh cảm xúc cao (EQ)

Những người nhạy cảm có khả năng nhất định trong việc đọc được suy nghĩ của người khác và nhận ra những cảm xúc hay suy nghĩ bên trong bản thân mình. Trí thông minh cảm xúc là một yếu tố hàng đầu quyết định sự hạnh phúc trong cuộc sống cá nhân và cả sự thành công trong sự nghiệp chuyên môn, nhất là ở ai đang những vị trí quản lý hay lãnh đạo cấp cao. Nhạy cảm với cảm xúc của người khác làm cho họ trở thành một người biết quan tâm, thấu hiểu, dễ gần, được lòng và sự ủng hộ của người khác. 

Ưu điểm 5: Người nhạy cảm biết lắng nghe tiếng nói của trái tim 

Người nhạy cảm có khả năng kết nối với con người thật và cảm xúc bên trong của chính mình. Cảm xúc với người nhạy cảm la bàn định hướng cho những mong muốn của họ trong cuộc sống và giúp họ đưa ra quyết định phù hợp nhất. Lắng nghe tiếng nói của trái tim và bản năng trực giác tốt giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp và kịp thời cho chính họ.

Nhạy cảm là một xu hướng tính cách tích cực nhưng nếu nhạy cảm quá mức cũng sẽ gây sự mệt mỏi cho cả bản thân và những mối quan hệ xung quanh, từ đó kéo năng lượng cuộc sống thấp xuống hoặc gây ra những hiểu lầm không đáng có. Chính vì thế, những người có tính cách nhạy cảm cần nhận thức và điều chỉnh sự nhạy cảm của mình để nó không trở nên quá mức, suy diễn, suy nghĩ thái quá và nghiêm trọng hóa vấn đề.

Vậy, làm thế nào để điều chỉnh cường độ của sự nhạy cảm? 

1. Không phán xét hay buộc tội bản thân

Những người nhạy cảm có rất nhiều tiếng nói bên trong và nhiều tiếng nói là những lời phán xét hay buộc tội những cảm xúc và sự nhạy cảm của chính mình, theo kiểu “Làm ơn đừng nhạy cảm như thế mà”, hay “Chuyện có gì đâu mà phải suy nghĩ quá lên như thế” hay thậm chí “ Mình nhạy cảm quá và mình thật tệ”. Và những tiếng nói này càng to khi những người nhạy cảm thường xuyên nghe những điều này từ những người xung quanh và chính bản thân họ.

Cô bạn vốn nhạy cảm của tôi cảm thấy tồi tệ và tội lỗi về bản thân khi nghe chồng bảo “Em nhạy cảm quá rồi đấy, việc chẳng có gì mà cứ làm quá lên!”, và sau đó là sự giằng xé nội tâm phân định giữa tiếng nói bên trong của cảm xúc đang kêu gào và nỗ lực phủ định, phớt lờ cái cảm xúc ấy. Có lẽ một cách tiếp cận tốt hơn đó là quan sát và ghi nhận những cảm xúc và tiếng nói bên trong của mình, hiểu được vì sao những cảm xúc đó nổi lên và cân nhắc mình nên làm gì với những tiếng nói đó thay vì phủ nhận, gạt bỏ hay cảm thấy xấu hổ. Mọi tiếng nói bên trong hay cảm xúc xuất hiện đều có lý do, ý nghĩa và thông điệp của nó cho chính chúng ta. 

2. Thực hành lòng biết ơn

Thay vì lờ đi và phủ nhận sự nhạy cảm của mình, hãy thử thay đổi góc nhìn về nó qua lăng kính của sự biết ơn bằng cách tập trung vào những điều tích cực mà sự nhạy cảm mang lại trong cuộc sống. Ví dụ, nhờ sự nhạy cảm mà chúng ta có thể cảm nhận được người thân hay bạn bè của mình đang buồn hay có vấn đề dù họ chưa nói ra để có thể chia sẻ và đưa ra dự giúp đỡ cần thiết cho họ. Từ đó, chúng ta thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn khi trao đi tình yêu và sự quan tâm cho người khác một cách phù hợp và tinh tế. Hay sự nhạy cảm giúp chúng ta kết nối với bản thân tốt hơn, biết mình thực sự muốn điều gì và từ đó định hướng hay đưa ra các quyết định phù hợp. Khi chúng ta biết ơn sự nhạy cảm qua góc nhìn tích cực thì nhiều điều tích cực từ sự nhạy cảm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong cuộc sống, bằng một cách nào đó. 

3. Tin vào thông điệp và trực giác của mình.

Những gì chúng ta cảm nhận thông qua các tiếng nói bên trong và cảm xúc của mình đều có lý do đằng sau của nó, và điều chúng ta cần làm là tìm hiểu nguyên nhân đằng sau đó là gì bằng cách lắng nghe, quan sát và ghi nhận cảm xúc. Và sau khi hiểu rõ thông điệp đằng sau của những tiếng nói bên trong ấy, chúng ta có thêm thông tin để đưa ra các quyết định phù hợp cho mình. Hãy tin vào quá trình kết nối, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của để định hướng cho bản thân. Tuy nhiên đừng hành xử xốc nổi theo những cơn cao trào cảm xúc vì nó có thể làm chúng ta hối hận về sau. Lắng nghe cảm xúc nhưng cần kết hợp với lý trí, suy nghĩ logic, tưởng tượng ra kết quả của từng hành động hay phản ứng của mình để có sự ứng xử sao cho phù hợp và chín chắn. 

4. Đặt ra những giới hạn và không sa đà vào cảm xúc

Người nhạy cảm có xu hướng nắm bắt cảm xúc và tâm trạng của người khác một cách tự nhiên và dễ dàng nhưng cũng chính điều đó làm cho họ thỉnh thoảng trở nên quá tải và mệt mỏi vì tiếp nhận và phiên giải quá nhiều thông tin. Hãy chầm chậm quan sát cảm xúc và cách mà chúng ta phản ứng lại với những tình huống trong cuộc sống và xem xét xem đó là cảm xúc và năng lượng thể hiện con người thật của mình hay là mình đang bị ảnh hưởng và chi phối bởi cảm xúc và hành vi của người khác? Nếu sự nhạy cảm của mình trở nên quá đà và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, hãy tập hít thở và quay lại hiện tại, với cảm xúc từ bên trong chính mình làm trung tâm.

Thiền và thực hành chánh niệm là một giải pháp đơn giản và hữu hiệu để giúp chúng ta tĩnh tâm và nhận diện được khi nào mình đang bị nhạy cảm quá đà hay bị ảnh hưởng bởi hành vi hay nguồn năng lượng của người khác. Và từ đó, đưa ra giới hạn cho chính mình trong việc nghe theo những tiếng nói hay cảm xúc là kết quả của sự ảnh hưởng bởi môi trường ấy. Có một điều khá phổ biến rằng cho dù chúng ta có biết cách cư xử như thế nào thì vẫn sẽ luôn có một ai đó không hoàn toàn hòa hợp với chúng ta, vì những sự khác biệt trong cuộc sống và quan điểm. Hãy chấp nhận và bình thường hóa điều đó và lựa chọn ở bên những người mang lại cho chúng ta nguồn năng lượng hay cảm xúc tích cực.  

Nhạy cảm trong chừng mực, thực sự là một món quà! 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.