Động lực để tôi đạp xe tập thể dục mỗi ngày không phải là mấy anh trai cao kều chơi bóng rổ ở đối diện nhà, mà là ông cụ non trầm ngâm, chán nản trong tiệm tranh này. Hình ảnh thu hút ánh nhìn của tôi mỗi chiều tôi đi ngang con đường, một chú chó nằm trông ra cửa. Vẻ mặt chú bình yên đến lạ. Gợi cho tôi nhớ đến hoạ sĩ Claude Monet - cha đẻ của trường phái tranh Ấn tượng.
Gustave Geffroy - một nhà phê bình nghệ thuật tiếng tăm từng nói: "Chúng ta phải nhìn thấy Monet ở Giverny thì mới hiểu được Monet, mới biết tính cách, lối sống ưa thích và bản chất sâu kín của ông." Giverny không phải là "house", mà là "home", là một tác phẩm nghệ thuật xa hoa nơi được ông thoả sức vẫy vùng trong hội hoạ, nơi ông xây dựng mái ấm cho riêng mình cùng vợ ông - nàng thơ Camille và hai con trai. Có quá phóng đại không, khi tôi nói cái xưởng tranh này làm tôi nhớ tới Giverny. Căn nhà cấp 4 nhỏ nhỏ với vòm cây và hoa phủ đầy. Nếu ở Giverny là ao hoa súng, thì ở đây ngập tràn mùi hương hoa sử quốc tử, giăng khắp mái nhà, che mất một phần cửa. Trong nhà không có nội thất gì, chỉ toàn tranh và tranh. Xưởng vẽ không có tên, tôi cũng chưa bao giờ bắt gặp bóng dáng ai nào trong căn nhà này, nên xin đoán rằng, Monet nhỏ ở đây là ông chủ.
Trong xóm có vô số chú chó khác, mỗi chiều rủ nhau chơi rượt bắt, nhưng sao chú không thèm màng tới. Cũng như Monet, không quan tâm tới bất kì sự kiện xã hội nào và cho hội hoạ là trên hết. Mặc dù không được sinh ra trong thời kì giai cấp vô sản và tư bản phân biệt rõ rệt, nhưng Monet nhỏ vẫn tự cho mình cái quyền được kiêu ngạo và xem thường những chú chó khác. Chú cho chúng là lũ trẻ con, chỉ biết nghịch ngợm, la lối om sòm khi có người qua đường. Chú điềm tĩnh và chững chạc hơn nhiều. Nghệ sĩ cơ mà. Một phần khác là vì tất cả năng lượng trong ngày, chú dùng để vẽ tranh, hơi đâu mà dành nó cho những hoạt động khác. Như Monet từng vẽ 37 bức tranh chỉ trong 2 tháng đi nghỉ dưỡng. Tôi thắc mắc rằng, ngoài yêu màu sơn, khổ vẽ, ông có để dành cảm xúc cho ai khác không?
Nhắc đến Monet, người thường nghĩ ngay tới những bức tranh như "Chim ác là", "Những cô gái trong vườn" hay "Cô gái ngồi đọc sách". Nhưng bức ám ảnh tôi nhất là bức tranh ông vẽ vợ mình - bà Camille trên giường bệnh lúc lâm chung. Tôi thực sự lặng đi một khoảng lâu khi lần đầu nhìn thấy bức tranh này. Ông phủ lên nó một màu xanh dương lạnh lẽo, u ám, xung quanh xác bà là những mảng màu đen đang ôm lấy cái chết gần kề, như níu kéo bà ở lại. Tôi nhìn, lặng đi, suy ngẫm, rồi sự tò mò chiếm lấy cảm xúc. Ông đã nghĩ gì khi vẽ bức tranh ấy? Khi vợ ông đang hấp hối trên giường, ông quyết định mang sơn ra và vẽ lại khung cảnh lúc ấy. Tôi đoán rằng, cái ông muốn giữ lại không phải là hình ảnh khi đó, mà là cảm xúc của ông, sự cô đơn, mất mát chỉ mình ông hiểu được. Đó là "sự tức thời" trong hội hoạ. Đối với tôi là đó là một cuộc chạy đua với cảm xúc. Làm sao để bắt trọn được khoảng khắc khi đó mà không để vụt mất cảm xúc thật, tất cả được thể hiện rõ nhất qua bức Camille Monet sur son lit de mort. Sau khi bà mất, ông có một người vợ hai - bà Alice. Nhưng không có gì chối cãi được, Camille là nàng thơ duy nhất của ông, là người mẫu cho tất cả những tuyệt tác vĩ đại nhất mà ông có, là mẹ của hai con trai bé bỏng của ông. Ông không thể hiện ra, nhưng khi nhìn tranh ông vẽ về bà, tôi cảm nhận được ông yêu bà hơn bất cứ thứ gì hết. Bà đi rồi, ông cô đơn lắm phải không? Có phải Monet nhỏ cũng đang như vậy không? Tôi gặp chú mỗi ngày, ngày nào cũng với vẻ mặt ấy, như đang đợi ai đó về. Hẳn là cô đơn lắm nhỉ? Một người nghệ sĩ không có nàng thơ của mình bên cạnh.
Một sự trùng hợp kì lạ nữa, cả ông và chú đều bị mù màu. Đây được coi như là thảm kịch đối với một người hoạ sĩ. Monet nhận ra thị lực của ông kém đi ở độ tuổi 82:
"Tôi nhìn thấy màu xanh da trời, nhưng tôi không thể nhìn thấy màu đỏ, không thể nhìn thấy màu vàng nữa; nó làm tôi khó chịu khủng khiếp vì tôi biết rằng những màu này tồn tại; bởi vì tôi biết rằng trên bảng màu của tôi có màu đỏ, vàng, có một màu xanh lá cây đặc biệt, một màu tím nhất định; tôi không còn nhìn thấy chúng như khi tôi đã thấy chúng ngày trước nữa, mặc dù tôi nhớ rất rõ màu sắc mà chúng mang lại."
Ở loài chó, chúng chỉ có hai loại tế bào hình nón như những người mù màu đỏ - xanh, nghĩa là chúng nhìn màu xanh lá, vàng, cam thành màu vàng nhạt; tím, xanh dương thành xanh dương và xanh làm thành màu xám. Nói hoạ sĩ bị mù màu, chẳng khác gì nói ca sĩ bị xơ dây thanh quản, hay nói vận động viên điền kinh bị liệt chân cả. Con mắt nhìn thế giới của họ khác thường, thứ làm nên bản chất nghệ sĩ trong họ. Giờ chỉ còn được nhìn thế giới quan qua một vài màu sắc nhạt nhẽo, như tước đi cần câu cơm, tước đi cả cuộc sống của người hoạ sĩ vậy.
Công bằng mà nói, ông sướng hơn chú nhiều đấy. Tranh của ông được trưng bày khắp các bảo tàng, được các thế hệ sau ngưỡng mộ, tên ông được nhắc đi nhắc lại khắp các diễn đàn về tranh. Còn chú, tranh của chú chỉ để chất đống trong xưởng, chẳng ai thèm màng tới. Nghệ thuật vị nhân sinh mà. Tôi tiếc thay cho chú thôi, một viên ngọc chưa được mài dũa, chứ chú vẽ tranh cho bản thân mình, thoả mãn cơn cuồng say nghệ thuật để bung xoả dòng cảm xúc lưu giữ bấy lâu nay.
Chú đừng buồn nữa nhé. Từ bây giờ, tôi sẽ là Camille, tôi đến xem tranh chú vẽ mỗi ngày, ngồi im hàng giờ để chú làm hội hoạ.
Chú đừng buồn nữa nhé. Từ nay chú không còn cô đơn.